Yêu hay không yêu, không yêu hay yêu nói một lời. Yêu thì chân thành tin tưởng và thẳng thắn. Nhường nhịn, thấu hiểu. Yêu mà mập mờ lừa dối thì nói tạm biệt cho lành.
TƯ DUY LOGIC - HÒA NHẬP VỚI MỌI NGƯỜI XUNG QUANH
Cuộc yêu đương vừa qua có vẻ đã làm thay đổi khá nhiều thói quen của Tâm Anh. Thế nhưng cũng không phải điều xấu. Thường khi phải trải qua hai chuyện đối ngược nhau rồi, người ta mới biết được điều nào hợp với mình.
Như Tâm Anh, cô từng tưởng rằng cô rất cần các cuộc gặp gỡ. Thế nhưng khi đã có người yêu, cả sau đó khi chấm dứt hầu hết các cuộc hội họp, cô mới biết có hay không có thì cũng vậy thôi.
Đến lúc này, Tâm Anh suy nghĩ lần nữa về chuyện hòa nhập với thế giới. Cô chưa biết nó sẽ giúp mình thế nào trong việc phục hồi tư duy logic, nhưng cô biết đó là điều cần. Giống như tư duy logic trong cô là một hệ thống, và nó đòi hỏi những năng lượng đáp ứng cho nó. Sự đòi hỏi này ở bề mặt chính là những cảm giác mách bảo cho Tâm Anh cần làm gì. Nghe hơi đáng sợ khi có một thứ hệ thần kinh hoạt động dường như độc lập với chính ta. Nhưng rút cục thì cái “ta” này là ai, ngoài là một mớ cảm xúc, hệ thần kinh, cơ xương da thịt,… và không thống nhất như ta vẫn nghĩ?
Chuyện này bàn thêm sẽ thành chủ đề khác. Vì vậy ta cứ quay lại với “cuộc sống xã hội” của Tâm Anh đã.
Mọi chuyện đều cần đúng thời đúng lúc. Chưa biết bây giờ đã phải đúng lúc chưa, nhưng không phải bây giờ thì là khi nào? Tâm Anh bắt đầu trở nên cởi mở và quan tâm hơn đến mọi người.
Bạn có thắc mắc chút nào rằng, sự quan tâm và cởi mở cũng phải nằm trong một “plan” như vậy, thì còn gì là thật lòng và chân thành?
Không phải đâu. Khi bạn có thể vì lí trí mà quan tâm đến người khác, sự quan tâm ấy không đòi hỏi đáp lại, không có ích kỉ, không có sở hữu, nó sẽ rất tốt đẹp. Nó giúp bạn hiểu hơn về chính mình và mọi người. Và đây cũng chính là mục đích của cách thức rèn luyện tư duy logic này
Cuộc đời con người được tổng hợp bằng những thói quen. Tất cả đời sống như một mớ những sự kiện và hành động. Ta không biết khi nào là ta kiểm soát chúng, không biết khi nào chúng kiểm soát ta. Rất khó nói, phải không? Thế nhưng có một điều chắc chắn, đấy là mỗi hành động, hay cách ta đối xử với chính mình và mọi điều, đều tạo ra một tác động. Những tác động này được tích lũy dần và tạo ra chúng ta của ngày hôm nay.
Mức độ hòa hợp giữa một người với các mối quan hệ xung quanh chính là biểu hiện mức độ trí tuệ của người đó: Họ có khả năng kiểm soát đến đâu?
Chẳng thế ngày xưa cổ nhân có câu: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tâm Anh đương nhiên chẳng nghĩ xa lớn, thế nhưng nhìn vào câu ấy, cô có thể suy ra được mối liên hệ logic giữa cá nhân với gia đình, rồi đến tổng thể bao quản nó là quốc gia, cho đến cái rộng nhất là thế giới, thiên hạ. Giống như một vòng tròn có hạt nhân là cá nhân, và liên tục các lớp vòng tròn bên ngoài là những cộng đồng lớn hơn mà cá nhân ấy thuộc về.
Vậy thì theo suy luận logic, cá nhân đương nhiên phải cân bằng với những lớp vòng tròn ngoài đó, để đảm bảo cho sự cân bằng của chính nó với cả chỉnh thể rộng lớn hơn. Tất nhiên ta không bàn đến những người hoàn toàn muốn vượt hẳn ra khỏi cái đống vòng tròn đồng tâm đấy - những tu sĩ lánh khỏi cõi đời. Họ thuộc về tư duy logic kiểu khác.
Quá trình rèn luyện của Tâm Anh nghe kể qua vài dòng thì đơn giản, người trong cuộc trải qua mới biết phải đánh đổi thế nào. Bạn cũng thế, con đường lí trí không bao giờ dễ dàng, nhưng chỉ cần bạn muốn thì sẽ thấy lối đi. Điều quan trọng là kiên trì và liên tục giữ mình tỉnh táo. Bạn có làm nổi không?