Kinh Doanh Tri Thức
Share bài post này và để lại comment bên dưới email, đồng thời tag 3 bạn bè của mình, thầy/cô sẽ gửi các em tài liệu độc quyền về giải...
Share bài post này và để lại comment bên dưới email, đồng thời tag 3 bạn bè của mình, thầy/cô sẽ gửi các em tài liệu độc quyền về giải bất phương trình/các từ vựng sử dụng trong IELTS Speaking/các công thức về bài toán điện xoay chiều, … Rất nhiều những mẩu thông tin kiểu này tràn ngập trên mạng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây với mục đích quảng bá cho một lớp học nào đó. Bên cạnh những đóng góp đồng tình kiểu làm theo hướng dẫn và download ngập tài liệu về máy nhưng chẳng bao giờ dùng đến thì cũng có rất nhiều ý kiến phản bác gay gắt: “rẻ tiền”, “phản giáo dục”, “Vô đạo đức”, “khinh rẻ tri thức”,…
Nhiều người gọi hành động này là kinh doanh, thương mại hóa tri thức và cần phải bị tiêu diệt. Lý lẽ họ đưa ra là: Những giáo viên dùng hình thức quảng bá trên mạng này không có tài cán gì cả nên mới phải làm như vậy, chẳng bù cho những người trong nghề đã lâu năm, không cần tự lăng-xê vẫn có đầy học sinh đến học; hay đây là hành động bán rẻ kiến thức của nhân loại bởi lẽ tri thức nào thì cũng có giá của nó, vứt bừa phứa trên mạng không khác gì bôi đen vào sự thiêng liêng của học thuật, …
Tôi không ủng hộ việc biến tri thức thành một món hàng để mua bán, tuy nhiên đối tới tất cả những ai đi dạy, dù chính thống trên các trường lớp, dạy thêm ở trung tâm, trong các phòng học chật trội hay thậm chí là dạy online, tôi nghĩ nên được đối xử công bằng như nhau, bởi lẽ mọi thứ họ làm đều xuất phát từ nhu cầu mưu sinh. Tôi luôn tưởng tượng sự vận hành của các trường công lập giống như phúc lợi xã hội, trong đó người dân đóng thuế để nuôi giáo viên và được hưởng thứ dịch vụ này. Dần dần, mức lương nhà nước không còn đảm bảo cho cuộc sống và chuyện dạy thêm là điều đương nhiên. Sự hình thành của một thị trường giáo dục bên cạnh môi trường công lập dường như chứng tỏ đã có một sự đồng thuận xã hội nào đó trong việc “kinh doanh tri thức”.
Có một điểm giới hạn về đạo đức của kinh doanh tri thức, đó là nếu như người giáo viên vẫn làm việc dựa trên một tôn chỉ như “lan tỏa tri thức”, “thẩu hiểu học sinh”, “dạy cho các em nhiều triết lý của cuộc đời” hay vẫn đưa mục đích hàng đầu của giáo dục là đào tạo ra thế hệ tương lai thì có nghĩa là họ chưa vượt qua giới hạn về đạo đức ấy. Tương tự, nếu như người làm giáo dục đó chỉ quan trọng số lượng học sinh đến cho chật lớp, kiếm được nhiều tiền và bằng mọi cách, khiến cho học trò có điểm cao trong các kỳ thi để giữ uy tín thì họ đã vượt ra ngoài các hàng rào đạo đức và không nên được ủng hộ nữa.
Như vậy có thể nói, việc share tài liệu hay lăng-xê bản thân ở trên mạng chỉ là một phương tiện giúp giáo viên đến gần với học sinh hơn, còn để đánh giá về đạo đức nghề nghiệp cũng như nhân cách của họ thì có lẽ còn quá sớm, và nếu công kích họ bằng những từ như “rẻ tiền” hay “không có tài năng” thì xem ra chỉ là một sự quy chụp, và ý kiến đấy cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa.
Nhưng tất nhiên, khi đã bị đánh giá là “phản giáo dục” thì sự nghiệp của người giáo viên đó dường như vô hình dẫn học sinh của mình đến một con đường sai. Một nền giáo dục “xôi thịt”, “mỳ ăn liền”: người giáo viên giúp học sinh của mình ăn tươi nuốt sống kiến thức cốt chỉ để thi đỗ vô hình khiến học sinh đánh mất tình yêu tri thức của mình và dù có học gấp đến 10 lần người bình thường thì suy cho cùng vẫn chẳng có ý nghĩa gì cả.
Hiện tượng đáng buồn này, đáng buồn thay, không chỉ là lỗi của người đi dạy mà còn là lỗi của người học cũng như phụ huynh của họ: Những người bố, người mẹ muốn con thi đỗ đại học bằng mọi giá, những người con chẳng xác định nổi mình học đại học để làm gì, lao đầu vào học như trâu để yên lòng bố mẹ, vậy người giáo viên phải cung cấp cho khách hàng dịch vụ gì đây?
Vấn đề nằm ở con quái thai mang tên “thi cử”- tiên sinh của những người dạy hời hợt, thương mại cũng như những người học không niềm tin, mất định hướng, và rõ ràng chẳng thích học chút nào. Là những người bình thường đối diện với chuyện này, rõ ràng chúng ta không thể thay đổi kỳ thi, nhưng sự thay đổi từ bên trong, từ lòng ham muốn chiếm lĩnh tri thức sẽ phần nào khiến thị trường nhắm đến cái khác thay vì những điểm số và tiền bạc. Thay vì chửi bới, hãy chia sẻ nhiều hơn về sự thích học với những người dạy mình và những người học cùng mình ngay cả khi họ xôi thịt, sự “mỳ ăn liền” và “thương mại” của giáo dục không thể ngày một, ngày hai mà biến mất, nhưng ít nhất những người làm nghề sẽ nghĩ đến việc thay đổi triết lý dạy học của mình.
Quay lại với những ầm ỹ trên mạng về sự lăng-xê của những người dạy học, tôi cho rằng không phải tất cả họ đều đặt lợi nhuận lên đầu. Vẫn còn rất nhiều người khác, cho dù khó khăn, vẫn trăn trở với sự nghiệp đào tạo con người.
(Cảm ơn sự đóng góp về lập luận của Trọng Lâm và Tú Phương)
Vũ Hoàng Long
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất