Thuật ngữ “nước hoa” hay “dầu thơm” (tiếng Anh: Perfume, tiếng Pháp: parfum) chẳng mấy xa lạ với tất cả mọi người, dù già hay trẻ sẽ đều có sự quan tâm nhất định. Và sự quan tâm của mỗi người sẽ khác nhau, bởi lẽ góc nhìn, hứng thú của mỗi người vốn dĩ đã là cái rất riêng rồi. Có người thích thú, thấy thật “thơm” và cuốn hút; có người lại chẳng mấy thiện cảm, bởi với họ “nước hoa” chỉ là cái gì đó xa xỉ nhưng lại rất “đau đầu”, phí tiền của. Nếu phân tích dưới góc nhìn của cá nhân của mình, Wanni.K – một người có niềm đam mê khá mãnh liệt với nước hoa, thì sẽ hơi hướng cá nhân hóa và thiên vị. Vậy nên, mình đã tham khảo ý kiến của những ad khác cũng như mọi người xung quanh, và mình sẽ cố hết sức để có cái nhìn khách quan, chân thật nhất về chủ đề này. Đây là chủ để không quá nhạy cảm, nên mình sẽ bàn luận trên phong thái thoải mái nhất, mong các bạn đọc đón nhận.
Ảnh bởi
lucas mendes
trên
Unsplash

Định nghĩa

Trước hết hãy cùng tìm hiểu sơ bộ “nước hoa” là gì và chút ít. Nói nôm na thì đó chính là “lọ nước” chứa đựng tinh dầu thơm hoặc hợp chất tạo mùi hương có thể lan tỏa khi xịt. Mùi hương được cảm nhận “tự nhiên” hay hơi “hóa học”, với nhiều tông khác nhau, khi nồng ấm, ngọt ngào, đậm đà, cũng có thể vô cùng mát mẻ, “xanh tươi hoa lá cành”, cũng có mùi hương hơi “đau đầu chóng mặt buồn nôn” tùy vào những nốt hương mà người chế tác muốn mang lại, cũng như cảm nhận hương thơm của mỗi người. Vì vậy, sự tinh tế trong mùi hương là điều cốt lõi mà bất kì nhà chế tác nào cũng muốn nhắm đến, nhằm thỏa mãn cả những “chiếc mũi” của kể cả người dùng khó tính nhất.

Lịch sử hình thành

Vậy, sự xuất hiện của nước hoa ra sao, hãy cùng mình nắm bắt sơ lược. Theo tìm hiểu của mình, lịch sử hình thành và phát triển của nước hoa bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, với công dụng ban đầu là dùng cho các buổi lễ cũng thần. Nguồn gốc của tên gọi “Perfume” xuất phát từ tiếng Latin là “fumus” (khói) để chỉ hương thơm dễ chịu khi đốt các chất thơm. cho đến thế kỷ XVI thì nước hoa mới chính thức đặt chân đến địa phận Châu Âu và có thể nói rằng, từ đây ngành công nghiệp nước hoa đã dần bước sang một trang mới với sự thành công rực rỡ. (nguồn: Nước hoa toàn tập – Orchard). Và để diễn tả mùi hương nước hoa thì mình thú thật, chẳng thể nào làm rõ tất cả được. Các bạn đơn giản hãy tưởng tượng, trên thế giới có hàng triệu mùi nước hoa đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng để tìm hai lọ nước hoa mang mùi hương y hệt, thì gần như là không thể. Có một số hương nước hoa còn đặc biệt hơn khi cùng là một loại, nhưng khác năm và lô sản xuất thì đã hơi hướng khác biệt so với trước đó, chẳng hạn về thời gian lưu hương, độ tỏa hương hay thậm chí là về mùi (tuy ít thôi nhưng nếu đủ tinh tế thì ta có thể nhận ra), nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu hay do sự điều chỉnh của người chế tác. Càng ấn tượng hơn bởi mỗi mùi hương có thể biến tấu khác nhau trên da của từng người, trở nên “thơm hơn” hay nhẹ nhàng hơn, bám tỏa ít nhiều khác nhau tùy theo cơ địa.
Những yếu tố ngoài mùi hương nhưng cũng không kém phần quan trọng với nước hoa chính là thời gian lưu hương và độ tỏa hương. Một mùi hương có thể lưu trên da 4, 6 hay 8 tiếng (và có thể nhiều hơn) tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nồng độ tinh dầu (EDC, EDT, EDP, Parfum hay tùy ý muốn người chế tác), nốt hương (những nốt hương nồng, ấm, ngọt ngào như vani, gỗ các loại khả năng lưu sẽ tốt hơn các nốt thanh mát như cam chanh, hoa trắng, …), số lần xịt và số lớp xịt (có thể hiểu như xịt nhiều lần trên cùng một nơi tạo thành nhiều “lớp nước hoa”), … Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những “khái niệm” này, thì mình xin được giải thích như sau:

Nồng độ

- EDC: Eau de Cologne (hay Cologne), là nồng độ được cho là thấp nhất, với chỉ khoảng 2 – 5% tinh dầu.
- EDT: Eau de Toilette với khoảng 4 – 10% tinh dầu.
- EDP: Eau de Parfum với khoảng 8 – 15% tinh dầu.
- Parfum (hay Extrait de Parfum): chứa khoảng 15 – 25% tinh dầu.
Và còn những nồng độ khác tùy mong muốn của hãng, chẳng hạn như chai nước hoa Interlude 53 của hãng Amouage với nồng độ tinh dầu cực cao, đến 53%).
Interlude 53 của Amouage
Nguồn: Internet
Interlude 53 của Amouage Nguồn: Internet

Nốt hương

- Top notes: là những mùi hương gây ấn tượng đầu tiên của mỗi chai nước hoa, với đặc điểm là thời gian xuất hiện khá ngắn, thường nồng nàn mãnh liệt nhất. Đây là tầng hương thường được làm tốt nhất để gây ấn tượng với người thử, nhằm mục đích thương mại.
- Middle notes: những mùi hương nối tiếp Top notes, thường được hoàn thiện phức tạp và trở thành đặc trưng của một chai nước hoa.
- Base notes: xuất hiện cuối cùng và cũng là tầng hương lưu giữ lâu nhất trên cơ thể, là phần “nội tâm sâu sắc” của chai nước hoa, thường lan tỏa có phần thoang thoảng hơn hai tầng hương trước.
Một số khái niệm khác, có phần hơi phức tạp hơn, mình sẽ phân tích khi đi vào cụ thể sau này.
Hiểu được nước hoa là gì, vậy việc sử dụng nước hoa để mang lại mục đích như thế nào, và điều đó ảnh hưởng đến cá tính mỗi người ra sao. Theo khái niệm cơ bản, thì nước hoa dùng để xịt lên da "tạo ra mùi thơm cho cơ thể, cảm giác dễ chịu, sự quyến rũ giới tính hay đơn giản chỉ là che dấu một mùi khó chịu nào đó" (Wikipedia). Và để “lãng mạn hóa” về nước hoa, thì mình xem đây là món trang sức “vô hình”, đặc biệt với một số mùi hương quyến rũ có thể được ví như “nội y” nóng bỏng, bởi sức hút mà mùi hương mang lại là không thể chối từ. Và cũng như “trang sức” hay “nội y” khác, nước hoa được sử dụng nhằm mục đích tô điểm bản thân, tăng sức hút và vẻ tự tin, gợi cảm, bóng bẩy. Một mùi hương độc đáo có thể biến ta thành tâm điểm chú ý, hay để lại dấu ấn cá nhân. Càng nổi bật ở đây, chính là khả năng gây “lưu luyến”, bởi kỉ niệm thật dễ gợi nhớ chỉ bằng mùi hương. Ngoài ra, việc sử dụng nước hoa phù hợp còn là “chiếc áo chỉnh tề” cho những dịp đặc biệt, là biểu tượng lịch sự của bản thân bạn. Công dụng nước hoa còn biến hóa thần kỳ đối với mỗi cá nhân, chẳng hạn có những người cảm thấy “chill”, giảm thiểu stress khi ngửi được mùi nước hoa yêu thích, hay nước hoa còn có thể cải thiện giấc ngủ. Chẳng hạn như mình đây, trước khi ngủ Wanni.K cũng thường xịt một vài “shot” vào cổ, vào tay, và mình cảm thấy giấc ngủ được cải thiện rõ rệt. Cũng cần nhắc đến một số “tác dụng phụ”, bởi mùi hương có “thơm” thì cũng có “hôi” nhỉ. Kể cả với người đam mê nước hoa, thì một số mùi quá nồng hay quá “dị” cũng làm họ khá đau đầu. Và bạn chắc chắn sẽ càng đau đầu hơn nếu ngửi được những mùi hương ấy trong không gian kín như xe hơi, văn phòng, … (chẳng hạn như mùi secretions magnifiques của hãng ELDO – mình thật sự khuyên các bạn có muốn tìm hiểu thì tránh mùi này ra nhé, nó rất là “đảk đảk bủh bủh” đấy nha).
ELDO Magnifiques secretions
Nguồn: Internet
ELDO Magnifiques secretions Nguồn: Internet
Câu chuyện kỳ I có lẽ mình tạm ngưng ở đây, để các bạn hiểu được những khái quát chung về “nước hoa”, đồng thời cũng có những suy ngẫm và góc nhìn rõ ràng hơn. Những vấn đề bàn luận, Wanni.K xin hẹn bạn đọc ở các kỳ tiếp theo. Chào thân ái và quyết thắng!