Kỳ thị chủng tộc có nghĩa gì với người Việt?
Vào mùa hè năm 2020, nước Mỹ chìm trong biển lửa phẫn nộ vì cái chết oan ức của anh/ông George Floyd, một người đàn ông Mỹ da Đen,...
Vào mùa hè năm 2020, nước Mỹ đã chìm trong biển lửa phẫn nộ vì cái chết oan ức của anh/ông George Floyd, một người đàn ông Mỹ da Đen, bị ghì cổ tới chết một cách rất thản nhiên bởi một cảnh sát da trắng. Trong những phút cuối cùng, chú George hổn hển kêu "tôi không thở được!” và “mẹ ơi, mẹ ơi, con tiêu rồi..." mặc dù biết bà đã chết cách đây 2 năm. Có lẽ, chú cũng biết chắc rằng mình sẽ chết. Là người da đen trong xã hội Mỹ đã là một bản án chết oan rồi, chẳng có gì ngạc nhiên cả. Kỳ thị chủng tộc với sự bạo hành của cảnh sát chỉ gây ngạc nhiên vì nó đang được quay phim, và sau đó, tung lên mạng xã hội thôi. Đây là bản chất thật của nước Mỹ. Những người da màu, và nhất là người da đen, bị áp bức đã biết rõ từ lâu.
Đối với những người da đỏ bản địa, nước Mỹ ngày trước đã là một xã hội thuộc địa (colonial), và cho tới nay, vẫn còn là một xã hội thuộc địa. Mỹ là một xã hội thuộc địa của những thực dân xâm lấn (settler colonialism)—một hệ thống quyền lực mà ở đó thực dân xâm lấn đến địa bàn của những người bản địa để dần dần thay thế người bản địa đó với người của họ. Ở Mỹ, điều này dựa trên sự cướp giật đất đai và diệt chủng của người da đỏ. Và sở dĩ nước Mỹ giàu và có thể trở thành một cường quốc là vì sự lao động "miễn phí" của người da đen--những người bị cướp khỏi Châu Phi và bị nô lệ hóa vào năm 1619. Những tội ác này có thể xảy ra là nhờ vào sự kỳ thị chủng tộc—niềm tin rằng một chủng tộc siêu việt hơn các chủng tộc khác. Đây là nền tảng cho việc phân biệt đối xử với những người từ chủng tộc được cho là "kém" hơn—không những trong tâm trí, trong các mối quan hệ, mà còn trong việc điều hành các cấu trúc xã hội để áp bức họ một cách có hệ thống.
Một biểu hiện cụ thể của phân biệt chủng tộc là niềm tin vào sự thượng đẳng của người da trắng, đối lại là niềm tin vào sự hạ đẳng của người da màu. Vì người da màu được tin là chưa tiến hóa hoàn toàn, không thể sử dụng lý trí, nên cần người da trắng bảo vệ và khai trí. Nhưng trong thực tế, đây là một biện minh cho sự thống trị tuyệt đối trong chính trị, văn hóa, kinh tế và địa lý của người da trắng. Và những ví dụ thì đã quá rõ trong lịch sử đô hộ của người da trắng mà người Việt chúng ta cũng là nạn nhân trong 100 năm. Sự "tự do" và "phát triển" bên Mỹ của những người da trắng tầng lớp trung và thượng lưu luôn cần sự tù đày và đàn áp của những người da màu, nhất là người da đen và da đỏ. Điều đó đã là sự thật và vẫn là sự thật trong năm 2020.
Sự kiện giết người man rợ này không xảy ra một cách biệt lập. Nó xảy ra không phải vì bốn người cảnh sát này không có tình người hơn những người cảnh sát khác. Nó xảy ra vì sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống đối với người da đen, và đây là nền tảng cơ bản nhất của nước Mỹ. Sự hình thành của hệ thống cảnh sát ở miền Nam nước Mỹ trong năm 1704 được tạo ra với mục đích để "bảo vệ chế độ nô lệ." [1] Vì nhiều người da đen bị nô lệ hóa đã bỏ trốn hoặc có những cuộc nổi dậy, người Mỹ trắng đã tạo ra một lực lượng cảnh sát để kìm hãm sự bùng nổ của chế độ nô lệ này. Một trong những công việc chính của lực lượng cảnh sát ngày đó là đi tìm bắt lại những nô lệ đã bỏ trốn và dập tắt những làn sóng chống lại chủ nô lệ. Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, chức năng của hệ thống cảnh sát là tiếp tục giám sát người da màu và duy trì hệ thống phân chia chủng tộc. Nhìn chung, hệ thống cảnh sát được tạo ra với mục đích để để bảo vệ "an toàn" cho những người Mỹ trắng ở tầng lớp trung và thượng lưu khỏi những người được coi là "nguy hiểm" qua lăng kính kỳ thị chủng tộc—người da màu (nhất là da đen), người nghèo và người thuộc giai cấp hạ lưu.
Từ năm 2013 và 2019, cảnh sát Mỹ đã giết chết 7,666 người. [2] Trong 7 năm đó, trung bình mỗi ngày có 3 người dân chết vì bị cảnh sát giết. Con số này lớn hơn 6951 người lính Mỹ đã chết trong chiến tranh ở Afghanistan và Iraq từ 2001 tới 2018. [3] Mặc dù người Mỹ đen chỉ chiếm 13% nước Mỹ, nhưng chiếm đến 25% những người đã chết vì bị cảnh sát giết (1945 người chết.) Nhìn chung, họ có nhiều rủi ro bị cảnh sát giết hơn những người màu da khác. Và nếu đọc tới đây bạn có suy nghĩ là người Mỹ đen bị giết nhiều hơn là tại họ bạo động hơn hoặc gây mất trật tự hơn—đó chính là suy nghĩ kỳ thị chủng tộc. Và sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống này không buông tha các tổ chức và cơ quan xã hội khác ngoài lực lượng cảnh sát. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 này, sự kỳ thị chủng tộc trong hệ thống y tế và kinh tế đã giết chết hơn 20,000 người Mỹ đen trong số 100,000 người Mỹ đã chết. [4] Người Mỹ đen đã và đang chết gấp ba lần tốc độ chết của người da trắng, không phải chỉ vì Covid-19, mà còn là vì sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống.
Trong bối cảnh đầy bi thương và bức xúc này, những người biểu tình khắp nước Mỹ đã bùng nổ. Họ đã chờ đợi quá lâu cho công lý rồi. Cho nên đừng nhìn những người biểu tình kia mà đánh giá và lên án khi chưa hiểu được hết những nỗi khổ, niềm đau, sự bức xúc và oan ức dồn nén của họ trong mấy trăm năm qua. Và cũng đừng dùng từ "bạo động" để lên án họ. Họ chưa hề bạo động với cảnh sát như cái sự khủng bố có hệ thống của cảnh sát nói riêng và nước Mỹ nói chung đã làm với họ trong mấy trăm năm qua. Trên thực tế vào những ngày qua, ít nhất 2 người dân đã chết và rất nhiều bị thương vì bị đánh, bắn, và xịt hơi cay bởi cảnh sát.
Những điều này có dính líu gì với người Việt chúng ta?
Đọc tới đây chắc bạn sẽ nghĩ: "bên Mỹ kỳ thị chủng tộc ghê quá ha!” Nếu đỉnh điểm của kỳ thị chủng tộc là tàn sát và diệt chủng, thì người Kinh chúng ta cũng không thoát khỏi những tội lỗi này đâu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói rằng nghiệp của toàn dân mình nặng lắm—"trong quá khứ đã thôn tính cả dân tộc Chăm, chiếm một phần lớn đất Campuchia." Đừng nhìn xa quá qua Mỹ mà tưởng lầm chúng ta không phải là thủ phạm của kỳ thị chủng tộc.
Vào năm 1470, triều đình Đại Việt đã tiến vào kinh đô của Chăm Pa là Vijaya và tàn sát 60,000 người Chăm và bắt 30,000 người làm tù nhân. [5] Với mục đích mở rộng lãnh thổ, Đại Việt đã tiếp tục ban hành những chính sách mang tính diệt chủng (genocidal policies) với người Chăm vào những năm sau đó—hành hình tất cả những người Chăm đã bị bắt giữ, cấm không cho người Kinh cưới người Chăm, và bắt người Chăm phải theo phong tục tập quán của người Kinh. Tới bây giờ thì đất nước Chăm Pa đã không còn và bị thôn tính hoàn toàn bởi Đại Việt, và bây giờ là miền Trung và miền Nam của Việt Nam. Theo thống kê hiện giờ chỉ còn khoảng 161,729 người Chăm đang cư trú ở Việt Nam.
Nếu chúng ta đã từng bị đô hộ, thì chúng ta cũng đã và đang đô hộ những nhóm người khác (mặc dù hình thức có thể khác so với chế độ thực dân của Tây Phương). Đối với người Chăm và người Campuchia, Việt Nam là một xã hội thuộc địa của thực dân người Kinh. Những thành phố, thị xã chúng ta yêu quý và coi là nhà đã từng thuộc về những người khác. Lãnh thổ của họ đã bị tổ tiên ta cướp đi không thương tiếc. Sự sống và lối sống của người Chăm đã bị chúng ta tàn phá một cách dã man.
Và vì đâu mà chúng ta có thể cho phép mình đi chiếm đất và tàn sát một dân tộc khác?
Nhà sử học David Chandler đã từng nói "người Việt không hề giấu diếm sự khinh thường của họ với văn hóa Campuchia. Cách sống của người Việt, lấy từ người Trung Quốc…nhấn mạnh họ là một chủng tộc siêu việt hơn, và người Khmer, như những người ngoài, là 'man rợ' (barbarians)" Đó, kỳ thị chủng tộc không đâu xa vời đâu. Nó nằm ngay trong tiềm thức của chúng ta, và trong những suy nghĩ đơn giản hằng ngày của chúng ta.
Tôi nhớ một lần cậu tôi nói "Con H'Hen Niê là hoa hậu vậy chứ cũng chẳng có đại gia nào thèm đâu.” Ẩn trong sự tuyên bố này là niềm tin người dân tộc thiểu số không bằng người kinh, cho dù họ có thành công cách mấy đi nữa. Trong tiềm thức của nhiều người trong chúng ta là niềm tin người Kinh siêu việt hơn những dân tộc thiểu số, và sự tôn thờ người da trắng như là chủng tộc đẹp, văn minh và tiến bộ nhất. Ta cũng có những định kiến mang tính kỳ như người Campuchia lười biếng, người Ấn Độ hôi hám, hoặc người da Đen bạo lực, v.v. Những suy nghĩ tưởng chừng như vô hại này là khởi điểm cũng như nền tảng cho việc cướp bóc, tàn sát, và diệt chủng một nhóm người khác. Vì khi ta bắt đầu tin ta "hơn" một ai đó, thì ta sẽ tin mình "xứng đáng" hơn họ, và "có quyền" hơn họ. Và giờ đây, chúng ta đang là thực dân người Kinh trong một xã hội thuộc địa với nhiều quyền lợi hơn những người dân tộc thiểu số. Dưới lăng kính của kỳ thị chủng tộc, những tội ác chúng ta gây ra là lẽ tự nhiên, và vì vậy không cần phải thừa nhận, sửa đổi và chuộc lỗi. Nếu những niềm tin mang tính kỳ thị này không được chuyển hóa sâu trong tiềm thức, thì lịch sử sẽ lặp lại.
Kỳ thị chủng tộc không phải là chỉ là vấn đề của người da trắng, hoặc da đen. Nó cũng không phải là vấn đề của riêng nước Mỹ. Kỳ thị chủng tộc là vấn đề chung mang tính toàn cầu của tất cả chúng ta. Tôi có nó, và bạn cũng có nó. James Baldwin đã từng nói “không phải tất mọi thứ sẽ thay đổi khi được đối diện, nhưng sẽ chẳng có gì được thay đổi cho tới khi chúng ta đối diện nó.” Đây là cộng nghiệp của chúng ta.
Chúng ta phải chống lại kỳ thị chủng tộc, vì chúng ta đã từng là nạn nhân bị đàn áp và bóc lột của chế độ kỳ thị chủng tộc của thực dân Pháp, nên chúng ta có trách nhiệm để đứng lên với những người anh em còn đang bị bóc lột của mình. Chúng ta phải lên án sự kỳ thị chủng tộc đang làm tắt thở người Mỹ đen, vì họ là ân nhân của cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ. Họ đã đấu tranh cho nhiều thuyền nhân năm xưa được nhập cư vào Mỹ. Và cuối cùng, chúng ta phải đối diện với kỳ thị chủng tộc, vì chúng ta cũng là thủ phạm của nó, vậy nên chúng ta có trách nhiệm với những cộng đồng đã và đang bị người Việt dân tộc Kinh áp bức.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ và công lý phải đồng hành với cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc. Chúng ta phải gọi tên, chống lại và đối diện sự kỳ thị chủng tộc đang giết chết người da màu (nhất là da đen) từng ngày ở Mỹ, đang đè nén những người dân tộc thiểu số trong lãnh thổ Việt Nam, và đang làm héo tàn lòng trắc ẩn trong tâm chúng ta.
______________________________________________________________
Nguồn:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất