25/06 của 5 năm trước hay của hôm nay đều là ngày nói lời tạm biệt. Chỉ khác, lời chia tay trường đại học năm ấy rộn ràng với những bó hoa và lời chúc mừng từ bạn bè, người thân. Mình hào hứng với cánh cửa mới sắp mở ra trước mắt.

5 năm sau cũng là lời chia tay, kết thúc bằng một chữ ký trên hợp đồng, kèm những lời chúc chặng đường tới thành công. Nhưng người rời đi đã không còn hồn nhiên như mấy năm về trước. Có nhiều thứ để cân nhắc hơn và vì thế lặng lẽ hơn.
Kỷ niệm 5 năm tốt nghiệp. Cậu bạn thời sinh viên bình luận trong một bức ảnh cũ: “Mới đó mà giờ các bạn đã có con gần hết.”
5 năm sau khi ra trường, ước có thể tụ họp cùng nhóm bạn thời sinh viên. Cùng nhau uống vài ba lon bia lạnh và nhắc về ngày cũ. Đã là chuyện khó hơn cả lên trời. Đứa nay đã có chồng, có con nhỏ, đứa bận rộn công việc, chưa kể mỗi người một phương.
Gần đầy, mình tình cờ đọc được tâm sự của một cô bé lớp 12 trên báo, “Mẹ bắt thi kinh tế dù tôi yêu hội họa”.  Cô bé kể năm nay thi đại học và quyết định chọn một trong bốn ngành thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện –  mảng đồ họa, thiết kế thời trang hoặc kiến trúc. Nhưng mẹ cô không ủng hộ. Mẹ cô cho rằng, bốn ngành đó khó kiếm tiền. Nếu đến một lúc nào xã hội bỗng cần và nghề bỗng hái ra tiền đi chăng nữa cũng không đến lượt em. “ Dù mày đậu thì ra đời cũng thất nghiệp. Đừng ở đó mơ mộng xa vời. Trong bài viết có đoạn “Mẹ bảo tôi nếu học đại học thì phải chọn những ngành kinh tế hoặc công nghệ. Vì xã hội luôn cần và có cơ hội kiếm tiền.”
Mình vô cùng ngạc nhiên khi đọc bài viết ấy. Đây chính xác là những lời mình nghe từ nhiều người khi chọn trường năm xưa. Điều khiến mình bất ngờ hơn, sau mười năm, những suy nghĩ ấy vẫn tồn tại.
Đoạn tiếp theo, cô bé tâm sự:
“Nhiều khi tôi cũng lo lắng vì không quen biết ai làm trong bốn ngành mình chọn có thể nhờ cậy xin việc sau này. Tương lai tôi sẽ là một cô gái ổn định hay chết đói nếu chạy theo quyết định của mình mà không nghe theo lời mẹ?”
Mười năm trước mình cũng từng băn khoăn như cô bé kể trên. Hồi mình theo học ngành tài chính, ngân hàng lúc đó đi xuống. Nhiều người bảo học ngành này chỉ có nước thất nghiệp. Không nghe thấy báo đài ra rả sao, nhiều bạn tốt nghiệp đại học phải đi làm công nhân, trong số đó có cả thạc sĩ đấy. Nên mỗi lần ai hỏi đang học gì, mình ngại phải nói ra. Sợ cái cảm giác là kẻ đi sai đường trong mắt người khác.
Sau 5 năm, mình đã kiểm chứng tất thảy điều năm xưa chưa đủ trải nghiệm để nhìn thấu. Dù những bước đầu tiên của một đứa sinh viên mới ra trường có chút khó khăn. Nhưng sau khi tốt nghiệp, chưa có bạn bè nào của mình còn ngồi nhà, trừ khi tự nguyện. Không ai tài giỏi thật sự lại thất nghiệp. Chẳng ai có năng lực lại không thể tự đứng trên đôi chân của mình. Bạn biết đấy, khi nói hai từ “tài giỏi”, nó không đơn thuần chỉ “giỏi” hay “xuất sắc” trên tấm bằng đại học.
Thật may dưới phần bình luận, đại đa số độc giả khuyên cô bé hãy theo đuổi ước mơ của mình. Chuyện cô bé có đủ tài năng không còn chưa nói đến. Điều đó sẽ thể hiện trên bài thi và phụ thuộc vào những nỗ lực không ngừng nghỉ sau này của em. Quan trọng, em ấy biết mình thích gì và không thích gì. Nếu đặt nhầm chỗ, bốn năm đại học coi như lãng phí. Nếu không thử tự mình cố gắng, mỗi lần nghĩ về ngày cũ, trong em chỉ có nuối tiếc mà thôi.
Buổi tối ngồi nói chuyện với mẹ:
– Mẹ à, con ra trường 5 năm rồi đấy.
– Ừ, 5 năm mà chưa có gì cả. Người ta chồng con cả rồi kìa.
Chắc bởi chẳng có gì trong tay như lời mẹ, nên sau 5 năm mình mới đủ dũng khí tạm dừng để nhìn lại chặng đường đã qua. Nửa năm không nghĩ đến chuyện tìm việc. Mình cho bản thân nửa năm để thử một lần phát triển trang blog cá nhân, theo đuổi công việc viết lách tự do, 
Đúng cái lúc muốn bắt đầu ấy mình trở nên hoài nghi bản thân. Mình lại quay về là cô gái 18 tuổi đầy lo sợ của chục năm trước. Liệu mình đủ khả năng không. Mình có thể sống bằng nghề này chứ?
Ngay giây phút ngồi gõ những dòng này, mình yếu đuối đến độ chẳng biết có thể kiên trì đến cùng không. Chẳng biết trong 6 tháng là bao nhiêu lần nhen nhóm ý định từ bỏ. Nhưng mình làm gì còn nhiều lần 6 tháng để làm lại. Tự nhắc nhở vậy mới đủ làm mình thức tỉnh.
Mấy ngày trước mình tình cờ nhìn thấy một nhánh cỏ bốn lá trong vườn nhà. Bạn biết không, trong 10,000 chiếc cỏ ba lá mới tìm thấy một chiếc bốn lá. Cỏ bốn lá là biểu tượng của sự may mắn. Khi tình cờ phát hiện nhánh cỏ ấy, mình đã nghĩ, có lẽ thế giới muốn nhắn nhủ điều gì chăng. Rằng mình đã đi đúng hướng rồi, chỉ cần tiếp tục nỗ lực.
Hy vọng 5 năm sau, khi ngồi viết về hành trình 10 năm, mình vẫn là mình của hôm nay. Tình cờ nhìn thấy một nhành cỏ khác thường có thể ngốc nghếch tin rằng sớm thôi, may mắn sẽ ào tới. Có thể vì một chuyện bé tí teo như thế mà vui vẻ thêm nhiều ngày khác. Chắt chiu từng niềm vui bé mọn, trang trải những lúc bế tắc, bấp bênh nhất.
Một lời nhắn đến mình của hiện tại. Đã không quyết định bước thì thôi. Đã muốn tiến về phía trước thì hãy thử tin tưởng vào bản thân. Yes, I can!