Trong vòng chục năm qua. Bất chấp sự rối bời của nền kinh tế ở thời đại hậu khủng hoảng tài chính 2008 hay những biến động lớn từ các sự kiện chính trị, văn hóa đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Toàn cầu. Có một lĩnh vực mà quy mô doanh thu của nó luôn tăng trưởng đều đặn từ 20-30% mỗi năm, thậm chí kể từ thời điểm trị thường di động bùng nổ kéo theo là khởi nguyên của cuộc cách mạng của ứng dụng di động vào năm 2012, mức tăng trưởng này còn được đẩy mạnh lên 50-100% mỗi năm tùy vào quy mô từng quốc gia. Đó là Game online.
Chưa bao giờ mà việc tiếp cận các ứng dụng giải trí lại nhanh gọn và đơn giản như bây giờ. Game là một ứng dụng đặc biệt. Chúng ta có thể khám phá cả một Thế giới rộng lớn của trí tưởng tượng trong đó, có thể trở thành một nhân dạng mà ta chưa từng dám trở thành, có thể thỏa sức làm những việc mà ta không dám làm ở ngoài kia. Được tự do thể hiện một con người thực hơn chính ta ở ngoài đời thực.
GH Truyền Kỳ - Con game tôi đang vận hành. Kỳ sau sẽ có một bài viết về ẻm
Chỉ là… bạn biết đến đấy, chẳng có điều gì dễ chịu như vậy mà lại miễn phí cả. Và người làm game hiểu rõ điều này. Người làm game không ngừng khai thác nhu cầu của bạn, để sáng tạo, phát triển những Thế giới rộng lớn hơn, chất lượng hơn, nhằm hướng đến mục tiêu tối thượng là túi tiền của bạn.
“ĐM lũ hút máu!” là một câu cảm thán thường thấy của anh em game thủ trên mạng. Câu nói không ám chỉ lũ sinh vật lâu la như con muỗi, con đĩa,… hay bọn ma-cà-rồng đáng sợ trong truyền thuyết. Đó là một danh hiệu cao quý mà giới game thủ dành tặng các nhà phát hành game như lời tri ân cho những phụng sự của họ đối với những ham muốn của xã hội.
Ngành công nghiệp Game là một quy trình tập hợp nhiều công đoạn, xảy ra xuyên suốt và kết nối lẫn nhau: từ công đoạn đầu tiên là lên ý tưởng cho một sản phẩm game đến công đoạn cuối là kiếm tiền từ ý tưởng đó. Sản phẩm game được phân thành 2 loại chính: Game offline và Game online. Mỗi loại sản phẩm lại có một quy trình khác nhau, nhưng về cơ bản quy trình của Game offline là đơn giản hơn, nó khá giống với việc kinh doanh sản phẩm truyền thống: phát triển một sản phẩm, đưa nó lên kệ hàng (một cổng phát hành game, như steam, garena, google play,..), đặt một mức giá hợp lý để khách hàng chi ra tải nó về. Đó là các bước cơ bản, tất nhiên sẽ có thêm nhiều bước con khác nữa (marketing, promotion, hậu đãi,…) nhưng ở mức độ bài viết dạng nhập môn này, tôi sẽ không đi sâu vào các bước con đó vì nó thuộc về phạm trù chuyên môn.
Game online là một môi trường phức tạp hơn với việc bổ sung một số công đoạn đặc biệt. Khi bạn đưa một sản phẩm Game offline lên kệ và người ta tải nó về, đó có thể là đích cuối. Nhưng với Game online, đó là điểm bắt đầu. Với Game offline, bạn là bá chủ của cái Thế giới mà chỉ có mình bạn trong đó (trừ chế độ onLan). Với Game online, khi tích hợp hệ thống internet và mỗi server có sức chứa hàng ngàn user, bạn sẽ được hòa mình vào một Thế giới thu nhỏ mà trong đó cũng có muôn vàn người chơi giống bạn.
Thế giới đó gồm hàng tá loại người, với nhiều phe phái, tư tưởng khác nhau. Thế giới đó còn có cả một nền kinh tế thu nhỏ, cả một hệ thống luật pháp, và bất kì thứ gì mà trí tưởng tượng của chúng ta có thể nghĩ ra. Và cái Thế giới ấy được thao túng bởi những bàn tay vô hình của những kẻ tạo ra nó, duy trì tính ổn định và phát triển thêm những hệ giá trị mới để những cư dân trong đó luôn cảm thấy thỏa mãn. Sự thỏa mãn này tập trung vào 4 nhóm nhu cầu cơ bản: Sự khám phá, Tính kết nối, Ham muốn chinh phục và Tính bạo lực. Sẽ phải có những người có khả năng đảm bảo cái Thế giới đó vận hành theo đúng kế hoạch đã đề ra ban đầu khi tạo ra nó. Ngành công nghiệp Game gọi những kẻ đó là những nhà Vận hành game, và thuật ngữ Vận Hành Game ra đời từ đây.
Thông qua series này, tôi sẽ mô tả cho các bạn bức tranh tổng quan nhất trong góc nhìn của tôi về Vận Hành Game. Bức tranh sẽ là sự tổng hòa của rất nhiều gam màu trong cuộc sống mà chính tôi trước đó còn không thể ngờ tới. Xuất thân từ một ngành kĩ thuật nên chưa bao giờ tôi nghĩ việc làm game lại mang đến cho tôi nhiều bài học về con người và xã hội đến như vậy.
Mời các bạn đón đọc các kỳ sau.