Như mọi đứa sinh viên bình thường khác. Mình cũng ham chơi, ngủ quên, cúp tiết này nọ. Mình chẳng phải thể loại chuyên dành học bổng, đứng đầu lớp hay các bạn hay rớt môn. Mình chỉ là đứa sinh viên hết sức bình thường, không nổi bật.
Từ những thứ nhỏ nhặt mình tích góp được, đây là vài điều mình muốn chia sẻ:
Một là: Với những bạn chưa có kinh nghiệm gì về việc đi làm thêm, chưa có đủ kiến thức chuyên ngành, vẫn chưa bao giờ phải đụng tay vào những việc nặng nhọc hay chưa biết tý gì về cuộc sống bên ngoài. 
Bạn có thể xin vào những chỗ như cửa hàng tiện lợi như: Circle K, Ministop, B's Mart,... hay những quán cà phê, trà sữa như: Trung Nguyên, Phúc Long, Bobabop,... Hoặc nếu bạn cảm thấy tự tin về tiếng Anh của mình thì có thể xin vào những cửa hàng của hàng trên ở quận 1 hay những chỗ có nhiều khách nước ngoài. 
Tóm lại là những công việc thiên về tay chân nhiều hơn. Đây cũng là một công việc tương đổi ổn với những bạn muốn kiếm được nhiều tiền (so với năng lực và kỹ năng hiện tại như mình nói ở trên). Vì đây là những công việc tính tiền theo giờ, bạn làm càng nhiều giờ sẽ có càng nhiều tiền. (Lưu ý là cũng phải cân đối việc học hành, sức khỏe, gia đình,... nhé)
Để có thể tìm được thông tin về công việc này thì có đều trên trang chủ riêng của từng hãng, cũng có thể có bảng thông báo, poster, tờ rơi ở cửa hàng,...
Thứ hai: Với những bạn có ngoại hình xinh đẹp; ưa nhìn. Những trang cá nhân có nhiều lượt theo dõi, follow cao.
Bạn có thể xin làm PG, mẫu ảnh, quay quảng cáo, hay có thể nhận quảng cáo các nhãn hàng trên trang cá nhân,... Và lương của những công việc này thì tương đối cao hơn những ngành khác.
Việc này thì có một group tương đối lớn trên Facebook thì phải.
Thứ 3: Với những bạn có hiểu biết chuyên ngành tương đối và đặc thù như: IT, đồ họa, ngoại ngữ,...
Cái này thì chắc cũng không cần phải nói nhiều đâu nhỉ? Nếu bạn chưa có kinh nghiệm nhiều thì có thể xin làm tình nguyện viên của những Page trên mạng xã hội, hay làm free cho bạn bè, cho câu lạc bộ.
Như mình rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên đã nhận làm tình nguyện viên Subtitle cho Page: Nói Không với Túi Nilon. Từ đấy mình cũng đã học thêm được vài kỹ năng và phần mềm liên quan. Đây cũng là một điểm cộng cho CV của bạn.
Thứ tư: CV của bạn. 
Đừng viết quá dài, đẹp nhất là 1-2 trang.  Với những ngành đặc thù như thiết kế, thời trang thì CV phải bóng bẩy, hoa lá hẹ một tý. Còn những ngành như kinh tế, lập trình, ngân hàng,... Thì đừng làm như vậy. Chỉ cần ghi rõ ràng, ngắn gọn, xúc tích là được. Có rất nhiều CV mẫu đẹp như: TopCV, GoodCV,... Tập viết CV càng sớm càng tốt.
Đừng trình bày kỹ năng của mình như TOEIC, WORD,... bằng mấy cái thanh màu kéo kéo gì đấy. Tốt nhất là nên ghi rõ ràng như: TOEIC 800/990, MOS WORD: 885/1000,... Chứ trình bày bằng những thanh màu đấy vô nghĩa lắm, người ta chẳng biết được trình độ của bạn như thế nào đâu.
Với kinh nghiệm làm HR ít ỏi của mình thì mình nghĩ mục sở thích cũng không cần thiết lắm. Mình chú trọng đến những chứng chỉ như: Word, Excel, kinh nghiệm làm thêm, hoạt động xã hội của bạn. Cũng khá là hay ho và đặc biệt nếu có thể thêm những bài viết, blog cá nhân. 
Thứ năm: Những bằng cấp và chứng chỉ như TOEIC, MOS WORD, MOS EXCEL,... cũng là những thứ quan trọng.
Đây là những yêu cầu bắt buộc để có thể ra trường. Có thể lúc học bạn thấy rất chán nản, và xàm xí nhưng khi nó thật sự có ích. Nhiều bạn thường để dành đến năm cuối thì mới lấy bằng vì có thể nó sẽ hết hạn trong vòng 2 năm như TOEIC. 
Nhưng với mình thì lấy được những bằng cấp, chứng chỉ đó càng sớm càng có lợi. Vì những năm đầu thời gian học và khối lượng kiến thức còn khá ít, có thể nhanh chóng hoàn thành những điều kiện ra trường như bơi, thể dục,... Đồng thời, khi có những bằng cấp đó trong CV sớm hơn mọi người, đó cũng là một điểm cộng cho bạn.
Thứ sáu: Cách đặt tên File CV, trả lời Mail và cách đặt tên Email (để làm việc).
- Tên file CV, bạn nên ghi: Vị trí ứng tuyển + Họ tên. Đừng ghi là: Nguyễn Thị Nga, CV ứng tuyển, CV,... Nếu bạn làm như thế, với số lượng ứng viên ít thì không sao, nhưng nếu số lượng ứng viên nhiều; họ sẽ bỏ qua bạn luôn đấy.
- Cách trả lời Mail: Nên trả lời một cách trang trọng, đừng quá xề xòa. Họ có thể đánh giá rất nhiều qua 1 cái Mail bạn gửi. Mình sẽ cho bạn ví dụ như sau: Đây là cách 2 ứng viên trả lời mình khi nhận được mail: JD công việc chi tiết
Ứng viên thứ nhất:
Dear chị Ngọc,
        Lời đầu tiên e xin cảm ơn quý công ty đã quan tâm tới CV của em. Em đã nhận được email JD vị trí nhân viên kinh doanh của công ty. Sau khi xem xong JD và tìm hiểu thông tin về công ty, em cảm thấy rất thích công việc này. Em hi vọng sẽ được tham gia phỏng vấn vị trí nhân viên kinh doanh tại công ty để có cơ hội được làm việc với những thành viên năng động.
Chân thành cảm ơn chị.
Chúc chị ngày làm việc vui vẻ và hiệu quả
Ứng viên thứ hai:
Hưng nhận được rồi ạ.
- Tên Email làm việc: Đừng đặt những cái tên như: [email protected],... Cũng hạn chế thêm năm sinh vào tên email như: [email protected]. Vì khi bạn nhỏ tuổi hay lớn tuổi nhiều so với đối tác. Người ta cũng có thể cảm thấy đôi chút ái ngại đó.
Còn nữa, nhưng mình lười viết quá. Đấy là một vài kinh nghiệm lượm lặt được của mình - Từ một sinh viên 20 tuổi đang thất nghiệp.