Kinh tế học chiến tranh là gì?
Sau gần 20 năm tương đối hòa bình, các cuộc xung đột vũ trang đã gia tăng trở lại. Các quốc gia đang đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng...
Sau gần 20 năm tương đối hòa bình, các cuộc xung đột vũ trang đã gia tăng trở lại. Các quốc gia đang đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng với chi tiêu đạt 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023, mức tăng cao nhất hàng năm kể từ năm 2009.
Vào ngày 11 tháng 4 năm 2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khánh thành dây chuyền sản xuất mới tại một nhà máy đạn dược ở miền Nam nước Pháp. Dây chuyền mới này sẽ sản xuất thuốc súng dành cho lựu pháo, trước đây được sản xuất tại các quốc gia như Thụy Điển. Các loại đạn pháo này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ Ukraine kể từ khi cuộc chiến với Nga nổ ra vào năm 2022.
Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của chính phủ Pháp nhằm tăng cường sản xuất thiết bị quân sự, bao gồm hệ thống động cơ đẩy, thiết bị điện tử và lốp xe cao su. Chính phủ Pháp cho biết khoản đầu tư này nhằm bổ sung nguồn cung thiếu hụt, hỗ trợ phát triển công nghệ cao và tạo thêm việc làm mới.
Tại Đức, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall đã khai trương một nhà máy mới vào tháng 2 năm 2024, nơi sản xuất đạn pháo, chất nổ và tên lửa. Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Kongsberg cũng mới mở một nhà máy sản xuất tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình ở Na Uy trong năm nay.
Kinh tế học chiến tranh
Khi nghĩ về chiến tranh, hình ảnh đầu tiên hiện lên thường là sự tàn phá đối với cuộc sống con người. Nhưng trên thực tế, kinh tế học chỉ chú trọng đến nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, bên thắng, bên thua và cách các quốc gia sẽ vận hành sau khi cuộc chiến kết thúc. Ví dụ Cuộc chiến Acre, một cuộc xung đột biên giới giữa Brazil và Bolivia vào cuối thế kỷ 19. Acre là vùng đất có rất nhiều cây cao su. Khi nhu cầu về xe đạp, ô tô và các phương tiện giao thông tăng cao, mủ cao su hứa hẹn các khoản lợi nhuận lớn. Sau bốn năm giao tranh đẫm máu, Bolivia cuối cùng phải nhượng lại khu vực này cho Brazil.
Khi chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, các quốc gia phải tái phân bổ nguồn lực và chuỗi cung ứng theo ưu tiên quốc phòng. Một cách tiếp cận phổ biến để giải thích chi phí cơ hội của nền kinh tế chiến tranh là Mô hình Súng và Bơ (Guns and Butter). Mô hình kinh tế này mô tả sự đánh đổi trong chi tiêu giữa quốc phòng và các chương trình phúc lợi xã hội. Đường cong cho thấy rằng việc sản xuất thêm súng (vũ khí) sẽ làm giảm bơ (các nhu cầu xã hội) và ngược lại. Và đây là một sự đánh đổi to lớn khi chúng ta xét đến chi phí khổng lồ của chiến tranh.
Một quả tên lửa chống tăng Javelin có giá khoảng 178.000 đô la Mỹ. Từ năm 2020, Mỹ đã tiêu tốn ít nhất 1,7 tỷ USD để viện trợ 10.000 quả tên lửa này cho Ukraine. Văn phòng Điều phối Nhân đạo của Liên Hợp Quốc ước tính vào năm 2018, tổng chi phí kinh tế của các cuộc xung đột và bạo lực trên thế giới đã lên tới 14,3 nghìn tỷ đô la, tương đương 12,6% GDP toàn cầu. Con số này tăng lên 17,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2022, tương đương hơn 17% GDP.
Để trang trải cho các chi phí này, chính phủ phải can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế, tiến gần hơn đến mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao gồm kiểm soát lao động, sản xuất và phân bổ lại nguồn lực. Với nhu cầu tăng quân, chính phủ sẽ chuyển sang chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Điều này sẽ làm giảm quy mô lực lượng lao động và làm suy yếu sản lượng kinh tế.
Trong ngắn hạn, chiến tranh có vẻ tạo ra tác động tích cực đến kinh tế nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp lớn như giao thông vận tải và công nghệ. Nhưng ngay khi một quốc gia chuyển sang nền kinh tế chiến tranh, với chi phí khổng lồ dành cho vũ khí và quốc phòng cộng với sự suy giảm của lực lượng lao động không thể đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và các mặt hàng khác, giá cả sẽ bắt đầu tăng. Lúc này, chiến tranh không thể tránh khỏi gây ra lạm phát, đôi khi dẫn đến sự phát triển của "nền kinh tế chợ đen.”
Ví dụ, tại Yemen, quốc gia bị chiến tranh tàn phá từ năm 2014, việc buôn bán nhiều mặt hàng thiết yếu nằm trong tay các mạng lưới tội phạm. Các hàng hóa quan trọng như xăng dầu thường được bán lẻ trong các thủng nhỏ trên đường phố với giá cao ngất ngưởng.
Ba cách để tài trợ cho chiến tranh
Các quốc gia thường tăng thuế, vay nợ hoặc in tiền để tài trợ cho chiến tranh.
Việc tăng thuế để hỗ trợ chiến tranh, còn được gọi là Tributum vào thời La Mã cổ đại, vẫn được áp dụng phổ biến cho đến ngày nay. Vào tháng 6 năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố đợt tăng thuế lớn nhất trong gần 25 năm để tài trợ cho Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các chính phủ cũng phải dùng đến việc vay nợ với các khoản vay bắt buộc hoặc tự nguyện. Ví dụ, khi Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp, họ đã buộc ngân hàng quốc gia Hy Lạp phải phát hành khoản vay trị giá 476 triệu Reichsmark. Trên thực tế khoản vay này được sử dụng để trang trải chi phí chiếm đóng và chi tiêu quân sự. Các khoản vay tự nguyện hoặc trái phiếu chính phủ được huy động từ công chúng, ngân hàng hoặc các khoản vay từ nước ngoài.
Cuối cùng, các quốc gia có thể tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của mình bằng cách in tiền. Nhưng việc in tiền có thể dẫn đến lạm phát và thậm chí là siêu lạm phát. Ví dụ năm 1923, người dân Đức sử dụng các tờ tiền mark để nhóm lửa thay vì mua gỗ với giá còn đắt đỏ hơn. Tháng 1 năm đó, một ổ bánh mì có giá 250 mark, nhưng đến tháng 11, giá tăng lên 200 nghìn tỷ mark.
Chiến tranh không phải lúc nào cũng xấu
Điều này phụ thuộc vào nơi chiến tranh diễn ra. Một phân tích về gần 400 cuộc chiến trong hai thế kỷ qua cho thấy các quốc gia tham chiến ở nước ngoài ít bị ảnh hưởng về kinh tế hơn. Ngoài ra, chiến tranh thường dẫn đến các đột phá công nghệ quan trọng, từ thuốc súng, tàu ngầm, radar cho đến tia laser.
Trong khi ngân sách công đóng vai trò là chất xúc tác chính cho việc phát triển các sản phẩm quân sự mới, các công ty sản xuất lại là những bên hưởng lợi. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, hãng xe hơi Renault của Pháp và công ty IBM của Mỹ đã gặt hái nhiều lợi ích từ nền kinh tế chiến tranh. Renault đã chuyển sang sản xuất xe tải, xe tăng, động cơ máy bay và đạn dược, giúp doanh thu tăng gấp bốn lần, từ 54 triệu franc năm 1914 lên 249 triệu franc năm 1919. Hai mươi năm sau, trong Thế chiến II, IBM – nổi tiếng với các hệ thống xử lý dữ liệu – đã mở rộng sản xuất sang súng trường, linh kiện động cơ và máy ngắm ném bom. Kết quả là doanh thu của IBM tăng vọt từ 38 triệu USD năm 1939 lên 138 triệu USD vào năm 1945.
Tuy nhiên, các công ty quốc phòng mới là bên chiến thắng lớn nhất. Cổ phiếu và trái phiếu của họ sẽ tăng giá mạnh mẽ khi xung đột xảy ra. Năm 2023, khi Israel bị nhóm khủng bố Hamas tấn công, giá cổ phiếu của các công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu đã tăng vọt chỉ trong hai ngày.
Sau khi tham chiến từ tháng 2 năm 2022, dù Nga đã chứng kiến nền kinh tế chậm lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của nước này sẽ tăng 3,2% vào năm 2024, bất chấp gánh nặng quân sự, áp lực lên thị trường lao động và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học coi loại tăng trưởng này như một ví dụ của Ngụy biện Cửa sổ vỡ (The Broken Window Fallacy). Khái niệm này cho rằng, mặc dù việc sửa chữa một cửa sổ có thể tạo ra các hoạt động kinh tế, nhưng nguồn lực và nhân công dùng để sửa cửa sổ có thể được sử dụng ở những lĩnh vực khác hiệu quả hơn. Điều tương tự cũng áp dụng với những tổn thất từ chiến tranh, cuối cùng chỉ dẫn đến sự mất mát dành cho con người và xã hội.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất