Phải chăng đa cấp luôn luôn xấu ? Phải chăng đa cấp đang đánh lừa tất cả chúng ta ?
Hiện tại, cụm từ "đa cấp" là cụm từ nhạy cảm mỗi khi nhắc đến. Người ta nhắc đến đa cấp ngang với việc nhắc đến một vụ rửa tiền, một vụ lừa tiền cướp tài sản gật gân mà báo chí thường hay nhắc đến. Chúng ta luôn nghe những điều như thế này : công ty A lừa hơn trăm tỷ trong mô hình bán hàng đa cấp, chủ tịch tập đoàn kinh doanh đa cấp B bỏ trốn để lại thiệt hại hơn hàng tỷ đô. Nhưng, hãy một lần tự hỏi : Liệu đa cấp thực sự là xấu ?
Trước hết, bản thân cơ chế kinh doanh đa cấp ra đời không phải là xấu. Cơ chế hiểu nôm na thế này : Một công ty sẽ giới thiệu cho bạn sản phẩm, vai trò của bạn vừa là khách hàng mua sản phẩm của công ty vừa là nhà phân phối và thuyết phục người khác mua và bán sản phẩm. Và cứ như thế, người này làm tư vấn cho người kia mua hàng, tạo thành một mạng lưới marketing khá hiệu quả và gây ảnh hưởng sâu rộng. Công ty dựa trên doanh thu sản phẩm họ kiếm được trích hoa hồng cho bạn, dựa trên khả năng phân phối sản phẩm của bạn trên thị trường.
Và đó là những gì mang lại lợi ích cho chính các tập đoàn đa cấp. Họ không cần bỏ ra nhiều đồng để quảng cáo, tiếp thị mà vẫn tạo được tiếng vang trên thị trường. Họ không cần phải đưa sản phẩm lên TV để PR, không cần các chiến lược marketing dài dòng tốn thời gian và ngân quỹ. Tất cả sẽ do cách marketing của nhà phân phối trong hệ thống, cho phép sản phẩm được lưu thông trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Với cách kinh doanh ấy, họ đã giảm được hơn hàng tỷ đôla.
Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh đã đẩy khả năng marketing của bạn đạt đến đỉnh cao. Việc nhận được nhiều hay ít hoa hồng tuỳ thuộc vào cách bạn bán hàng, vào cách bạn thuyết phục người mua vào hệ thống. Đó không chỉ dựa vào các mối quan hệ để bán hàng, đó còn dựa vào cách bạn PR sản phẩm và đem lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Khả năng bán hàng của bạn từ đó đẩy đến mức tối đa, bạn có cơ hội rèn luyện cách thức marketing và phương thức kinh doanh - những kiến thức đã được mài dũa trong môi trường đại học. Đó chính là nguyên nhân thành công của một số nhà phân phối đa cấp. Họ giàu có không phải vì tham gia đa cấp mà biết cách tận dụng đa cấp làm tiền đề để phát triển bản thân mình.
Ngoài ra, đa cấp là một hình thức kinh doanh bình đẳng. Là nhà phân phối, bạn không có chức vụ lớn bé, không là ông trưởng phòng cao to hay chị nhân viên thấp bé, bạn chỉ là bạn. Cơ hội làm việc như thế chia đều cho tất cả mọi người, và đánh giá họ thông qua năng lực bán hàng chứ không vì vụ lợi. Hiện tại nhiều công ty đang nỗ lực xoá bỏ ranh giới cao thấp trong công việc, tạo môi trường tự do cho mỗi nhân viên. Nhưng đa cấp đã làm điều đó trước chục năm và đem lại sự tự do cho tất cả mọi người.
Nhưng nói vậy, kinh doanh đa cấp luôn thành công ? Nó vẫn có những rủi ro mà các công ty lớn cũng phải che giấu. Chơi với đa cấp, chúng ta như đang chơi với lửa. Kinh doanh đa cấp không bền vững, nếu hệ thống sụp đổ từ phía công ty, tất cả sẽ mất trắng và không hoàn lại. Khi đó, bạn cũng không được hoàn tiền hay trợ cấp sau phá sản, vì bạn vào hệ thống như một người không lương, như một khách hàng quen thuộc và không phải là một nhân viên chính thức của công ty. Thứ công ty trả bạn là hoa hồng, không phải lương và hiện tại vẫn chưa có nhiều chính sách giúp giải quyết các tình trạng mất tiền của nhà phân phối. Và, công ty không thể kiểm soát hết những nhà phân phôi. Do đó, sẽ có tình trạng nhà phân phối lừa đảo người mua, đẩy giá sản phẩm lên mức cắt cổ và làm giảm uy tín của cả chính công ty.
Nên vậy, như cuộc chơi chứng khoán, vào hệ thống đa cấp như đang đánh cược vận may rủi của cuộc đời. Vậy nên đừng đánh giá đa cấp mãi như thế, mọi thứ đều có hai mặt của riêng nó. Hiểu đa cấp và biết tham gia, chúng ta sẽ tránh bao vụ lừa đảo và làm giàu cho chính bản thân.