Vì khả năng nghe nói tiếng Anh thiên bẩm dở tệ của bản thân, mà tui phải đi kiếm một vài bộ phim sitcom để tự học. Sau khi mò 7749 bộ phim thì ơn giời cũng đã kiếm ra được một bộ phim Âu mà toàn người Châu Á đóng , nghe thì vô lý á nhưng câu chuyện của Kim's Convenience lại khiến tôi hứng thú cực kì. Phim kể về một gia đình đậm chất Á Đông, có cha, có mẹ, có luôn đứa trai đứa gái (ước mơ của tui á). Ủa nghe chán vậy ta, có gì âu mà đáng coi bây. Chờ đã mình chưa kể gì mà.
Cửa hàng nhà Kim không chỉ đánh vô tâm lý của những người trẻ thấm nhuần văn hóa và lối sống Mỹ hiện đại, mà còn khắc họa cả sự tương phản về góc nhìn của thế hệ đi trước. Đi sâu vào từng tập, ta rất dễ bắt gặp hình ảnh cha mẹ chúng ta từ hai nhân vật là ông Kim và bà Kim, lớp người đi trước nghiêm khắc, cần mẫn, cổ hủ trước sự đổi mới của thời đại. Một người cha bảo thủ, và một người mẹ luôn lo lắng về tương lai của con cái. Những thứ khiến cho thế hệ trẻ cảm thấy ngột ngạt, chán nản vì cách nuôi dạy hà khắc của họ. Vậy có bao giờ ta hiểu được nổi khổ của những con người đó không? Như cách ông Kim thấy ghen tị khi thấy những đứa con của mình may mắn được ăn học và thậm chí là có quyền theo đuổi đam mê, hay cách vợ ông lo cho tương lai của con mình một cách cường điệu. May quá ba mẹ tui không có vậy, à mà cũng có mà không lố vậy. Nhờ ông bà Kim, ta cũng có thể hiểu hơn về góc nhìn của những bậc phụ huynh về cách nhìn nhận, chấp nhận và thừa nhận những chuyến biến mới của nhịp sống nhanh chóng của người trẻ. Họ như các cột mốc kiên định vậy, dù có trải qua nhiều đời tổng thống, bao nhiêu cuộc cải cách thì họ vẫn giữ được những phẩm chất của những con người Á Đông. Đây chính là điều đáng trân quý của hai nhân vật thế hệ trước.
Vậy thế hệ sau có gì? Một ông anh cả Jung 6 múi bỏ nhà ra đi vì xích mích với cha cùng cô em út Janet đang theo học ngành nhiếp ảnh. Khúc đầu mình không thấy ấn tượng với hai hình mẫu này lắm, vì nó giống hầu hết các những người con trong các tác phẩm trước mà mình đã xem (Mà sao ông Simu Liu toàn đóng vai anh hai, chuyên gia gây mâu thuẫn với cha mình nhỉ). Thui hổng khịa nhưng hai nhân vật này chính là đại diện của hai thế hệ gen Y và Z hiện nay. Một người gen Y không quá già cũng chẳng còn trẻ đang chật vật tìm con đường để tiến thân trong xã hội. Cái tui thích ở ông Jung này so với ông Shang Chi (ủa quên hứa không khịa rồi) là ổng là người chủ động trong hầu hết các quyết định của mình. Ổng độc lập, tự do nhưng thiếu ấm no nên chưa thấy hạnh phúc. Janet thì khác người anh hơi vô tâm của mình, cô nhạy cảm, chững chạc và quyết đoán. Cái khó của cô gái này là phải tìm cách chứng minh với cha mẹ mình là cô đã trưởng thành và nên có sự tự do mà bạn bè cô ai cũng có. Một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết dưới sự giám sát của cha mẹ.
Một số điểm thu hút của bộ phim này cũng lại nằm ở văn hóa, ngoài những điều đậm chất văn hóa Châu Âu thì phim còn cho ta thấy được những khía cạnh trong văn hóa của người Châu Á. Đưa ví dụ nè, ở một cảnh ta có thế thấy rõ hiềm khích giữa người Hàn và người Nhật lúc ông Kim đòi báo cảnh sát khi có chiếc xe hiệu Toyota đậu trái phép nhưng lại đòi bỏ khi phát hiện đó là chiếc Huyndai. Hay mẹ của Janet đánh giá cháu gái mình không đàng hoàng (thiệt ra bà mẹ nói nặng lắm mà vô coi phim để biết nói sao ha) chỉ vì cô mặc váy ngắn.
Túm cái review lại, đây là một bộ phim phù hợp với nhiều thế hệ đặc biệt là người Châu Á hoặc người đam mê tìm hiểu về người Châu Á. Nó không chỉ khắc họa những đặc điểm của một gia đình người da vàng tại Canada, mà còn giúp ta hiểu hơn về cách yêu thương, thấu hiểu và thay đổi suy nghĩ của người trẻ về khoảng cách thế hệ trong một gia đình. Mình nghĩ nếu được hãy rủ cha mẹ của bạn cùng xem để họ hiểu được xã hội hiện tại của chúng ta đã thay đổi như thế nào. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, mình là Raion và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất