Sau bao nhiêu bài viết về blockchain, mình tin tất cả chúng ta đã có một cái nhìn tổng quan nhất về công nghệ tương lai này. Nếu các bạn vẫn chưa đọc qua ? Hãy tìm các bài viết ấy ở profile mình nhé. Phần tiếp theo của series, mình nghĩ sẽ là phần mà ai cũng muốn biết :))
Chỉ trong 2 năm trở lại đây, crypto (viết tắt của cryptocurrency - thị trường tiền điện tử) nổi lên trên toàn thế giới. Người người nói đến crypto, nhà nhà viết về crypto. Ta có thể bắt gặp nội dung về crypto ở bất kể nền tảng nào, Tiktok, Youtube, Facebook hay nhiều nhất là ở Twitter. 
Nếu so sánh thị trường crypto là cục xà phồng Lifebuoy, thì số trường hợp bị mất tiền khi mới vào thị trường chẳng khác nào những con vi khuẩn. Bị mất đến 99% khi tiếp xúc.
À, nếu các bạn vẫn chưa tin thị trường này khắc nghiệt như thế nào. Mình sẵn sàng cho ví dụ ngay. Chỉ trong ngày 19 tháng 8, 2022 vừa qua. Tổng đã có hơn 600 triệu USD bị thanh lí trong thị trường crypto.
Và với mình, một người đã trải nghiệm thị trường này hơn 2 năm. Mình phải xác nhận rằng: Thị trường crypto có một vẻ ngoài lộng lẫy, đủ để làm cho các nhà đầu tư F0 bị quên đi sự khắc nghiệt vốn có của một thị trường tài chính.
Vậy nên, bài viết này của mình được ra đời với hi vọng những hiểu biết ít ỏi của mình có thể giúp cho mọi người, nhất là những người trẻ mất ít tiền nhất có thể khi lỡ “nhúng chàm” thị trường crypto này.

“Bí kíp” kiếm tiền từ thị trường

Đầu tư coin/token dự án

Phần đa người dùng khi tham gia vào thị trường crypto đều mong muốn kiếm tiền bằng phương pháp này. Đương nhiên là vì đây là phương pháp phổ biến nhất, và cũng “oai” nhất khi dân cư mạng thường xem các cuộc đầu tư thắng như một chiến tích để đi khoe với mọi người.
Song, đây cũng là phương pháp chứa nhiều rủi ro nhất. Vì phần đa người dùng lại mãi lao đầu vào thị trường mà chưa có cho mình một bộ kĩ năng, kiến thức đủ lớn để làm nền tảng. Và cái kết là,...

“Gửi tiết kiệm”

Nếu như ở thế bên ngoài, ta có thể gửi tiết kiệm ở các ngân hàng để kiếm lãi suất cho bản thân, thì ở crypto cũng có dịch vụ tương tự. Các sàn giao dịch trong crypto vẫn cung cấp chương trình gửi tiết kiệm, nhận lãi suất cho user của mình. Khi ta so sánh lãi suất ngân hàng, các chương trình trong crypto thường có lợi hơn rất nhiều. 
Lời khuyên của mình là các bạn chỉ nên chọn các sàn giao dịch lớn nếu có nhu cầu gửi tiết kiệm. Cụ thể hơn là sàn Binance. Còn với các sàn giao dịch nhỏ khác, lãi suất đôi khi có thể hấp dẫn hơn. Nhưng uy tín của họ chưa được đảm bảo, và tiền của bạn cũng có nguy cơ biến mất sau một đêm.
Các bạn có thể gửi USD (Token: USDT, BUSD, USDC) với mức lãi đang ở khoảng 10% khi gửi lãi không cố định. Các token khác sẽ có mức lãi cao hơn vì mức giá sẽ nhảy lung tung chứ không neo cố định $1 như USDT hay USDC.
Rủi ro duy nhất khi các bạn tham gia hình thức này là,... Sàn sập. Vì thế, như mình có nhắc đến ở phía trên, các bạn hãy chọn cho mình một chiếc sàn thật là uy tín để bắt đầu nhé.

Defi - Cũng là “Gửi tiết kiệm” nhưng pro hơn

Tương tự như phương pháp gửi tiết kiệm trên, tham gia vào các hoạt động Defi sẽ mang lại cho chúng ta nguồn tiền ổn định, thậm chí còn lớn hơn khi so sánh với các sàn giao dịch. Nhưng, cách thức tham gia vào hoạt động Defi sẽ phức tạp hơn nhiều so với gửi tiết kiệm bằng sàn giao dịch, theo đó, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Nói rõ hơn, Defi có ưu điểm:
Lãi suất cao hơn
Dòng tiền linh động hơn (Có thể rút về ví trong vài giây, còn trên sàn phải đợi khoảng 1 ngày).
Nhiều lựa chọn hơn (hoạt động, nền tảng,..)
Có thể tham gia 2 đến 3 hoạt động cùng lúc
Rủi ro tiềm tảng ở Defi như:
Dễ bị tấn công hơn
Ở một vài hoạt động có thể gây mất tiền nếu không tìm hiểu kỹ (Bản có thử tìm hiểu impermanent loss)
Có vô số lỗi vặt khác có thể làm bạn mất trắng.
Có thể thấy, những hoạt động tài chính trên Defi mang đúng bản chất của công nghệ blockchain: Phi tập trung, mô hình peer-to-peer,... Nhưng nếu bạn muốn tham gia vào những hoạt động này, hãy bình tĩnh và tìm hiểu kỹ càng đã nhé. Ở trên youtube không thiếu các series hướng dẫn, giải thích các hoạt động Defi, vậy nên bạn cũng chẳng cần phải bỏ tiền để đi học một khóa học nào đâu nhé.

Cày retroactive

Retroactive là tên gọi của hoạt động khi dự án phân phát token của mình đến những user có đóng góp, hoặc đã tham gia trải nghiệm nền tảng, các sản phẩm của mình từ trước. Nói đơn giản hơn, đây là phần tiền dự án trả cho các bạn vì đã trải nghiệm dự án ở những giai đoạn sớm.
Nền tảng Uniswap là dự án phát động phong trào này ở cuối năm 2020, 400 token UNI đã được gửi đến cho những người đủ điều kiện. Ở thời điểm đó, đồng UNI đang có giá khoảng 3$, nghĩa là phần quà này đã có giá khoảng 1k2 USD. Một năm sau, token UNI chạm mốc 30$, và nếu ai chưa bán thì phần quà trên đã có giá lên đến 12k USD.
Từ thời điểm đó, nhiều dự án khác cũng tiến hành các đợt phát thưởng token cực khủng, như dự án ParaSwap, Ref Finance, hay mới nhất là Optimism. Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc, tại sao các dự án lại phải làm vậy ?
Khoản tiền thưởng này sẽ được các dự án coi như chi phí trả cho hoạt động marketing. Phải rồi, chúng ta đều biết sức mạnh của Marketing truyền miệng lớn đến như thế nào. Một khoản phần thưởng khổng lồ sẽ là nguyên liệu làm cho cả thị trường phải nhắc đến tên của dự án.
“Uầy, nếu ngon vậy thì ai mà chẳng làm được ?”. Đúng là thế, phương thức retroactive đang dần trở nên phổ biến. Vậy nên các dự án sẽ tăng độ khó yêu cầu đạt thưởng, dưới đây là một số cách của mình khi tham gia cày hoạt động retroactive:
Tham gia cộng đồng (cách dễ nhất), một số cộng đồng theo đề xuất của mình: MiGoi Crypto, Coin98, CoinF, Mind Venture. Các cộng đồng thường sẽ cho chúng ta những tin tức về các dự án có khả năng cho retroactive chúng ta tập trung trải nghiệm.
Lựa chọn theo category: Ưu tiên là sàn giao dịch phi tập trung vì các nền tảng này thường tạo ra được lợi nhuận lớn nhất. Các mảng khác trên Defi vẫn chưa có nhiều lợi nhuận bằng.
Theo hệ sinh thái: Ưu tiên Ethereum, các nền tảng layer 2 trên Ethereum hoặc các blockchain mới ra đang trong quá trình marketing.
Nên trải nghiệm thật nhất, như một user thực. Nếu các bạn cheat quá nhiều ví và bị phát hiện, các bạn sẽ chẳng nhận được gì cả.

Bí kíp tối thượng: Work-to-earn

Chưa một thị trường nào đang có cơn khát nhân sự như crypto cả. Dù thị trường vẫn đang ở trong thị trường gấu, nhưng có rất nhiều dự án được thành lập ở thời điểm này, dẫn đến một lượng cầu khổng lồ về nhân sự trong mảng crypto/blockchain.
Và bạn biết gì không, đây không chỉ là thị trường dành cho những người đã có kinh nghiệm, mà còn là cơ hội với các bạn trẻ chúng ta. Vì crypto/blockchain là một thị trường khá đặc thù, ở đây, đôi khi kinh nghiệm chưa phải là tất cả. Đôi khi dự án lại cần một thành viên có thể thích ứng nhanh với tốc độ của thị trường, ham học hỏi để học thêm kĩ năng mới, hay là một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm với công việc. 
Thường các bạn trẻ sẽ được dự án săn tìm với vị trí: Community manager, Content creator, Moderator, Researcher, Writer,...
Những vị trí khác, yêu cầu những kinh nghiệm đặc biệt hơn, kĩ năng cao hơn cũng như trách nhiệm lớn hơn: Project Manager, Developer, UX/UI designer, Business Development,...
Mức lương của các công việc này ở trong thị trường thường hấp dẫn hơn mức lương cùng vị trí ở các công ty truyền thống. Nếu mọi người vẫn chưa biết nên bắt đầu với thị trường như thế nào, tại sao không thử tham gia và làm việc cho một dự án ?
Để tìm được cho mình một công việc hợp ý, mọi người có thể tham khảo cac group: Vietnam blockchain human resource, Crypto Marketing thực chiến. Nếu mọi người muốn làm hẳn cho các dự án nước ngoài, thì hãy tham khảo qua nền tảng Upwork nhé.

Một số kinh nghiệm của bản thân

Sau một thời gian tuy không dài nhưng đủ lâu, và đủ sâu trong thị trường. Bản thân mình đã rút ra được không ít kinh nghiệm quan trọng. 

Kỉ luật là yếu tố quan trọng nhất

Vì crypto cho con người ta quá nhiều cách để kiếm tiền, dần già, suy nghĩ rằng: “Kiếm tiền thật dễ” sẽ được nuôi lớn. Từ đó, con người ta bắt đầu sa vào những phương thức mạo hiểm hơn, rủi ro hơn và để rồi mất hết.
Hơn tất cả, ta phải rèn luyện sự kỉ luật từ những thời điểm đầu. Phân chia tài sản hợp lý. Có một người anh đã từng nói với mình:”Giữ tiền còn khó hơn kiếm tiền”. Đến thời điểm hiện tại, mình mới cảm nhận được câu nói ấy đúng tới nhường nào.

Lựa chọn chiến thuật hợp lý

Cũng vì có đa dạng phương thức kiếm tiền, ở từng thời điểm của thị trường, ta nên có những lựa chọn sao cho hợp lý nhất. Chẳng hạn:
Khi mà thị trường đang cực kỳ hưng phấn, có thể nói, bạn đầu tư ở bất kỳ dự án nào cũng lời. Lúc này, một con khỉ được bịt mắt để ném phi tiêu cũng có thể chọn ra danh mục đầu tư siêu lợi nhuận cho bạn.
Nhưng khi thị trường đi xuống, nếu vẫn giữ nguyên phương pháp đầu tư trên. Chắc chắn tiền của ta sẽ nhảy sang túi của người khác. Thời điểm này, sự an toàn là yếu tố ưu tiên cho quỹ tài sản của chúng ta.

“Chuyến xe bus tiếp theo sẽ đến sau 15 phút”

Vì crypto là một thị trường còn rất trẻ, vậy nên có rất nhiều cơ hội cho chúng ta. Nếu chẳng may bạn có bỏ lỡ mất một, hãy kiên nhẫn, và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ các cơ hội theo sau.
Mình hiểu tâm lý của mọi người, khi lỡ mất một cơ hội đầu tư (chẳng hạn như đồng Raca đã x200 lần), phần đông các nhà đầu tư sẽ cảm thấy hối tiếc (giống như mình vừa mất một núi tiền trước mắt) và quyết tìm cho bằng được một cơ hội đầu tư khác. Đây là hiệu ứng FOMO thường được nhắc đến, và FOMO cũng thường không tạo ra những cái kết có hậu cho các nhà đầu tư.

Kết luận

Bài viết chỉ mang tính chất liệt kê, giới thiệu cho mọi người biết đến các phương thức kiếm tiền khác trong thị trường crypto. Tất nhiên, để tham gia vào. Bắt buộc mọi người phải bỏ thời gian để tìm hiểu thật kĩ xem mình đang làm cái gì.
Tiền trong túi của bạn, thì nó là của bạn. Những một khi đã dùng tiền vào các hoạt động, bạn phải chấp nhận những rủi ro có thể đến với số tiền đó.