Tổng cục Thống kê vừa công bố các thông tin thống kê về kinh tế tháng 4/2018 với nhiều điểm sáng...
                  

          

Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 1.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2018 thu hút 883 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.553,8 triệu USD, tăng 20,3% về số dự án và giảm 27,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.244,8 triệu USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đạt 5.798,6 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 tháng năm 2018 còn có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2.262,9 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,56 tỷ USD và 776 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 703,5 triệu USD.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 2.

Cả nước có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 498,7 triệu USD, chiếm 14% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 408 triệu USD, chiếm 11,5%; Bình Dương 364,8 triệu USD, chiếm 10,3%; Ninh Thuận 327,6 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai 273,9 triệu USD, chiếm 7,7%; Hà Nam 187,7 triệu USD, chiếm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu 182,7 triệu USD, chiếm 5,1%; Quảng Ninh 176,6 triệu USD, chiếm 5%.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 3.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 7/4/2018 và thời điểm 23/4/2018 (tác động làm CPI chung tăng 0,11%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,18% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá điện, nước sinh hoạt tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,06% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% (dịch vụ y tế không đổi). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm hoặc không đổi: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%, trong đó lương thực tăng 0,12% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng; thực phẩm giảm 0,33% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (riêng giá thịt lợn tăng 1,25%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%; đồ uống và thuốc lá không đổi.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 4/2018 tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2018 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 4.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tư ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%; khai khoáng giảm 5%. 
Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017[4]. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 14%, đóng góp 10,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 5.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số sản xuất của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 33,4%; Hải Phòng tăng 24%; Vĩnh Phúc tăng 13,5%; Thái Nguyên tăng 12,1%; Hải Dương tăng 10,7%; Hà Nội và Đồng Nai cùng tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 8%; Bình Dương tăng 7,9%; Cần Thơ tăng 7,3%; Quảng Ninh tăng 6,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,1%;  Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,8%; Quảng Nam tăng 1,2%.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 6.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép thô tăng 38,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 26,2%; sữa bột tăng 20,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 19%; ti vi tăng 17,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,8%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 3,1%; bột ngọt tăng 2,9%; dầu gội đầu, dầu xả tăng 2,8%; điện thoại di động tăng 2,6%; sữa tươi giảm 0,5%; thức ăn cho gia súc giảm 1,9%; phân u rê giảm 3,8%; sữa tắm, sữa rửa mặt giảm 5,4%; dầu mỏ thô khai thác giảm 9,4%.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 7.


Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 8.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 56,4%; giày dép tăng 13,5%; hàng dệt may tăng 12,1%. Tiếp đến là EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 41,9%; điện thoại và linh kiện tăng 30,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 7,9%. Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 29%, trong đó điện thoại và linh kiện gấp gần 3,7 lần cùng kỳ năm trước; rau quả tăng 24%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23%. Thị trường ASEAN đạt 7,9 tỷ USD, tăng 16,4%, trong đó gạo tăng 159%; sắt thép tăng 52,5%; điện thoại và linh kiện tăng 16%. Nhật Bản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó hàng dệt may tăng 24,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,2%. Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 31,2%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,2%; điện thoại và linh kiện tăng 37,4%; hàng dệt may tăng 22,6%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 19,8%; vải tăng 5,6%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 15,5 tỷ USD, tăng 7,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,5%; điện thoại và linh kiện tăng 13,7%. ASEAN đạt 9,9 tỷ USD, tăng 14,5%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 22,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%; xăng dầu tăng 17,8%. Nhật Bản đạt 5,9 tỷ USD, tăng 16,1%, trong đó linh kiện và phụ tùng ô tô tăng 36%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,8%. EU đạt 4 tỷ USD, tăng 9,7%, trong đó chất dẻo nguyên liệu tăng 41,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 23,6%. Hoa Kỳ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18%, trong đó thức ăn gia súc và NPL tăng 28,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,3%.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 9.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,28 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tới 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,48 tỷ USD, tăng 19,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD, tăng 36,8%; hàng dệt may đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 10,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 6,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 18,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%; rau quả đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,2%; hạt điều đạt 1,1 tỷ USD, tăng 33,5% (lượng tăng 24,6%); gạo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 38,3% (lượng tăng 22,3%). Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 668 triệu USD, giảm 24,9% (lượng giảm 41,4%); hạt tiêu đạt 317 triệu USD, giảm 31,9% (lượng tăng 17,9%).
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 10.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,31 tỷ USD, tăng 9,3%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, tăng 22,3%; điện thoại và linh kiện đạt 4,4 tỷ USD, tăng 9,8%; vải đạt 3,7 tỷ USD, tăng 10%; xăng dầu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 31,6%; chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, tăng 22,2%; kim loại thường đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 1%; hóa chất đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23,7%.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 11.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017[7]; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 11.442 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 52,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm nay là 332,1 nghìn người, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong 4 tháng đầu năm nay có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 34,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; 5,7 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,7%), tăng 2,8%; 5,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), giảm 3,5%; 3,2 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,7%), tăng 1%; 2,4 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,9%), tăng 18,6%; 2,1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 12,2%; 2 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 4,8%), tăng 42,5%; 1,1 nghìn doanh nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm 2,7%), tăng 13%...
Trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 5,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,8% (vốn đăng ký đạt 55,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%); Đông Nam Bộ 17,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,7% (vốn đăng ký 187,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%); Đồng bằng sông Cửu Long 3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% (vốn đăng ký 29,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8%); Trung du và miền núi phía Bắc 1,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,1% (vốn đăng ký 16 nghìn tỷ đồng, giảm 21,1%); Tây Nguyên 1,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,4% (vốn đăng ký 5,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,7%); Đồng bằng sông Hồng 12,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,1% (vốn đăng ký 116,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27%).
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2018 là 26.277 doanh nghiệp, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.187 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23,5% và 12.090 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 24%. Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 6.361 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 44,8%); 4.283 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 30,2%); 2.347 công ty cổ phần (chiếm 16,6%); 1.195 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 8,4%) và 1 công ty hợp danh. Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong ngành bán buôn, bán lẻ là 5,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 38,9%), tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; 2,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,3%), tăng 22,6%; 1,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,6%), tăng 17,6%; 723 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 31,5%... Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, có 6.148 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 50,9%); 3.004 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 24,8%); 2.303 công ty cổ phần (chiếm 19,1%); 634 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 5,2%) và 1 công ty hợp danh.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2018 là 4.699 doanh nghiệp, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 4.296 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,4%. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 2.083 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 44,3%); 1.372 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,2%); 581 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,4%); 661 công ty cổ phần (chiếm 14,1%) và 2 công ty hợp danh.
Kinh tế Việt Nam tháng 4/2018 qua các con số - Ảnh 12.

Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 5.547,3 nghìn lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 4.434,5 nghìn lượt người, tăng 26,3%; đến bằng đường bộ đạt 970,7 nghìn lượt người, tăng 58,9%; đến bằng đường biển đạt 142,1 nghìn lượt người, giảm 12,2%.
Trong 4 tháng năm nay, khách đến từ châu Á đạt 4.168,9 nghìn lượt người, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Khách đến từ Trung Quốc đạt 1.776 nghìn lượt người, tăng 39,7%; Hàn Quốc 1173,8 nghìn lượt người, tăng 67,3%; Nhật Bản 279,8 nghìn lượt người, tăng 7%; Đài Loan 227,4 nghìn lượt người, tăng 14,3%; Ma-lai-xi-a 177,6 nghìn lượt người, tăng 16,3%; Thái Lan 119,3 nghìn lượt người, tăng 9,2%; Xin-ga-po 91,7 nghìn lượt người, tăng 8%.
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 843,4 nghìn lượt người, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 261,9 nghìn lượt người, tăng 13,4%; Vương quốc Anh 118,3 nghìn lượt người, tăng 11,1%; Pháp 114,4 nghìn lượt người, tăng 8,6%; Đức 89,5 nghìn lượt người, tăng 8%; Thụy Điển 28,7 nghìn lượt người, tăng 16,8%; I-ta-li-a 26,2 nghìn lượt người, tăng 19,7%; Hà Lan 25,5 nghìn lượt người, tăng 9,3%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 357,3 nghìn lượt người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 263,5 nghìn lượt người, tăng 15,3%. Khách đến từ châu Úc đạt 163 nghìn lượt người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 147,6 nghìn lượt người, tăng 13,2%. Khách đến từ châu Phi đạt 14,8 nghìn lượt người, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI
TRONG PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA DOANH NGHIỆP NĂM 2018
 
TS. Phạm Đình Thúy
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, TCTK
 
Theo quy định của Luật Thống kê và chương trình điều tra thống kê, hàng năm, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Thực hiện Quyết định số 1251/QĐ- TCTK ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc tổ chức điều tra doanh nghiệp năm 2018, Tổng cục Thống kê đồng thời ban hành Phương án, bảng hỏi kèm theo Quyết định này. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác thống kê cũng như cập nhật tình hình thực tế phát triển của doanh nghiệp, phương án điều tra doanh nghiệp năm 2018 có những điểm mới so với phương án điều tra hàng năm. Cụ thể như sau:
Về mục đích điều tra
Một là, cuộc điều tra doanh nghiệp (ĐTDN) năm 2018, bên cạnh việc thu thập thông tin đầy đủ theo đơn vị doanh nghiệp như hàng năm, ngành Thống kê đặt trọng tâm vào việc thu thập đầy đủ thông tin theo đơn vị cơ sở/đơn vị trực thuộc DN, phục vụ tính toán đầy đủ và chính xác hơn GDP của cả nước cũng như GRDP theo đơn vị địa bàn của các tỉnh, thành phố;
Hai là, thu thập thông tin phục vụ đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
Ba là, khai thác triệt để hồ sơ hành chính (đặc biệt là các chỉ tiêu về tài chính, tài sản và nguồn vốn) để giảm thiểu gánh nặng trả lời cho DN và đảm bảo ĐTDN 2018 hoàn thành sớm hơn, tiết kiệm hơn kinh phí điều tra;
Bốn là, thu thập thông tin phản ánh thực trạng và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0;
Năm là, thu thập và biên soạn hệ số chi phí trung gian bổ sung cho một số ngành để tính toán VA, GDP chính xác hơn.
Về đối tượng/đơn vị điều tra
Nhằm giảm tải gánh nặng cho Cục Thống kê tỉnh, thành phố triển khai thu thập thông tin trên địa bàn, (đặc biệt đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều đơn vị điều tra, chiếm gần 3/5 số đơn vị điều tra trong cả nước), cũng như kịp thời phân bổ giá trị sản xuất cho các tỉnh, thành phố đối với các tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn hệ thống, trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm nay, Tổng cục Thống kê chủ trì, trực tiếp thu thập và tổng hợp 58 tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn ngành, tăng 24 đơn vị so với cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2017. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì và thu thập thông tin đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.
Về nội dung và phiếu điều tra
Bổ sung nội dung và phiếu điều tra số 2/ĐTDN-CP thu thập và biên soạn hệ số chi phí trung gian đối với một số ngành có hoạt động gia công, chế biến và nghiên cứu phát triển;
Bổ sung nội dung và phiếu điều tra số 3/ĐTDN-HTPT thu thập thông tin đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0;
Thay thế phiếu điều tra đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước là phiếu lập danh sách theo mẫu phiếu 1B/ĐTDN-DS;
Ngoài việc bổ sung 2 phiếu ở trên theo yêu cầu của phương án thì điều tra doanh nghiệp năm 2018 bỏ 2 phiếu, gồm: (1) phiếu 1C/ĐTNT-ĐT (Phiếu điều tra đối với doanh nghiệp đang đầu tư chưa đi vào hoạt động SXKD); (2) Phiếu 1A.1/ĐTDN-HTX (Phiếu điều tra chuyên ngành đối với hợp tác xã). Đồng thời nội dung phiếu 1A/ĐTDN-DN và các phiếu chuyên ngành được kế thừa từ điều tra doanh nghiệp hàng năm và cắt giảm nội dung chỉ tiêu theo nguyên tắc: Đã có trong báo cáo tài chính thì không thu thập trực tiếp qua điều tra mà khai thác và tổng hợp từ hồ sơ hành chính do Tổng cục Thuế cung cấp. (…)
Đến nay, công tác chuẩn bị và tập huấn điều tra doanh nghiệp năm 2018 đã hoàn tất, sẵn sàng cho Cục Thống kê tỉnh, thành phố thực hiện triển khai thu thập thông tin tại địa bàn.
Để các đối tượng cung cấp thông tin, người sử dụng thông tin có thể tham khảo các nội dung liên quan đến ĐTDN 2018 như: Quyết định, phương án, phiếu điều tra và các tài liệu liên quan đến điều tra kinh tế năm 2018, TCTK đã xây dựng trang web điều hành tác nghiệp của cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2018 tại địa chỉ
 
CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO VÀ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
 
Thu Hường
 
Trong những năm gần đây, hai cụm từ “kiến tạo” và “khởi nghiệp” được nhắc đến khá nhiều và là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017. “Chính phủ kiến tạo” đã và đang góp phần thổi bùng lên “ngọn lửa khởi nghiệp”, tạo luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Dấu ấn của Chính phủ kiến tạo đối với khởi nghiệp
Năm 2017, Chính phủ đã đặt trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên, tạo áp lực hành chính với các Bộ, ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2017, việc triển khai hai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo dấu ấn về một chính phủ kiến tạo “nói đi đôi với làm”. 
Theo các chuyên gia kinh tế, để Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” thực sự mang lợi ích đến với mọi cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm cũng như phải giải quyết nhiều vướng mắc xảy ra trong thực tế, nhưng xét về mặt tổng thể, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đã có thể tạm yên tâm “có chỗ dựa lưng” để mạnh dạn thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. (…)

“Bùng nổ” doanh nghiệp khởi nghiệp 
Có thể nói, sự nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo đã mở đường cho phong trào khởi nghiệp. Chính phủ kiến tạo đã và đang sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới và khởi nghiệp cũng đang được coi là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. (…)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 doanh nghiệp; trong đó có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. (…)
Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm 2018 với sự bùng nổ hơn nữa phong trào khởi nghiệp quốc gia, đồng thời hy vọng Chính phủ kiến tạo hành động vì doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy và giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại trong môi trường kinh doanh để có thể hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó có 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.