Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Lần nào về nhà, mình cũng phải đọc lại mấy cái ghi chú cần thiết. Đây cũng là một điều nữa mình học được qua năm tháng, đó là: khi hoàn cảnh, điều kiện bên ngoài thay đổi, cần phải tự nhắc mình về những thứ quan trọng nhất ở hoàn cảnh mới, vì khi đó, rất dễ để những thay đổi bên ngoài khiến tâm trí bận rộn và vì vậy mà đôi lúc quên đi, hay vô ý, trong những ứng xử hay hành động của bản thân.
Có lẽ bạn sẽ bất ngờ, khi điểm lưu ý đầu tiên lại là: cần phải thực sự cẩn trọng trong cách ăn nói chuyện trò với ba mẹ. Vì là người nhà, cha mẹ mình mà, nên thường khi ta lại rất dễ vô tâm, thiếu cẩn thận, để rồi sau này lại phải hối hận. Mình vẫn nhớ như in đợt mình về nhà mấy năm trước, trong bữa ăn, vì một hiểu lầm rất rất nhỏ, mà mình vô tình hơi to tiếng với mẹ. Đó là tình huống mà thực ra mình đang quan tâm đến mẹ, nhưng vì mẹ hiểu lầm nên lấy tay gạt tay mình ra trong khi mình đang cầm bát canh, và vì vậy tí nữa thì đổ toang ra mâm. Khi ấy, có lẽ vì cái tiết nắng nóng buổi trưa, cộng với mình đang tập trung vào việc cầm bát canh, vv. các thứ, nên dù vẫn có chút tự chủ và cố kiềm chế, nhưng mình cũng đã hơi to tiếng với mẹ, dù chỉ một chút thôi. Nhưng có thế thì mình mới khắc cốt ghi tâm được là người già dễ tủi thân đến mức nào, khi mẹ chẳng nói chẳng rằng cả bữa ăn, rồi sau đó còn khóc cả buổi chiều, rồi thì giận dỗi quay ra xưng “anh - tôi”, rồi thì ấm ức kể lể các kiểu, và thậm chí, nếu không phải tối hôm ấy mình vứt bỏ hết cái tôi mà mở lời xin lỗi mẹ (dù mình không sai. Và lúc đấy mình mới hiểu là khi mình nghĩ mình không sai thì việc mở lời xin lỗi nó khó đến thế nào!), thì chắc mẹ đêm ấy sẽ còn mất ngủ. Và bạn đủ hiểu người già mà sau một đêm mất ngủ sẽ dễ suy sụp ốm yếu đến thế nào rồi đấy.
Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ. May mà lúc ấy ít ra còn tự nhủ được: dù có đánh đổi bất cứ thứ gì để mẹ được ngủ ngon giấc mình cũng làm. Vậy nên mới gạt được cái tôi đi mà mở lời xin lỗi mẹ.
Vậy nên, giờ mỗi lần về nhà mình đều phải tự nhắc bản thân, để mỗi lời ăn, tiếng nói với ba mẹ cần phải cẩn trọng hơn gấp đôi. Vì:
Người già cực kỳ dễ tủi thân, ngay cả với những điều nhỏ nhặt nhất.
Andy chiêm nghiệm :|
Điểm thứ hai là phải tìm mọi cách giảm thiểu ảnh hưởng của công nghệ. Nói mà ngượng, về nhà, thế quái nào mà điện thoại mình cả ngày cùng lắm chỉ tít tít - báo thức quên không tắt - hay họa hoằn lắm mới có cái noti whatsapp/messenger, thì điện thoại ba mẹ lại tít tít liên hồi, zalo các thứ loạn lên. Xong, cảm giác sau bữa cơm ngồi nghỉ ngơi, mà mỗi người cắm mặt vào một cái màn hình thu nhỏ riêng, sao mình cứ thấy nó cứ đáng sợ thế nào ấy.
Với lại, chả hiểu sao, giờ già rồi ba lại đâm mê mấy cái trò Pikachu với bóp bóng trong điện thoại, cứ rảnh ra phút nào là lại bật lên chơi. Mà cái trò Pikachu, cứ qua hết cửa này đến cửa khác, rồi lúc ngẩng mặt lên chợt thấy một tiếng hai tiếng trôi đi lúc nào chẳng hay. Và thực sự nó rất hại. Mình nhớ đợt mình hơn 20 mà nhiều hôm chơi pikachu xong lúc tắt đi đứng dậy mắt mờ cả đi, người thì uể oải chẳng làm được gì cả. Giờ chẳng biết phải khuyên can ba sao đây :(
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Nhưng, có lẽ điểm đặc biệt nhất khi về nhà, đó là những câu chuyện mình được nghe, khi các bác các dì qua nhà chơi buôn chuyện. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời, một số phận, làm giàu thêm cho cái vốn sống vốn quá nhỏ bé ít ỏi này.
_ Có bà bác, chồng đi gái, nhẫn tâm bỏ bà với 4 người con nheo nhóc ở nhà. Mọi người kể nhớ cái ngày ấy sao mà bác khổ đến thế, cái khổ mà có lẽ những người thời bây giờ khó mà thấm hết được. Sáng sớm tinh mơ những ngày đông miền bắc rét căm căm, mấy mẹ con phải ra đồng bắt con cua con ốc đi bán kiếm cái ăn. Ngày hỏi được tông tích con d~ cướp chồng người khác ấy, cậu con cả ức quá mới rình lúc ả đi qua đường làng, lao ra đẩy cả người với xe xuống ruộng. Thế là đùng đùng ông bố về nhà đánh cậu một trận thừa sống thiếu chết, bóp cổ cậu đến gần như tắt thở, người nhà phải gọi cấp cứu và cậu nằm viện đến 15 ngày.
_ Rồi thì câu chuyện về người chú, mà mình thực sự phải dùng từ: người trời. Ai đời bố mẹ còn sống sờ sờ, mà chú lên phường chạy làm giấy tờ sổ đỏ nhà cửa tên chú. Rồi khi về nhà, bị bố mẹ mắng cho, chú đánh hai ông bà đến nỗi hàng xóm phải gọi công an xã vào can ngăn giải quyết. Rồi chú có mấy người con, may mắn là dù giờ phải bươn trải xa nhà, nhưng cũng công ăn việc làm ổn định, vợ con đàng hoàng. Vậy mà năm nào cũng bị chú gọi về quê để … trả nợ, lúc thì 10 triệu, lúc thì mấy chục triệu, dai dẳng như cái ách chẳng thể nào dứt ra được. Nhìn cậu con cúi gằm mặt mỗi lần các bà các bác hỏi đến bố mà buồn.
_ Rồi thì cô em họ xa có bà mẹ chồng … hết nước chấm. Bố chồng là thuyền trưởng tàu biển hay sao ấy, tiền như nước ... biển, mỗi lần về là cứ mấy trăm triệu hay cả tỷ như chơi. Bà có của ăn của để không hết, mở tiệc linh đình luôn. Vậy mà với cậu con trai mới lập gia đình, lại ở những năm đầu sự nghiệp của nó, bà tuyên bố xanh rờn: ba mẹ bao năm nay nuôi nấng mày, giờ mày phải có trách nhiệm phụng dưỡng ba mẹ. Vậy là cậu con mỗi tháng phải trích lương đưa mẹ, rồi nghe đâu tết nhất phải biếu bà những 10 triệu mà vẫn bị chê ít (mình nghe xong chỉ biết quay ra nhìn mẹ mình cái, lẩm bẩm một mình: Con xin cám ơn mẹ!!!)
_ Và nghe tin buồn về một người bác mình thực sự, thực sự kính trọng và ngưỡng mộ mới mất. Nhớ ngày còn ở Hải Phòng bác hay sang nhà mình chơi (lúc ấy bác đã ngoài 70 mà vẫn vớt tạ ngực 35 40 cân một bên, thật khiến thằng cháu béo ú yếu xìu lúc ấy phải hổ thẹn mà). Vợ bác mất sớm. Mẹ mình kể sau này bác cũng có qua lại với một hai cô, nhưng cô nào cũng đến với bác với một điều kiện rõ ràng là sau này bác mất thì cái nhà phải để lại cho người ta. Bác thương con, nên từ chối, và vì vậy mà cứ một thân một mình hơn chục năm đến lúc qua đời.
Những mẩu chuyện nho nhỏ, đời thường ấy, chẳng hiểu sao lại khiến mình phải suy nghĩ nhiều như thế. Có lẽ vì bản thân mình cảm thấy nghe chúng không phải chỉ để biết, mà còn là để chúng định hình cách mình muốn sống và đối xử với những người xung quanh.
Nhiều khi rảnh ngồi ngẫm lại, những câu hỏi như:
Người chồng bỏ vợ con ấy, nếu ông ấy nhìn thấy cảnh 5 mẹ con đói khổ đến như vậy, thì liệu có vì cái sướng khoái thú vật ấy mà dứt tình được hay không?
Hay:
Nếu đặt mình vào hoàn cảnh người bác mới mất ấy, liệu mình có đủ lý trí để nghĩ về con nhiều như thế, để bỏ đi cái hạnh phúc có người bên cạnh bầu bạn lúc cuối đời hay không?

Còn tiếp

A Dreamer