Là người cũng học IT, mình không phủ nhận lợi ích to lớn từ Internet, nhất là trong việc học tập và giải trí. Nhưng suốt quá trình học tập gần 2 năm Đại học và cả trong cuộc sống, nhất là khi có được laptop, được tiếp xúc với Internet nhiều hơn, mình đang cảm thấy mình đang mất dần sự sáng tạo, khả năng suy nghĩ của mình.

Mình đã tiêu thụ thông tin như thế nào ?


Mình rất thích đọc sách, phải nói là chủ đề nào mình cũng đọc. Ngày xưa khi ở quê, mình vẫn hay lên nhà sách mỗi tối để được đọc sách free. Lên đến Đại học, mình thường xuyên lên thư viện tìm sách. 80% kiến thức dường như mình không sử dụng.
Vào Đại học, tiếp xúc các trang mạng xã hội nhiều hơn , cái buổi hội thảo gắn liến với “thành công” đầy rẫy nơi thành phố, những bài viết về những quyển sách nên đọc cho tuổi trẻ. Mình bắt đầu lướt facebook, trang tin tức, rồi tới blog cá nhân, Quora, Medium, quá nhiều thông tin lẫn hữu ích và vô ích. Mọi thứ càng ngày trở nên tồi tệ hơn, đa phần các hoạt động của mình đều trở nên thụ động. Những hiểu biết của mình dường là những kiến thức “hời hợt” được thu thập trên mạng và qua sách vở.
Một câu nói có thể mô tả chính xác thực tại của mình !
“Người đọc sách nhiều mà thiếu động não sẽ dẫn đến thói quen lười suy nghĩ.” — Albert Einstein
Ngay thời trung học, mình rất ít có khả năng kiếm được thông tin, kiến thức. Chỉ tập trung việc học, và niềm thích thú của mình lúc đó là môn Toán. Những bài toán khó, nó khiến mình cả đêm phải suy nghĩ, tìm cách giải và khi bí, mình lại đi hỏi thầy hoặc nhà sách để tìm hướng dẫn hay ý tưởng. Những chủ đề về Lịch sử, Địa lí được thảo luận trên lớp, mình liên tục suy nghĩ, đưa tay phát biểu ý kiến. Trong đầu mình luôn có những câu hỏi.

Và bây giờ

Mình đọc hàng tá sách với hi vọng sẽ giúp bản thân phát triển, tăng hiệu suất làm việc, học tập. Nhưng mọi thứ vẫn vậy.
Gặp một vấn đề về lập trình, thuật toán, thay vì dành nhiều thời gian để suy nghĩ, mình nhanh chóng tìm kiếm câu trả lời trên google, stackoverflow.
Mọi vấn đề trong cuộc sống, thay vì nhìn lại, suy nghĩ và tự cảm nhận, mình nhanh chóng tìm các lời khuyên, những bình luận trên mạng xã hội, những bài blog chia sẻ của các blogger và làm theo một cách mù quáng.
Lang thang trên mạng từ đường link này đến đường link khác. Có thể nó giúp mình giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng thật sự mình không thể hiểu được, thấm thía được những gì đã đọc, đã học.

Một vài cách giúp mình tránh né tiếp thu thông tin thụ động

Trước tiên, áp dụng quy luật 80/20. Chỉ có 20% những gì được viết trong một quyển sách, một bài blog chứa 80% những điều quan trọng. Mình hạn chế “đầu vào thông tin” của mình. Đọc nhiều, học nhiều nhưng không thực hành thì coi như kiến thức bỏ đi. Đối với những quyển sách, bài viết mang tính học thuật thì quy luật này vô cùng hữu ích. (Riêng sách văn học thì hãy thưởng thức).
Chi kiểm tra 2 mạng xã hội, thông tin, hay tin tức 2 lần mỗi ngày. Dồn tất cả bài blog, những gì muốn đọc vào Pocket, sẽ đọc vào ngày chủ nhật.Hãy tìm những từ khóa quan trọng để đọc.
Khi gặp một vấn đề, hãy học cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề trước khi tìm kiếm trên mạng. Bạn sẽ lòng mà tránh khỏi sự thông mình của facebook, google với những đường link gợi ý khiến chúng ta click, click và click không có điểm dừng.
Phát thảo ra giấy mọi ý tưởng, ý nghĩ để giải quyết vấn đề. Nếu thực sự cần tìm kiếm, hay ghi nó ra và luôn nhớ rõ chỉ có một số ít thông tin hữu ích đem lại kết quả.
Rèn luyện não bộ mỗi ngày. Thức dậy mỗi sáng, viết ra 10 ý tưởng mà mình nghĩ ra. Dù là một ý tưởng điên khùng, dở hơi hay xàm xí để nhất. Đây là một bài tập mà mình thấy hữu ích nhất do James Altucher giới thiệu.
Muốn có ý tưởng viết blog, muốn xây dựng một ứng dụng, muốn viết một quyển sách, muốn cải thiện sức khỏe, muốn giải quyết vấn đề của quốc gia. Bất kì câu hỏi nào trong đầu, hãy dùng nó để định hướng 10 ý tưởng của mình để giải quyết vấn đề. (Nếu áp dụng 80/20, thì thật sự sẽ có 2 ý tương có giá trị).
Đó là những ý tưởng mình dùng để thay đổi sự lười biếng, thụ động của bản thân mình sắp tới. Và việc viết blog, cũng chính là sách giúp mình suy nghĩ, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Quan trọng hơn hết, hãy biết cân bằng trong việc tiêu thụ thông tin, vì thông tin có giá trị sẽ cho mình những ý tưởng hay.