Kỳ 9 - Lưu để nhớ, sống để mơ - P.1
Từ trang nhật ký nhỏ viết năm 2019, câu chuyện 7 ngày vi vu được kể lại ...
Từ trang nhật ký nhỏ viết năm 2019, câu chuyện 7 ngày vi vu được kể lại ...
Chúng tôi vào Huế khi mặt trời đã khuất bóng. Gần 12 tiếng ngồi trên xe, dù có nghỉ chân ở đôi điểm dọc đường nhưng mọi người vẫn khá mệt mỏi. Một chuyến đi dài. Huế dần hiện ra trước mắt chúng tôi, nhưng mờ mờ ảo ảo qua cửa kính xe đọng sương. Lau vội lớp sương mờ, Huế hiện ra như một nàng thiếu nữ e ấp thẹn thùng, mang một nét trầm lắng buồn man mác.

"Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp / Em theo không kịp / Tội lắm anh ơi! / Bấy lâu mang tiếng chịu lời / Anh có xa em đi nữa / Cũng tại ông Trời nên xa..."

Phố Huế mang một chút se lạnh cuối đông, nhưng buồn
Huế buồn, buồn như mối tình bị ngăn đôi bởi dòng Hương Giang vậy.
Một bên Cố đô trầm lặng âm thầm ẩn mình vào đêm, một bên sầm uất phồn hoa đô hội. Lướt qua những ánh đèn, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ tới khu nghỉ đã đặt trước ở Vĩ Dạ.
Sau khi bàn giao phòng và sửa soạn lên đồ, tôi cùng vài người bạn xuống phố. Một thoáng Hà Nội ùa về, khi mà mới đây thôi vẫn còn mắt nhắm mắt mở từ tinh mơ để kịp chuyến xe vô Huế, vậy mà ngay lúc này, Huế đón chúng tôi bằng một chút se lạnh như trời thu Hà Nội. Làn gió thoảng lướt qua mái tóc. Chúng tôi đạp xe dọc cầu Trường Tiền, đi qua từng ngõ nhỏ của Huế. Mới tầm 9h tối nhưng các hàng quán đã dọn hết rồi. Huế buồn như câu chuyện tình của tôi vậy; nhẹ nhàng sóng Hương Giang vỗ bờ, thoảng trong gió điệu hò ai ca trên sông…

Lũ chúng tôi dạo mát phố phường, ghi lại khúc nhạc thanh xuân ~ 2019 ~
Nắng lên, rẽ lối mưa ghé Điện Hòn Chén
Tọa lạc trên Hương Uyển Sơn – tên cũ của ngọn núi, nay mang tên Ngọc Trản - là chiếc “chén ngọc” theo giai thoại vua Minh Mạng đánh rơi. Ấy nhưng mọi người vẫn quen gọi là “Hòn Chén” cho dân dã. Nguyên là đền thờ nữ thần PoNagar của người Chăm, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, người Việt dễ dàng dung hợp được cả một tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng của người Chăm. Đây được xem là sự hòa nhập về tôn giáo, phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.

Vén mây, nắng gọi mưa kéo về Thiên Mụ
Theo con đường mòn, chúng tôi ghé đồi Hà Khê nằm phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm Huế khoảng 5km về phía Tây để thăm chùa Thiên Mụ. Từ ngoài cổng vọng vào, tháp Phước Duyên e thẹn sau hàng cây xanh ngắt.

Huế nay đẹp, trời cao trong vắt. Có lẽ vì thế mà Thiên Mụ cổ kính lại càng đẹp hơn chăng ?

Phước Duyên toạ lạc ngay sau cổng chùa, cao vút lên tận trời xanh. Rêu phong phủ đầy trên từng mảng tường khiến chốn đây gợi lại một nét hoài cổ Huế xưa cũ.

Dạo bước theo từng lối nhỏ, tôi ghé thăm chiếc Austin từng chở Bồ tát Thích Quảng Đức ra nơi tự thiêu, nhớ về một thời kì đen tối của dân tộc, và một tượng đài vĩnh cửu về lòng kiên trung với Phật pháp.
Mây ngàn, sơn hà trải lăng Minh Mạng
Đứng tại Bi Đình chốn Phụng Thần Sơn, nơi bia "Thánh đức thần công" Thiệu Trị ghi lại công đức vua cha, ta mới thấy con người bé nhỏ thế nào. Nơi tây phương, một khoảng sân rộng với xa xa trùng điệp núi non ẩn hiện trong sương như rồng cuộn che chở lăng mộ Đế vương.

Qua từng cánh cổng, dưới mái Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành, biểu trưng một thế giới vô biên

Bước qua hoen ố của thời gian, nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa Khải Trạch Sơn, sau lớp cửa sắt đóng chặt. Vị Đế vương từng khiến Đại Nam rộng lớn nhất sau cả ngàn năm, giờ đây nằm im lìm lặng lẽ dưới bóng cây ấy...

Hiếu Lăng cứ như vậy, qua thời gian mà chầm chậm ngủ vùi vào một miền xa nhớ
Giao hòa Tây - Đông, Ứng Lăng chấm phá họa vân
Chẳng truyền thống như cha ông, Ứng Lăng kết hợp giao thoa văn hóa Đông – Tây trong cái buổi giao thời của lịch sử và cá tính nổi bật của Khải Định. Không lạm bàn về công tội, Ứng Lăng quả là một nét đặc biệt chấm phá trong màu Huế xưa cổ.

Tổng hòa lăng là sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothic... Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể.

Tuyệt tác Cửu Long Ẩn Vân trong Cung Thiên Định

Nắng lên, mây mù, lũ trẻ vui ghé thăm Đại Nội

Ngọ Môn
Từ Ngũ Phụng Lâu nhìn xuống, Thái Dịch hồ xanh xanh màu lục nhạt. Mấy bé chép ở đây to như con chó con, phải cỡ 4 - 5kg/đứa, chẳng sợ người, đông vô cùng. Cá chép hoàng gia, đố ai dám bế về đó :


Chụp một pô kỉ niệm với Ngọ Môn nào
Dạo bước trong nắng vàng nơi Tử Cấm Thành, tôi tiến thẳng tới Hiển Lâm Các. Nhẹ nhàng ngắm nhìn từng gợn mây trên nền trời xanh ngắt. Nhẹ nhàng cúi đầu trước bàn thờ các vị vua mà tôi thầm ngưỡng mộ đã lâu: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.

Phía sân trước, Cửu đỉnh đứng đó lặng thầm. Trải qua bao biến cố, vật đổi sao rời, những vết đạn lõm vào thân đỉnh hoen ố đồng xanh theo thời gian - nhân chứng một thời bão lửa của dân tộc. Bất giác, tôi chợt nhớ tới thành cổ Quảng Trị….

Giữa trưa, nắng Đông Ba gắt gỏng như cái cáu giận tuổi già vậy. Dạo chợ vài vòng sau khi đã lấp đầy bụng với hàng tá bánh bột lọc, vài cốc chè và vài đĩa bánh tráng nướng, tôi lượn qua Nhà sách Phú Xuân để tìm cho mình một tâm hồn đẹp, sắm thêm những trang sách mới làm bạn đồng hành.

Huế lùi dần về sau. Trả lại cho Huế nắng nhạt, trả lại cho Huế sự im lìm vốn có với tà áo dài mộng mơ, trả lại Huế làn sóng Hương Giang với những con người nhẹ nhàng và đáng yêu hết mức. Tôi đang trên đường tới Đà Nẵng, với tình yêu của Huế trong tim, và làn gió lạnh thoảng qua ấy...
To be continued ... =>>

Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất