Bạn chờ đợi điều gì ở chuỗi bài viết này: kinh nghiệm khi đi phỏng vấn? Không. Những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn? Không. Hay cách thể hiện bản thân thẳng lưng ưỡn ngực tạo dáng tự tin? Vẫn không. Điều tôi muốn chia sẻ ở đây chính là những mẩu chuyện, những kinh nghiệm tôi đã trực tiếp trải qua, từ đó mang đến cho mọi người bài học kinh nghiệm của chính tôi.
Trong cùng một trường hợp, mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau. Tốt xấu chỉ là những định nghĩa tương đối, đừng tin vào những lời khẳng định làm điều này thì tất cả các bạn đều nhận được việc. Đó chỉ là chiêu trò của người viết bài mà tôi chắc hẳn có một phần trăm không hề nhỏ vốn không hề tin vào những gì mình viết.  Những nội dung trong chuỗi bài này hoàn toàn mang tính chủ quan, tôi không hi vọng bạn dùng để áp đặt máy móc vào cuộc sống của chính mình.

Câu chuyện thứ nhất: Bàn về vấn đề lương gross – net
1. Tôi muốn lương NET, anh trả lương GROSS
Chắc hẳn các bạn có thể đã biết, thỏa thuận trả lương thường theo hai kiểu: lương gross và lương net. Thông thường, lương gross là số tiền ghi trên hợp đồng, hoặc tổng số tiền chưa trừ thuế phí các loại tiền bảo hiểm, tùy theo cách hiểu của mỗi nhà tuyển dụng. Còn lương net chính là khoản tiền bạn thực sự được chuyển vào tài khoản mỗi tháng, bất kể tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có tăng hay không. Có thể có một số trường hợp như thế này nếu bạn chỉ đến phỏng vấn và thỏa thuận đơn giản, tôi muốn mức lương 8,000,000VND.
Trường hợp 1: Công ty vô cùng đúng luật, nhưng tôi cảm thấy thật kì lạ.
Công ty đồng ý và ký hợp đồng chính thức với mức lương 8,000,000VND, đến ngày lĩnh lương bạn nhận được 7,160,000VNĐ. Ơ hay, công ty lừa đảo tôi à?
Xin thưa là không, theo đúng luật lao động, bạn nhận được số tiền đã trừ đi khoản đóng BHXH bắt buộc
7,160,000VNĐ= 8,000,000VND-8,000,000VND*10.5%
Trường hợp 2: Thật ra không đúng luật cho lắm, nhưng tôi nhận được nhiều tiền hơn.
Một số công ty sẽ ký với bạn một mức lương cơ bản, thông thường là tầm 4,000,000 hoặc 5,000,000 VNĐ. Do đó, số tiền thực nhận của bạn vào cuối tháng nếu lương trên hợp đồng là 4,000,000:
7,580,000 VNĐ= 8,000,000VND-4,000,000VND*10.5%
Trường hợp 3: Bất kể hợp đồng ra sau, đúng là tôi đã nhận được 8,000,000 VNĐ.
Trường hợp này có lẽ khiến bạn thoải mái nhất, vì số tiền bạn nhận được đúng như mong muốn. Lưu ý nhớ xem kĩ hợp đồng lao động để biết bạn đã đóng bao nhiêu tiền bảo hiểm nhé.
Trường hợp 4: Hiếm gặp và vô cùng may mắn, tôi nhận được hơn cả thế.
Thực tế, ít khi nào bạn nhận được số tiền nhiều hơn đã thỏa thuận. Thế nhưng đôi lúc, bạn sẽ có niềm vui bất ngờ như thế này
Lương chính thức: 8,000,000
Phụ cấp (có thể là điện thoại, xăng xe, ăn trưa): 1,000,000
Do đó, tiền thực nhận của bạn có thể sẽ cao hơn một chút so với mong đợi chẳng hạn.
Thực ra, một trong những lý do chính cho mớ rắc rối này chính là vì khái niệm lương và thu nhập. Tuy phải thỏa thuận chính xác "mức tổng thu nhập em mong muốn là a", nhưng nếu bạn thật sự nói vậy, người ta sẽ nghĩ bạn vô cùng kỳ lạ đó.
2. Ở đây không có lương NET gì cả
Không phải tự nhiên mà tôi giải thích cho bạn về các trường hợp kể trên. Thật ra, đa số các bạn đi làm lâu năm có thể đã biết những điều trên, nhưng các bạn mới ra trường rất hay gặp phải những trường hợp này. Kể ra đây để tôi giải thích cho các bạn nghe tại sao tôi lại chọn thỏa thuận bằng lương NET.
Cách đây vài năm khi vừa mới ra trường, tôi có đến phỏng vấn ở một công ty nước ngoài. Theo tôi, cuộc phỏng vấn khá là bình thường cho đến khi chị hỏi mức lương mong muốn của tôi. Lúc này, tôi đưa ra một con số và bảo đây là mức lương NET mong muốn của tôi.
"Ở đây không có lương NET gì cả, em nói mức lương như bình thường đi."
Hây dà, từ lúc đó tôi đã cảm thấy kết quả phỏng vấn không đi đến đâu rồi. Thế là tôi mới hỏi chi tiết lại xem BHXH và phụ cấp của công ty như thế nào, để tôi tính mức lương GROSS "như bình thường" chị ấy mong muốn. Một lần nữa, chị lại cáu gắt nói tôi "Công ty nước ngoài nào chẳng trả đủ BHXH hả em?"
Nói thật cho các bạn một chuyện, công ty nước ngoài có nước này nước kia, chẳng phải công ty nào cũng trả đủ 100% BHXH cho lương của bạn đâu. Một số công ty sẽ dùng phụ cấp để thay vào lương chính nhằm giảm số tiền đóng BHXH xuống cho công ty (sau này có cơ hội tôi sẽ viết bài giải thích sau). Cuối cùng, tôi ngồi lẩm nhẩm tính mức lương mong muốn, sau đó kết thúc đoạn đối thoại và đi về. May mắn là tôi không đậu công ty đó, thật không thể tưởng tượng nếu sau này chị ấy trở thành cấp trên trực tiếp của tôi và luôn tỏ ra khó chịu như vậy.
3. Bài học của tôi là gì?
Sau ngày hôm đó, tôi vẫn đi phỏng vấn ở những công ty khác và yêu cầu mức lương NET. Có những người phỏng vấn tôi không phải là HR, mà là giám đốc, trưởng bộ phận... nhưng họ vẫn rất vui vẻ tính toán xem mức lương họ trả có phù hợp yêu cầu với tôi không. Lương là khoản tiền bạn nhận được mỗi tháng; nếu bạn không chắc chắn hoặc không hài lòng với số tiền đó, mỗi tháng bạn đều sẽ cảm thấy giày vò và căng thẳng, dần dần phát triển thành bất mãn với công việc. Bởi vậy theo tôi, cứ thoải mái thỏa thuận lương với nhà tuyển dụng, chỉ những công ty nào có vấn đề mới ngần ngại hoặc lập lờ khi nói chuyện lương với bạn mà thôi.