Mở đầu:
Trong quá trình đổi mới, Việt Nam phát triển trung bình 6,5%, thoát khỏi vị trí của một nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Những năm gần đây kinh tế cũng phát triển tương đối định, mỗi năm tăng trên dưới 6,5%. Ba năm cuối cùng của thập niên này có lẽ cũng giữ được mức phát triển ấy.

Trần Văn Thọ (1949-)
Hiện nay cần đặt vấn đề là Việt Nam có thể phát triển cao hơn trong thập niên 2020 không? Chẳng hạn phát triển 9-10% mỗi năm và kéo dài ít nhất là một thập niên. Kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, phải phát triển cao và bền vững trong một thời gian dài mới có điều kiện nhanh chóng trở thành nước thu nhập trung bình cao và tiến lên vị trí của nước tiên tiến.
Theo tôi Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển cao và hiệu suất trong một thời gian dài, bắt đầu từ thập niên 2020. Mục đích của bài viết này là bàn về những yếu tố cho thấy tiềm năng để phát triển cao là rất lớn. Hai từ khoá là năng suất và công nghiệp hoá[1].
Bài viết nầy gồm hai phần. Tiết I là khung phân tích đơn giản về cơ sở lý luận cho thấy tiềm năng để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư tại một nước thu nhập trung bình thấp là rất lớn. Cả mô hình phát triển dựa trên đầu vào (input-driven growth) và mô hình tăng năng suất tổng hợp (total factor productivity, TFP) dựa trên cải cách thể chế đều cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn này[2]. Tiết II bàn về cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay và đề khởi chiến lược để bắt đầu giai đoạn phát triển cao, dựa trên khung phân tích của Tiết I.

I. Phương pháp luận phân tích vấn đề phát triển với tốc độ cao bằng chiến lược tăng năng suất

1. Tái phân bổ nguồn lực

Từ khoảng 10 năm nay, giới nghiên cứu kinh tế phát triển bàn nhiều về một khái niệm mới là bẫy thu nhập trung bình[3]. Đó là tình trạng của những nước thoát khỏi đói nghèo và đạt đến mức thu nhập trung bình nhưng sau đó không tiếp tục phát triển được nữa. Nhiều phân tích cho rằng nguyên nhân của hiện tượng đó là vì các nước ấy đã thất bại trong việc chuyển mô hình phát triển dựa trên đầu vào (input driven growth) như lao động, tư bản, tài nguyên, sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP based growth) mà động lực cơ bản là sáng tạo giá trị gia tăng mới nhờ áp dụng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật khác[4].
Theo tôi thì cách tiếp cận ấy chưa đầy đủ, chưa phản ảnh trường hợp của một nước thu nhập trung bình thấp. Phạm vi của nước thu nhập trung bình rất rộng, có thể chia làm hai trường hợp là trung bình thấp (lower middle income) và trung bình cao (upper middle income)[5]. Về mặt lý luận, theo tôi, hai trường hợp này khác nhau ở chỗ còn hay không còn lao động dư thừa ở khu vực nông nghiệp, và còn hay không còn dư địa để phát triển dựa vào tích lũy tư bản[6]. Đối với một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, yếu tố quan trọng để tăng năng suất là chuyển lao động dư thừa từ khu vực có năng suất thấp như nông nghiệp sang khu vực có năng suất cao là công nghiệp. Khu vực phi chính thức (informal sector) như kinh tế cá thể cũng là nơi có năng suất thấp, nếu lao động được chuyển sang khu vực hiện đại có quy mô lớn, áp dụng công nghệ, máy móc thì năng suất của toàn nền kinh tế tăng nhanh. Mặt khác tích lũy tư bản cũng còn dư địa để phát triển. Tích lũy tư bản thường đi kèm với cải tiến công nghệ vì công nghệ thường nhất thể hoá (embodied) với máy móc mới.
Do đó, đối với một nước ở giai đoạn phát triển trung bình thấp, song song với việc tiến hành công nghiệp hoá để thu hút lao động từ nông nghiệp và khu vực cá thể, cần cải cách thị trường lao động, chú trọng giáo dục đào tạo bậc trung học phổ thông và cao đẳng, dạy nghề để lao động dịch chuyển dễ dàng vào khu vực công nghiệp có năng suất cao hơn. Ngoài ra cải cách mạnh mẽ thị trường vốn và đất đai để các nguồn lực này được sử dụng bởi những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả nhất.

2. Cách tân công nghệ (innovation)

Cách tân công nghệ là đưa áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất, cải tiến chất lượng của các thương phẩm đang sản xuất (process innovation), hoặc đưa vào sản xuất những sản phẩm mới (product innovation). Trong nghĩa rộng hơn, cách tân công nghệ còn bao gồm việc khám phá thị trường, dùng nguyên liệu mới, sản phẩm trung gian mới, để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao hơn, bán được nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn. Tóm lại, cách tân công nghệ làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư.
Đối với nước thu nhập trung bình, kể cả thấp và cao, khoảng cách công nghệ với nước tiên tiến còn rất lớn. Chỉ cần tích cực chọn lựa, du nhập công nghệ là rút ngắn khoảng cách phát triển. Công nghệ du nhập cộng với hoạt động đầu tư, thay đổi thiết bị sẽ tăng năng suất nhanh.
Theo Perkins (2013), hai yếu tố làm tăng năng suất tổng hợp (TFP) là cải cách thể chế và cách tân công nghệ. Theo tôi, đối với nước thu nhập trung bình thấp, cải cách thể chế liên quan đến việc hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất (lao động, tư bản, đất đai) như đã đề cập, và chọn lựa, du nhập công nghệ là quan trọng.

3. Công nghiệp hoá và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp:

Đối với nước thu nhập trung bình thấp, công nghiệp hoá có ý nghĩa chiến lược. Đây là khu vực có năng suất cao, trở thành đầu tầu cho nền kinh tế. Công nghiệp hoá không được thúc đẩy, lao động dư thừa sẽ vẫn tồn tại trong nông nghiệp hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị gia tăng thấp, năng suất thấp. Nhiều nước mắc vào bẫy thu nhập trung bình có nguyên nhân là chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp quá nhanh, lao động chuyển từ nông nghiệp sang khu vực dịch vụ nhưng là những ngành dịch vụ giản đơn, năng suất thấp. Vấn đề này sẽ được bàn kỹ hơn ở Tiết II.
Trong nội bộ ngành công nghiệp, cần luôn chuyển dịch cơ cấu lên các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thế giới. Năng suất lao động sẽ tăng lên theo sự chuyển dịch đó.

II. Chiến lược, chính sách tăng năng suất để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

1. Đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tại Việt Nam hiện nay, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Kể cả nông lâm ngư nghiệp, còn tới 42% lao động làm việc trong khu vực mà năng suất rất thấp (Biểu 1). Thêm nữa, khu vực kinh tế cá thể còn chiếm tới 30% GDP (Biểu 2). Từ các con số này, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.





Tỉ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam không thấp, luôn luôn ở mức trên 30% (Hình 1). Tính trung bình, tỉ lệ này cao hơn Nhật Bản thời phát triển cao độ[7]. Nhưng Việt Nam phát triển không cao rõ ràng là vì năng suất kém, vì nguồn vốn phân bổ không hiệu quả. Ít nhất có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, khu vực kinh tế nhà nước nắm giữ phần lớn tài sản của đất nước, được ưu đãi về vốn, về đất đai nhưng lãng phí, đầu tư tràn lan, không cần tính đến hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng bị thua lỗ triền miên hiện nay đang nằm chờ quyết định thanh lý hay cho tiếp tục hoạt động. Biểu 3 tính hệ số ICOR của toàn nền kinh tế và của khu vực kinh tế nhà nước trong 4 giai đoạn từ 1996 đến 2015. ICOR là hệ số đo lượng tư bản cần tăng để tăng một sản lượng nhất định. Do đó hệ số này càng lớn càng cho thấy đầu tư càng kém hiệu quả. Từ Biểu 3 ta thấy, hệ số ICOR tăng nhanh qua các thời kỳ, giai đoạn gần đây có giảm chút ít nhưng vẫn ở mức cao, mà nguyên nhân là do hệ số ấy của khu vực kinh tế nhà nước quá cao.
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân quá nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Quy mô doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực tư nhân, quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia[8].
Thứ ba, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế. Trong các năm gần đây khu vực FDI chiếm độ 25% tổng đầu tư[9], 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu, là những tỉ lệ rất lớn so với nhiều nước đã hoặc đang phát triển. Nhưng chất lượng của nhiều dự án còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao. Liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu nên tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế còn yếu. Những dự án FDI quy mô lớn vẫn chủ yếu là lắp ráp; công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển chậm nên họ phải nhập khẩu linh kiện và các sản phẩm trung gian khác.




2. Chiến lược tái phân bổ nguồn lực để tăng năng suất

Phần phân tích về các đặc trưng của kinh tế Việt Nam đã có hàm ý về chiến lược, chính sách cần thiết để sử dụng các nguồn lực như lao động, tư bản có hiệu quả hơn. Một vấn đề rất quan trọng chưa được bàn tới là công nghiệp hoá vì có liên quan mật thiết đến việc sử dụng lao động và tư bản tại một nước còn ở mức thu nhập trung bình thấp mà đặc trưng là còn nhiều lao động dư thừa trong nông nghiệp.

a/ Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá:

Trong hơn năm qua tôi đã phát biểu về vấn đề nầy tại các diễn đàn cấp lãnh đạo và đã viết một bài phân tích vấn đề này.[10] Do đó ở đây chỉ tóm tắt vài điểm có liên quan đến đề tài của bài này.
Có thể nói công nghiệp hoá là mũi đột phá năng suất đối với Việt Nam hiện nay.
Đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp là khu vực năng động nhất, năng suất cao nhất, dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất. Đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh. Công nghiệp hoá không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.
Khảo sát tình hình công nghiệp hoá tại Việt Nam hiện nay ta thấy có hai điểm đáng quan tâm. Một là, giai đoạn dân số vàng sắp hết mà mức độ công nghiệp hoá còn rất thấp. Trong Hình 2, trục tung đo tỉ lệ của công nghiệp trong tổng GDP và trục hoành là phần chính của giai đoạn dân số vàng và cũng là giai đoạn công nghiệp hoá được triển khai mạnh mẽ ở các nước Á châu (chú thích dưới Hình 2 có ghi các giai đoạn tương ứng của các nước). So với kinh nghiệm các nước, ta thấy mức độ công nghiệp hoá của Việt Nam còn rất thấp. Hai là, như Hình 2 cho thấy, tuy còn ở mức thấp nhưng công nghiệp hoá Việt Nam có khuynh hướng giảm tỉ trọng trong GDP từ những năm gần đây. Thông thường như kinh nghiệm của Nhật và nhiều nước tiên tiến khác, sau một thời gian dài công nghiệp hoá, kinh tế sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ, một hiện tượng được gọi là “thoát công nghiệp hoá” hay “giải công nghiệp hoá” (deindustrialization) hoặc “hậu công nghiệp”. Điểm phân kỳ đó thường được đánh dấu ở mức trên dưới 30% của tỉ lệ công nghiệp trong GDP. Đó là diễn biến tất yếu của quá trình phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên tỉ lệ của Việt Nam mới gần 20% đã bắt đầu giảm. Đây là hiện tượng thoát công nghiệp hoá quá sớm (early deindustrialization).[11] Đây là hiện tượng nguy hiểm cần tránh, vì như đã nói, công nghiệp là khu vực năng động nhất, dễ áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất nên nếu công nghiệp hoá bị dừng lại thì lao động dư thừa ở nông thôn sẽ giữ nguyên trạng hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ mà ở trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam, phần lớn các ngành dịch vụ dùng lao động giản đơn, năng suất thấp. Hiện tượng này kéo theo sự trì trệ lâu dài của nền kinh tế và là nguyên nhân gây ra bẫy thu nhập trung bình thấp.


Để tránh hiện tượng giải (hậu) công nghiệp hoá quá sớm, cần đẩy mạnh công nghiệp hoá trong một diện vừa rộng vừa sâu. Về diện rộng, hai lãnh vực có thị trường lớn mà Việt Nam có lợi thế và thu hút nhiều lao động là các loại máy móc và công nghiệp thực phẩm. Về thâm sâu (deepening), quá trình công nghiệp hoá, xuất phát từ lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian và các loại công nghiệp hỗ trợ để tăng giá trị tính thêm và tham gia mạnh mẽ vào mạng lưới giá trị sản phẩm toàn cầu hay khu vực Á châu.[12]
Đẩy mạnh công nghiệp hoá là hướng đi đúng đắn nhất hiện nay. Tuy nhiên do cách mạng công nghệ mới (tự động hoá, mạng hoá), sản xuất công nghiệp sẽ ngày càng dùng ít lao động. Khu vực công nghiệp sẽ không tạo đủ việc làm cho lao động của một nước có gần 100 triệu dân. Do đó cần thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu được như sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin (IT), dịch vụ tài chính, v.v..

b/ Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp:

Ở Việt Nam có phong trào khuyến khích khởi nghiệp. Cần khuyến khích khởi nghiệp nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn, phải có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp sớm đạt qui mô mới có khả năng cách tân công nghệ. Ngay cả những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may cũng phải tăng qui mô doanh nghiệp mới cách tân công nghệ, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh (Dinh T. Hinh 2013). Lập Quỹ phát triển doanh nghiệp, Trung tâm phát triển doanh nghiệp, v.v.. nhắm vào việc giúp doanh nghiệp mới ra đời có cơ hội lớn mạnh là cần thiết. Trong các hoạt động của các tổ chức này, cần khuyến khích doanh nghiệp tích cực du nhập công nghệ, ưu tiên ngoại tệ cho du nhập công nghệ, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị bằng công nghệ du nhập.
Doanh nghiệp trong nước phát triển sẽ dễ liên kết với doanh nghiệp có vốn nước ngoài, dễ được nối kết vào mạng lưới toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Kết nối hàng dọc với FDI và các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp trong nước lại được chuyển giao công nghệ, tri thức quản lý và kinh doanh, do đó năng suất và sức cạnh tranh được nâng cao. Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng ưu tiên những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp Việt Nam, ưu tiên những trường hợp liên doanh với doanh nghiệp trong nước, hoặc kết nối doanh nghiệp trong nước với mạng lưới cung ứng toàn cầu.

c/ Cải cách thể chế trong thị trường các yếu tố sản xuất:

Như đã phân tích ở Tiết I, đặc điểm lớn nhất của một nước thu nhập trung bình thấp là còn tồn tại nhiều lao động dư thừa trong khu vục nông nghiệp và vai trò của tích lũy tư bản còn lớn. Dư địa để kinh tế tăng trưởng dựa trên sử dụng lao động và tư bản còn rất lớn. Do đó trọng tâm của cải cách thể chế ở đây là phải phát triển thị trường lao động và thị trường vốn để các nguồn lực di chuyển đến các khu vực có năng suất cao như công nghiệp.[13] Về thị trường lao động, cần nỗ lực của chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo trong việc giới thiệu nguồn nhân lực đến các doanh nghiệp, hoặc phổ biến thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp đến lao động ở nông thôn, hướng dẫn họ chuẩn bị tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.[14]
Thị trường vốn hay thị trường tư bản thường bị méo mó. Đây là một trong những lãnh vực chậm được cải cách nhất trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường. Nhất là với phương châm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, được tiếp cận dễ dàng tới vốn và đất. Doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, gặp nhiều khó khăn để vay vốn đầu tư, và nhiều trường hợp phải tốn phí tổn phi chính thức, như báo chí thường phản ảnh. Ở giai đoạn phát triển hiện nay, cần kiện toàn hệ thống ngân hàng hơn nữa trong đó tăng năng lực thẩm định dự án của nhân viên phụ trách, cải thiện dịch vụ cho vay là quan trọng.
Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, ngoài chính sách đẩy mạnh công nghiệp hoá và phát triển thị trường lao động, thị trường vốn, còn phải chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ. Chất lượng cao của nguồn nhân lực không nhất thiết tương ứng với các bậc học trên cao. Việt Nam trọng bằng cấp và nhìn chung ít chú trọng chất lượng của mỗi bậc học. Để lao động nông nghiệp và kinh tế cá thể di chuyển vào công nghiệp, vào khu vực có tổ chức, chỉ cần làm tốt bậc trung học phổ thông và cao đẳng. Theo tôi cần chuyển bậc cao đẳng (3 năm) sang hình thức đại học đoản kỳ (2 năm). Bậc cao đẳng như hiện nay hình như không được sinh viên ưa chuộng vì số năm học chỉ ít hơn bậc đại học 1 năm mà giá trị văn bằng khác nhau nhiều. Tại Nhật Bản, trong quá trình phát triển cao độ, đại học đoản kỳ 2 năm được chú trọng. Một năm học văn hoá và một năm học nghiệp vụ chuyên môn là đủ để vào công ty làm kế toán, thư ký, xử lý văn thư,… ở văn phòng hoặc giữ các trách nhiệm quản lý cấp trung ở nhà máy.[15]

Vài lời kết

Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau (dễ dàng du nhập công nghệ). Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng qui mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay. Nhật Bản, với cơ cấu kinh tế vào giữa thập niên 1950 rất giống Việt Nam hiện nay, đã bắt đầu một giai đoạn phát triển tốc độ cao gần 20 năm sau đó, trên cơ bản đã có các chiến lược, chính sách phân bổ các nguồn lực và cách tân công nghệ theo hướng như phân tích ở Tiết I (xem thêm Chú thích số 7).
Khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Cần tiến hành công nghiệp hoá theo chiều sâu và theo diện rộng để tránh hiện tượng giải công nghiệp hoá quá sớm, để tạo việc làm năng suất cao cho lao động chuyển từ nông nghiệp và khu vực cá thể. Thay đổi chiến lược thu hút FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ.

Tư liệu có trích dẫn:

Dinh T. Hinh (2013), Light Manufacturing in Vietnam, Creating Jobs and Prosperity in a Middle-Income Economy, The World Bank.
Dinh T. Hinh (2017), Jobs, Industrialization and Globalization, OCP Policy Center.
Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh chủ biên (2015), Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Tri thức.
Hutchinson, Francis E. and Sanchita Basu Das (2016), eds., Asia and the Middle-Income Trap, Pacific Trade and Development Conference Series, Routledge.
Ohno Kenichi (2009), The Middle Income Trap: Implications for Industrialization Strategies in East Asia and Africa, Tokyo: GRIPS Development Forum.
Okazaki Tetsuji (2017), Keizaishi kara Kangaeru – Hatten to Teitai no Ronri (Suy nghĩ từ Lịch sử Kinh tế: Logic về sự phát triển và trì trệ), Nihon Keizai Shinbun Shuppansha, Tokyo.
Perkins, Dwight H. (2013), East Asia Development: Foundations and Strategies, Harvard University Press.
Rodrik D. (2016), Premature deindustrialization, Journal of Economic Growth, 21:1-33.
Tran V. Tho (2013), The Middle Income Trap: Issues for Members of the Association of Southeast Asian Nations, ADBI Working Papers No. 421, May.
Trần Văn Thọ (2015), Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, NXB Tri thức, Ch. 2
Trần Văn Thọ (2016a), Đêm trước của một thời đại: Nhật Bản giữa thập niên 1950, Diễn Đàn Xuân Bính Thân.
Tran Van Tho (2016b), Asia Shinkokoku to Chushotokukoku no Wana (Các nước phát triển mới ở Á châu và Bẫy thu nhập trung bình), Kokusai Keizai, Vol 67, pp.69-102.
Trần Văn Thọ (2017), Công nghiệp hoá Việt Nam trong giai đoạn mới, Bài phát biểu tại Hội thảo Chính sách Công nghiệp Quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035, do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/3/2017.
World Bank (2017), Taking Stock: An Update of Vietnam’s Recent Economic Developments, Dec.
Nguồn: Tiềm năng phát triển tốc độ cao của kinh tế Việt Nam, DienDan.Org



Chú thích:


[1]  Bài viết này tóm tắt báo cáo của tác giả tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam II: Để Kinh tế Việt Nam tăng nhanh và bền vững, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/1/2018. Tác giả cám ơn Tiến sĩ Đinh Tường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đã góp nhiều ý kiến hay trong quá trình chuẩn bị bản báo cáo đó.↩

[2]  Nhấn mạnh cái ý Việt Nam còn dư địa để phát triển dựa trên đầu vào thì hơi khác với ý kiến của hầu hết các nhà kinh tế cũng như quan điểm của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Hầu hết ý kiến ở Việt Nam cho rằng phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ phát triển dựa vào đầu vào (input-driven growth) sang mô hình phát triển dựa trên năng suất tổng hợp. Như sẽ phân tích ở Tiết I, “đầu vào” được tái phân bổ tự nó sẽ làm năng suất tăng…↩

[3]  Xem, chẳng hạn, Hutchinson and Das (2017).↩

[4]  Xem, chẳng hạn, Ono (2009) và các nghiên cứu dẫn trong Tran V Tho (2016b), Hutchinson and Das (2017).↩

[5]  Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2016, những nước có thu nhập bình quân đầu người (GNI) từ 1.026 đến 4.035 USD thuộc trung bình thấp và từ 4.036 đến 12.475 USD thuộc trung bình cao. Việt Nam hiện nay nằm trong trường hợp nước thu nhập trung bình thấp.↩

[6]  Từ quan điểm này tác giả đã phát biểu kết quả nghiên cứu tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội toàn quốc của Hội nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Nhật Bản, tổ chức tại Đại học Senshu (Tokyo) ngày 7/11/2015. Tran V Tho (2016b) là bài viết đựa trên nội dung của bài tham luận đó. Cách tiếp cận của tác giả manh nha từ năm 2011 khi chuẩn bị bài phát biểu cho hội nghị do Viện nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Á châu (ADBI) tổ chức tại Kuala Lumpur tháng 6 năm 2011. Bài phát biểu sau đó được tu chỉnh, bổ sung thành Tran V Tho (2013).↩

[7]  Đó là giai đoạn 1955-1973, kinh tế Nhật phát triển trung bình mỗi năm 10% kéo dài gần 20 năm. Tỉ lệ đầu tư/GDP chỉ trong khoảng 30-35%, thấp hơn Việt Nam trong thời gian qua. Trong giai phẩm Xuân 2016 của Diễn Đàn, tôi có viết về bối cảnh đưa tới giai đoạn phát triển mà nhiều nhà phân tích nước ngoài gọi là thần kỳ. Xem Trần V Thọ (2016a).↩

[8]  Xem Dinh T, Hinh (2012), (2017), World Bank (2017).↩

[9]  Từ Hình 1 ta thấy trong mấy năm gần đây tỉ lệ tổng đầu tư/GDP độ 32%, riêng đầu tư của khu vực FDI/GDP độ 8%.↩

[10]  Xem Trần V Thọ (2017). Bài đã phát biểu ở Bàn tròn giữa Thủ tướng với chuyên gia kinh tế (Hà Nội, 16/12/2016) và tại Hội thảo về Chính sách công nghiệp Quốc gia do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/3/2017.↩

[11]  Hiện nay tại nhiều nước đang phát triển cũng xuất hiện hiện tượng này. Xem Rodrik (2016)↩

[12]  Về chi tiết xem Trần V Thọ (2017).↩

[13]  Đinh T. Minh và Phạm T. Anh (2015) phân tích khá đầy đủ về thực trạng của thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, lao động, đất đai tại Việt Nam.↩

[14]  Đây cũng là kinh nghiệm của Nhật trong giai đoạn phát triển cao độ, được giới thiệu trong Okazaki (2017).↩

[15]  Tại Việt Nam có trung cấp chuyên nghiệp tương đương với đại học đoản kỳ 2 năm của Nhật. Nhưng trung cấp chuyên nghiệp không được coi trọng trong hệ thống giáo dục và tên gọi không hấp dẫn người đi học.↩



Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam[1]
Hà Dương Tường
Mặc dầu người vẽ bìa đã viết tên cuốn sách bằng chữ màu ánh sáng vàng trên một nền trời đêm với dải ngân hà đầy sao, đây không phải là một cuốn sách luận về thời gian trong nghĩa vật lý, thời gian của những Stephen Hawking, Trịnh Xuân Thuận và các đồng nghiệp của họ. Thế nhưng, cái thời gian khách quan, thời gian vật lý không ngừng trôi ấy rõ ràng cũng là một ám ảnh xuyên suốt của tác giả, một trí thức luôn đau đáu mong muốn đất nước mình vượt qua được những thách thức, cạm bẫy để mau chóng phát triển, vươn lên thành một quốc gia “thượng đẳng”, không thua kém những nước láng giềng chung quanh…
Hơn một lần, người đọc cảm nhận được bức xúc của tác giả trước tình trạng đất nước cứ bỏ lỡ những cơ hội phát triển năm này qua năm khác, thập niên này qua thập niên khác, trong khi các nước khác lần lượt bứt phá tiến xa. Phần I, “Việt Nam 40 năm qua” có 6 chương thì có tới 5 đã được dành để nhìn ra ngoài, nhìn cái dòng chảy của thời gian mà những người Nhật, Hàn, Trung Quốc hay Đài Loan biết lợi dụng để xây dựng đất nước khiến cho chỉ trong vài thập niên họ đã vươn lên thành những nước giàu mạnh trong khi mình thì vẫn ì ạch, lẽo đẽo đi sau. Tác giả không vẽ ra, nhưng người đọc hình dung chắc hẳn trong đầu ông luôn luôn có những đồ hoạ mà trục ngang là thời gian, và trục dọc là những chỉ số kinh tế, GDP, GDP đầu người, số lao động, doanh số xuất khẩu, nhập khẩu, vốn vay mượn từ nước ngoài (ODA) để đầu tư cho nền kinh tế v.v., mỗi đồ hoạ là một chỉ số, với những đường cong nhiều mầu sắc, mỗi màu cho một nước ở Đông hay Đông Nam Á, và dù các đường cong biểu diễn cho chỉ số nào thì Việt Nam cũng ở vị trí hầu như là tồi tệ nhất, sự tiến bộ nếu có thì đều thua kém các nước chung quanh. Nhưng ông không tập trung vào các yếu kém đó trong một tâm thế tự ti, mà bình tĩnh đưa ra những ví dụ, nhấn vào những đức tính đã giúp cho các nước bạn lập được những thành tích thần kỳ mà không có lý gì ta không thể làm được nếu như…
Vâng, nếu như… Nếu được hỏi, hẳn mỗi người chúng ta sẽ đưa ra một số điều kiện (tất nhiên, điều kiện cần, chắc chỉ một số ít dám nghĩ rằng có được dăm ba điều kiện thế này, thế kia là đủ) để lập được những thành tích xây dựng đất nước như Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc[2] mà không phải như Phi, một nước chưa hề nằm dưới quyền của một đảng cộng sản! Người đọc cuốn sách này sẽ gặp lại dấu ấn này của GS Trần Văn Thọ trong rất nhiều bài viết ông đã gửi đăng trên nhiều báo chí trong và ngoài nước (trong đó có Diễn Đàn): Trong những điều kiện cho phát triển, tác giả nhiều lần nhấn mạnh tới “khát vọng, khí khái của người lãnh đạo”, những tố chất thiết yếu của lãnh đạo chính trị khi đất nước khó khăn như bản lĩnh, năng lực, tinh thần dân tộc và tinh thần trách nhiệm (“Thực hiện cải cách không đi kèm với trách nhiệm cá nhân mà dựa trên nghị quyết tập thể chẳng hạn sẽ không thành công vì không ai chịu trách nhiệm”). Bên cạnh đó, và không hẳn độc lập với những điều kiện về lãnh đạo chính trị nói trên, tác giả cũng nhấn mạnh tới yêu cầu giải phóng ra khỏi những ý thức hệ giáo điều (để có thể giải phóng nội lực của dân tộc, đặc biệt là nhanh chóng hình thành tư bản dân tộc), yêu cầu tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận để trí thức có cơ hội phát biểu ý kiến của mình, v.v.. Hiển nhiên, những yêu cầu chính trị này chỉ có thể thực hiện bởi những nhà lãnh đạo biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phải, phe nhóm của mình, có khí phách và bản lĩnh…, những “anh hùng của thời đại phát triển” như ông mong muốn nước ta có được.
Tôi đã nói về cái ám ảnh xuyên suốt của tác giả trong những bài viết của mình, ám ảnh về đất nước không thắng được những nghiệt ngã của thời gian[3] và rơi vào những cạm bẫy không biết làm sao thoát ra được để phát triển. Nhưng đó là tinh thần của các bài viết, chưa phải nội dung cuốn sách. Còn phải đặt ra những câu hỏi cụ thể, đâu là những thách thức lớn nhất đối với chúng ta, đâu là những chiến lược, chiến thuật cần được áp dụng để chiến thắng? Trả lời những câu hỏi đầu một cách chính xác nhất có thể dĩ nhiên là bước tiên quyết để những câu sau có ý nghĩa. Người ta còn nhớ, và tác giả cũng nhắc lại, cuộc tranh luận diễn ra trong nội bộ ban lãnh đạo ĐCSVN những năm 1994-95 giữa các nguy cơ đặt ra cho đất nước, với một bên (đứng đầu là thủ tướng Võ Văn Kiệt) cho là nguy cơ tụt hậu đối với thế giới và các nước chung quanh là nguy hại nhất, trong khi bên kia lại đặt nặng “nguy cơ chệch hướng”, sợ mất chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đã diễn ra như ta biết, “bên thắng cuộc” nắm vững ý thức hệ, đẩy đất nước triền miên đi xuống so với các nước chung quanh trong khi “chủ nghĩa xã hội” chẳng thấy đâu, tham nhũng ngày một hoành hành, người dân phải bỏ nước ra đi lấy chồng ngoại hay làm lao động thủ công ngày càng nhiều, nợ nước ngoài đè nặng lên các thế hệ tương lai. Ý nghĩa của cuốn sách càng nổi lên với 5 chương của Phần II, phân tích “Những thách thức có tính thời đại” mà Việt Nam đang phải đối mặt:
- Nguy cơ “chưa giàu đã già” (ch. 7), với khái niệm giai đoạn cơ cấu dân số vàng (số người ở độ tuổi lao động tăng nhanh hơn số người già và trẻ em, một giai đoạn lý tưởng cho phát triển kinh tế nhưng theo quy luật phổ biến, không kéo dài hơn nửa thế kỷ), và những thống kê khó có thể phản bác cho thấy Việt Nam giai đoạn dân số vàng này bắt đầu từ những năm 1970 và sẽ chấm dứt vào khoảng năm 2020, nghĩa là chỉ còn vài năm nữa tỉ lệ người già và trẻ em sẽ ngày càng tăng, gánh nặng phúc lợi xã hội sẽ đè nặng lên các nguồn lực quốc dân, trong khi đất nước vẫn chưa đạt được mức phát triển kinh tế đủ cao để có thể đáp ứng;
- Nguy cơ phân hoá của nền kinh tế (ch.8) thành hai khu vực, khu vực có đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và khu vực của doanh nghiệp bản xứ không kết hợp thành một thể thống nhất của nền kinh tế, công nghệ và tri thức kinh doanh của khu vực FDI không lan toả đến toàn bộ nền kinh tế, do các chính sách thu hút FDI chỉ chạy theo số lượng, thiếu sự chọn lựa chiến lược…
- Thách thức trước sự trỗi dậy của Trung Quốc (ch. 9). Từ những dữ kiện về nền kinh tế TQ, đặc biệt là ở vùng biên giới Việt – Trung, tác giả phân tích các chính sách của TQ và mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
- Nguy cơ sập bẫy trung bình thấp (ch. 10), “nếu không sớm chuyển hướng chiến lược cải cách từ tiệm tiến sang giai đoạn cải cách mạnh mẽ đối với các lĩnh vực then chốt như doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế, thị trường các yếu tố sản xuất[4] và quá trình hình thành các chính sách lớn”.
- Nguy cơ tụt hậu đối với trào lưu kinh tế Á châu (ch.11), với những phân tích về các chuyển biến gần đây ở Myanmar, Indonesia và Thái Lan (ngành sản xuất ô-tô).
Chính trong phần II này, và tiếp nối lôgic của nó, những chương trong phần III, “Đổi mới tư duy, tầm nhìn và chiến lược cho 20 năm tới”, mà tác giả đã vận dụng các tri thức chuyên ngành của mình (phân tích kinh tế vĩ mô, đặc biệt ở các nước Đông Á và Việt Nam) để đưa ra những phân tích thuyết phục và những cảnh báo mà những người cầm quyền hiện nay chẳng nên coi nhẹ (như cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc, không kém phần nghiêm trọng so với nguy cơ “chưa giàu đã già”). Chương cuối của phần này, chương 16, “Ý tưởng cho giai đoạn mới: Chủ nghĩa phát triển và mũi đột phá” có thể coi như gói ghém những đề nghị của tác giả sau các phân tích một vài khía cạnh của kinh tế Việt Nam trong những chương trước. Khó có thể đọc chương này mà không cảm nhận tấm lòng của tác giả đối với đất nước, như ở đoạn 4, khi ông nhắc lại một yêu cầu đã đưa ra trước đó (trong chương 13, “Dùng ODA như thế nào”): Cần có kế hoạch để “tốt nghiệp ODA”!

Cuốn sách chấm dứt với một phần Phụ trang gồm 9 bài “Bút ký kinh tế, giáo dục và lịch sử”.
Đối với người đọc bình thường, không chuyên về kinh tế như người viết bài này, cuốn sách cho nhiều bài học bổ ích về nhiều khái niệm kinh tế học vừa đủ thiết thực, cụ thể và dễ nắm bắt, vừa cần thiết để có thể theo dõi tình hình đất nước một cách không quá… thụ động. Như các khái niệm cơ cấu dân số vàng, bẫy thu nhập trung bình, địa kinh tế, sự phân biệt giữa quy mô và trình độ nền kinh tế v.v.. Kinh tế học đâu phải chỉ là một “khoa học buồn thảm”[5] chỉ gồm những mô hình toán học cứng nhắc, xa rời thực tế!
Không thể giới thiệu hết nội dung phong phú và bổ ích của cuốn sách nhỏ này, Diễn Đàn chân thành cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại bên đây một chương trong cuốn sách, chương 12, bàn về “chiến lược thoát Trung”.



GS Trần Văn Thọ hiện đang giảng dạy và nghiên cứu kinh tế tại Đại học Waseda (Tokyo), Nhật Bản. Ông là một trong ba nhà khoa học nước ngoài từng được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Chính phủ Nhật Bản trong gần 10 năm. Tại Việt Nam ông từng là thành viên trong Tổ Tư vấn Cải cách Hành chính và Kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đối với bạn đọc Diễn Đàn, chắc không cần giới thiệu dài dòng hơn. Tên ông đã thường xuyên xuất hiện trên mặt báo từ nhiều năm nay. Khi gõ “Trần Văn Thọ” vào khung tìm kiếm (ở góc phải, trên đầu trang báo), bạn sẽ gặp hơn 100 kết quả, trong đó có nhiều đường dẫn về những bài mà ông là tác giả, hoặc đăng trên một tờ báo trong nước mà D.Đ. giới thiệu trong mục Thấy trên mạng, hoặc là một bài ông gửi thẳng cho báo (đôi khi đó cũng là những bài đã được đăng trong nước, một cách... không toàn vẹn!).
Chỉ xin kể sơ vài bài ít nhiều liên quan tới những chủ đề được đề cập trong sách:
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm đối với tương lai Việt Nam
Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân
Nhân đọc Quyết định 97
Kinh tế Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tái cấu trúc kinh tế trước hết cần một quyết tâm và hành động chính trị
Trí thức Việt - Trung: đối thoại Waseda
Và tất nhiên, không thể quên những lần tên ông xuất hiện trong những ý kiến tập thể, những lời kêu gọi về cải tổ chính trị, kinh tế, giáo dục, v.v., như kêu gọi nhà cầm quyền “dừng việc thông qua dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 2013”, “Thực thi quyền dân sự và chính trị”, hay kiến nghị tập thể phản đối đường lưỡi bò của TQ…

Nguồn: Đọc Trần Văn Thọ: Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam, Diendan.org.



[1]  Nxb Tri Thức, Hà Nội 2016, 243 trang. Cuốn sách này đã được trao Giải Sách hay 2016 do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh trao tặng. Đây là lần thứ hai GS Trần Văn Thọ được trao giải này, lần trước là năm 2012 với cuốn "Biến động kinh tế Đông Á".↩

[2]  Câu này chỉ nói tới những thành tích kinh tế, số lượng và phẩm chất hàng hoá tạo được, cuộc sống vật chất của người dân – các thành phố được qui hoạch nghiêm chỉnh…, không bàn về chất lượng phát triển của Trung Quốc về những mặt chính trị - xã hội.↩

[3] Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian cũng là tên một cuốn sách khác của cùng tác giả và cùng nxb, năm năm trước (2011). Xem bài giới thiệu của Hải Vân trên mặt báo này.↩

[4]  Như vốn, lao động, đất đai.↩

[5]  Xem Học và dạy “Khoa học buồn thảm” thời hậu khủng hoảng, nxb Đại học Quốc Gia TPHCM 2015 và bài giới thiệu trên báo này.↩