Kintsugi - Nghệ thuật biến bát vỡ đắt giá hơn bát lành
Người Nhật có lẽ là dân tộc chúng ta cần học hỏi nhiều nhất, thậm chí còn hơn cả người Do Thái. Bởi người Nhật làm gì đều đưa nó lên...
Người Nhật có lẽ là dân tộc chúng ta cần học hỏi nhiều nhất, thậm chí còn hơn cả người Do Thái. Bởi người Nhật làm gì đều đưa nó lên tầm nghệ thuật. Thứ nghệ thuật họ tạo ra bằng tầng tầng lớp những bài học sâu xa.
Và Kintsugi là một đại diện tiêu biểu. Chỉ đơn giản hàn gắn chiếc bát vỡ, nhưng họ lại đưa nó lên tầm nghệ thuật. Khi biết đến Kintsugi tôi đã dành một buổi để đọc, để nghiền ngẫm về nó. Và để càng khâm phục sức mạnh của tinh thần Nhật Bản. Nếu bạn muốn tăng cường nội lực cho bản thân, tôi hi vọng bài này sẽ giúp được bạn.
Chuyện kể rằng vào thế kỉ 15 tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ chén uống trà yêu thích nhất, để có thể phục hồi được chén trà yêu thích của mình ngài đã gửi những mảnh vỡ của nó sang Trung Quốc để sửa chữa. Tuy nhiên, khi nhận lại món đồ ngài chỉ nhận được một chiếc chén với những vết vá bằng kim loại vô cùng xấu xí. Để có thể cứu vãn được vật mình yêu thích, ngài đã yêu cầu những người thợ Nhật Bản tìm ra phương thức sửa chữa mới. Đây là câu chuyện khởi nguồn cho kỹ thuật Kintsugi.
Kintsugi là từ được ghép bởi 2 từ: Kin có nghĩa là vàng và tsugi có nghĩa là tiếp nối. Dịch nôm na là hàn gắn các đồ gốm sứ bị vỡ bằng một hỗn hợp keo bí truyền có trộn bột vàng, bạc hoặc bạch kim. Những món đồ này sau khi được hàn gắn lành lặn thì trở nên đẹp hơn nhiều lần, trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Như người Nhật giải thích, kỹ thuật Kintsugi còn xuất phát từ một triết lí, một xúc cảm có tên gọi là Wabi Sabi. Cảm xúc này của người Nhật là chấp nhận sự không hoàn hảo, phù du và vô thường của vạn vật - người Nhật nhìn thấy vẻ đẹp và sự chân thực từ những vết nứt vỡ và quyết tâm hàn gắn chúng. Họ quan niệm rằng món đồ đã trở nên đặc biệt hơn nhờ những vết nứt chỉ riêng nó mới sở hữu.
Ngừng lại một chút ở đây, ta cùng nhìn lại chúng ta một chút nhé. Bạn có từng đánh vỡ một món đồ nào đó không? Và khi cố gắng hàn gắn lại thì ta có muốn hàn gắn nó lại lành lặn nhất, giống như trước khi vỡ, ta cố gắng làm mờ vết nứt vỡ đó, để không ai biết nó từng bị vỡ? Trong cuộc sống, ta được cha mẹ dạy rằng "Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại". Câu nói này không sai, nhưng xét thêm thì có lẽ ta nên có tinh thần bao dung hơn với những thứ được gọi là "xấu xa".
Chúng ta có xu hướng che giấu những tổn tương tinh thần, những khiếm khuyết của bản thân để cố tỏ ra mạnh mẽ, hoàn hảo trong con mắt người khác. Qua Kintsugi người Nhật dạy đã ta rằng "Vết thương là nơi ánh sáng đi vào bên trong bạn". Con người dù có hoàn hảo đến mấy cũng có điểm yếu, điểm chưa được đẹp. Hãy nhận ra, chấp nhận nó. Và bằng tình yêu, bằng sự bao dung hãy yêu thương những khiếm khuyết của bản thân. Để rồi từ đó biến nó thành vẻ đẹp của chính bạn bằng sự cố gắng học, hoàn thiện bản thân. Giống như người võ si Samurai tự hào về vết sẹo trên ngực của mình.
Có một cuốn sách rất nổi tiếng của thiền sư Hae Min có tên "Yêu những điều không hoàn hảo". Cuốn sách nói với chúng ta rằng cuộc sống vốn dĩ có nhiều thứ không hoàn hảo. Vì vậy hãy ngưng tìm kiếm sự hoàn hảo, chấp nhận sự thiếu sót bằng tình yêu thương. Cuộc sống rất đáng được trân trọng, hãy ngừng so sánh bản thân với người khác, buông bỏ, tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và người khác. Và đây cũng chính là tinh thần của Kintsugi.
Kintsugi là hàn gắn bằng vàng. Tức là chúng ta dùng những thứ cao quý nhất, đẹp đẽ nhất để hàn gắn những đổ vỡ, rạn nứt. Để rồi phát triển lên thành một mối quan hệ tốt đẹp hơn trước. Điều này cũng nói lên tinh thần bao dung tuyệt vời trong văn hóa Nhật.
Cuối cùng, đây là một bài học về sự tiết kiệm. Nếu một đồ vật có bị sứt me, trầy xước nhưng vẫn dùng được, công năng chính không bị ảnh hưởng thì đừng vứt nó đi. Hãy sửa chữa, làm đẹp cho nó và dùng nó nhé.
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất