Tôi thuộc thế hệ những đứa trẻ được sinh ra trong mười năm cuối cùng của thế kỉ 20. Như nhiều đứa trẻ quanh mình hồi ấy, tôi lớn lên giữa tương đối yên bình trong một thị xã nhỏ – nơi cất giữ ký ức thơ ấu của tôi bên gia đình. Những ký ức gắn liền với cuộc sống đời thường bình dị.
Một trong những kỷ niệm giữa tôi và bố mình có liên quan đến một con thỏ trắng. Vào một ngày mùa thu năm tôi học tiểu học, bố mang về nhà hai con thỏ mua từ chợ phiên bán thú cảnh mà bố từng kể với tôi vào một buổi tối trước giờ đi ngủ. Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy loài thỏ. Hai con thỏ, một con trắng muốt, một con lông khoang trắng-đen đang ở trước mặt tôi, làm quen với mái nhà mới của chúng – một góc trong khoảng sân phơi quần áo ở cuối tầng hai nhà tôi.
Tôi nhè nhẹ vuốt ve lũ thỏ. Bộ lông chúng thật mềm mại, thân nhiệt âm ấm, chiếc mũi hồng ươn ướt, cặp tai dài và thon như lá non. Đến bây giờ, trong trí nhớ của tôi, chúng vẫn là những sinh vật đẹp đẽ và kỳ diệu, là món quà vô cùng dễ thương và sinh động và tôi từng được nhận khi còn là một đứa trẻ. Tôi muốn ngắm nhìn và chơi cùng chúng mãi, nếu không phải đi ngủ để hôm sau còn tới trường.
Ngày hôm sau, vừa tỉnh dậy, tôi háo hức chạy về phía chuồng thỏ thì bắt gặp bố đang từ phía sân phơi đi vào. Bằng giọng khá bối rối, bố thông báo với tôi rằng con thỏ trắng đã chết. Ở góc sân phơi, trong chiếc chuồng nhỏ, con thỏ trắng mới hôm qua còn phập phồng, ấm áp là thế, nay nằm im lìm như một nắm tuyết lạnh lẽo.
Suốt sáng hôm đó, ngồi trong lớp học, tôi cứ nuôi hy vọng, dù thật mong manh, rằng khi tôi trở về nhà vào buổi trưa, con thỏ trắng đã thức giấc, nhìn tôi bằng cặp mắt to tròn như thủy tinh. Thỏ chỉ bị ốm và ngủ một giấc hơi dài thôi, tôi muốn tin là như thế. Nhưng con thỏ không bao giờ tỉnh lại nữa, nó nằm gọn ghẽ trong những lớp giấy báo mà bố tôi quấn vào. Lần đầu tiên, tôi lờ mờ hiểu thế nào là cái chết.
Khoảng 5 giờ chiều, bố rủ tôi cùng đi chôn con thỏ trắng ở bãi đất trống gần nhà. Đến giờ tôi vẫn có thể hình dung chiều hôm ấy, từ bầu trời trong xanh, không khí trong lành của một ngày thu, đến cảm giác lạ lùng khi tôi theo sau bố đi chôn con thỏ trắng, sự mơ hồ, buồn bã về điều đã mất đi không thể quay lại được, và cả những khả năng đã có thể xảy ra nếu chúng tôi làm điều gì đó khác đi một chút. Sau khi đặt con thỏ nằm lại một cái hố nhỏ tự đào và lấp lại, bố và tôi trở về nhà, cả hai đều im lặng, không nói gì về chuyện vừa diễn ra. Một ngày thu, tôi và bố chia nhau cái chết của con thỏ trắng. Không ai biết tại sao nó lại chết, từ khi nào cái chết đã ngấm vào bên dưới bộ lông mượt mà của nó. Ngày hôm ấy tôi có rất nhiều câu hỏi, và đến giờ phần lớn trong số ấy vẫn chưa có lời đáp.
*
Một ký ức khác về bố lại gắn với vài bức ảnh cũ. Cách đây vài năm, gia đình tôi đổi bộ bàn ghế và tủ trong phòng khách, có rất nhiều đồ đạc phải dọn dẹp trước khi nội thất mới chuyển về. Khi bố tôi đang lấy hàng xấp tài liệu, vật dụng của bố từ trong chiếc tủ lâu năm và xếp đầy trên sàn nhà, tôi vô tình trông thấy vài bức ảnh nằm lọt thỏm trong đống giấy tờ bừa bộn. Những bức hình hẳn đã được chớp lại từ một góc quá khứ xa thẳm, ghi lại khoảnh khắc bố tôi, khi ấy vẫn là một chàng trai trẻ sống ở vùng nông thôn, đang đứng giữa những hàng cây xanh, nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh bằng ánh mắt vẫn chứa nhiều sự hồn nhiên với cuộc đời. Những bức ảnh hơi ngả vàng với phần bề mặt đã có phần xước xát, cất giữ một phần quá khứ của bố mà tôi chưa từng biết tới.
Vốn tò mò, tôi rất muốn cầm ảnh lên xem, nhưng bố tôi đã nhanh chóng cất chúng lại, với thái độ như đang vạch rõ đường biên giới giữa người khác với vùng ký ức riêng tư của bố. Tôi không rõ nếu lúc đó tôi hỏi bố về thời điểm những bức ảnh được chụp, có những ai trong đó, thì bố có cho tôi câu trả lời không. Tuy nhiên, tôi cũng không quá ngạc nhiên trước cách phản ứng của bố. Khác với mẹ tôi, từ trước đến nay bố hầu như không bao giờ chia sẻ cởi mở với tôi về quá khứ, họ hàng hay những mối quan hệ bạn bè của bố, giữa tôi và bố cũng có một khoảng cách khiến cho tôi rất khó mở lời để hỏi. Mỗi khi tôi hình dung về cuộc đời bố, luôn có một phần đời rõ ràng hơn với những sự kiện mà tôi biết nhiều hơn: Rời quê nhà lên thị xã làm việc sau khi tốt nghiệp cấp 3, trở thành công nhân một nhà máy hóa chất, gặp gỡ và cưới mẹ tôi năm 26 tuổi, trở thành ông bố của hai đứa con. Phần đời còn lại trước năm bố 18 tuổi luôn có một lớp sương mù phủ lấy.
*
Bố tôi là con của một liệt sĩ. Ông nội tôi mất năm 1970 ở chiến trường miền Nam. Khi ấy ông 37 tuổi. Bà nội không đi bước nữa, một mình nuôi các con trưởng thành. Bố tôi là con út trong nhà, trên bố có một anh trai và một chị gái.
Gần nhà ông bà nội tôi có một ngôi chùa khá cổ kính và rộng rãi. Mỗi khi về thăm quê nội vào dịp Tết, tôi thường cùng bố mẹ ghé thăm ngôi chùa đó. Cả nhà bước đi trên con đường làng khô ráo, lướt qua cánh đồng lúa xanh ngắt, tiến về phía sân chùa thoảng mùi hương trầm trong không khí lành lạnh của buổi sáng ngày đầu năm mới. Cùng với việc cầu nguyện trước các vị thánh thần, bố mẹ tôi còn thắp hương ở bàn thờ những người lính đã tử trận trong các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương. Tên của ông nội tôi cũng nằm trên bàn thờ ấy.
Những cái tên, những con số, những bức hình chân dung đen trắng mang trong mình một phần quá khứ xa thẳm. Có lần, tôi nhìn vào một tấm ảnh thờ ngẫu nhiên và nhẩm tính số tuổi của người trong đó dựa trên thông tin về năm sinh, năm mất và biết được liệt sĩ này hy sinh năm 20 tuổi. Anh ta đã không thể trở về quê nhà để ngắm màu xanh dịu mát của cánh đồng lúa hay tản bộ trên con đường làng, và sống cho đến khi trở thành một ông cụ có làn da đồi mồi cùng mái tóc bạc phơ. Tôi không rõ liệu gia đình anh có câu chuyện tưởng tượng nào về ngày anh trở về giống như gia đình tôi hay không.  
Hồi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng bố lại kể về một vị khách. Vào một ngày bất ngờ, bố nói, một vị khách không hẹn trước sẽ xuất hiện trước cửa nhà tôi, khoác áo choàng đen, đầu đội mũ phớt, tay xách theo chiếc va li đầy bí ẩn. Bên bậc thềm nhà, người đàn ông bí ẩn bỏ mũ xuống và giới thiệu bản thân, khi ấy tôi sẽ biết được đó chính là ông nội mình – người vừa trở về sau bao năm làm công tác bí mật.
Suốt năm tháng ấu thơ, tôi đã tin vào sự tồn tại của vị khách lạ lùng ấy. Có lúc tôi còn phác hoạ trong đầu cảnh ông thực sự gõ cửa nhà tôi, vẻ mặt sửng sốt của tất cả mọi người khi ông lên tiếng và sự hồi hộp của tôi khi ông mở va li chứa đầy quà tặng, trong đó hẳn sẽ có những món đồ chơi đẹp đẽ mà tôi thích. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông nội chứa đầy vẻ hiếu kỳ, huyền ảo, chờ đợi và hy vọng, như thể cuộc chiến khốc liệt năm xưa chưa từng cướp đi người thân nào của gia đình tôi mà chỉ tạm giấu ông đi đâu đó, và thời gian nhất định sẽ đưa ông trở về.
Khi tôi lớn hơn, phép màu trong câu chuyện tuổi thơ dần lùi xa, cũng là lúc những mảnh ký ức về ông lại từ từ, ngẫu nhiên tìm đến, như những giọt mưa khẽ khàng chạm vào lòng bàn tay tôi. Một ngày, có người họ hàng nói rằng chị họ tôi (con gái của anh trai bố tôi) trông rất giống ông nội. Một ngày, mẹ tôi kể lại, theo lời của những người già trong dòng họ, rằng ông nội tôi là người có tâm hồn bay bổng, yêu văn nghệ, thường hay đàn hát với cây đàn guitar. Một ngày khác, vào dịp Tết tôi về quê chơi, một bà cụ với trí nhớ không còn minh mẫn đột nhiên nhìn tôi bằng ánh mắt tỉnh táo lạ thường, cất giọng run run hồi tưởng về lời ông nội tôi từng nói với bà vào lúc chia tay gia đình để ra chiến trận. “Em đi không biết bao giờ mới trở về, anh chị chăm sóc bố mẹ giúp em!”, bà thuật lại lời ông nội tôi, ký ức xa xôi bừng lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, rồi bà lại nhanh chóng trở về trạng thái mơ hồ như lúc trước. Những mảnh ký ức về ông nội tìm đến ký ức của tôi, gõ cửa bước vào và ngồi lại mãi trong đó.
Ngày bố tôi chào đời, ông nội vẫn ở trên mặt trận. Ngày ông nội qua đời, bố mới chỉ là đứa trẻ 4 tuổi, chưa một lần được gặp mặt cha mình. Ngay cả một bức ảnh để lại của ông nội cũng không có, với bố tôi dáng hình người cha vĩnh viễn là nét phác thảo trong tưởng tượng, hư ảo và mịt mờ.
Với đứa trẻ được lớn lên dưới mái nhà đủ đầy cả cha mẹ, không mấy thiếu thốn về vật chất như tôi, thật khó để hình dung hết cách biệt lớn lao giữa thời thơ ấu của tôi và bố. Khi tôi 9 tuổi, chiến tranh đã qua đi, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, loài người đã đặt chân lên Mặt Trăng vài lần và tiếp tục mơ về sao Hỏa cùng những hành tinh khác, máy tính và Internet bắt đầu trở nên phổ biến, tôi luôn có sách, truyện để đọc mải miết, và tivi màu để xem hoạt hình và những chương trình khám phá thế giới. Ở một dòng thời gian khác, vào thập niên 1970, bố tôi khi ấy vẫn là một cậu bé, tay xách cặp sờn chỉ tưởng như sắp bung ra tới nơi, chân rảo bước trên đường đất, băng qua những cánh đồng, những bụi tre làng để kịp giờ đi học. Tuổi lên mười, tôi biết được cảm giác buồn bã và hụt hẫng khi thú nuôi chết đi. Khi bố bằng tuổi tôi lúc đó, cha của bố đã tử trận và không bao giờ quay về nữa.
Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, bố tôi lớn lên với người mẹ cùng anh trai, chị gái, chiến tranh rồi cũng chấm dứt, bố tạm biệt ngôi nhà tuổi thơ, xóm thôn, những bụi tre và cánh đồng, sống cuộc đời của một người trưởng thành. Dù bố chưa từng nói ra, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác rằng sự kiện mất cha và tuổi thơ thiếu bóng cha đã âm thầm tạo ra vết thương trong tâm hồn ông. Một vết thương vô hình dưới những tầng cảm xúc sâu thẳm nhất.
Có lần, trong một dịp dọn nhà, tôi bắt gặp một chiếc cặp đựng tài liệu. Tôi mở cặp ra, mong tìm được thứ gì đó thú vị như ảnh chụp, hay cuốn sổ lưu bút thời đi học của bố mẹ tôi, nhưng chỉ thấy toàn giấy tờ và con chữ. Rất nhiều trong số đó là những bức thư – hay chính xác hơn là những lời hồi đáp cho số thư gửi đi trước đó từ bố tôi. Trong cặp còn có những mẩu tin đăng báo trên nền giấy ngả vàng. Suốt nhiều năm qua, bố tôi đã liên tục gửi đi từng mẩu tin và lá thư, và mọi câu trả lời tìm đến nhà tôi đều có cùng một nội dung: Không tìm thấy thông tin chính xác về nơi chôn cất hài cốt của ông nội tôi.
Những câu trả lời khơi dậy một nỗi thất vọng không cách nào che giấu nổi, như cảm giác của một người chạy trong cơn mưa, chạy, chạy mãi mà không thấy nổi một nơi trú ẩn cho riêng mình. Cuộc tìm kiếm một người cha chưa từng gặp gỡ hay biết mặt, điều gì đã thôi thúc bố tôi suốt hành trình ấy? Vì nguyện vọng của gia đình, vì tâm thức muốn đem người thân về nơi an nghỉ cuối cùng, hay cũng là để chữa lành phần nào vết thương tinh thần thuở nhỏ? Vào khoảnh khắc cầm trên tay chiếc cặp, lần đầu tôi cảm nhận được sức nặng từ quá khứ, cùng nỗi bất hạnh mà chiến tranh vẫn cứa vào số phận con người.
*
Khi tôi lớn hơn, mối quan hệ giữa tôi và bố trở nên khá căng thẳng, với quan điểm sống khác biệt và rất khó để trò chuyện mà không tranh cãi. Không chỉ với tôi, giữa bố và mẹ cũng bất hòa liên miên. Dường như trong cơ chế hoạt động cảm xúc của bố tôi tồn tại yếu tố nào đó ngăn cản ông bộc lộ bản thân một cách cởi mở, chân thành và bao dung với người khác. Thay vào đó lại là những cơn giận dữ triền miên cùng bầu không khí nặng nề, u uất bao phủ căn nhà.
Trải nghiệm thời thơ ấu góp phần định hình cuộc đời mỗi người. Nghĩ về năm tháng lớn lên cùng bố, tôi chợt nghĩ đến bố lúc ở tuổi tôi. Bố đã sống trong môi trường nào, đã trải qua những gì, mọi người xung quanh đã đối xử với ông ra sao? Bố tôi có từng cảm thấy những gì tôi đã cảm thấy khi ở cạnh ông không? Tôi biết rất ít để trả lời những câu hỏi này.
Tôi chỉ biết về thời niên thiếu của bố qua lời kể hiếm hoi từ chính ông hay người khác. Cũng giống như ông nội, bố tôi mê ca hát và thường hay tham gia sinh hoạt văn nghệ ở trường lớp, xóm thôn. Nhiều năm sau khi bố đã tốt nghiệp, cô giáo của bố vẫn còn nhớ về hình ảnh cậu học trò mặc áo trắng từng đứng trên sân khấu năm nào. Thời đi học, bố còn thích văn chương và phim ảnh. Vào đêm tối ở thôn quê, khi ánh điện ở nhà vẫn còn là một giấc mơ xa vời, ông cùng bạn bè băng qua bóng tối đậm đặc, đi dưới ánh trăng, sao trời và lời rì rầm từ những rặng cây xào xạc để đến xem buổi chiếu bóng ở một doanh trại. Sau này, trên đường về quê, qua doanh trại ấy, ông đều nhắc đến kỷ niệm ngày xưa. Trong đời mỗi người đều có ít nhiều kiểu ký ức như thế – chúng riêng tư, bé nhỏ, lấp lánh như ánh lửa, sưởi ấm chúng ta bền bỉ dẫu cho trái tim, thân xác ta ngày càng trở nên héo úa.
Đến giờ, dù đã nghỉ hưu, bố tôi vẫn yêu thích nghệ thuật, vẫn thường nghe âm nhạc truyền thống, vẫn thích ngồi xem phim. Cả nhà tôi từng cùng xem “Bao giờ cho đến tháng Mười” – một bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh về số phận con người trong chiến tranh. Tôi và bố từ lâu đã ít trò chuyện với nhau, chỉ có bộ phim đen trắng là thứ duy nhất kết nối chúng tôi khi ấy. Bố tôi nhận ra bộ phim ông đã từng xem, và vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện của người phụ nữ mới hay tin chồng tử nạn trên chiến trường. Trên phim, phiên chợ âm dương diễn ra trong bầu không khí thật kỳ ảo, như một giấc mơ tươi đẹp khi những người đã mất bỗng chốc quay trở lại dương gian, đi đứng, trò chuyện với những người thân yêu đang còn sống.
Trên màn ảnh, người góa phụ gặp lại người chồng đã mất và nghe anh dặn dò: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc.” Ở ngoài màn ảnh, bố tôi không nói câu gì hay bình luận trước cảnh quay như bình thường bố vẫn làm. Đến đoạn cậu bé được đồng đội của bố báo tin bố cậu đã hy sinh, cậu nhìn người lính ấy và hỏi: “Thế tại sao chú còn sống?” thì bố tôi lặng đi, hình như còn đưa tay lên quệt mắt.
Tại sao chú còn sống, mà bố cháu lại mãi mãi không trở về? – Làm sao để trả lời câu hỏi này của cậu bé trong phim, và của bao người con các liệt sĩ ngoài đời thực? Dường như trong phút chốc, bố tôi – người đàn ông đã ngoài 50 tuổi, tóc đã điểm bạc, bỗng thấy lại một phần của mình trong bóng dáng bé con ngơ ngác chạy trên cánh đồng.
Tôi chợt nhớ đến vị khách bí ẩn năm nào, liệu bố tôi đã được ai đó kể lại rồi truyền cho tôi, hay chính phần trẻ thơ trong ông đã tạo nên câu chuyện ấy? Dù là ai chăng nữa, câu chuyện hẳn đã được tạo tác từ ý niệm trong trẻo, từ khao khát đoàn tụ vượt qua cả sự trì níu của hiện thực để mà bay lên, hóa thành cơn mơ dịu dàng như mây trắng. Có lẽ bố tôi từ nhỏ đã tìm thấy ở nghệ thuật một nơi để nương náu, nơi cái đẹp, cái thiện chắp cho ông đôi cánh vượt lên đói nghèo, tủi cực, và bầu bạn cùng ông qua bao thăng trầm. Bố tôi là con trai của một người lính, chiến tranh đã tác động sâu sắc đến đời ông, và ông đã từng bước xoay sở với số phận để tạo lập cuộc sống theo cách của riêng mình – đó là những gì tôi biết về bố.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ về không khí lúng túng khi bố cố nói với tôi về cái chết của con thỏ và chúng tôi mang nó đi chôn cất. Cái chết không phải là điều dễ giải thích hay bàn luận, mà thường chỉ có thể cảm nhận, dẫu với trẻ em hay người lớn. Những ký ức kiểu đó đã đi cùng tôi tới giờ, như sợi dây nối tôi với quá khứ. Giữa con người là hàng bao mối dây ký ức phức tạp, đan xen, và ta cứ tiến về phía trước với mạng lưới dây bám trên lưng mình. Ký ức thì thầm với chúng ta về sự ngẫu nhiên, bất định của kiếp người, về lịch sử và lựa chọn, về những gì đã có và đã mất. Còn chúng ta mãi là những nhánh cây sinh trưởng trên mảnh đất thời đại, đón nắng, mưa và gió từ cuộc đời.
Việt Anh
Ảnh: Pexels.com