Tăng trưởng GDP được hầu hết các nhà hoạch định chính  sách và các chuyên gia kinh tế đề cập và lấy đó như là một niềm vui nỗi  buồn, là điểm sáng của nền kinh tế đất nước.
  

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung  Electronics Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải.

Nguồn: Tác giả Bùi Trinh


Bài 1: Tăng trưởng GDP và FDI

Bài 2: Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam
Bài 3: Bẫy giá trị thấp !
Bài 4:  Cơ cấu kinh tế còn lạc nhịp

Có thể thấy trong những năm qua hầu như  không năm nào tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu được đề ra từ đầu năm.  Tuy nhiên trong hơn 10 năm qua nhiều người dân dường như cảm thấy việc  tăng trưởng GDP không có liên quan gì nhiều đến cuộc sống của mình. Vậy  ai được hưởng lợi từ việc tăng trưởng này? Nhìn sâu vào số liệu tăng  trưởng GDP theo thành phần kinh tế trong khoảng thời gian 2005 – 2016 có  thể thấy khu vực FDI là khu vực “gánh” tốc độ tăng trưởng của nền kinh  tế. Các thành phần kinh tế trong nước có mức tăng trưởng bình quân trong  giai đoạn 12 năm thấp hơn mức tăng trưởng GDP bình quân chung khá  nhiều, chỉ có khu vực FDI tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung (7,5%  so với 6,1% – Hình 1). Như vậy một loạt câu hỏi được đặt ra như tại sao  trong năm thành phần kinh tế công bố trong niên giám thống kê gồm kinh  tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và FDI chỉ  có khu vực FDI là tăng trưởng tốt; phải chăng khu vực này được hưởng  quá nhiều lợi thế so với khu vực kinh tế trong nước, từ được ưu đãi về  chính sách thuế, tiếp cận đất đai, chủ động được về vốn? Đất nước này  được gì từ tăng trưởng của khu vực này? Để ý rằng trong phần giá trị gia  tăng của khu vực FDI bao gồm:

+ Thu nhập của người lao động;

+ Thặng dư sản xuất gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định);

+ Thuế gián thu.

Về thu nhập, người lao động Việt Nam chỉ nhận được một phần từ lao động  giá rẻ, các vị trí chủ chốt đều là người nước ngoài (vì thường trú ở  Việt Nam trên một năm nên về nguyên tắc vẫn tính vào giá trị gia tăng  của nền kinh tế), lương của 8 – 10 người Việt Nam mới bằng lương một  người ngoại quốc.


Hình 1. Tăng trưởng bình quân GDP theo các thành phần kinh tế giai đoạn 2005 – 2016 (giá so sánh 2010). Nguồn TCTK.

Về thặng dư thì đấy là thặng dư của họ, họ có thể giữ lại để tái đầu tư  mở rộng sản xuất nếu thấy lợi và cũng có thể chuyển về nước nếu thấy  không thuận lợi hoặc không còn lời nữa. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều  báo cáo lỗ hoặc lãi một chút, như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp phía  Việt Nam thu được chẳng là bao. Năm 2016 tổng tiền thuế thu nhập doanh  nghiệp khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ Việt Nam đồng.  Nếu tính toán kỹ nhiều doanh nghiệp FDI thì tổng số thuế được ưu đãi từ  khi đi vào hoạt động cũng tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt  Nam. Chẳng hạn như Samsung electronic nhận được miễn thuế 4 năm đầu, 9  năm tiếp theo được hưởng mức thuế TNDN 5% và 17 năm sau đó ở mức thuế  10%. Doanh nghiệp nội chỉ được ưu đãi gần 21% số thuế phải nộp trong khi  doanh nghiệp FDI được hưởng gần 92%. Sự bất bình đẳng này khiến doanh  nghiệp nội không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Về thuế gián thu có hai vấn đề. Thứ nhất thuế gián thu các doanh nghiệp  FDI cũng được ưu đãi về chính sách thuế, hầu hết các doanh nghiệp FDI  đều làm gia công rồi xuất khẩu, các doanh nghiệp này do xuất khẩu trực  tiếp nên đầu vào nhập khẩu được ưu đãi thuế, trong khi các doanh nghiệp  nội không được ưu đãi thuế nếu bán hàng trong nước, có thể thấy việc kêu  gọi về sản xuất sản phẩm phụ trợ trong cả chục năm qua chỉ là kêu gọi  để đấy, chính sách về thuế xuất nhập khẩu không cho thấy có hành động gì  chứng tỏ sự bằng phẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Và thứ hai là  thuế này về bản chất là người dân Việt Nam phải trả khi sử dụng sản phẩm  của họ. Sử dụng sản phẩm FDI trong trường hợp hầu hết là gia công thực  chất là dùng hàng nhập khẩu dưới hình thức khác.

Như vậy, trong giá trị gia tăng của khu vực FDI được tính vào GDP của  Việt Nam, phía Việt Nam từ Chính phủ đến người dân chẳng được bao nhiêu  và do hầu hết là gia công nên gần như không có sự lan tỏa gì về công  nghệ. Trong một nghiên cứu của một nhóm chuyên gia của trường Đại học  Quốc gia Hà Nội cho thấy khu vực FDI thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng  nhà kính cao hơn khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông khá  nhiều. Vậy phải chăng Việt Nam cần có một chiến lược về thu hút FDI hiệu  quả và hữu ích với đất nước hơn.
------------------------

Hộp kiến thức :  GDP,  GNP

Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật  chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), một số người đã mặc  nhiên xem GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người.  Khi nói đến GDP bình quân đầu người nhiều người lập tức so sánh đến thu  nhập của dân cư. Thực chất về cơ bản GDP được nhìn dưới ba góc độ:
+ Ở giác độ sử dụng cuối cùng: GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ  gia đình, tiêu dùng cuối cùng của nhà nước, tích lũy tài sản gộpxuất  khẩu thuần;
+ Dưới giác độ sản xuất: GDP = tổng giá trị sản xuất theo giá cơ bản – tổng chi phí trung gian
+ thuế sản phẩm
– Trợ giá sản phẩm;
+ Dưới giác độ thu nhập bao gồm mấy nhân tố cơ bản : Thu nhập của người  lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định và thuế sản xuất –  trợ cấp sản phẩm.
Đối với mỗi Quốc gia thì GDP cũng chỉ là chỉ tiêu sơ khởi vì sau đó còn  một số chỉ tiêu khác như GNI (Tổng thu nhập quốc dân), NDI (thu nhập  quốc dân khả dụng), và để dành (saving, hay là tích lũy trong nền kinh  tế)…
GNI = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần với nước ngoài;
NDI = GNI + thu nhập từ chuyển nhượng hiện hành thuần với nước ngoài +  thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp);
Để dành = NDI - tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và TDCC của NN).
Theo số liệu của ADB có thể thấy GNI chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ và  luồng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài ngày càng lớn.
--------------------------

Bài 2: Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam

Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam
Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật chất  (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), nhiều chỉ tiêu của Việt  Nam ngày càng tương đồng với thế giới. Đồng thời cũng phát sinh một số  ngộ nhận về con số GDP coi GDP gần như là chỉ tiêu thu nhập (lẽ ra chỉ  tương quan cùng chiều) và trong nhiều trường hợp gây ra những hiểu lầm  đáng tiếc .
  

Nhìn chung thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm  tốn và khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng. 
Ảnh: Một người phụ nữ bán  hàng rong đi qua khu bán hàng xa xỉ phẩm ở Hà Nội. Nguồn: Getty image.

Thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu  bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá  trình sản xuất, hiện nay hằng năm Tổng cục Thống kê (TCTK) không công bố  chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành (input-output  table) có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 53% GDP, như  vậy GDP bình quân đầu người năm 2016 khoảng 2188 USD, tăng 25% so với  năm 2012 (1755 USD), nhưng một điều trớ trêu là trong đó thu nhập từ sản  xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2% (khoảng 870 USD năm  2016 so với 860 USD năm 2012). Điều này cho thấy phần thặng dư bình quân  tăng rất cao, do nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước  ngoài nên việc thặng dư tăng cao về thực chất không có ích gì nhiều cho  Việt Nam mà chỉ có lợi cho nước ngoài. Cũng theo số liệu của TCTK, tổng  thu nhập bình quân đầu người năm 2016 khoảng 1648 USD, điều này có nghĩa  khoản thu nhập bình quân đầu người ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ  chuyển nhượng) là khoảng 778 USD; nếu tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so  với tổng thu nhập năm 2012 khoảng 74-75% thì đến năm 2016 tỷ lệ này  giảm xuống 53%, phần còn lại là thu nhập kiếm được từ ngoài quá trình  sản xuất (47%). Như vậy có thể thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập  bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau; và nền kinh tế ngày càng phụ  thuộc vào bên ngoài (FDI) từ khâu sản xuất, lưu thông và phân phối lại.

Số liệu của TCTK cũng cho thấy khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu  người từ sản xuất và tổng thu nhập bình quân đầu người ngày càng bị nới  rộng, điều này phần nào do lượng kiều hối những năm gần đây chuyển về  Việt Nam khá lớn. Với số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2012 về tổng thu  nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng tháng thì tổng thu nhập  bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 khoảng hơn 3 triệu đồng tháng.  Đó là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là  khu vực nông thôn tổng thu nhập bình quân đầu người trên tháng năm 2016  chỉ là 2,4 triệu đồng thấp hơn mức bình quân, trong khi 66% dân số là ở  nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, làm cho  khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giàu nhất  lên tới gần 10 lần và đang tăng lên. Các nhà mô hình và các nhà lập  chính sách mất nhiều công sức chú trọng vào cấu trúc và sự liên kết  ngành, tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ chi tiêu dựa  trên thu nhập của các nhóm dân cư ảnh hưởng quan trọng đối với tăng  trưởng, một điều được rút từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy chi tiêu  của nhóm có thu nhập cao không lan tỏa nhiều đến nền kinh tế trong nước  bằng các nhóm thu nhập trung bình và thấp. Việc phân hóa giàu nghèo  trong xã hội cần phải được đặt ngang hàng với mục tiêu tăng trưởng GDP.  Cái mà xã hội và người dân cần là các chính sách cần hướng đến người dân  thay vì hoàn toàn hướng đến doanh nghiệp.

Mặt khác cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ giữa tiêu  dùng cuối cùng của hộ gia đình từ năm 2010-2016 và 9 tháng năm 2017  luôn ổn định ở mức 70 – 72% GDP, như vậy có thể thấy mức tiêu dùng bình  quân đầu người trên tháng năm 2016 khoảng2.572.000, trong khi đó thu  nhập từ sản xuất bình quân tháng khoảng 2.386.000 đồng. Từ những con số  này có thể thấy đa số người dân không những không có để dành mà còn phải  đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá nguy hiểm, không  những thế nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với  người dân. Tuy nhiên mức tổng thu nhập của dân cư (bao gồm từ sở hữu và  chuyển nhượng1) hằng tháng vẫn cao hơn mức chi tiêu khoảng 500.000  đồng, nhưng lại chưa bao gồm rất nhiều khoản lạm thu của chính quyền địa  phương từ những khoản  “đóng góp” gần như bắt buộc của các tổ chức ở  địa phương, nên phần còn lại (saving) của khu vực hộ gia đình chỉ còn  khoảng 30.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 - 1,5 tỷ USD. Như vậy lượng kiều  hối đổ vào Việt Nam mấy năm gần đây trên dưới 10 tỷ USD nhưng lượng tiền  có thể đưa vào đầu tư chỉ khoảng 1,2 – 1,5 tỷ USD.

Mặt khác, phân tích theo các nhân tố cấu thành giá trị gia tăng theo giá  cơ bản bao gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thặng dư sản  xuất thuần (không bao gồm khấu hao tài sản cố định) cho thấy tỷ lệ thu  nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần tăng nhanh từ 63% năm  2000 lên 67% năm 2007 và giai đoạn hiện nay vào khoảng trên 80%. Điều  này có nghĩa nếu năm 2000 có một đồng giá trị gia tăng sẽ có 0.37 đồng  thặng dư thì đến giai đoạn hiện nay có một đồng giá trị gia tăng chỉ còn  0,2 đồng thặng dư. Như vậy việc tăng lương không gắn liền với tăng năng  suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi, nói cách  khác tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền  kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau, khi thặng dư của doanh  nghiệp ngày một nhỏ lại dẫn đến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó  khăn do không đủ khả năng tích lũy. Ngoài ra khi hệ số co giãn về lao  động tăng cao, nền kinh tế phải cần một lượng vốn rất lớn mới có thể có  được tăng trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối doanh  nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua không thể phát triển (giá trị gia  tăng đóng góp vào GDP chỉ loanh quanh ở mức 7-8%). Tuy nhiên hệ số này ở  các ngành là không giống nhau, hầu hết nhóm ngành chế biến chế tạo có  hệ số thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần rất cao, hệ số  co giãn về thặng dư rất thấp, nên nếu quyết định tăng lương không từ  năng suất (quyết định hộ doanh nghiệp) ở những ngành này sẽ làm doanh  nghiệp càng thêm khó khăn. Nhưng ngược lại một số ngành lại có hệ số co  giãn về thặng dư rất cao như nhóm ngành xây dựng, kinh doanh bất động  sản, khách sạn nhà hàng… Điều đó cho thấy việc quyết định tăng lương  không nên làm đồng loạt đại trà mà cần tính toán kĩ lưỡng cho các nhóm  ngành khác nhau, thậm chí nên nghiên cứu cho ngành trong vùng.

Do đó, để nền kinh tế phát triển lành mạnh, việc tối quan trọng là tăng  năng suất lao động, nhưng trước tiên cần tăng thu nhập cho người lao  động ít nhất bằng với mức lạm phát. Khi nhận thức của xã hội được nâng  lên hãy để doanh nghiệp tự quyết định cân nhắc việc tăng lương dựa trên  hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực của họ.

Như vậy có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó  xử, nếu không tăng lương người lao động sẽ rất khó khăn trong cuộc sống,  nhưng nếu tăng lương đại trà mà không đi kèm với tăng năng suất lại dẫn  đến khó khăn cho doanh nghiệp. Như vậy việc quan trọng nhất là năng  suất lao động của Việt Nam cần tăng lên và tăng lương thế nào phải do  bên sử dụng lao động quyết định.
———-
1Cơ bản là kiều hối
Tài liệu tham khảo
Asian Development Bank. (2015). Financial Soundness Indicators for Financial Sector Stability in Vietnam. Manila.
Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Trung-Dien Vu, Pham Le Hoa. (2012). ‘New  Economic Structure for Vietnam toward Sustainable Economic Growth in  2020’. Global Journal of Human Social Science, Vol. 12 Issue 10.
TCTK +Niên giám thống kê” 2016, NXB TK, 2017
Miyazawa. K (1976). “Input – output analysis and the structure of income distribution” Heideberg, Springer – Veriag
Nguyen Quang Thai, Bui Trinh (2017). Phân tích GDP và sự phát triển bền  vững về môi trường” Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam” Số 2 2017.


Bài 3: Bẫy giá trị thấp !



Trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 tốc độ tăng trưởng  GDP bình quân vào khoảng 6,2%, xuất khẩu tăng trên 35 lần từ 5,4 tỷ USD  lên khoảng 192 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 34% năm, cao  hơn mục tiêu Quốc hội đề ra khá nhiều.
  

Hình 1. Chênh lệch xuất nhập khẩu. Nguồn: TCTK.

Tình trạng thâm hụt thương mại cao và triền miên đỉnh điểm là năm 2008  (18 tỷ USD) đã không còn. Thậm chí, năm 2016 thặng dư thương mại khoảng  1,8 tỷ USD và năm 2017 ước tính khoảng trên 2,3 tỷ USD (Hình 1). Không  những thế, đến nay, không chỉ thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày  càng được mở rộng mà chủng loại hàng hóa cũng nhiều hơn và đã xuất hiện  những sản phẩm có chất lượng và mang tính đặc trưng của Việt Nam đã vươn  tới nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa  Kỳ… Cơ cấu thị trường xuất khẩu có bước dịch chuyển dần, đến năm 2016,  kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Á là 50%, châu Âu 25% và châu Mỹ  tăng lên trên 25%...


Hình 2. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và FDI. Nguồn TCTK.

Nếu như nhìn sâu hơn vào cơ cấu của xuất khẩu thì sẽ thấy rất nhiều lo  ngại. Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong  tổng giá trị xuất khẩu tăng lên nhanh chóng, từ 47% năm 2000 lên 57,2%  năm 2005 và đến năm 2017 tỷ lệ này xấp xỉ 73% (Hình 2). Đối với nhập  khẩu tỷ lệ nhập khẩu của khu vực FDI trong tổng nhập khẩu cũng tăng từ  27,8% năm 2000 lên 37,1% năm 2005 và khoảng 59% năm 2017 (Hình 3).


Hình 3. Tỷ trọng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước và FDI. Nguồn: TCTK.

Có thể thấy thặng dư thương mại hay thâm hụt thương mại đều do khu vực  FDI quyết định. xét riêng về chênh lệch xuất nhập khẩu của khu vực kinh  tế trong nước và khu vực FDI (hình 4) cho thấy khu vực kinh tế trong  nước luôn thâm hụt thương mại và mức độ thâm hụt thương mại của khu vực  này ngày càng sâu hơn, trong khi đó khu vực FDI luôn có thặng dư thương  mại và ngày càng ấn tượng


Hình 4. Chênh lệch XNK của khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI. Nguồn: TCTK.

Một điều ngạc nhiên là tuy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng  giá trị xuất khẩu từ năm 2005 – 2017 tăng lên trên 16 điểm phần trăm,  nhưng tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực này trong GDP chỉ tăng  khoảng 3 – 4 điểm phần trăm; nếu năm 2005 giá trị tăng thêm của khu vực  FDI chiếm trong GDP là 15,2% đến năm 2017 tỷ lệ này chỉ khoảng 19%. Điều  này cho thấy sản xuất của khu vực này cơ bản là gia công, tỷ lệ giá trị  tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến  chế tạo ngày một thấp. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất  của giai đoạn 2013 - 2017 kém hơn giai đoạn 2007 -2012 ở hầu hết các  ngành, nếu 2007 - 2012 tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất  khoảng 36% thì giai đọan 2013 – 2017 thấy tỷ lệ này giảm xuống 28%. Điều  này có nghĩa nếu giai đoạn trước làm ra 100 đồng sẽ có 36 đồng là giá  trị tăng thêm, giai đoạn hiện nay làm ra 100 đồng chỉ còn 28 đồng giá  trị tăng thêm. Tỷ lệ này sụt giảm mạnh mẽ nhất là ở nhóm ngành công  nghiệp chế biến chế tạo. Điều này phần nào phản ánh mức độ gia công của  nền kinh tế Việt Nam ngày càng ở mức cao! Một lần nữa phải nhắc lại  trường hợp đôi giày Nike 100 USD, phần Việt Nam nhận được là 22 USD, nếu  có thể phân tách: trong 22 USD đó, nghĩa vụ thuế, đặc biệt là thuế đất  đai và thuế gián thu, vốn là phần doanh nghiệp đóng thay người tiêu dùng  chiếm bao nhiêu phần trăm. Nhiều người e ngại, con số thực nhận còn  thấp hơn nhiều. Với Samsung cũng vậy. Sau 20 năm đổ bộ, đến năm 2016,  trong hơn 30 tỷ USD xuất khẩu, phần đóng góp của Việt Nam (bao gồm cả  xuất khẩu tại chỗ của một vài doanh nghiệp phụ trợ ở khâu bao bì) chỉ  vào khoảng 20 triệu USD.

Nhìn từ góc độ khác, tính toán mô hình cân bằng tổng thể trong các giai  đoạn cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất so với giai đoạn  trước khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13.3%) và  quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Sử dụng  bảng cân đối liên ngành 2012 và 2016 cho thấy hàm lượng giá trị tăng  thêm trong xuất khẩu giảm ở hầu hết các ngành (Hình 5).


Hình 5. Hàm lượng giá trị tăng thêm trong xuất khẩu một số sản phẩm vật chất1. Nguồn: Tính toán từ bảng cân đối liên ngành 2012 của TCTK và bảng 2016 cập nhật

Tương tự như bẫy thu nhập trung bình, bẫy giá trị thấp xuất hiện khi  chúng ta không có cách nào để cải thiện tình trạng lóp ngóp ở đáy của  chuỗi giá trị. Với những phân tích nêu trên, có thể thấy, Việt Nam đã  bước chân và lún khá sâu vào chiếc bẫy này. Điều gì sẽ xảy ra nếu các  doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam khi những lợi thế về chính sách và  nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nữa.

Trong khi khối doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ bằng những ưu đãi về  chính sách thì khối kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào khu vực kinh  doanh cá thể (31% GDP), khối doanh nghiệp tư nhân mãi vẫn không chịu lớn  (8% GDP). Khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh doanh cá thể và doanh  nghiệp tư nhân) ngoài việc bị khu vực kinh tế nhà nước và FDI chèn lấn,  mà còn chèn lấn lẫn nhau và không muốn lớn lên. Không thiếu các doanh  nghiệp Việt Nam đều dính dáng tới vấn đề lợi ích thân hữu khiến sân chơi  chung bị làm méo mó không chỉ bằng những quyền lực không tên, mà cả  bằng những ưu đãi chính sách giấy trắng mực đen. Thêm vào đó, các doanh  nghiệp Việt lại luôn lăm le cạnh tranh nhau không lành mạnh, tiêu diệt  lẫn nhau.

Để có được nội lực, nền kinh tế phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh  bình đẳng, ngay ngắn. Nếu nền kinh tế cứ mãi không lớn được, chúng ta  đã trao thêm quyền cho doanh nghiệp nước ngoài để đòi thêm yêu sách, lợi  ích, bẫy giá trị thấp sẽ càng ngày càng thấp hơn và chúng ta mãi mãi sẽ  chịu cảnh làm thuê ngay trong nhà mình.
—————-
1 Ngành 1: Nông lâm nghiệp và thủy sản, 2: Công nghiệp khai  thác, 3: Công nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp, 4: Sản xuất các sản  phẩm dệt may, trang phục và đồ da, 5: Sản xuất các sản phẩm dầu mỏ và  khí đốt, 6: Sản xuất các sản phẩm hóa chất, 7: Sản xuất các sản phẩm  khoáng phi kim loại, 8: Sản xuất và chế biến kim loại và các sản phẩm  kim loại, 9: Sản xuất thiết bị, máy móc, 10: Công nghiệp chế biến chế  tạo khác.

Bài 4:  Cơ cấu kinh tế còn lạc nhịp

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không những  lan tỏa đến giá trị gia tăng thấp, lan tỏa mạnh đến nhập khẩu mà còn  phát thải lượng khí nhà kính ra môi trường ở mức độ cao nhất.
  

Không chỉ  nhiều chuyên gia hết lời ca ngợi thành tựu nền kinh tế Việt Nam 2017 mà  trong thông cáo báo chí của cơ quan thống kê cũng như tổ chức quốc tế  như WB cũng hồ hởi cho rằng “Nhìn trên góc độ sản lượng sản xuất, tăng  trưởng đạt được nhờ vào các ngành chế tạo và chế biến”. Điểm sáng của  khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40%  (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, mức tăng của giá trị tăng  thêm tương đương mức tăng về giá trị sản xuất?) [1], đóng góp đáng kể  vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm, tăng trưởng của công  nghiệp chế biến chế tạo cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP  (14,4% so với 6,81%). Về phía cầu, mức tăng về xuất khẩu hàng hóa đạt  trên 21%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu nhìn  thật kỹ bức tranh kinh tế rất đẹp đẽ đó, sẽ nhận thấy cơ cấu kinh tế  chậm được cải thiện, chưa thực sự hướng tới tăng trưởng bền vững.
Theo tính toán từ mô hình cân bằng tổng  thể từ số liệu của bảng cân đối liên ngành của Việt Nam (do Tổng cục  Thống kê - TCTK- công bố) cho thấy, trong nền kinh tế, công nghiệp chế  biến, chế tạo khi tăng một đơn vị sử dụng cuối lan tỏa rất thấp đến thu  nhập và lan tỏa mạnh đến nhập khẩu. Nhóm ngành này do được nhiều kỳ vọng  nên tỷ lệ đầu tư của nhóm ngành này luôn rất cao và ngày càng tăng, năm  2005 tỷ lệ đầu tư của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên tổng  mức đầu tư vào khoảng 43%, đến năm 2016 tỷ lệ này lên gần 50%, nhưng  một điều trớ trêu là tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của  nhóm ngành này lại giảm rất nhanh: tỷ lệ chi phí trung gian so với giá  trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo cấu trúc  của bảng I/O năm 2007 của TCTK là 34,1%; đến những năm gần đây (cấu trúc  của bảng I/O mới) tỷ lệ này chỉ còn 21% (TBKTSG, 2016) [2]. Điều này có  nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh trong công nghiệp chế biến và chế  tạo ngày càng kém hiệu quả, hoặc ngày càng mang nặng tính gia công, kéo  theo lượng đầu tư ngày càng phải tăng lên để bù đắp vào sự kém hiệu quả  đó.


Mức độ lan tỏa của một số ngành cho  một đơn vị tăng lên của cầu cuối cùng. Nguồn: Tính toán của tác giả dựa  trên bảng cân đối liên ngành của TCTK.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không những lan tỏa đến giá trị  gia tăng thấp, lan tỏa mạnh đến nhập khẩu mà còn phát thải lượng khí nhà  kính ra môi trường ở mức độ cao nhất, ngành phát thải ra hiệu ứng nhà  kính cao nhất là nhóm ngành sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại  cao hơn mức bình quân chung 3,3 lần. Một điều chú ý rằng hầu như ai cũng  nghĩ ngành vận tải thải ra hiệu ứng nhà kính lớn nhưng thực chất lại  không phải như vậy.
Việc tăng trưởng của nhóm ngành công  nghiệp chế biến chế tạo cao (14,5%) có liên quan mật thiết với vấn đề về  phía cầu, chúng ta mừng rỡ với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm  2017 đạt kỷ lục lên đến 21,1%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng  về xuất khẩu là 17,6%, trong đó khu vực FDI chiếm 73% tổng kim ngạch  xuất khẩu. Ví dụ: Nhà xuất bản mang sách hoặc tạp chí đến nhà in để in  thì sản phẩm cuốn sách hoặc tạp chí là sản phẩm của nhà xuất bản, không  thể coi đó là sản phẩm của nhà in, tuy nhà in cũng có được một chút công  in trong toàn bộ giá trị cuốn sách. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao có đáng  vui mừng đến mức người nọ phải khuyên người kia kiềm chế sự sung sướng  đến vậy không? Tính toán từ số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường [3]  và bảng cân đối liên ngành của TCTK cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa  đến giá trị tăng thêm thấp nhất, nhưng lại lan tỏa mạnh mẽ đến nhập  khẩu, nguy hiểm hơn nữa sản xuất cho xuất khẩu hàng hóa gây nên phát  thải khí nhà kính lớn nhất trong tất cả các yếu tố của cầu cuối cùng  (51%), trong khi đó xuất khẩu dịch vụ ít gây hiệu ứng nhà kính nhất  nhưng lại lan tỏa tốt nhất đến thu nhập.



Lan tỏa từ các nhân tố của cầu cuối  cùng nội địa đến các yếu tố kinh tế và môi trường năm 2012. Nguồn: Tính  toán của tác giả dựa trên các bảng I/O và số liệu của Bộ Tài nguyên và  Môi trường.

Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính đến năm 2010,  lượng phát thải khí nhà kính (GHG) là khoảng 247 triệu tấn, tính toán  của chúng tôi cho thấy lượng khí GHG đến năm 2012 là 300 triệu tấn, bình  quân mỗi năm tăng 10% trong khi GDP tăng bình quân từ 2010 – 2012 xấp  xỉ 6%. Với cấu trúc kinh tế và ưu tiên chính sách như hiện nay là không  hướng tới tăng trưởng bền vững, GDP tăng trưởng bình quân trong giai  đoạn 2005 – 2017 khoảng 6,2% (tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,81%) trong  khi tăng về phát thải nhà kính từ 8 – 10%. Như vậy đến 2020 nếu cấu trúc  kinh tế không thay đổi, vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp chế  biến chế tạo, chính sách vẫn ưu ái xuất khẩu và FDI và không hướng nguồn  lực đầu tư vào tăng trưởng xanh thì chất thải nhà kính GHG đến năm 2020  vào khoảng trên 550 triệu tấn, cao hơn mức dự báo của Liên Hợp Quốc cho  Việt Nam (đến năm 2020 là 466 triệu tấn). Điều này dường như là nghịch  lý với chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa cả về chính sách thuế và  chính sách tín dụng.
Dường như nguồn lực về chính sách một  lần nữa cho thấy đang được đặt nhầm chỗ, dẫn đến việc con người phải đối  mặt với thiên tai, không khí ô nhiễm trong tương lai do phát thải nhà  kính gây ra.
—————————
Chú thích
[1] Về nguyên tắc, tăng trưởng về giá  trị sản xuất thường cao hơn tăng trưởng của giá trị tăng thêm, đặc biệt  trong trường hợp tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của  ngành công nghiệp chế biến chế tạo mỗi năm giảm hơn 1 điểm phần trăm  (tính toán từ điều tra doanh nghiệp hằng năm).
[2] Số liệu GDP có vấn đề, TBKTSG, 19/8/2016.
[3] Ministry of National Resource and Environment “The Initial Biennial   Updated Report of Vietnam to the United Nations Franmework Convention  on Climate Change” Vietnam Publishing House of Natural Resources,  Environment and Cartography, 2014.
Tài liệu tham khảo
1-Bui Trinh (2015) A study on the Input-Output System for evaluation of infrastructure development in Vietnam, Kyoto University.
2- Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Nguyen Van Huan, Pham Le Hoa (2012) An  Integrated Framework for Multi-Purposes Socio-Economic Analysis Based on  Input-Output Model, British Journal of Economics, Finance and  Management Sciences, Vol 4.
3- Bui Trinh. and Pham, L. H. (2014). Comparing the Economic Structure  and Carbon Dioxide Emission between China and Vietnam, International  Journal of Economics and Financial Research, Vol. 3, No. 3, pp: 31-38,  2017.
4- Guo, D. and Hewings, G. J. D. (2001). Comparative Analysis of China‟s  Economic Structures Between 1987 and 1997: An Input-Output Prospective.  Discussion Paper at Regional Economics Applications Laboratory. Urbana.
5- HADDAD, E. A. (1997) Regional inequality and structural changes in  the Brazilian economy. Illinois: University of Illinois at  Ur-ban-Champaign,. Dissertation.
6- Iris Claus. Kathy Li (2003) “New Zealandís Production Structure: An  International Comparison” NZ TREASURY WORKING PAPER 03/16.
7- Miller, R. E. and Blair, P. D. (1985). Input-output analysis foundation and extension. Prentice-Hall, Inc: New Jersey.
8- Nguyễn Hồng Sơn Dịch vụ Việt nam 2020: Hướng tới chất lượng, hiệu quả và hiện đại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
9- To TrungThanh, Nguyen, V. P. and Bui, T. (2016). Some comparisons  between the vietnam and china‟s economic structure, policy implications.  Advances in Management & Applied Economics, 6(3): 153-66.
10- Wassily, L. (1941). Structure of the American economy, 1919-1929. Harverd University Press: Cambridge Mass.