LẠI CÂU CHUYỆN CHIẾM DỤNG VĂN HOÁ
Hoa hậu Siêu Quốc gia 2022 Lalela Mswane đến từ Nam Phi là một người phụ nữ da màu đã để lại bình luận khen ngợi cho bộ ảnh gần đây...
Hoa hậu Siêu Quốc gia 2022 Lalela Mswane đến từ Nam Phi là một người phụ nữ da màu đã để lại bình luận khen ngợi cho bộ ảnh gần đây của Hoa hậu H’hen Nie và Ngô Bảo Ngọc theo phong cách da màu, tóc rối. Điều đáng nói là ngay dưới bình luận đó, Hoa hậu Quận Snohomish (Mỹ) cũng là một người phụ nữ da màu lên án Hoa hậu Nam Phi đã ủng hộ một hành động chiếm dụng văn hoá, mà ở đây là blackfishing hay chiếm dụng văn hoá – đặc điểm của người da đen.
Để hiểu rõ cần xác định chiếm dụng văn hoá (cultural appropriation) có nghĩa là gì. Theo Bách khoa Britannica, chiếm dụng văn hoá là khi các cá nhân thuộc nhóm văn hoá đa số/thống trị sử dụng các đặc điểm, hình ảnh, chất liệu của nhóm văn hoá thiểu số/bị trị cho các mục đích không chính đáng và thiếu hiểu biết, đặc biệt là khi các đặc điểm, hình ảnh, chất liệu đó trong quá khứ đã từng được nhóm văn hoá đa số/thống trị sử dụng để kì thị, phân biệt đối xử đối với nhóm văn hoá thiểu số/bị trị.
Mặc dù ranh giới giữa như thế nào là chiếm dụng văn hoá và như thế nào là tôn vinh văn hoá (cultural appreciation) tương đối không rõ ràng, nhưng chắc chắn rằng điều này chỉ áp dụng đối với hành động của nhóm văn hoá đa số trong xã hội mà thôi chứ sẽ không có chiếm dụng văn hoá ngược. Nếu ở Mỹ mà một người da đen sử dụng cách trang điểm, trang phục, văn hoá của người da trắng thì không được xếp vào dạng hành vi chiếm dụng văn hoá vì trong bối cảnh này văn hoá của người da trắng là văn hoá thống trị, các giá trị của người da trắng (không phải tất cả) sẽ được coi là nền văn hoá chung.
Sau thành công của Squid Game, truyền thông Nhật Bản lên tiếng nhiều trò chơi dân gian trong bộ phim, đặc biệt là trò chơi chính – trò chơi con mực, đều có xuất xứ từ Nhật. Điều này nhiều khả năng là chính xác, tuy nhiên, kể cả như vậy đoàn làm phim Squid Game cũng không thể bị coi là đang chiếm dụng văn hoá của một nền văn hoá khác mà ở đây là Nhật Bản vì các trò chơi này được đưa vào bán đảo Triều Tiên trong thời kì Nhật đang đô hộ tại đây. Nói một cách khác, các trò chơi dân gian này được phổ biến tại bán đảo Triều Tiên với tư cách là một phần của nền văn hoá thống trị và sẽ được coi là nền văn hoá chung.
Một ví dụ khác là sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa ở Việt Nam cũng với tư cách là nền văn hoá thống trị. Vậy nên, việc Nguyễn Du sử dụng cốt truyện của tác phẩm Kim Vân Kiều để viết ra Truyện Kiều không thể coi là một hành động chiếm đoạt văn hoá. Tất nhiên đây không không thể được coi là một tác phẩm gốc nhưng vẫn là điều hoàn toàn bình thường.
Quay trở lại với bộ ảnh của Hoa hậu H’hen Nie với Ngô Bảo Ngọc, đây rõ ràng không thể bị quy vào hành động chiếm đoạt văn hoá vì văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá người da đen không có mối quan hệ đa số - thiểu số hay thống trị - bị trị. Bản thân H’hen Nie cũng là thành viên của một nhóm dân tộc thiểu số (dân tộc Ê Đê) ở Việt Nam và bản chất màu da của H’hen Nie cũng đã ngăm đen.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là bộ ảnh này nên được coi là tôn vinh văn hoá vì để như vậy cần phải trả lời được một vài câu hỏi ví dụ như: mục đích thực hiện bộ ảnh này là gì? Có phải chỉ đơn thuần là mục đích thương mại? Người thực hiện bộ ảnh có tìm hiểu nguồn gốc, có kiến thức và để credit cho nền văn hoá gốc hay không hay chỉ là chạy theo trào lưu? Bộ ảnh có cố tình sử dụng các hình ảnh khuôn mẫu hay định kiến đã từng không được xem trọng của nền văn hoá gốc hay không?
Nói chung có lẽ là không, chỉ là thấy đẹp thì làm thôi. Và việc nhuộm da để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ cũng đang trở thành xu thế nên nhiều nước đi theo. Trong tương quan văn hoá Việt Nam và thế giới thì nhiều khi chính việc nhuộm da lại đang là đặc điểm của nền văn hoá đại chúng đang chiếm đa số và chúng ta chỉ đang làm theo thôi.
Tóm lại, bộ ảnh của H’hen Nie và Ngô Bảo Ngọc có phải hành vi chiếm dụng văn hoá của người da đen cho mục đích thương mại (blackfishing) hay không thì có lẽ là không. Nhưng khi thực hiện, những người tham gia có thực sự hiểu điều mình đang làm và có đặt được nó trong tương quan với bối cảnh nền văn hóa trên thế giới có nhiều vấn đề nhạy cảm không thì có lẽ cũng là không luôn.
Rerference:
Britannica. What Is Cultural Appropriation?https://www.britannica.com/.../what-is-cultural...
Arlin Cuncic. (2022). What Is Cultural Appropriation? https://www.verywellmind.com/what-is-cultural...
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất