Chúng ta đều đã từng nghe đến khái niệm “kiếp sau”, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo đều có một câu chuyện riêng cho câu hỏi: “Con người sẽ đi đâu sau khi kết thúc cuộc đời?”. Về cơ bản, tất cả đều công nhận là cuộc sống của con người sẽ không kết thúc ngay cả khi tất cả tín hiệu của sự sống đều không còn (như lời bác sĩ vừa kết luận sau khi đo mạch cho người chết), hành trình sau đó mới thú vị và thật sự không có giới hạn nào mà trí tưởng tượng của chúng ta không thể chạm đến. Và cùng với đó, tất cả vấn đề trong cuộc sống hiện tại của chúng ta đều sẽ kết thúc và không còn chút liên quan đến con đường hậu kiếp của mỗi người; bạn còn gia đình? chẳng ai đi cùng bạn được; bạn có vấn đề về sức khỏe? không còn nữa; và nếu bạn đang có một khoản nợ khổng lồ? chúc mừng bạn và chia buồn cho chủ nợ của bạn… Có người sẽ cảm thấy thanh thản, có người sẽ tiếc nuối (bây giờ nghĩ đến thì thế thôi chứ khi qua đời thì não còn hoạt động đâu mà nghĩ), nhưng nếu ta được trao 1 cuộc đời mới, ngay ở kiếp này thì sao, liệu chúng ta có thể làm tốt hơn?
Công nghệ của Thế giới chúng ta đã và đang tiến bộ từng ngày, đến giai đoạn này, nền văn minh nhân loại đang phát triển mỗi giây và càng ngày càng nhanh hơn nữa. Hai mươi năm trước nói về xe điện tự lái, trí thông minh nhân tạo hay chỉnh sửa gen người, tất cả đều nghe như một bản thảo của nhà văn H. G. Wells; nhưng đến bây giờ thì chúng ta còn đang phải học cách để sống chung và sử dụng các công nghệ đó hiệu quả. Bước tiến kinh người của khoa học kỹ thuật giải quyết những vấn đề cũ và cũng mở ra những câu hỏi mới cho loài người. Hôm nay, tôi xin mạn phép đưa ra 1 vấn đề cho các bạn cùng suy tư. Các bạn biết đấy, nếu có kiếp sau thật, mỗi người chúng ta đều sẽ có 1 cuộc đời mới với 1 nhân dạng mới và những ký ức, tính cách mới (đa phần những ý tưởng trong các tài liệu đều chỉ ra như vậy). Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta có 1 cơ thể sinh học mới, với nguyên si những kiến thức, kinh nghiệm, ký ức ở ngay trong kiếp sống này?
Một ý tưởng tôi tìm thấy trong những trang sách và về mặt công nghệ thì có vẻ không quá khó để chúng ta có thể thực hiện được (trong tương lai gần), tôi gọi nó là mô hình Hậu Kiếp – After Life và nó hoạt động với việc tác một bản thể con người làm 2 phần để giải quyết như sau:
- Phần thể xác: với sự giúp đỡ của nhân bản vô tính và công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, mỗi một người khi xuất hiện những vấn đề tuổi già, bệnh tật hay thương tật vĩnh viễn có thể chọn lựa nhân bản vô tính chính mình với những chỉnh sửa phù hợp (không còn máu khó đông, không còn mất chi hay các bệnh hiếm về gen biến mất).
- Phần linh hồn: phần này khá phức tạp, nếu bỏ qua câu hỏi tôn giáo rằng linh hồn có thực hay không và cấu tạo từ gì, ta chỉ nên tập trung vào phần não bộ – yếu tố cấu thành nên mọi nhận thức của 1 con người. Bạn hãy thử tưởng tượng ta có thể sao lưu toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, học vấn và cảm xúc (khi ta yêu, khi ta làm tình, khi ta có con) thành dạng dữ liệu thông tin và chuyển lên một máy chủ nào đó, giống như 1 bản backup vậy và ta có thể loại bỏ những dữ liệu không mong muốn như (mất người thân, bị phản bội).
- Từ 2 phần đó, ta tạo ra 1 bản thể mới của ta, 1 cơ thể trẻ trung, dồi dào sự sống hơn, sau đó chuyển toàn bộ nhận thức (backup) vào cơ thể đó và sản phẩm chính là một phiên bản mới của ta.
Về công nghệ, tôi tin là chẳng cần nhiều thời gian nữa chúng ta sẽ có đầy đủ công cụ để thực hiện mô hình Hậu Kiếp. Tuy nhiên, làm được không có nghĩa là nên làm, vì mô hình này sẽ phơi bày nhiều vấn đề về đạo đức, lòng tin và cả những hệ lụy xã hội.
Ví dụ như: ta có thể tạo ra 1 bản thể của ta khi còn đang sống như vậy, thì cái bản thể đó có còn là ta nữa không, và nếu ta không muốn nó nữa thì sao, người giải quyết nó có coi là giết người? Rồi thì một ta của năm 20 tuổi với toàn bộ kiến thức và tiền bạc (tất nhiên rồi) của ta năm 70 tuổi là một vấn đề khác với dân số Thế giới, tại sao phải có con khi ta có thể tái nhân bản ta mỗi khi ta già, ai cần con cái để chăm sóc và truyền lại gen cơ chứ? Mọi tổn thương dù là bên ngoài hay bên trông đều dễ dàng giải quyết với mỗi lần tái bản, Wolverine cũng không có năng lực như vậy vì ta đã bất tử như các vị thần, ta còn điều gì để sợ hãi trên đời và cũng còn điều gì để mong muốn trên đời…
Các bạn thấy đấy công nghệ của hiện nay đã mở ra con đường để nhân loại chạm đến đỉnh Olympia nếu muốn, nhưng ngồi lên cái ngai vàng đấy còn ý nghĩa gì nữa nếu phần nhân tính của chúng ta không còn. Một cỗ máy được tái tạo hết lần này đến lần khác với 1 bản backup có thể lưu trữ đến vạn năm là hình ảnh của con người nếu đi theo mô hình Hậu Kiếp. Chúng ta là nhân loại, chúng ta phát triển và đi đến ngày hôm nay vì chúng ta nhỏ yếu và yểu mệnh (so với trời đất), chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để sửa sai và cố gắng, vậy nên chúng ta mới đáng quý. Kiếp sau có gì đáng sợ nếu ta đã sống trọn kiếp này, cần gì hứa hẹn lai sinh tái kiến nếu kiếp này đã hết lòng vì nhau… Dù vậy, chẳng có ai dám khẳng định sẽ sống cả đời không hối hận và luyến tiếc, nhưng chúng ta nên hiểu, cái chúng ta nuối tiếc thực sự là khoảng thời gian đã mất, không phải cơ hội sửa sai ở kiếp sau. Rồi đây chúng ta sẽ lại làm chủ được không gian và thời gian như đã làm chủ với chính cơ thể sinh học của mình thôi, nhưng công nghệ không phải câu trả lời cho những vấn đề hiện sinh của nhân loại, chúng ta phải nhận thức sâu sắc là chúng ta chỉ có 1 cuộc đời và hữu hạn cơ hội bên người thân, khi đó, ta mới thực sự là chính ta trong cuộc đời ngắn ngủi của ta!!!
Minh Hiếu
12/06/2023
Nguồn: