Đọc cuốn "THẾ GIỚI QUẢ LÀ RỘNG LỚN VÀ CÓ RẤT NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM (15/6/2021) (Tổng số sách đã đọc được: 8 quyển)
Trong mọi điều đi cùng với tuổi trẻ, ước mơ là quan trọng nhất. Những người có ước mơ không hề biết đến nghèo khó, vì một người luôn giàu có như những giấc mơ của mình. Tuổi trẻ là giai đoạn cuộc đời khi mà bạn chẳng có gì để đố kỵ nếu bạn có những ước mơ, dù cho bạn không hề sở hữu một thứ gì. Lịch sử thuộc về những người dám mơ ước. Ước mơ là sức mạnh thay đổi cả thế giới.

Những ước mơ thường làm nên con người. Chúng điều khiển nhân cách, công việc và thậm chí là số phận của người đó. Ước mơ giống như bánh lái của một con tàu đang căng buồm. Bánh lái có thể nhỏ bé và chúng ta không hề thấy nó, nhưng nó điều khiển hải trình của con tàu. Cho nên, một cuộc đời thiếu ước mơ giống như con tàu không có bánh lái, sẽ mất phương hướng và lênh đênh cho tới khi mắc kẹt vào đám rong biển. Ước mơ sai lệch cũng nguy hiểm chẳng khác gì không có ước mơ. Một người mà những ước mơ không vượt qua được sự thỏa mãn cá nhân đối với hiện tại thì cũng đáng khinh chẳng khác gì một người không hề có ước mơ

Tôi vẫn còn một ước mơ nữa, ước mơ lớn nhất của tôi, đó là được nhớ về như một doanh nhân đáng kính. Tôi không muốn được người ta biết đến vì giàu có hay kiếm ra nhiều tiền.

Tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ. Ước mơ rất quan trọng, cần thiết cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ là những ước mơ. Và lịch sử thuộc về những người dám mơ ước.

Có một điều phân biệt tôi với hầu hết những doanh nhân khác là tôi có kinh nghiệm đáng kể trong việc tiếp quản những công ty gặp khó khăn và vực chúng dậy. Những công ty này bị chủ của mình, các ngân hàng và thậm chí là chính phủ bỏ rơi hoàn toàn. Và chối bỏ chính là hành động bi quan. Ngược lại, hết lần này đến lần khác, tôi đã biến những thất bại thê thảm thành những doanh nghiệp có lãi rất nhanh chóng. Điều này khiến báo chí quốc tế chú ý, và khi được hỏi về nó, tôi luôn có một câu trả lời: “Khi người khác bắt đầu xem là không thể thì tôi lại thấy hoàn toàn có thể.”

Bài học từ thế giới của loài nhện. Có một loài nhện biết khéo léo đẻ một số lượng trứng rất lớn vào lớp vỏ cây và ngụy trang bên trên bằng lớp mạng. Sau một thời gian, lũ nhện con nở ra, và nhện mẹ, không hề nghĩ đến bản thân, bắt đầu công việc tìm thức ăn cho đàn con giống như tất cả mọi loại động vật và côn trùng. Tuy nhiên, khi nhện con đủ cứng cáp để tự bắt mồi, nhện mẹ kiệt sức mà chết. Kỳ lạ hơn nữa, ở loài nhện khác, thực tế nhện mẹ còn tự làm thức ăn cho các con của mình. Có vẻ khó tin, nhưng cơ thể nhện mẹ cung cấp đủ dưỡng chất cho nhện con. Thật cảm động khi thấy rằng cuộc đời của nhện con tùy thuộc vào sự hy sinh và cái chết của nhện mẹ, và nhện mẹ phải chết để đàn con được sống. Cũng với ý nghĩa như vậy, sự thịnh vượng của một thế hệ tương lai tùy thuộc vào những hy sinh của thế hệ hiện tại; trên thực tế, có thể không đạt được thịnh vượng nếu không có sự hy sinh như vậy. Ở cấp độ cá nhân hơn, hạnh phúc của trẻ em tùy thuộc vào những hy sinh của cha mẹ. Mồ hôi và nước mắt của một thế hệ tạo ra niềm vui cho thế hệ tiếp theo. Vì lẽ đó, những ông bố bà mẹ lười nhác, vô trách nhiệm sẽ tạo ra con đường khổ ải cho chính con cái mình. Theo quan sát của tôi thì những gia đình sống sung túc là những gia đình trong đó cha mẹ đã hy sinh và nỗ lực làm việc cho thế hệ sau chứ không phải làm việc cho chính mình. Giống như bắt chước quy luật tự nhiên của loài nhện, cha mẹ chúng ta thắt lưng buộc bụng và làm việc cực nhọc vì chúng ta. Sự thịnh vượng của chúng ta hôm nay là kết quả trực tiếp từ những hy sinh của thế hệ trước. Điều này đúng với mọi quốc gia thịnh vượng: Sự thịnh vượng được tạo dựng từ những hy sinh của cả một thế hệ.

Chẳng có gì tự nhiên mà có trên đời này cả, và chẳng có gì là ngẫu nhiên. Các bạn càng đào, cái hố càng sâu, và cái hố càng sâu thì nước giếng càng nhiều. Lẽ tất nhiên là như vậy.

Một người thật sự thông minh biết cách sử dụng cả thời gian và tiền bạc một cách khôn ngoan. Hãy để tôi nói với các bạn rằng các bạn không nên lãng phí dù chỉ một ít tiền bạc cũng như không nên lãng phí thời gian. Thật tuyệt nếu có một thái độ lành mạnh đối với tiền bạc ngay từ khi các bạn còn trẻ. Dĩ nhiên, bản thân tiền là vô tính – nó không tốt cũng chẳng xấu. Cái trở thành tốt hoặc xấu chính là cách các bạn sử dụng tiền. Tiền chỉ nên sử dụng khi thật cần, và chuẩn mực sử dụng nó là phải đem lại lợi ích – làm lợi cho chính các bạn và người khác. Sử dụng tiền để học tập, để chi phí thuốc men, hoặc để giúp đỡ những người gặp khó khăn chính là những đồng tiền được sử dụng một cách khôn ngoan, và không cần phải keo kiệt trong những trường hợp như thế. Nếu các bạn sử dụng tiền một cách phù hợp, thì số lượng không thành vấn đề – đừng ngại tiêu nhiều tiền khi cần. Trên cơ sở đó, đừng lãng phí dù chỉ một ít tiền. Đừng tiêu tiền một cách ngu ngốc, giống như lúc các bạn thèm muốn mua thứ gì đó các bạn không cần. Một số người mua đồ chỉ vì nó rẻ, không phải vì họ cần nó, và có người mua đồ chỉ vì người khác mua thứ đó – đó là hội chứng “cho bằng chị bằng em.” Điều đó là vô cùng ngu xuẩn.

Tôi thường tự mình chọn quà cho các đối tác làm ăn, và tôi thường chọn những món đồ gốm hoặc hàng thủ công. Thỉnh thoảng, người bán hàng lại tìm cách thổi giá lên bởi tôi là chủ tịch của một tập đoàn lớn. Khi họ làm như vậy, tôi lại tìm cách mặc cả xuống, bởi không có chuyện lãng phí tiền bạc. Người bán hàng có thể nghĩ tôi là kẻ bần tiện, nhưng tôi không thấy như vậy. Chúng ta phải chấn chỉnh suy nghĩ rằng ai đó ném tiền qua cửa sổ mới thật sự là hào phóng và ai đó tiêu tiền một cách khôn ngoan thì là bần tiện. Tôi có thể là kẻ bần tiện tìm cách tiết kiệm 25 xu trên một chuyến xe buýt và cò kè với người bán đồ gốm, nhưng tôi không hề day dứt khi đầu tư hàng triệu cho giáo dục và phúc lợi của nhân viên. Các nhà máy sản xuất Daewoo của chúng tôi không hề gây ô nhiễm, nhưng chúng tôi không do dự sử dụng tiền một cách khôn ngoan cho những hạng mục bảo vệ môi trường ở những nhà máy gây ô nhiễm. Và chúng tôi không hề bần tiện khi đền bù cho ai đó qua đời vì công việc. Chúng tôi biết rõ khi nào và sử dụng tiền như thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Người nào chỉ tiêu tiền khi cần tiêu chính là người thật sự biết cách tiêu tiền. Mọi thứ tùy thuộc vào sự khôn ngoan của người tiêu tiền. Rất nên bắt đầu tiết kiệm khi các bạn còn trẻ và thật ngu ngốc khi tiêu sạch những gì các bạn có; tiết kiệm một chút những gì các bạn có ngày hôm nay để cho ngày mai mới là khôn ngoan. Nhà cải cách tôn giáo John Wesley từng nói, hãy làm việc tối đa, tiết kiệm hết mức và sau đó sử dụng tất cả những gì các bạn có vì người khác. Đây ít nhiều cũng chính là triết lý của tôi liên quan đến tiền bạc, nhưng tôi muốn bổ sung thêm một điều: Đừng lãng phí một xu, nhưng đồng thời, đừng do dự tiêu cả núi tiền khi cần.

Đi bất kỳ đâu, tôi đều lập tức thấy chỗ nào kiếm được tiền. Tôi từng đùa rằng đường phố đều trải tiền cho nên tôi chỉ việc xới tiền lên mà thôi. Dĩ nhiên, có rất nhiều nơi trên thế giới đường phố không trải tiền, và kiếm tiền không phải là điều dễ làm nhất trên thế giới. Việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và có vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, tôi đùa như vậy để cho thấy mối quan tâm thật sự của tôi là gì. Một nghệ sĩ ra ngoại ô để vẽ phong cảnh chỉ để có cảnh đẹp. Người đi câu luôn nhớ chỗ tốt nhất để câu cá. Cũng như vậy, một doanh nhân tìm cách kiếm ra tiền ở bất kỳ đâu ông ấy tới. Vì tôi có tài kiếm tiền nên bất kỳ khi nào tôi tới một nơi nào đó mới, tôi thường nghĩ đến việc sẽ bán gì. Nhưng có một thứ tài năng mà tôi chưa phát triển được, và đây là một trong những khiếm khuyết của tôi: Nói về kiếm tiền, tôi là một chuyên gia, nhưng nói đến tiêu tiền, thì quên điều đó đi.

Mặc dù chúng ta đang sống trong một thời đại cạnh tranh quyết liệt nhưng chúng ta không nên tạo thành xung đột và cô lập. Mục đích của cạnh tranh không phải là giết chết hay loại bỏ đối thủ. Cạnh tranh làm cho cuộc sống tốt hơn với tất cả mọi người tham gia; một đối thủ đích thực có thể tốt cho bạn hơn cả một người bạn hay một người thầy.

Đây chính là cách các bạn cần nhìn nhận cạnh tranh. Nó không phải là thứ gì đó phục vụ cái tôi của các bạn, và mục tiêu không phải là loại bỏ cạnh tranh. Nó là điều mà nhờ đó tất cả cùng được lợi, điều mà mỗi người tham gia giúp khích lệ người khác cố gắng hơn nữa. Đó là nguyên tắc đích thực ẩn sau sự cạnh tranh, và nếu cạnh tranh đúng đắn thì nó trở thành một quá trình sáng tạo, hữu ích. Tuy nhiên, khi cạnh tranh trở thành điều gì đó gây ra xung đột và cô lập các cá nhân thì nó đã đánh mất các mục đích và năng lượng sáng tạo của nó. Nó huỷ hoại không chỉ các cá nhân mà cả nền tảng của sự thịnh vượng và tốt đẹp chung. Cạnh tranh cho bản thân và chà đạp người khác thực tế chính là một hình thức tự huỷ hoại. Các bạn không thể sống vì bản thân và bởi bản thân. Các bạn phải hợp tác và phải phục vụ người khác.

“Sông sạch nhờ suối trong” là một câu ngạn ngữ Triều Tiên cổ, và điều này đúng: Thượng nguồn phải trong thì sông mới sạch. Xã hội cũng vậy. Các nhà lãnh đạo xã hội phải sạch thì xã hội mới sạch. Không có gì là ngoa ngôn khi nói rằng các bạn có thể đánh giá một xã hội từ tấm gương của các nhà lãnh đạo. Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo? Một nhà lãnh đạo phải có rất nhiều năng lực. Người đó phải có khả năng thuyết phục và có thể tổ chức mọi người. Một nhà lãnh đạo phải có khả năng chấn chỉnh những mâu thuẫn và yếu kém thông qua vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, và phải biết cách tận dụng sức mạnh của cả nhóm để tạo nên sự thịnh vượng và phát triển. Các nhà lãnh đạo phải có ý thức thông suốt về nghĩa vụ. Các nhà lãnh đạo phải coi công việc của mình là sự phó thác của thiên mệnh, và họ phải nghĩ rằng họ sinh ra để đảm nhận công việc ấy. Họ phải sống và chết vì công việc ấy, và coi đó là bổn phận duy nhất trong đời mình. Nếu các nhà lãnh đạo không có ý thức như vậy, khi đó tập thể sẽ trở thành một nhóm hỗn loạn, không có khả năng vận hành một cách lành mạnh. Ai đó xem vai trò lãnh đạo như một phương tiện cho lợi ích cá nhân thì không có khả năng làm một nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo cũng phải có ý thức về sự hy sinh, và đi kèm với ý thức về bổn phận, vì cả hai song hành cùng nhau. Vai trò lãnh đạo không phải là thứ đơn thuần đến từ việc ngồi vào một vị trí cao. Nó chỉ đến với những người có cả ý thức về bổn phận và hy sinh cho lợi ích của tập thể. Trở thành một nhà lãnh đạo giống như đi trên một con đường chông gai. Chỉ người nào sẵn lòng hy sinh cuộc sống riêng tư của mình, sở thích của mình, và thậm chí cả gia đình của mình, thì mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo. Điều này đúng với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ của xã hội. Các bạn có thể thấy rằng không phải ai cũng trở thành lãnh đạo; nó tuỳ thuộc vào việc liệu một người có sẵn lòng chấp nhận những hy sinh như thế hay không.

Một người được xem trọng như một nhà lãnh đạo khi người đó thật sự đắm mình vào vai trò lãnh đạo và lãnh đạo bằng ý thức thực sự về bổn phận, ý thức về sự hy sinh và những giá trị mạnh mẽ. Đây là chỗ chúng ta phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và những nhà độc tài. Người ta nghe theo kẻ độc tài vì sợ, không phải vì kính trọng. Người ta không sợ những nhà lãnh đạo thực sự, người ta nể trọng họ. Sức mạnh và uy tín thật sự đến từ sự kính trọng, và một nhà lãnh đạo phải có được những điều đó. Nếu họ không làm được thì họ không thể lãnh đạo được tập thể.

Nếu ai đó cố gắng lợi dụng người khác thì mối quan hệ sẽ nhanh chóng tàn lụi. Để phát huy một mối quan hệ, mỗi người rất cần phải cảm thông với người khác, hiểu vị thế và hoàn cảnh của người đó; chỉ khi đó, mối quan hệ này mới trở thành một mối quan hệ cùng có lợi. Các mối quan hệ tốt đẹp nằm trong số những điều quan trọng nhất của cuộc sống. Cũng như việc các bạn có thể đánh giá một con người qua công ty của người đó, các bạn có thể đánh giá một con người qua cách người đó xử lý các mối quan hệ của mình. Và thường thì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cho nên các bạn phải cố gắng kết bạn với những người tốt. Các bạn có thể thấy tầm quan trọng của những tình bạn tốt bằng cách nhìn nhận những gì xảy ra với những kẻ đào tẩu bị bắt lại giữa đám đông xa lạ. Nếu các bạn kết bạn với những người xuất sắc, các bạn bắt đầu theo gương họ mà có khi không hề biết, và điều tương tự cũng xảy ra khi bạn giao du với những người có các chuẩn mực thấp hơn của bạn. Các bạn có thể trở nên thành công trong cuộc sống nếu các bạn có những mối quan hệ cá nhân tốt. Có các mối quan hệ tốt với những cá nhân xuất sắc là một tải sản lớn, một thứ còn đáng giá hơn cả tiền bạc, bởi vì các mối quan hệ tốt là điều bạn không thể mua được. Nhưng các mối quan hệ con người thường khó khăn vì chúng rất quan trọng, và đó là một nguyên tắc lâu dài khác: Những điều tốt đẹp không đến một cách dễ dàng. Một trong những chìa khoá để có các mối quan hệ cá nhân tốt là sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng đó là thứ hình thành theo thời gian và các bạn phải có đủ kiên nhẫn.

Tôi rất thích làm cho mọi thứ vận động. Tôi là kiểu người không thể ngồi im được lâu – một kẻ ham công tiếc việc thật sự. Trên thế giới này, không có gì là điều khó làm nhất với tôi cả. Một số người có thể cần nghỉ ngơi một chút nhưng tôi thì không. Nghỉ ngơi với tôi chẳng khác gì tra tấn, vì tôi luôn luôn bận rộn hoạt động. Do đó, tôi luôn nhúng tay vào việc gì đó. Tôi không ưa cái kiểu bắt đầu việc gì đó nhưng rồi lãng quên luôn, cho nên tôi thích những thanh niên không chỉ làm cho mọi việc vận động mà còn đắm mình hoàn toàn vào những gì họ đã bắt đầu. Chính vì sự say mê này mà những người như thế có thể dễ thất bại hơn những người chẳng làm gì cả. Nhưng, đồng thời, họ cũng chính là tuýp người chấp nhận một hai lần thất bại để rút kinh nghiệm, và họ không hề nản chí. Nếu các bạn có can đảm nhìn nhận thất bại theo cách này, thì các bạn đang trên đường đi tới thành công chung cuộc. Người nào sợ thất bại và sợ đối diện với thách thức sẽ chẳng bao giờ được nếm vị thành công. Ngoài kia là một thế giới rộng lớn đang chờ đợi các bạn, và có rất nhiều việc để làm. Các bạn phải tìm ra những nơi mà mọi người chưa bao giờ đặt chân đến và các bạn phải làm những việc mà mọi người chưa hề làm. Lịch sử được tạo ra bởi những người sẵn sàng làm những việc như thế. Những người đó là những người đi tiên phong thực sự.

Lịch sử chứng minh rằng sức mạnh và sự thịnh vượng của các quốc gia được tạo dựng từ tinh thần tiên phong, và rằng hủy diệt xuất hiện từ thói tự mãn và thoái thác trách nhiệm. Lịch sử luôn đầy sự thăng trầm của các quốc gia và các nền văn minh, và lịch sử dạy chúng ta rằng không có quốc gia nào, dù hùng mạnh hay trở thành đế quốc, có thể tồn tại mãi mãi như một cường quốc. Sự hưng thịnh một thời của Lưỡng Hà, Ai Cập và La Mã ngày nay chỉ có thể tìm thấy trong các trang sách. Đi cùng những biến thiên lịch sử này là những thay đổi trong vai trò lãnh đạo khi một quốc gia trao lại vị thế cho quốc gia khác. Chúng ta có rất nhiều ví dụ chỉ trong vài thế kỷ qua. Vai trò lãnh đạo của Tây Ban Nha phải nhường chỗ cho Anh quốc, và Anh quốc lại trao lại vị thế cho Hoa Kỳ. Giờ đây vị thế ấy đang được trao lại cho Nhật Bản và các nước Thái Bình Dương khác. Giờ đây, chúng ta có thể thấy rằng trung tâm của nền văn minh đang dịch về phía Đông.

Là lãnh đạo trong thế giới mới, thanh niên các bạn phải có một nền tảng vững chắc: Các bạn phải có những giá trị thích hợp với thế giới mới này, các bạn phải có tầm nhìn rộng lớn hơn, và các bạn phải sẵn sàng và tích cực đón chào những thay đổi mới và mau lẹ. Các bạn cũng phải phát huy toàn bộ tiềm năng của mình, vì không phải tất cả những đối thủ cạnh tranh của các bạn đều là bạn bè của các bạn. Các bạn phải mở to mắt và nhìn thực tiễn của thế giới: Thanh niên Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm cũng đang có ý định trở thành những nhà lãnh đạo và người hùng trong tương lai, và để làm điều đó, họ đang nghiến ngấu sách vở và miệt mài bên máy tính cho tới tận khuya. Những đối thủ chưa nhìn thấy của các bạn mới là những đối thủ thật sự. Các bạn phải học ngoại ngữ – để trở thành những nhà lãnh đạo hướng tầm quốc tế của xã hội quốc tế, các bạn phải trò chuyện được với những người khác. Tối thiểu, các bạn phải thành thạo tiếng Anh, và các bạn cần nắm vững ít nhất một ngoại ngữ chính như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha. Nếu các bạn không làm được điều đó, các bạn sẽ trở thành câm điếc ngay khi các bạn rời khỏi Sân bay Quốc tế Gimpo ở Seoul. Tiếp theo, học cách lái xe và sử dụng máy tính đều rất quan trọng. Các bạn phải sẵn sàng cho bất kỳ điều gì và tất cả mọi thứ, vì những điều bất ngờ có thể dễ dàng xảy ra.

Còn những thứ khác các bạn sẽ cần chuẩn bị cho buổi ra mắt trên vũ đài thế giới: Năng lực, sự tự tin và khí phách dám đối diện với bất kỳ người nào và bất kỳ tình huống nào các bạn có thể gặp.

Có một số hiện tượng chính là triệu chứng về sự sụp đổ của một nền văn minh lớn, và điều này luôn đúng trong suốt tiến trình lịch sử không phân biệt nền văn minh hay quốc gia: Sức sáng tạo suy giảm, đạo đức suy đồi và chủ nghĩa hưởng lạc phát triển. Chúng ta thường xem những hiện tượng như vậy là những căn bệnh của các quốc gia phát triển. Ngày càng có nhiều tiếng nói bày tỏ sự lo lắng về nước Mỹ đương đại trong những khía cạnh này. Đương nhiên là chúng ta phải cố gắng hết mức để học lấy những điều tốt đẹp của các quốc gia phát triển, nhưng không cần thiết phải học những cái xấu của họ. Hiện nay, trong giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng tiếp nhận mọi thứ một cách vô điều kiện từ phương Tây, nhưng các bạn không cần phải bắt chước những điều không thích hợp. Trong những thập kỷ gần đây, chúng ta cố gắng giống với các quốc gia phát triển dưới ngọn cờ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, và Tây hóa. Nhưng giờ đây, một vầng mặt trời đang lên không cần phải học theo một vầng mặt trời đang lặn. Những quốc gia như vậy đã già cỗi và chúng ta còn rất trẻ, và nếu, như các bạn thanh niên, chúng ta bắt chước những người già nua thì khi đó, chúng ta sẽ chỉ theo họ rời khỏi vũ đài ở thời điểm khi mà lẽ ra chúng ta phải sẵn sàng xuất hiện trước ánh đèn sân khấu. Thế giới đang hướng sự chú ý của mình sang chúng ta, và tất cả sẽ tùy thuộc vào các bạn để cho họ thấy tuổi trẻ, sức sống và khả năng của chúng ta. Như là một trong những bậc cha chú của các bạn, hy vọng và kỳ vọng cháy bỏng của tôi là các bạn sẽ nhận lấy trách nhiệm trọn vẹn của mình là những nhà lãnh đạo của kỷ nguyên quốc tế hóa mới và là những người hùng trong trang sử thế giới mới.