HÀ NỘI, ngày 5 tháng 4 năm 2018 - Đói nghèo ở Việt Nam tiếp  tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh  tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua, theo một báo cáo mới  công bố của Ngân hàng Thế giới (NHTG).
Theo báo cáo “Bước tiến  mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, được NHTG công bố  hôm nay, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao có thể giúp Việt  Nam tiếp tục giảm nghèo, đã giảm khoảng 4% từ năm 2014 xuống còn 9,8%  vào năm 2016. Các dân tộc thiểu số (DTTS) - đa số ở vùng cao - chiếm 72%  người nghèo ở Việt Nam, và chính sách khuyến khích trồng cây công  nghiệp có giá trị cao có thể nâng cao thu nhập cho các dân tộc này.
Tải báo cáo
"Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo  và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong  các DTTS tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, và những nỗ lực  tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các DTTS có thể gia tăng cơ  hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài", Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của NHTG tại Việt Nam, cho biết. "Không thể bỏ qua khát vọng của những người có ít cơ hội."
Báo  cáo tóm tắt các xu hướng và mô hình đói nghèo trong thời gian gần đây ở  Việt Nam, và nêu ra những giải pháp để thúc đẩy tiềm năng chưa được  khai thác trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng cao, nơi tập trung nhiều  người nghèo. Ví dụ như các quyết định về sử dụng đất và loại cây trồng  có tác động mạnh đến chênh lệch thu nhập trong nông nghiệp giữa các hộ  gia đình. Các gia đình có thu nhập thấp ở vùng cao thường sử dụng đất để  trồng những loại cây cơ bản như lúa hoặc ngô, thay vì trồng cây có giá  trị cao như cà phê, hồ tiêu hay cao su.
Tăng cường khả năng tiếp  cận tín dụng có thể giúp nông dân vùng cao thực hiện những khoản đầu tư  cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để đem lại thu nhập cao. Nâng cao khả  năng tạo thu nhập có thể giúp thu hẹp bất bình đẳng giữa các nhóm dân  tộc. Ví dụ, mức tiêu dùng bình quân đầu người của người DTTS chỉ còn  thấp hơn người Kinh và người Hoa khoảng 45%. Hơn nữa, người nghèo đang  phải đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn về khả năng tiếp cận giáo dục  trung học phổ thông, cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đồng  thời, báo cáo cũng ghi nhận hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm  bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn  thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng  hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi  năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn  cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế  cao hơn sau khi thoát nghèo. Sự gia tăng của lớp người tiêu dùng làm  thay đổi nguyện vọng của xã hội, trọng tâm của chương trình xoá đói  nghèo và chia sẻ thịnh vượng chuyển từ chống nghèo cùng cực sang cải  thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự gia tăng của tầng lớp  trung lưu. Khả năng tạo công ăn việc làm nhanh chóng và quá trình chuyển  đổi sang việc làm có lương đang thúc đẩy kết quả tích cực của hoạt động  giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng.
Báo cáo đưa ra một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược nhằm thúc đẩy giảm nghèo và tăng cường chia sẻ thịnh vượng chung, bao gồm:
  • Nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh.
  • Thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động.
  • Đẩy  mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng  đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất, và nâng cao kỹ năng cho  nông dân nghèo.

Mặc dù mục tiêu giảm bất bình đẳng vẫn còn  nhiều khó khăn, báo cáo ghi nhận số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống  chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016. Ngược lại, tầng lớp trung lưu  cũng đã tăng thêm hơn 3 triệu người trong giai đoạn này.
Một trong  những lĩnh vực ưu tiên trong Khung đối tác quốc gia của Nhóm NHTG với  Việt Nam giai đoạn 2018-2022 là tăng trưởng bao trùm, với mục tiêu cụ  thể là "hội nhập kinh tế cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương", theo  đó NHTG sẽ hỗ trợ can thiệp có mục tiêu để tạo cơ hội kinh tế cho người  dân ở các khu vực bị tụt hậu.
Ousmane Dione, World Bank Country Director for Vietnam                             


Ông Ousmane Dione mang đến Việt Nam trên 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo các  chương trình đa ngành cấp quốc gia và khu vực về nước, phát triển đô  thị và môi trường tại châu Phi, Nam Á, Mỹ La-tinh và Đông Á Thái Bình  Dương.
Như trong bản chuẩn bị để phát biểu                                   


Kính thưa Tiến Sĩ Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc!
Kính thưa Tiến sĩ Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Kính thưa đại diện của Ngoại giao Đoàn!
Kính thưa các vị khách quý!
Thưa các Quý bà, Quý ông,
Tôi vui mừng được tham gia và chào đón các quý vị đến buổi lễ ra mắt báo cáo cập nhật về nghèo đói với tên gọi "Bước tiến mới: Giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng ở Việt Nam". Đầu  tiên, tôi xin cám ơn lãnh đạo Bộ KHĐT, các cơ quan ban ngành và các vụ  chuyên ngành đã hợp tác và hướng dẫn chúng tôi trong việc chuẩn bị báo  cáo.
Với xoá nghèo cùng cực và  thúc đẩy sự thịnh vượng chung là hai mục tiêu của Nhóm Ngân hàng Thế  giới (NHTG), chúng tôi đã nhân cơ hội thực hiện báo cáo này để xem xét  những xu hướng và mô hình nghèo trong thời gian gần đây ở Việt Nam, tăng  cường hiểu biết của chúng ta cả về động lực giảm nghèo cũng như những  thách thức còn lại trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh  vượng chung. Tôi tin tưởng rằng những phát hiện chính của báo cáo sẽ rất  quan trọng và hữu ích trong việc đưa ra thông tin cho các chính sách  chiến lược trong tương lai.
Thưa quý vị
Việt Nam tiếp tục  đạt được những tiến bộ mạnh mẽ trong giảm nghèo và tăng thịnh vượng  chung. Điều quan trọng là giảm nghèo rõ rệt ở các vùng bị tụt hậu và các  nhóm khó khăn như người dân tộc thiểu số (DTTS). Trong giai đoạn 2014 –  2016, các khu vực và nhóm này đã có tỷ lệ nghèo giảm tới 13% mạnh nhất  trong một thập niên.
Điều còn đáng khích lệ hơn nữa là những dấu  hiệu cho thấy mức sống của những người thoát nghèo dường như tiếp tục  được cải thiện, đến mức một số lớn người Việt Nam đang tham gia vào tầng  lớp trung lưu, theo các tiêu chuẩn của thế giới. Trong khoảng thời gian  từ năm 2014 đến năm 2016, khoảng 3 triệu người Việt Nam đã gia nhập  tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Những con số này, và nhiều con số nữa  trong báo cáo, là thực sự ấn tượng. Nhưng chúng không chỉ là những con  số, chúng còn là sự thể hiện về định hướng chính sách của Chính phủ  trong thời gian vừa qua. Điều quan trọng hơn là chúng cũng cho chúng ta  suy nghĩ về tương lai của nghị trình phát triển kinh tế xã hội. Cho phép  tôi nêu ra một vài điểm cho hội thảo của chúng ta hôm nay:
-          Thứ nhất, chương trình giảm nghèo đang thay đổi chứ không đứng yên. Nghị  trình này sẽ còn tiếp tục thay đổi. Ví dụ như khi thoát nghèo, khát vọng  của người dân thay đổi, chuyển trọng tâm từ chỗ chỉ đơn thuần là ăn no  mặc ấm, đến mục tiêu kiếm đủ tiền để đảm bảo về kinh tế và sống cuộc  sống của tầng lớp trung lưu. Điều này lại đòi hỏi thu nhập trong tương  lai thậm chí phải tăng với tốc độ cao hơn. Duy trì sự tăng trưởng về  tiền lương mà không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam  chỉ có thể đạt được bằng cách tiếp tục theo đuổi cải cách và thực hiện  đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng với sự dịch chuyển  cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang hoạt động kinh tế  đem lại thu nhập cao. Chương trình nghị sự bây giờ không chỉ là tạo  công ăn việc làm, mà tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn.
-          Thứ hai, một tầng lớp người tiêu dùng đang lớn mạnh tạo ra những cơ hội  mới để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm tốt hơn. Với tiêu dùng nội  địa tiếp tục tăng, tôi thấy có cơ hội cho ngành sản xuất và dịch vụ. Khu  vực nông nghiệp cũng có thể có lợi từ xu hướng này qua việc tiếp tục  cải cách sang các loại cây trồng giá trị và chất lượng cao hơn. Chính  sách hiệu quả ở các khu vực này như chính sách quản lý đất, phát triển  và quy hoạch đô thị, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, sáng tạo và công  nghệ, có thể giúp đánh thức tiềm năng này.

-         Thứ ba,  chúng ta cũng không nên quên - vẫn còn khoảng 9 triệu người đang sống  trong cảnh đói nghèo cùng cực và KHÔNG ĐƯỢC BỎ AI LẠI ĐẰNG SAU. Do đó,  ngay cả khi đa số mối quan tâm của người dân chuyển sang nâng cao chất  lượng cuộc sống theo khái niệm rộng hơn – tức là có chất lượng dịch vụ  cao và điều kiện sống thoải mái hơn - chúng ta vẫn phải lưu tâm hỗ trợ  những gì thật cần thiết và thực hiện các can thiệp có mục tiêu, đem lại  hy vọng và tạo cơ hội cho những người đang tụt lại phía sau và hiện đang  sống trong cảnh đói nghèo, để họ cũng có thể hưởng lợi từ những tiến bộ  chung trong xã hội.
Về những vấn đề này, cho phép tôi nêu ra một  số gợi ý về các hoạt động nhằm giảm nghèo và xây dựng một xã hội thịnh  vượngcông bằng, bao gồm:
1.     Thực hiện những đầu tư cơ sở hạ tầng cuối cùng để kết nối người nghèo với các cơ hội kinh tế tốt hơn.
2.      Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là  ở vùng cao nguyên và miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt  động nông nghiệp mang lại giá trị cao nhất ở đó.
3.     Dựa vào  thành công của Việt Nam trong giáo dục phổ thông, cần tạo cơ hội để trẻ  em từ mọi thành phần có cơ hội thành công và có chất lượng giáo dục đại  học tốt và xây dựng các kỹ năng để có công việc tốt trong tương lai.
Thưa các Quý bà, Quý ông,
Những  phát hiện của báo cáo này cho thấy các chính sách kinh tế và xã hội của  Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm  nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo  của các DTTS tiếp tục giảm xuống là kết quả rất đáng khích lệ, và những  nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các DTTS có thể gia  tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.
Là  Ngân hàng Thế giới, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với  Chính phủ để xây dựng một xã hội thịnh vượng, công bằng, không còn đói  nghèo và mang lại cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người. Hãy tin ở sự cam  kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc thực hiện những hoạt động giảm  nghèo cuối cùng.
Tôi rất vinh dự với sự có mặt của Thứ trưởng, Phó  Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ  không để lại bất kỳ một ai ở lại phía sau, bằng cách hướng tới sự phát  triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đây vẫn là vấn đề quan trọng  trong chương trình thúc đẩy một xã hội thịnh vượng và công bằng.
Tôi  mong muốn có buổi thảo luận hiệu quả với các quý vị về những phát hiện  của báo cáo này và hy vọng quý vị sẽ thấy báo cáo có nhiều thông tin thú  vị và hữu ích trong công việc của mình, vì tất cả chúng ra đều tìm cách  hỗ trợ người dân Việt Nam để có cuộc sống sung túc.
Chân thành cảm ơn các quý vị!