***Bài viết có tiết lộ nội dung phim, nhưng phim này thì nhiều người xem rồi nên chắc cũng chả quan trọng chuyện spoil mấy.
Ai xem phim chắc chắn cũng có những bộ phim yêu thích. Một ít trong số đó có thể nằm ở mức “cực kì yêu thích”.
Tuy nhiên, kiến thức đôi khi lại làm hại cảm xúc.
Khi bạn xem nhiều phim hơn, có thể một số tác phẩm mà bạn thích cách đây nhiều năm không còn “hay” như trước nữa.
Nhưng nếu may mắn, có những phim mà sau vài lần xem đi xem lại, nó vẫn “hay”, vẫn cảm xúc, và bạn vẫn thích nó.

Đọc thêm:

Với mình hiện giờ, Kungfu Hustle (Tuyệt đỉnh Kungfu) là một trong số đó. Mình không biết sau này mình có chán nó không, nhưng bây giờ thì có vẻ chưa.
Thực sự thì Kungfu Hustle không phải là phim thuộc dạng quá tầm cỡ hay là kinh điển của điện ảnh tiếng Hoa (khu vực này phải thuộc về phim của Hầu Hiếu Hiền, Dương Đức Xương, Vương Gia Vệ, Lý An,…). Mình hoàn toàn ý thức điều này. Trong top 100 phim Hoa ngữ hay nhất tính đến năm 2010 do Liên hoan phim Kim mã Đài Bắc bầu ra, Kungfu Hustle đứng tận thứ 48. Phim cũng có khá nhiều lỗi về tạo hình (https://www.24h.com.vn/giai-tri/tuyet-dinh-kungfu-cua-chau-tinh-tri-day-loi-c731a846987.html). Thế nên, mình sẽ không nói về nó bằng những từ như kiểu “đỉnh cao” hay đại loại thế. Ngay cả trong những phim Trung Quốc mình từng coi thôi đã có nhiều phim “hay” hơn Kungfu Hustle.
Kungfu Hustle tất nhiên vẫn thuộc dạng phim hài, nhưng nó thể hiện khía cạnh lãng mạn khiến mình thực sự thích. Không chỉ lãng mạn trong tình yêu, mà còn là sự lãng mạn về cuộc sống nữa.
Có lẽ nên nhắc chút xíu về Kim Dung đã. Ai xem Kungfu Hustle sẽ rõ những điểm tri ân mà Châu Tinh Trì dành cho Kim Dung và các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của ông. Mình cũng khoái phim chuyển thể từ truyện của Kim Dung, nên từ đó càng khoái Kungfu Hustle.
Hai vợ chồng chủ nhà trọ Bao Tô Công và Bao Tô Bà có tên gọi trong giới giang hồ là Dương Quá và Tiểu Long Nữ (hơi sai sai vì Tiểu Long Nữ trong đầu mình đẹp lắm chứ không nặng cả tạ như Bao Tô Bà đâu). Dương Quá trong phim này xài Thái Cực Quyền (hẳn ai cũng biết môn này là của Trương Tam Phong, và trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ thì Trương Tam Phong gặp Dương Quá khi còn khá nhỏ tuổi). Tiểu Long Nữ thì xài Sư tử hống, vốn là môn từng được Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn sử dụng. Hỏa Vân Tà Thần dùng Cáp Mô Công của Âu Dương Phong. Còn nữa, 5 cuốn sách mà ông lão ăn xin xòe ra ở cuối phim cũng là 5 môn võ trong truyện Kim Dung (mình không chắc nhưng nhìn cái bìa thì đoán sơ sơ là có Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhất Dương Chỉ, Long Trảo Thủ, còn 2 cái nữa không nhìn ra; ai biết tiếng Trung chắc sẽ đọc được). 

Đọc thêm:

Ai biết tên của 5 cuốn này xin chỉ giáo với.
Trang Soha còn nói rằng cái ám khí mà Hỏa Vân Tà Thần dùng chính là thứ Ân Tố Tố đã sử dụng để chọc mù mắt Tạ Tốn, nhưng mình tìm hoài không ra hình đối chứng.
Đi vào nội dung của Kungfu Hustle thì nó là câu chuyện đã quá cũ: một chàng trai kém cỏi, liên tục bị ăn hành, trải qua nhiều sự kiện, đến một ngày bỗng được “lột xác”, trở thành cao thủ vô địch thiên hạ, diệt trừ kẻ tàn ác. Còn gì quen thuộc hơn, nhất là đối với phim/truyện võ hiệp?
Nhưng cái mình thích ở Kungfu Hustle là Châu Tinh Trì đã cài nhân vật này vào một “biến cố” nhỏ ở thuở ấu thơ để khiến nhân vật chính trở nên gần gũi mà vẫn thể hiện được chủ nghĩa anh hùng. Ban đầu anh ta vẫn có cái ý thiện, muốn thực hành điều tốt. Nhưng mà khi ấy thì “đời không như là mơ”, và vì bị ăn đập dữ quá nên thành ra có suy nghĩ không còn muốn làm điều tốt nữa (tương tự với con người chúng ta thôi: lúc còn nhỏ thì mơ ước này kia, nhưng khi lớn lên, loay hoay với cuộc đời, riết rồi dễ bỏ đi cái ước mơ, âu cũng là chuyện buồn).
Tội thằng nhóc, cứ tưởng biết chưởng thật.
Cơ mà “đời vẫn không như là mơ”, đến làm người xấu thì anh ta cũng chẳng làm được, còn bị một thằng kính cận đánh cho tơi bời (hơi hơi giống Doofenshmirtz, nhân vật muốn làm điều xấu nhưng hiếm khi thành công, và còn bị những kẻ xấu khác xa lánh). Đến cuối cùng thì anh Tinh vẫn là người tốt, là anh hùng. Định mệnh đã chọn anh là kỳ tài võ học triệu người có một…
chứ không phải là cái thằng thợ cắt tóc!!!
Nói thật chứ cảnh thằng thợ này múa võ (lúc ông bà chủ nhà giải thích tại sao không nên báo thù nữa) buồn cười kinh khủng. Nhiều lúc xem biết là đến đoạn đó rồi, xong tự nhủ là thôi không cười nữa, mà vẫn phải cười.
Nếu Bao Tô Công là Dương Quá thì anh này là Quách "Tỉnh".
Mình đã coi qua một vài phim khác của Châu Tinh Trì, thì thấy nhiều khi ổng cũng nhảm lắm. Không ít miếng hài của ổng chả hài chút nào, thậm chí còn gượng nữa (như trong phim Chuyên gia xảo quyệt).
Trong Kungfu Hustle thì lượng tấu hài của ổng được tiết chế hơn nhiều, ít bị lố, mà mức độ hài thì vẫn rất hài. Nhìn mặt thằng thợ cắt tóc là đã mệt mỏi lắm rồi.

Đọc thêm:

Còn thanh niên Bao Tô Công (được xem là Dương Quá; mà Dương Quá này xịn ở chỗ còn biết cả Thái Cực Quyền) cũng có một chi tiết cực bựa ở đầu phim: hắn đang nhìn lén nhà tắm nữ thì bị Bao Tô Bà aka Tiểu Long Nữ (oke Tiểu Long Nữ) bắt gặp, hỏi là “Nãy giờ đi đâu”, xong thanh niên chém cái gì mà “Nãy giờ giúp một bà lão qua đường thôi” (trong khi chỗ đấy có xe cộ đường xá gì đâu). Bà kia lại hỏi hắn ở đây làm gì, hắn bảo “đang xem thử có ai nhìn trộm không”, còn hỏi một bà khác là “có ai nhìn trộm không” thì bị bà kia chỉ thẳng mặt. (Đây là đoạn mà bạn cảm thấy awkward vì mình kể ra nghe nó chẳng hài chút nào cả. Tất nhiên rồi, giải thích một thứ rằng tại sao nó buồn cười nhiều khi sẽ khiến nó không còn buồn cười nữa).
Rồi tất nhiên là cái đoạn phóng dao nữa. Đoạn này đúng kiểu “I didn’t see that coming” luôn.
Một người bạn "tốt" đã tuân thủ lời nói của anh Tinh, theo cả nghĩa đen.
Ngoài cái cách gây cười nhờ việc phóng đại, thì phim cũng thể hiện tinh thần kể chuyện bằng cách ẩn dụ đặc trưng của người Hoa. Ở đoạn đầu, phim mô tả tình hình loạn lạc của xã hội Trung Quốc với nhịp điệu chuyển qua lại giữa chậm rãi và hồi hộp. Chi tiết ẩn dụ nằm ở chỗ cái bảng trên tường phòng cảnh sát, đề bốn chữ “Khắc tinh tội ác”, nhưng chốc lát đã bị gãy nát khi một cảnh sát bị ném vào đó (thể hiện ý nghĩ rằng công lý chỉ là trò đùa).
Một ẩn dụ khác khá đơn giản và chắc ai xem cũng sẽ nhớ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện mấu chốt trong hành trình của nhân vật chính, đó là đoạn kén lột xác thành bướm, tương tự chuyện anh Tinh lột xác thành cao thủ top 1.
Kungfu Hustle còn nhắc đến đạo lý chốn giang hồ, với nhận định “đã là người giang hồ, dù đã gác đao bỏ kiếm thì kiểu gì cũng có ngày phải cầm lên lại”. Dương Quá và Tiểu Long Nữ đi ở ẩn, nhưng cuối cùng vẫn phải ra tay giết người (ba cao thủ còn lại trong xóm chuồng heo cũng vậy).
Phần đánh đấm thì mình chả dám chê gì rồi. Phim Tàu có vẻ hơn bên Âu Mỹ về vụ này, dù tất nhiên là vẫn còn yếu tố kĩ xảo.
Phân đoạn thi triển võ nghệ của anh Tinh.
Nhưng bỏ qua những khía cạnh hài hước hay là võ thuật thì mình nhận ra thứ khiến mình tới giờ vẫn còn khoái Kungfu Hustle là nét mơ mộng trong chuyện đời và sự lãng mạn trong chuyện tình của nhân vật chính.
Việc một tay trừ gian diệt ác, thay đổi thế giới vốn là chuyện quá hiếm trong cuộc sống. Nó chỉ phổ biến ở trên phim ảnh hay văn chương (hoặc rộng hơn là trong nghệ thuật) mà thôi.
Còn chuyện tình giữa anh Tinh và cô bán kẹo mình thấy nó thực sự “ấm áp” và không sến súa chút nào (cơ bản mình rất khoái mấy love story mà cặp đôi mến nhau từ nhỏ, mà đây còn bị hoàn cảnh xô đẩy dẫn đến xa cách xong cuối cùng gặp lại nhau và kết thúc có hậu nữa). Mình nhớ mãi cảnh khi hai người đứng trước tiệm bán kẹo, xong quay một vòng thành ra lại hai đứa nhỏ. Dù không phải là nghệ nghệ gì quá nhưng mà thấy nó hay và quá hợp lí.
Một khung hình đẹp.
Và bài nhạc phim nữa: Zhi Yao Wei Ni Huo Yi Tian (Miễn là sống thêm một ngày). Buồn buồn. Mà hay. Mình nghe nhạc Hoa cũng kha khá, và đây chắc là 1 trong 10 bài mình thích nhất.