Đây là đoạn trích về Kiatisuk trong cuốn truyện Ơ kìa, Làng Bóng trong mắt Tôi của nhà báo Phan Đăng. Các bạn có thể tìm đọc tại các hiệu sách.


Thời còn là cầu thủ, Kiatisuk với nụ cười tươi tắn trên môi - nục cười thật duyên, thật "ngọt" đã khiến cả Đông Nam Á phải... chết khiếp.


Có lẽ phải rất lâu nữa bóng đá ở cái khu vực vẫn bị gọi là "vùng trũng" này mới lại có thể sản sinh ra một sát thủ biết cười và biết hạ gục đối phương sau những nụ cười sắc lẹm như thế.

Nụ cười và những pha santo ăn mừng chiến thắng của Kiatisuk đã trở thành thương hiệu không chỉ của một cá nhân, mà của cả bóng đá Thái Lan trong một thời kỳ cực thịnh.

Cái thời ấy, trong khi "Sắc" và những đồng đội của "Sắc" luôn có thể mỉm cười thì những anh tài của bóng đá Việt Nam như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, cứ hễ nhìn thấy nụ cười ấy là... run.

Hồng Sơn có lần kể rằng trước trận bán kết Tiger Cup Việt Nam - Thái Lan năm 1996, HLV trưởng Weigang của đội tuyển Việt Nam đã nói rất nhiều câu chuyện vui để các cầu thủ của mình có thể cười thoải mái, từ đó quên đi nỗi ám ảnh Thái Lan. Nhưng sau đó không còn ai cười nổi với một trận thua 2-4 trước một đối phương mới đích thực là những người có thể vừa đá bóng vừa cười. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, khi được hỏi "Đối thủ lớn nhất của Việt Nam ở Đông Nam Á là ai?" thì Hồng Sơn không nói là "Thái Lan" như những gì người ta suy đoán, mà nói rất hình ảnh: "Đối thủ lớn nhất của chúng ta là chính chúng ta." 

Sau này, khi sang phố Núi đầu quân cho bầu Đức, kiatisuk cũng nói nhiều đến những cuộc đối đầu Thái - Việt và đã nhận xét thẳng tưng: "Có những thời điểm cầu thủ Việt Nam không hề thua kém chúng tôi, nhưng họ thua vì chưa vào trận đã sợ hãi chúng tôi rồi."

Sau này thì vẫn với nụ cười khiến cho người ta vừa ngất ngây vừa sợ hãi ấy Kiatisuk trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Olympic Thái Lan đã để lại những ấn tượng thực sự đẹp đẽ tại sân chơi ASIAD 2014. Cái đẹp của một đội bóng chơi lối chơi kỹ thuật dựa trên một nền tảng thể lực sung mãn, cái đẹp của một tập thể mà cho đến trước vòng bán kết đã toàn thắng cả năm trận, ghi 15 bàn, và chưa thủng bàn nào. 

Cứ nhìn cái cách Kiatisuk tự tin bày trận rồi lại thủng thẳng cười sau các chiến thắng trước các ông kẹ Đông Á (Trung Quốc) và Tây Á (Jordan) mới thấy dấu ấn rõ rệt mà ông thầy trẻ tạo nên cho một thế hệ trẻ tài năng - một thế hệ rất nhiều khả năng sẽ lại mở ra một chu kỳ thống trị mới của người Thái ở đấu trường khu vực. 


Vẫn với nụ cười quen thuộc, Kiatisuk đã khiến thầy trò đội tuyển Việt Nam phải "khóc" ngay ở sân Mỹ Đình, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018, khu vực châu Á. Hôm ấy, đội tuyển Thái Lan thắng đậm đội tuyển Việt nam, được dẫn dắt bởi thầy Toshiya Miura 3-0, trong đó bàn thứ 3 đến từ một màn đập nhả tuyệt diệu, với tổng cộng 17 cú chạm bóng, khiến hàng thủ Việt Nam không biết đâu mà lần. 


Có một chi tiết cần chú ý: Liên đoàn bóng đá Thái trong quãng thời gian 2000 - 2015 có rất nhiều tồn đọng. Một Liên đoàn gắn liền với một ông chủ tịch bị tình nghi là luôn hành động với "màu sắc cá nhân", khiến rất nhiều thành viên bất mãn, và đã từng bị FIFa dọa cấm vận không dưới một lần. chắc chắn là một người như "Sắc" cũng không thích thú gì cái cơ chế vận hành ấy, nhưng quan trọng là "Sắc" đã vượt lên tất cả để phục vụ cho màu cờ sắc áo quốc gia, và đến lúc này đã gặt được những trái quả ngọt ngào đầu tiên. 

Từ câu chuyện của "Sắc" lại chợt nhớ tới lời chia sẻ của ông cựu Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng khi ông được giao nhiệm vụ nói chuyện với các thầy nội để thuyết phục họ lên cầm đội tuyển Quốc gia năm 2013: "Tôi nói thực, các HLV này cứ lấy lý do VFF thế này thế nọ để từ chối, vậy thì tinh thần cống hiến của họ ở đâu? Họ dạy học trò mình phải cống hiến, nhưng khi VFF cần, đội tuyển Quốc gia cần. họ thực sự có cống hiến hay không?" Sau khi búc xúc với cả tràng câu hỏi, ông Bằng lắc lắc cái đầu rồi than vãn: "Cầu thủ của mình, HLV của mình, nền bóng đá của mình tồn đọng nhiều chuyện thật!"

Thật ra sau này, cũng đã có một Nguyễn Hữu Thắng dũng cảm nhảy vào lửa, nhưng đấy là một trường hợp hiếm hoi, cá biệt. Còn lại, những thầy trẻ tài năng khi được mời lên Tuyển đều đã không ngừng nâng lên đặt xuống, toan tính mọi bề và cuối cùng chọn giải pháp.. lắc đầu từ chối. Tất nhiên, cách làm việc của VFF là một lý do quan trọng khiến người ta phải chối, nhưng nếu đặt nó với cái tinh thần xả thân, dám vượt lên trên hoàn cảnh của Kiatisuk, fan hâm mộ bóng đá nước nhà cũng có lý do để buồn.  

Có một lần, "Sắc" cầm một Câu lạc bộ Thái qua Việt Nam đá vòng bảng AFC Champions League. Trước buổi họp báo, gặp gỡ các phóng viên Việt nam, "Sắc" không ngại chào hỏi, và trao đổi thông tin bằng tiếng Việt (quãng thời gian dài làm cầu thủ rồi HLv tại Hoàng Anh Gia Lai giúp "Sắc" nói tiếng Việt một cách rành rọt). Khi cuộc họp báo chính thức diễn ra, theo quán tính, cac phóng viên Việt Nam đặt câu hỏi bằng tiếng Việt, và chờ "Sắc' tiếp tục trả lời bằng tiếng Việt. 

Nhưng không, "Sắc" đề nghị phiên dịch viên chuyển từ Việt ngữ qua Anh Ngữ, rồi lại từ Anh ngữ qua Thái ngữ, rồi sau đó trả lời bằng tiếng Thái - tiếng mẹ đẻ của mình. Một chi tiết nhỏ nhưng nói với chúng ta nhiều điều về ý thức quốc gia, niềm tự hào quốc gia của con người đặc biệt này. và hôm ấy, vẫn như thông lệ, trả lời xong, "sắc" lại nhoẻn miệng cười.

 Một nụ cười rất Thái!