Kỳ vọng cũng giống với hy vọng nhưng cũng rất khác với hy vọng. Kỳ vọng là sự mong muốn mà chính bản thân chúng ta đã khao khát đặt ra, và đặt lên một đối tượng, một sự việc nào đó hoặc chính bản thân mình. Kỳ vọng không linh hoạt thay đổi, vì những mong muốn ban đầu đã được đóng khuôn, và chúng ta luôn nghĩ rằng, điều đó sẽ thành hiện thực, à không, phải thành hiện thực. 
Còn tại sao lại khác hy vọng, vì hy vọng là niềm tin, mang niềm tin để tạo động lực tích cực, và tất nhiên, niềm tin có thể thành hiện thực hoặc không. Bản chất kỳ vọng và hy vọng khá giống nhau nhưng ở kỳ vọng chúng ta luôn có tâm thể sự việc phải diễn ra đúng như vậy, còn với hy vọng ta cũng phần nào chuẩn bị tâm thế/bước đi khác khi sự việc đi trật đường ray.  

Kỳ vọng trong tình yêu có thể là một số những hình dung đơn cử nhẹ nhàng như sau: 
- Khi ta yêu một ai đó, ta kỳ vọng họ sẽ có những sở thích giống ta như việc tập yoga, chơi game, style âm nhạc, gu ăn mặc, gu ăn uống chẳng hạn.
- Khi ta yêu ai đó, ta kỳ vọng họ sẽ cùng chia sẻ những hoạt động của ta ví dụ như đi shopping, đi gặp bạn bè, đi ăn, đi xem phim, đi du lịch…
- Khi ta yêu ai đó, ta kỳ vọng họ sẽ luôn làm ta vui vẻ, luôn tìm cách tạo ra những bất ngờ cho ta, luôn quan tâm và chăm sóc kề cận ta và luôn yêu ta
.
Hoặc ít nhất là như vầy: 
- Khi ta yêu một ai đó, ta kỳ vọng dù họ không có sở thích giống ta nhưng phải học cách thích nó giống ta ví dụ như khi ta bàn về game hoặc bóng đá thì ta kỳ vọng người ấy cũng “hào hứng” đáp trả. 
- Khi ta yêu một ai đó, ta kỳ vọng dù họ không thích những hoạt động mà ta làm thì họ vẫn làm cùng ta nhé chỉ bởi vì đó mới là tình yêu, ví dụ như có thể họ rất bận hoặc cảm thấy lạc lõng trong đám bạn của ta (vì toàn hội chị em phụ nữ hoặc đấng mày râu, chia sẻ một sở thích/hoạt động nào đó với ta, nhưng sở thích/hoạt động ấy lại không dành cho người ấy), nhưng có sao đâu, ta vẫn kỳ vọng rằng họ sẽ hào hứng khi ta rủ người ấy đi chơi cùng đám bạn. 
- Khi ta yêu ai đó, ta luôn kỳ vọng rằng khi ta quan tâm, yêu thương họ, ta cũng sẽ nhận được điều tương tự.

Chúng ta luôn kỳ vọng những điều tốt đẹp, nhưng lại từ chối nhìn vào những cảm xúc hết sức thực tế của con người. Chúng ta từ chối hiểu rằng: sẽ cực kỳ hiếm có khó tìm ai đó có sở thích, tính cách giống ta hoàn toàn. Chúng ta là con người, và chúng ta được tạo ra để có sự khác biệt. Chúng ta có những sở thích chung, và những sở thích riêng. Và, có những sở thích mà dù ta thấy cực kỳ thú vị, nhưng đối phương lại không hề có hứng thú gì với nó. Không phải cứ làm, nghe về những điều mới sẽ khơi dậy sự hứng khởi trong tất cả mọi người đâu. Bạn thích yoga, thích thiền còn bạn trai bạn thì không quan tâm về thể loại này, bạn  thao thao bất tuyệt về chủ đề này mỗi khi ở cạnh nhau, hoặc ép anh ấy cũng tập yoga và thiền với bạn. Để rồi thứ bạn nhận về được sẽ là một sự gượng ép không thể giả trân hơn. Chỉ khi anh ấy tự cảm thấy rằng, yoga và thiền sẽ giúp anh ấy dễ ngủ hơn chẳng hạn, thì anh ấy sẽ chủ động tìm đến "chuyên gia thân cận nhất" là bạn. Còn anh ấy không hào hứng thì bạn vẫn có làm điều mình thích một mình mà không ảnh hưởng đến anh ấy và tình cảm của 2 bạn. Ngược lại, bạn trai bạn lại thích xem bóng đá, bạn thì không vì bạn chẳng thấy điều gì hấp dẫn khi một quả bóng mà một đống con người bu lại. Bạn cũng không cần gượng ép bản thân ngồi xem cùng, và trò chuyện về bóng đá với anh ấy chỉ để tạo cảm giác kết nối ảo, bạn hoàn toàn có thể trải thảm tập yoga trong lúc anh ấy thưởng thức bộ môn yêu thích của mình. Những cảm giác kết nối ảo sẽ dần tạo nên những suy nghĩ khúc mắc, không chắc chắn về sự hòa hợp vốn có trong mối quan hệ, liệu mình có yêu sai người khi mình không thật sự cảm thấy thoải mái khi ở cạnh nhau? Thì đúng thôi, bạn đang làm điều bạn thấy không có ích, cũng chẳng hứng thú gì cả mà. Sự “khúc mắc” này vô tình che khuất đi những sự hòa hợp thực sự của 2 bạn vì con người có xu hướng nghĩ nhiều hơn về những điều tiêu cực. Bạn và người ấy có thể có cùng sở thích như du lịch, ăn uống, nấu ăn, hay các chủ đề về góc nhìn và phát triển bản thân làm cả 2 cuốn hút, tại sao không trao đổi và cùng nhau làm những điều này, để thực sự cảm thấy thoải mái, thoải mái để cảm xúc bạn được trải nghiệm những cung bậc rất thật của tình yêu: vui, buồn, hờn giận, yêu thương, gắn kết thông qua những tranh luận, những chia sẻ. Chia sẻ điểm chung và tôn trọng điểm riêng biệt là một điều quan trọng hơn cả để có thể cảm thấy thoải mái trong mọi mối quan hệ hơn là kỳ vọng quá nhiều thứ. 
Trong tình yêu, đừng cố kỳ vọng tìm kiếm sự hoàn hảo, hãy tìm kiếm sự trưởng thành và cùng nhau phát triển.