Bài viết được lược dịch và trích lấy nội dung từ một bài viết khác trên StackOverflow Blog: “How writing can advance your career as a developer” của tác giả Karl Hughes
“Những kỹ sư phần mềm khi mới vào nghề, họ dành đến 30% thời gian trong ngày dùng cho việc viết lách. Còn những Kỹ sư làm công tác quản lý cấp trung, họ viết hết 50% đến 70% thời gian trong ngày. Cũng con số đó, đối với những người làm quản lý cấp cao là 70% đến 95%” - Jon Leydens viết trên trang The Writing Engineer.
Có một sự thật là Kỹ năng Viết là một kỹ năng hết sức quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp của một Kỹ sư phần mềm, và đặc biệt quan trọng khi anh ta là một Leader.
Vậy rốt cuộc một Kỹ sư phần mềm – Lập trình viên ngoài phải viết code thì còn phải viết gì nữa? Thứ nhất, đó là … Đơn xin việc (nói cho hiện đại theo Shark Hưng thì phải là “đơn ứng tuyển”). Đó là điều dĩ nhiên phải làm nếu bạn muốn có được một công việc thực tập sinh hoặc fresher khi vừa mới ra trường. Thứ hai, là viết Blog, tuy cái này không phải là thứ bắt buộc, nhưng đó lại là thứ nhiều khi sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng trước khi bạn kịp gửi CV tới nơi. Thứ ba, viết document, khi bạn là một fresher hoặc junior, bạn phải viết comment làm sao để cho người trong team bạn đọc và hiểu đoạn code bạn viết nên nó đang làm cái gì; và khi bạn là một team leader, hoặc CTO, nhiều khả năng bạn sẽ phải viết một cuốn “Hướng dẫn sử dụng” cho những người không có kiến thức gì về công nghệ, để họ có thể sử dụng phần mềm mà không cần có  bạn ở bên hướng dẫn.
Vâng, khi một lập trình viên càng nắm giữ vị trí cao trong một công ty phần mềm thì anh ta càng cần phải viết nhiều. Dầu biết rằng, so với việc cải thiện viết lách, thì việc học một ngôn ngữ, hay framework mới lại khiến các lập trình viên hứng thú hơn. Nhưng trong sự nghiệp của một Lập trình viên, thì kỹ năng viết đóng vai trò quan trọng hơn hết thảy.

1. Việc viết lách giúp bạn củng cố tri thức

Việc bồi dưỡng kiến thức thường xuyên là hết sức quan trọng. Cuộc khảo sát gần nhất của Stackoverflow cho thấy, 70% các lập trình viên được khảo sát thường xuyên học hỏi một công nghệ mới sau mỗi vài tháng, hoặc một năm. Và trong mọi quá trình học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, vai trò của việc viết lách luôn được đề cao. Khi bạn viết, bạn vừa truyền đạt kiến thức của mình cho người khác, đồng thời cũng củng cố kiến thức của chính mình.
Viết code giải quyết vấn đề là một chuyện, diễn giải nó cho các lập trình viên khác cùng hiểu lại là chuyện khác. Nếu bạn không thể truyền dạy lại cho người khác kiến thức của mình, điều đó cũng có nghĩa là bạn chưa thực sự làm chủ kiến thức đó.
Có một vài cách để bạn “truyền dạy tri thức” mà không cần phải lên lớp ai cả, viết Blog là một ví dụ. Nếu năng lực viết lách của bạn đủ tốt, bạn hoàn toàn có thể là một Idol được cộng đồng lập trình viên trọng vọng, và tất nhiên, được các nhà tuyển dụng ưu ái. Còn nếu không, việc lưu giữ những kiến thức, kinh nghiệm, best practise của mình trên Blog là một cách tuyệt vời để củng cố tri thức, cũng như lấy lại chúng nếu chẳng may bạn để rơi rụng (điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra nếu bạn không áp dụng chúng sau một thời gian dài).

2. Viêt lách giúp bạn tìm được công việc mới, hoặc tiếp cận khách hàng mới.

Như mình đã nói ở trên, Blog “là thứ nhiều khi sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng trước khi bạn kịp gửi CV tới nơi”. Việc chia sẻ kiến thức thông qua viết lách còn là một minh chứng cho nhà tuyển dụng thấy rõ năng lực tự học và thực lực phát triển của bạn.
Adam DuVander, Cố vấn kỹ thuật của EveryDeveloper, cho biết anh đã từng được tuyển dụng vào ProgrammableWeb, nhờ vào một bài hướng dẫn mà anh ta viết trên website WebMonkey. “Họ chứng kiến cách tôi thảo luận các vấn đề về kỹ thuật, và xác định rằng tôi phù hợp để đáp ứng yêu cầu của họ, dù thậm chí khi đó chúng tôi còn chưa nói chuyện với nhau”.
Stephanie Morillo, một giám đốc kỹ thuật và tác giả của cuốn The Developer’s Guide to Content Creation cho biết cô đã có được một công việc toàn thời gian nhờ vào một số bài blog của mình được viết vào giữa những năm 2010. Sau đó, cô vẫn tiếp tục lấy việc viết lách làm công việc bán thời gian trong khi vẫn làm việc cho một phát triển phần mềm.
<a href="https://twitter.com/radiomorillo">Stephanie Morillo</a>, một giám đốc kỹ thuật, tác giả của cuốn&nbsp;<a href="https://www.stephaniemorillo.co/product-page/the-developer-s-guide-to-content-creation">The Developer’s Guide to Content Creation</a>
Stephanie Morillo, một giám đốc kỹ thuật, tác giả của cuốn The Developer’s Guide to Content Creation
 Keanan Koppenhaver, một chuyên viên phần mềm ở Chicago, anh tiếp cận những khách hàng mới thông qua việc viết hàng loạt bài báo trên các trang chủ đề về kỹ thuật phần mềm. Anh nói: “Mọi người luôn muốn được tương tác và tiếp cận, nếu bạn không đến trước mặt họ và cho họ thấy thực lực của bạn (thông qua những bài viết), thì bạn sẽ chẳng có nhiều cơ hội tiếp cận họ đâu”.

3. Bạn có thể xuất bản một cuốn sách, hoặc thậm chí, trở thành một diễn giả.

Karl Hughes, tác giả bài viết “How writing can advance your career as a developer” mà mình đang lược dịch, cho biết: anh từng có thời gian duy trì việc viết lách hàng ngày, và khối lượng nội dung anh ta viết sau 3 tháng đủ để anh ta xuất bản một cuốn sách “Xây dựng ứng dụng PHP với Docker”. Tại thời điểm đó, có rất ít bài viết về chủ đề này nên những người như Karl trở nên nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng. Vậy là Karl được mời đến hội thảo làm diễn giả, được đề nghị giữ chức Cố vấn, mặc dù chính Karl cũng thừa nhận anh ta chẳng phải là chuyên gia gì trong lĩnh vực này.
James Hickey, Kỹ sư phần mềm tại Microsoft, cho biết: “Nhiều người chủ động tìm tới tôi để ký hợp động chỉ nhờ vào những bài blog của tôi mà họ đã đọc, và cho đến những năm gần đây, tôi vẫn đều đặn nhận được nhiều đề nghị viết sách”.
<a href="https://www.linkedin.com/in/jamesmhickey/">James Hickey</a>, Senior .Net Dev tại Microsoft MVP
James Hickey, Senior .Net Dev tại Microsoft MVP
Adam DuVander chỉ ra rằng, việc thực hiện một dự án viết sách, hoặc diễn thuyết tại một hội nghị sẽ là một bước đột phá trong sự nghiệp của một lập trình viên. “Thay vì phải cạnh tranh với các lập trình viên khác, bạn mặc nhiên đã có chỗ đứng trong lĩnh vực của mình rồi. Và nếu bài viết của bạn mang lại được giá trị cho người khác, chỗ đứng của bạn sẽ càng vững chắc”.

4. Lưu trữ những tư liệu nghề nghiệp quý giá của riêng bạn.

Nếu bạn làm việc trong những doanh nghiệp có nội quy chặt chẽ về quyền tác giả, bạn sẽ khó mà chia sẻ nhiều về những công việc bạn đang làm. Tuy nhiên, bạn có thể viết những tự sự của riêng bạn và chúng sẽ rất hữu ích.
Stephanie Morillo luôn khuyến khích các lập trình viên của mình viết nhật ký. Cô cho rằng “việc viết nhật ký sẽ khiến bạn thoải mái hơn vì bạn viết cho chính bạn đọc chứ chẳng phải một ai khác”.
Dan Moore nói: “Những gì bạn viết lại ngoài việc trở thành một nguồn tư liệu, nó còn giúp bạn gạn lọc ý tưởng”. Dan cho biết rằng, anh thường viết ra những thắc mắc và khó khăn anh gặp phải, và từ đó tìm ra những hướng đi đột phá mới.
Dan Moore, Trưởng bộ phận kết nối lập trình viên (Developer Relations) tại FusionAuth.
Dan Moore, Trưởng bộ phận kết nối lập trình viên (Developer Relations) tại FusionAuth.
Việc ghi chép lại những quan điểm của bạn tại một mốc thời gian nào đó rất quan trọng, bởi vì chúng sẽ thay đổi (hoặc cải thiện) theo thời gian. Là một Kỹ sư, chúng ta sẽ liên tục phải tái chất vấn quan điểm của mình sau vài năm công tác. Và sau mỗi lần xem xét lại, những ý tưởng của bạn sẽ càng được củng cố và cải thiện hơn.

5. Mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.

Sau cùng thì, rõ ràng là việc thành thạo cả hai kỹ năng viết và lập trình sẽ khiến tương lai sự nghiệp của chúng ta hết sức rộng mở. Giả sử bạn muốn nhảy việc hoặc tìm kiếm một thử thách mới, một lập trình viên với kỹ năng viết luôn có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm một bến đỗ mới.
Điều này được Adam DuVander khẳng định: “Các bạn sẽ có vô khối lựa chọn, đối với các khâu thành phẩm, quản trị kỹ thuật, tiếp thị, kỹ thuật bán hàng …. việc có thể kết hợp giữa nền tảng kiến thức công nghệ kết hợp với khả năng truyền đạt nó tới mọi người sẽ biến bạn thành một nhân vật thiết yếu và khó có thể thay thế”.
Thật vậy, mặc dù có vẻ bản thân công việc viết lách không được trả lương hậu hĩnh. Nhưng những công việc như Viết tài liệu kỹ thuật, Xây dựng và quản lý cộng đồng lập trình, Tập huấn kỹ thuật …. lại rất được ưu ái và có mức lương cao.
Tất nhiên các lập trình viên không phải ai cũng hứng thú việc đổi qua nghề viết lách, nhưng họ cần phải biết rằng đó là những cánh cửa có sẵn dành cho họ. Trên thực tế sau một thời gian dài làm việc thì không ít người đã phát ngấy công việc phát triển phần mềm và cân nhắc khả năng thay đổi công việc. Và nếu bạn có một khả năng viết lách thành thạo, sẽ có vô vàn những cơ hội tuyệt vời được mở ra.
Vậy nên, bắt đầu viết đi nào.
Kỹ năng Viết đóng một vai trò không thể thiếu trong ngành công nghiệp phát triển phần mềm hiện nay. Và nó càng trở nên thiết yếu trong bối cảnh làm việc từ xa trở nên phổ biến. Việc viết lách không nhất thiết phải bắt đầu bằng một bài blog, mà nó có thể chỉ đơn giản là trả lời một câu hỏi trên StackOverflow, viết một dòng Twitter, viết nhật ký, viết tài liệu nội bộ cho công ty….
Hoặc nếu bạn vẫn muốn viết Blog, hãy lên Medium, Dev.to, Spiderum, Codelearn.IO. Có vẻ một số website thậm chí sẵn sàng trả nhuận bút cho bạn nữa.
Vậy nên!! CỨ BẮT ĐẦU VIẾT ĐI!! Đừng ngại.