LADY BIRD : BỨC TÂM THƯ CỦA CÔ GÁI TUỔI MỚI LỚN DÀNH CHO NGƯỜI MẸ
Trưởng thành đó là khi chúng ta trở về với tình yêu của gia đình, trở về với tình yêu quê hương và nhận thức rõ bản thân chúng ta là ai
Lấy bối cảnh ở miền quê thơ mộng Sacramento vào những năm 2002, phim xoay quanh một thiếu nữ tuổi teen Christine McPherson ( hay biệt danh Lady bird ) đang theo học tại một trường công giáo. Ladybird có thiên hướng đam mê nghệ thuật cùng với đó là hình ảnh đậm chất “badass”. Cô có cá tính mạnh mẽ, độc lập nhưng cũng rất tự phụ, ngang bướng. Với cái biệt danh “ Lady bird “ mà cô tự đặt như một cách để khẳng định tính cách khác biệt nhằm vượt qua những kỳ vọng mà gia đình, nhà trường . Có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy quen thuộc khi nhận ra trải nghiệm tuổi trưởng thành của Lady bird rất đỗi đời thường vậy. Đơn giản là vì ai cũng từng phải trải qua một khoảng thời gian bốc đồng, sôi nổi của tuổi trẻ . Và trong khoảng thời gian đó chúng ta đều phải đối mặt với một cuộc chiến. Cuộc chiến mang tên " trưởng thành ". Đó là cuộc chiến giữa đam mê và thực tại, giữa niềm tin và định kiến, giữa cảm xúc và lý trí
Bộ phim khai thác với nhiều chủ đề như tình bạn, tuổi teen, các mối quan hệ trong gia đình. Tuy nhiên trung tâm mà bộ phim khắc họa lại là mối quan hệ giữa lady bird và mẹ của mình (bà Marion) . Ngay từ những phân cảnh đầu tiên, giữa Ladybird và mẹ có một sự đồng cảm nhất định, họ cùng nhau khóc vì cảm động sau khi nghe radio The Grapes of Wrath của John Steinbeck. Nhưng càng về sau mối quan hệ này càng hiện rõ hơn được những bất đồng, mâu thuẫn của cả hai. Mong ước được vùng vẫy của cánh chim nhỏ - Ladybird được nêu lên khi cô không còn thiết tha trong việc theo học tại một vùng quê hẻo lánh như Sacramento. Thay vào đó, nơi cô luôn mong muốn theo học lại là thành phố New York - Vùng đất mà cô có thể tìm hiểu và khám phá một nền văn hóa thịnh vượng. Tuy nhiên niềm mong ước này nhanh chóng bị phản đối gay gắt bởi chính người mẹ của cô. Bà cho rằng gia đình cô hầu như không có đủ khả năng tài chính để có thể chi trả cho cô theo học tại một ngôi trường vừa đắt tiền vừa xa xôi. Thậm chí bà còn vin vào đó để chỉ trích Lady bird rằng cô chỉ là một kẻ hợm hĩnh không biết trân trọng những gì bản thân có được. Lady bird vô cùng tức giận khi nghe những lời nói này. Cô phản ứng lại tất cả lời chỉ trích của mẹ mình bằng cách mở cửa xe và nhảy ra ngoài.
Xuyên suốt cả bộ phim, chúng ta luôn cảm thấy khó chịu trước sự cứng đầu của Lady bird . Cô ta thiếu nhạy cảm, luôn bị cảm xúc chi phối khá nhiều khi đưa ra quyết định. Có lẽ vì đang trong vòng tay bao bọc của ba mẹ nên những nhận thức của Lady bird về thế giới bên ngoài còn rất hạn chế. Và việc cô mơ mộng về một cuộc sống đầy lộng lẫy khi theo học tại những ngôi trường bên rìa phía Đông là một điều tất yếu. Lady bird thật ngây thơ. Thật vậy, sự ngây thơ của Lady bird khiến cô trao đi tình cảm đối với những chàng trai vốn dĩ đã không thuộc về mình. Tương tự, nó cũng khiến cô chẳng đủ nhạy cảm để hiểu rõ những gì mà người thân xung quanh cô đã phải trải qua. Cô dần thờ ở đến mối quan hệ hết sức thân thiết với Julie để chơi với đám bạn nhà giàu, cô không biết rằng ba cô đang vật lộn với chứng trầm cảm khi đứng trước nguy cơ bị sa thải, cô cũng chẳng biết tất cả những gánh nặng gia đình đều một mình bà Marion tự phải xoay sở . Tuy nhiên bên cạnh những khiếm khuyết mà một con người khó có thể tránh được, Lady bird là một người phụ nữ có trái tim nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn. Đó là khi cô vượt qua những tổn thương để dần trưởng thành và ý thức hơn về những sai sót. Lady bird vượt qua định kiến khi phải chứng thực bản thân trước đám học sinh nhà giàu để xin lỗi Julie về sự bất cẩn của mình, cô vượt qua những nỗi đau khi biết bạn trai của mình là người một đồng tính để an ủi cậu. Đặc biệt Lady bird dần nhận thấy được quá khứ đau thương cùng sự vất vả của mẹ mình để có thể cảm thông cho bà
Còn về phía Marion, bà là một người phụ nữ giàu tình yêu thương và nhân hậu. Dù tài chính của bà và gia đình không hề khá giả khi họ phải sống tại một khu “ wrong side of the track “ (khu nhà ủ dột , cũ kĩ gần đường ray) nhưng bà cố gắng bù đắp những thiếu thốn về mặt tài chính đó bằng tình yêu thương dành cho Ladybird cùng những đứa con nuôi của mình : Bà nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi như Miguel và Shelly, bà làm tăng ca tại một bệnh viện để có thể dành dụm tiền cho Lady bird theo học đại học và bà cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho ông Larry khi ông mắc bệnh trầm cảm. Nhưng ở khía cạnh nào đấy, bà dường như bế tắc trong việc thể hiện tình cảm với Lady bird ngay cả khi những điều tốt đẹp nhất đến với cô (khi Lady bird đỗ đại học tại New York ) . Thậm chí bất kể khi Lady bird có mắc sai sót gì, bà thường tranh thủ chớp lấy cơ hội này để đổ dồn tất cả sự thất vọng, tức giận lên con gái mình . Đó cũng là lí do tại sao Lady bird nhiều lần tự hỏi rằng mẹ có ghét cô không?
Trước câu hỏi của con gái. Sự thật đằng sau dần được ông Larry ( bố Lady bird ) hé lộ.
Có phân đoạn ông Larry đến chúc mừng sinh nhật con gái của mình.
Lady bird hỏi :” Mẹ có ghét con không ?”
Ông Larry chỉ đáp :” Cả hai người đều có cá tính mạnh mẽ “
Ông nói tiếp :”Bà ấy không biết làm sao để giúp con và điều đó làm tổn thương bà “
Có lẽ nguồn gốc dẫn đến mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Lady bird và Marion là việc chọn trường đại học. Với Lady bird, việc chọn theo học tại một ngôi trường tại New York rõ ràng là một niềm mong ước mà cô hằng có được. Chỉ có điều cô quá đắm chìm trong niềm mong ước đó mà quên rằng việc này khiến cho áp lực “ cơm áo gạo tiền ‘ đang đè nặng lên đôi vai của bố mẹ mình. Còn với Marion bà đã đúng khi khuyên rằng Lady bird nên học cách biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Nhưng bà đâu có biết rằng chính niềm mong ước đó là động lực để Lady bird có thể trưởng thành hơn trong cuộc sống. Điều nghịch lý là ở khía cạnh nào đấy họ đều đã đúng trong quan điểm của riêng mình nhưng chính vì cá tính mạnh mẽ của cả hai khiến họ chẳng thể hiểu và đồng cảm với nhau. Dù rất yêu thương nhưng dường như Lady bird và bà Marion không biết cách thể hiện được cảm xúc của riêng mình và bất cứ khi nào cả hai nói chuyện là khi đó đều bắt đầu bằng một cuộc cãi vã. Tuy nhiên càng về sau, Marion mong muốn có thể hòa giải với người con gái mình đó là khi Lady bird và bà tìm được một chiếc váy mà cô ấy yêu thích.
Mẹ cô ấy xem xét và hỏi : Liệu nó trông có quá hồng không ?
Điều này khiến Lady bird cụt hứng. Có lẽ cô mong muốn những lời khen từ mẹ của cô thay vì những nhận xét chẳng mấy liên quan
Rồi cô lại nói : “ Con chỉ ước rằng mẹ thích con thôi “
Bà Marion chỉ đáp : “ Đương nhiên là mẹ thích con rồi “
Lady bird lại gặng hỏi một lần nữa :” Mẹ có thích con chứ “
Marion dường như bối rối trước câu hỏi của Lady bird và để trấn an cô, bà đáp : “ Mẹ muốn con là phiên bản tốt nhất của chính mình “
Lady bird buồn rầu đáp : “ Vậy sẽ như thế nào nếu là phiên bản tốt nhất ạ “
Chúng ta có thể hiểu được phần nào mối quan hệ giữa hai mẹ con này. Mặc dù” tình yêu” và “thích” dường như giống nhau về phương diện tình cảm nhưng về mặt ngữ nghĩa nhưng chúng lại tách biệt với nhau hoàn toàn. Về việc “ thích” chúng ta có thể dễ dàng tìm được lý do để ta có cảm tình với một người nào đó. Tuy nhiên thì tình yêu trong bộ phim không giống như vậy. Giống như cách Marion rất yêu con gái mình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bà luôn thể hiện thứ tình cảm đó cho Lady bird thấy, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bà ngừng chỉ trích cô nếu như cô làm điều gì đó sai trái . Dù những mâu thuẫn, bất đồng giữa Lady bird và Marion khiến khán giả hiếm khi thấy được họ thể hiện tình cảm cho nhau nhưng chỉ khi Lady bird rời xa gia đình , tình yêu thương của mẹ đã thấm nhuần trong cô. Chính lời bộc bạch “ Mẹ muốn con là phiên bản tốt nhất của chính mình “ này của Marion cho thấy bà luôn thương yêu cô đến nhường nào. Có lẽ Marion thấy được một phần bản thân mình bên trong Lady bird rằng cô sẽ trở thành một người phụ nữ tuyệt vời, giàu lòng yêu thương nếu như cô luôn ưu tiên những lựa chọn cho chính bản thân mình. Cuối cùng, bà cũng hiểu ra rằng bà cũng chẳng thể áp đặt những mong muốn lên chính Lady bird .
Bất chấp những xung đột giữa hai mẹ con, chúng ta vẫn thấy đâu đó những khoảnh khắc ấm lòng . Sau khi bị Kyle chỉ coi Lady bird như thể “ friend with benefit “ nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục. Lady bird bật khóc vì đánh mất đi sự trong trắng của mình. Chứng kiến cô con gái khóc mà không rõ bất kì lí do gì, điều duy nhất mà bà có thể làm là an ủi cô. Đây là lần hiếm hoi, họ vẫn có thể tìm được sự đồng cảm cho nhau .
Có lẽ thử thách thực sự đến với hai mẹ con khi, Marion phát hiện rằng Lady bird đã lừa dối mình để có thể theo học tại một trường đại học ở New York. Lady bird hoàn toàn không hề mong đợi việc bản thân đỗ tại một trường ở New York lại lọt đến tai mẹ mình. Marion chẳng biết làm gì hơn ngoài cảm xúc thất vọng. Bà vẫn luôn biết rằng Lady bird đã đúng khi đăng ký theo học tại New York nhưng điều này đồng nghĩa với việc bà bị chính con gái mình trở mặt, đổ dồn rất nhiều áp lực tài chính lên đôi vai của bà. Sự thất vọng bao trùm Marion khiến bà chọn cách rửa bát như cách để bỏ ngoài tai tất cả những lời khóc lóc, xin lỗi của Lady bird . Thật đáng buồn thay chúng ta phải chứng kiến sự im lặng của Marion như một vết cứa vào tim Lady bird. Cô thừa nhận bản thân mình là một đứa trẻ ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác ( giống như lời chỉ trích của Marion dành cho Lady bird ngay từ đầu phim ). Và đáng buồn hơn khi cuối cùng, bà Marion chẳng thể gạt đi những cảm xúc của mình sang một bên để thấu hiểu nỗi lòng của người con gái .
Lần đầu Lady bird rời xa khỏi vòng tay của ba mẹ để theo học tại New York. Marion dường như vẫn chưa tha thứ cho những gì mà Lady bird đã làm. Bà lái xe xuống lề đường và từ chối vào bên trong sân bay để tiễn con gái chỉ vì “ tiền gửi bãi đậu xe quá đắt “. Còn Lady bird , có lẽ sau khi bị mẹ từ chối một cách phũ phàng, cô chẳng thể làm gì ngoài việc lẳng lặng vào sân bay để bắt đầu một hành trình mới của mình. Lady bird hẳn sẽ bị tổn thương sau những lời nói của mẹ mình nhưng chính Marion cũng vậy. Lần đầu một người phụ nữ nghiêm nghị, khắt khe như Marion lại có thể bộc lộ một cảm xúc bị rằng xé rõ ràng như vậy. Trên đường từ sân bay về đến nhà, sự thất vọng của Marion về Lady bird cũng chẳng thể khiến bà kìm nổi nước mắt khi chứng kiến con gái mình rời xa gia đình. Chỉ tiếc rằng trong cái khoảnh khắc quay trở lại sân bay, Marion chẳng thể nói một câu chào tạm biệt khi mà Lady bird đã bay sang một vùng đất cách xa 3000 dặm để bắt đầu cuộc hành trình mới của chính mình.
Marion đã viết những bức thư tay để xin lỗi Lady bird sau những tất cả mọi chuyện. Nhưng bằng một cách nào đó, bà lại không chọn gửi đi những bức thư đó cho con gái mình. Chỉ đến khi Ladybird vô tình tìm được những lá thư trong ba lô của mình thì mọi chuyện đã được ông Larry làm sáng tỏ. Ông đã nhặt những lá thư của bà Marion từ thùng rác và lén để chúng vào túi ba lô của Lady bird. Ông kể rằng :” Bà ấy lo sợ sẽ có lỗi hay sai lầm,hay gì đó … mà con sẽ đánh giá khả năng viết của bà “ . Rồi ông nói :” Bố muốn con biết rằng bà ấy yêu con nhiều ra sao “. Có lẽ quá khứ bị bạo hành từ chính người mẹ ruột dẫn đến những nỗi sợ bị chỉ trích khiến Marion chẳng thể gửi những bức thư cho chính con gái mình. Lady bird dần hiểu mẹ mình và dường như cô đã dần trưởng thành hơn từ đó.
ở New York, Lady bird giờ đây chỉ còn lại một mình, cô bắt đầu uống rượu như cách để vật lộn với những cảm xúc sau những gì mà cô đã trải qua. Chỉ đến khi say khướt đến bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện. Ở đó, cô chứng kiến một cậu bé bị thương ở mắt. Bên cạnh đứa bé bị tật nguyền đó là một hình ảnh đầy âu lo của một người mẹ. Hình ảnh nhắc nhở Lady bird rằng : “cô vẫn rất nhớ mẹ "
Giống như tình cảm của bà Marion dành cho cô con gái mình, tình cảm của Lady bird dành cho Sacramento cũng vậy. Cô từng chán ghét cuộc sống đầy nhàm chán ở vùng quê Sacramento, chán ghét phải sống cùng gia đình ở khu “ wrong side of the track “ , cô ấy muốn trở nên khác biệt khi học ở New York - Một mong muốn được vùng vẫy thường thấy ở bất cứ ai khi đến độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên chỉ khi cô thực sự rời xa Sacramento hàng trăm dặm, cô mới biết rằng mình yêu nơi này đến nhường nào, nơi đó vẫn luôn lưu giữ những kỉ niệm đẹp nhất của cô bên gia đình mình và bạn bè .
Cuối cùng Lady bird dần từ bỏ cái tên mà bản thân tự đặt cho mình “ Lady bird “ để bắt đầu với cái tên “ Christine “ mà bố mẹ cô đã đặt cho. Như thể để bước vào thế giới người lớn, cô buộc phải chấp nhận đánh đổi một phần Lady bird đầy sức sống - Thứ đã từng định nghĩa nên con người của cô. Bất chợt Ladybird gọi điện cho bà Marion. Cô nhận ra rằng những hiểu nhầm cùng với những cơn thịnh nộ giữa cô và mẹ mình khiến họ chẳng thể nào thể hiện tình cảm với nhau. Bộ phim kết thúc với câu nói đầy nghẹn ngào mà ấm áp của Lady bird dành cho mẹ :” I love you, thank you”.
Với câu chuyện của một cô gái tuổi teen, Lady bird đã tái hiện lại một hình ảnh nội tâm không chỉ của riêng những người phụ nữ mà bất kì ai trong chính chúng ta cũng có thể thấy bản thân mình bên trong nó. Đôi khi chúng ta đánh mất bản thân để mong muốn trở thành một người nào đó, chúng ta chẳng hề ưa với cái tên mà ba mẹ đặt cho mình và nhiều lúc chúng ta cũng chẳng thể tránh khỏi được mặc cảm về hoàn cảnh khốn khó của gia đình . Nhưng chỉ khi vỡ mộng về những ảo tưởng ban đầu chúng ta ai rồi cũng sẽ vượt qua những nỗi đau đó để trưởng thành hơn. Trưởng thành đó là khi chúng ta trở về với tình yêu của gia đình, trở về với tình yêu quê hương và nhận thức rõ bản thân chúng ta là ai
P/S : Đây là một bản nhạc như một phần thưởng khi mọi người đã đọc hết bài blog này. Hope you enjoy it .
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất