Dịch từ bài viết Speed trong quyển The River of Consciousness của Oliver Sacks
---
Hồi bé, tôi say sưa với tốc độ, với đủ thứ tốc độ ở thế giới xung quanh. Con người di chuyển với nhiều vận tốc khác nhau; biên độ dao động này ở động vật còn rộng hơn. Cánh các loài côn trùng di chuyển nhanh hơn khả năng nhìn thấy của mắt thường, mặc dù ta có thể đánh giá được tần số xung động từ âm thanh chúng phát ra - một tiếng động đáng ghét, một nốt Mi cao của lũ muỗi, hay tiếng trầm vo ve của những con ong nghệ béo ịch chao trên cây thục quỳ mỗi mùa hè. Con rùa kiểng của chúng tôi, vốn có thể mất một ngày ròng để băng qua bãi cỏ, dường như đang sống trong một khung thời gian hoàn toàn khác. Thế còn chuyển động của cỏ cây? Tôi thường hay xuống vườn vào ban sáng và trông thấy cây thục quỳ lại cao hơn đôi chút, những đóa hồng quện chặt hơn vào mắt cáo, nhưng dẫu cho có kiên nhẫn đến đâu đi nữa, tôi chẳng thể nào bắt gặp tất cả chúng chuyển động.
Những trải nghiệm như thế này đóng một phần nhất định hướng tôi vào nhiếp ảnh, vốn cho phép tôi thay đổi được vận tốc chuyển động, làm cho nó tăng lên, giảm hạ nó xuống, để tôi có thể nhìn thấy các chi tiết được hiệu chỉnh về tốc độ nhận thức của con người, những chuyển động hay thay đổi mà nhược bằng không mắt thường không thể nào bắt được. Yêu thích kính hiển vi và kính viễn vọng (các ông anh trai tôi, sinh viên trường y và điểu học gia, giữ kính của họ ở ngay trong nhà), tôi nghĩ tới việc giảm hay tăng tốc chuyển động như là một tương đương nào đó về thời gian: chuyển động chậm phóng to hình dáng, là thời gian dưới lăng kính hiển vi, còn chuyển động nhanh kéo gần hình ảnh, là thời gian dưới lăng kính viễn vọng.
Tôi thử nghiệm chụp ảnh cây cỏ. Dương xỉ, chẳng hạn, với tôi rất cuốn hút, chí ít là ở các đầu cuộn chặt gọi là chồi dương xỉ, đông cứng với thời gian đóng khép, như lò xo đồng hồ, với tất cả tương lai cuộn trong mình. Do đó tôi hay đặt máy ảnh trên chân máy ở trong vườn và chụp ảnh chúng mỗi giờ một lần; tôi cho tráng phim, in ra, và gắn chừng mươi tấm lại với nhau trong một quyển sách lật cỡ nhỏ. Và rồi, cứ như có phép màu, tôi nhìn thấy đầu chồi tủa ra như những chiếc kèn giấy chúng ta hay thổi ở tiệc tùng, chỉ mất vài giây cho những thứ ngoài đời thật mất tận vài ngày.
Làm chậm chuyển động thì không dễ dàng như tua nhanh, và khi đó tôi lại phụ thuộc vào anh họ, một nhiếp ảnh gia sở hữu camera điện ảnh có thể chụp được hơn 100 khung/giây. Với chiếc máy này, tôi có thể chụp lũ ong nghệ đang hành sự giữa lúc đang lơ lửng trên hoa thục quỳ và làm chậm lại nhịp cánh của chúng vốn thông thường bị thời gian làm nhòe đi mất, để có thể nhìn thấy chuyển động đập cánh lên xuống của chúng một cách tách biệt.
Ham thích của tôi dành cho tốc độ, chuyển động cũng như thời gian, và các cách có thể khiến các chuyển động đó nhanh hoặc chậm hơn, đã khiến tôi dành một niềm hứng thú đặc biệt với hai truyện ngắn của H. G. Wells, Cỗ máy du hành thời gianThuốc tăng tốc mới, cùng những mô tả đến từ trí tưởng tượng vô cùng sinh động, gần như mang tính điện ảnh về thời gian đã bị bóp méo, trong truyện.
“Lúc tôi tăng tốc, đêm nối tiếp ngày mau như cánh vỗ,” Cỗ máy du hành thời gian của Wells viết:
Tôi chứng kiến mặt trời vút nhanh qua bầu trời, cứ mỗi phút lại đổi dạng, và đánh dấu một ngày đã trôi qua… Con sên lề mề nhất từng lê bò trên mặt đất cũng lao đi quá đỗi mau lẹ với tôi… Vẫn đang, khi tiếp tục quan sát, tăng tốc, nhịp đêm và ngày quyện vào nhau thành một sắc xám chan hòa… mặt trời ló dạng rộ trở thành một quầng lửa… còn trăng tựa như một dải băng mờ đong đưa… Tôi nhìn thấy cây cối cao lên và rộ lá như những vầng hơi nước… những tòa nhà mọc lên mau chóng và nguy nga, băng qua tựa những giấc mơ. Toàn thể bề mặt trái đất dường như thay đổi chóng vánh - tan chảy và trào đi bên dưới mắt tôi.
Đối lập của hiện tượng này xảy ra trong Thuốc tăng tốc mới, câu chuyện về một loại thuốc làm gia tăng cảm giác, suy nghĩ, khả năng trao đổi chất lên hàng ngàn lần. Kẻ phát minh ra thứ thuốc lẫn người kể chuyện, dùng thuốc với nhau, đã bước vào một thế giới bị đóng băng, chứng kiến những con người giống mà cũng không giống chúng ta, bị đông cứng cùng mớ thái độ bất cẩn, vẫn còn đang lưng chừng biểu hiện…  Và đang sà xuống không khí với đôi cánh vỗ chậm ở tốc độ của một con sên uể oải không gì tả được - là một con ong.
Cỗ máy du hành thời gian được xuất bản vào năm 1895, khi người ta có một ham thích dữ dội về khả năng mới mẻ của nhiếp ảnh và điện ảnh giúp vén lộ những chi tiết chuyển động mà mắt thường, nếu không có trợ giúp, sẽ không nhìn thấy được. Étienne-Jules Marey, một nhà sinh lý học người Pháp, là người đầu tiên chỉ ra rằng vào một thời điểm nhất định giữa lúc con ngựa đang phi nước kiệu, nó sẽ đặt cả bốn vó xuống mặt đất. Công trình của ông, theo nhận xét của sử gia Marta Braun, đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy các nghiên cứu về chuyển động từ hình ảnh trứ danh của Eadweard Muybridge. Marey, chịu ảnh hưởng từ Muybridge, đã phát minh ra máy ảnh siêu tốc có thể làm chậm và gần như chụp lại được chuyển động của chim và côn trùng đang bay, và ở chiều ngược lại, sử dụng nhiếp ảnh tua nhanh để tăng tốc các chuyển động mà thông thường không sao có thể cảm nhận được của loài nhím biển, sao biển và các loài sinh vật đại dương khác.
Có đôi khi tôi tự hỏi liệu vận tốc của các loài động-thực vật có thể khác nhau đến mức nào: có bao nhiêu bị hạn chế bởi những giới hạn nội tại và có bao nhiêu do giới hạn ngoại tại - trọng lực trái đất, lượng năng lượng nhận từ mặt trời, lượng oxy trong khí quyển, vân vân. Do vậy tôi cảm thấy vô cùng hứng thú với một câu chuyện khác của Wells, Người đầu tiên lên Mặt trăng, ở cách mô tả tuyệt mỹ về sự sinh trưởng của cây cối được tăng tốc đáng kể trên một thiên thể có trọng lực chỉ bằng một phần trọng lực Trái Đất.
Với sự đoan chắc điềm đạm, chủ ý nhanh chóng, những hạt giống thần sầu này đâm rễ xuống mặt đất và chỉa một cái chồi ngộ nghĩnh nhìn như một chùm vào không trung… Những cái chồi này phồng lên, quặn mình rồi đâm toạc vỏ, đẩy một nhúm đỉnh nhọn sắc như vương miện ra ngoài… dài ra nhanh chóng, rõ rệt khi ta nhìn. Chuyển động này chậm hơn bất kỳ loài động vật nào, nhưng lại nhanh hơn bất kỳ loài thực vật này tôi từng thấy trước đây. Làm sao tôi miêu tả cho bạn hiểu nhỉ - cách mà loài này sinh trưởng?... Bạn đã từng dùng bàn tay ấm cầm nhiệt kế lên vào ngày rét rồi nhìn dòng thủy ngân mảnh rón rén bò lên cao trong ống chưa? Loài thực vật nguyệt cầu này sinh trưởng như thế đó.
Ở đây, như trong Cỗ máy du hành thời gianThuốc tăng tốc mới, mô tả của tác giả mang tính điện ảnh tới mức khó cưỡng và khiến tôi thắc mắc không biết Wells ngày trẻ đã từng nhìn thấy ảnh chụp của thực vật, hay thậm chí thử nghiệm với nó, như tôi đã làm hay chưa.
Vài năm sau, khi theo học ở Oxford, tôi đọc Cơ sở tâm lý học của William James, và trong đó, trong một chương viết tuyệt vời về “nhận thức thời gian”, tôi tìm thấy mô tả sau đây:
Chúng ta có mọi lý do để cho rằng sinh vật có thể cực kỳ khác nhau trong cảm nhận về thời gian mà theo bản năng chúng có được, cũng như trong mức độ nguyên vẹn của các sự kiện xảy ra. Von Baer đã nuông mình theo một số tính toán rất lý thú về ảnh hưởng của các khác biệt vừa nêu trong việc thay đổi đặc tính của Tự nhiên. Giả sử chúng ta, trong thời lượng một giây, có thể lưu ý 10.000 sự việc riêng biệt, thay vì chỉ 10 sự việc, như lúc này; nếu như cuộc sống của chúng ta vào lúc đó buộc phải duy trì chừng đó các cảm giác tạo ra, thì chúng sẽ ngắn hơn 1000 lần. Chúng ta sẽ có vòng đời chưa đầy một tháng, và tự thân chẳng thể nào biết gì về đổi thay của mùa màng. Nếu sinh ra vào mùa đông, chúng ta dám tin rằng mùa hè xa xôi diệu vợi như cách ngày nay chúng ta tin vào nhiệt lượng của kỷ Thạch phấn. Chuyển động của các sinh vật hữu cơ với giác quan của chúng ta sẽ chậm chạp tới nỗi chỉ có thể suy diễn chứ chẳng sao nhìn thấy được. Mặt trời sẽ đứng yên bất động trên bầu trời, mặt trăng sẽ gần như không đổi thay, vân vân. Nhưng giờ hãy thử đảo lại giả thuyết và xem rằng mình chỉ nhận được 1/1000 các cảm giác mà chúng ta nhận được vào cùng một thời điểm, và do vậy sống lâu hơn 1000 lần. Đông và Hạ với ta sẽ tựa như mươi phút. Nấm và các loài thực vật mọc nhanh sẽ xuất hiện nhanh tới mức gần như tức thời; các loài cây bụi đơn niên sẽ vươn lên và biến mất khỏi mặt đất như những suối nước nóng chảy liên hồi; chuyển động của động vật sẽ vô hình với chúng ta tựa như đạn và trái pháo; mặt trời sẽ vút qua bầu trời như một thiên thể, để lại đằng sau một vệt rực sáng, vân vân. Các trường hợp tưởng tượng như thế (bỏ qua khoản trường thọ siêu nhiên) có thể được cảm nhận đâu đó trong thế giới động vật, không thể chối cãi.
Tác phẩm này xuất bản vào năm 1890, khi Wells hãy còn là một nhà sinh vật trẻ tuổi (và một cây bút viết về sinh học). Lẽ nào ông đã từng đọc James, và cũng theo đó, đọc về những tính toán gốc của von Baer từ năm 1860? Quả thật chúng ta có thể cho rằng mô hình điện ảnh đều tồn tại trong tất cả các mô tả này, cốt để ghi nhận số lượng hiện tượng hoặc ít hơn hoặc nhiều hơn vào một thời điểm đúng như cách các máy quay thực hiện nếu chúng được tua nhanh hoặc tua chậm hơn vận tốc 24 hình/giây bình thường.
Người ta thường bảo thời gian dường như trôi nhanh hơn, tháng năm lướt qua, khi mà ta già đi - hoặc bởi khi ta còn trẻ, cuộc sống của ta ắp đầy những ấn tượng trẻ trung, hấp dẫn hay bởi vì khi già đi một năm ròng trở thành một phân số ngày càng nhỏ hơn trên tổng thể dòng đời. Nhưng nếu như năm tháng có dường như trôi nhanh hơn, tại sao giờ và phút thì không; chúng lúc nào cũng y hệt như trước.
Chí ít chúng như vậy với tôi (ở tuổi 70), cho dù các thí nghiệm đã chỉ ra rằng người trẻ ước đoán quãng ba phút khá chính xác bằng cách cộng nhẩm, trong khi người lớn tuổi thật sự đếm nhẩm chậm hơn, do đó cảm nhận ba phút của họ gần hơn với ba phút rưỡi hay bốn phút. Nhưng không rõ hiện tượng này có liên quan gì với cảm giác hiện sinh hoặc cảm nhận tâm lý rằng khi ta già đi thời gian trôi nhanh hơn.
Giờ và phút dường như dài đằng đẵng mỗi khi tôi chán nản nhưng lại quá ngắn ngủi mỗi khi tôi tập trung làm gì đó. Khi còn bé, tôi ghét học hành, ghét bị buộc phải lắng nghe thụ động những ông bà giáo ê a giảng bài. Mỗi khi sốt ruột nhìn đồng hồ, đếm số phút sắp sửa được tự do, kim phút, và kể cả kim giây dường như di chuyển chậm vô hạn. Có một kiểu cảm thức thời gian bị phóng đại trong các tình huống như thế; quả vậy, khi ta chán, dường như chẳng còn cảm thức dành cho thứ gì khác ngoài thời gian.
Ngược lại, tôi có những bận hưng phấn khi làm việc và ngẫm ngợi trong phòng thí nghiệm hóa bé tí mà tôi lập ra ở nhà, và ở đây, vào cuối tuần, tôi có thể dùng trọn ngày vui đùa và miệt mài. Và rồi tôi chẳng còn chút cảm thức nào về thời gian, cho tới khi bắt đầu gặp khó khi quan sát những thứ mình đang làm và nhận ra đêm đã tới. Nhiều năm sau, khi đọc Hannah Arendt, viết (trong Đời sống của tâm trí) về “một vùng không thời gian, một hiện diện vĩnh hằng trong sự yên tĩnh tuyệt đối, bên ngoài đồng hồ và lịch lạc của con người, sự yên tĩnh của Hiện tại trong sự tồn tại bị nén, bị bóp méo về thời gian của con người. Cái không gian phi thời gian nằm chính tại cốt lõi của thời gian,” thì tôi biết đích xác bà đang nói về điều gì.
The Melting Watch của Salvador Dalí
Luôn tồn tại những giai thoại về cách con người cảm nhận thời gian mỗi khi họ gặp mối nguy chí tử, nhưng nghiên cứu mang tính hệ thống đầu tiên tiến hành năm 1892 bởi nhà địa chất học Thụy Sĩ Albert Heim; ông tìm hiểu các trạng thái tinh thần của ba mươi đối tượng đã sống sót sau các vụ ngã ở dãy Alps. “Hoạt động thần kinh của họ trở nên khủng khiếp, vận tốc nhanh hơn thường hàng trăm lần,” Heim ghi lại. “Thời gian bị giãn ra rất nhiều. Trong nhiều trường hợp còn xảy ra một nhận định bất chợt về toàn bộ quá khứ của cá nhân.” Trong tình huống ấy, ông viết, “không có âu lo” mà trái lại “một sự chấp nhận sâu sắc”.
Gần một thế kỷ sau, vào thập niên 1970, Russell Noyes và Roy Kletti, ĐH Iowa, khai quật và dịch lại nghiên cứu của Heim và tiếp tục thu thập, phân tích thêm 200 câu chuyện khác kể lại cùng các trải nghiệm tương tự. Hầu hết đối tượng của họ, như đối tượng của Heim, mô tả một sự gia tăng suy nghĩ và sự chậm đi rõ rệt của thời gian trong cái thời khắc mà họ ngỡ rằng chính là thời khắc cuối đời của mình.
Một tay đua bị quẳng 10 thước vào không trung trong một vụ tai nạn xe kể lại rằng, “Dường như vụ va chạm kéo dài vô tận. Mọi thứ diễn ra theo slow-mo, và tôi thấy mình giống như một nghệ sĩ trên sân khấu và nhìn thấy mình bị quăng quật liên tục… như thể tôi đang ngồi ở ghế khán giả và chứng kiến việc đó xảy ra… nhưng tôi không thấy sợ hãi.” Một vận động viên khác, lao xuống một ngọn đồi ở tốc độ cao và bị văng vào đường ray, cách chiếc xe lửa ngỡ đã giết chết anh một khoảng 30 thước, kể lại rằng, “Khi tàu chạy qua, tôi nhìn thấy cả mặt lái tàu. Giống như một bộ phim chiếu chậm, để các khung hình tiếp diễn với một chuyển động giật cục. Đó là cách mà tôi trông thấy gương mặt ông ta.”
Dẫu một số các trải nghiệm cận tử có đặc điểm tạo ra một cảm giác bất lực và bị động, thậm chí tách khỏi cơ thể, ở các trải nghiệm khác lại có một cảm giác liên tục và có thực, và một sự gia tăng đáng kể tốc độ suy nghĩ, cảm nhận và phản ứng, cho phép người trải qua có thể thoát nguy thành công. Noyes và Kletti mô tả về một phi công máy bay phản lực đối mặt với cái chết gần như cầm chắc khi máy bay bị phóng lệch khỏi tàu sân bay: “Tôi nhớ lại cực kỳ chi tiết, trong chừng ba giây, hơn một chục hành động cần thiết đối phó với tình huống bất thường. Các quy trình tôi cần đều có sẵn và sẵn sàng. Tôi gần như nhớ hết chúng và có cảm giác hoàn toàn kiểm soát được hình hình.”
Nhiều đối tượng khảo sát, Noyes và Kletti nói thêm, cảm thấy “họ thực hiện những hành động, cả về tâm trí lẫn thể chất, mà thông thường họ không thể nào thực hiện được.”
Có thể theo cách nào đó việc này cũng giống với những vận động viên được đào tạo bài bản, nhất là những người tham gia các trò chơi đòi hỏi thời gian phản ứng nhanh.
Một quả bóng chày có thể bay với vận tốc hàng trăm dặm một giờ, ấy vậy mà nhiều vận động viên đã mô tả quả bóng nhìn như bất động trong không trung, những viền kẻ trên bóng hoàn toàn rõ nét, và người chặn bóng thấy mình bỗng dưng gia nhập vào một khung thời gian trổ rộng và gia tăng kích thước, khi anh có toàn bộ thời gian cần thiết để đánh bóng.
Trong một cuộc đua xe đạp, vận động viên có thể di chuyển ở vận tốc gần 70km/giờ, cách nhau chỉ tính bằng vài phân. Tình huống này, với người ngoài nhìn vào, trông nguy hiểm cực cùng, và, quả thật, các vận động viên đạp xe có thể chỉ cách nhau vài mili giây. Sai lầm nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới va chạm hàng loạt. Nhưng đối với chính họ, đang tập trung dữ dội, tất cả dường như đang chuyển động tương đối chậm, và có dư dả không gian lẫn thời gian để ngẫu hứng và có những điều khiển đầy tinh tế.
Tốc độ đáng kinh ngạc của các bậc thầy võ thuật, chuyển động của họ nhanh đến nỗi mắt thường không thể dõi theo, nhưng trong tâm trí của người trình diễn, lại có thể thi triển bằng một sự chủ đích và duyên dáng gần như bằng vẻ đẹp của ballet, mà người tập lẫn huấn luyện viên thích gọi đó là sự tập trung dễ chịu. Khác biệt trong cảm nhận tốc độ này thường hay được diễn tả trong các bộ phim như Ma trận bằng cách thay đổi qua lại giữa các phiên bản tăng-giảm tốc của hành động.
Sở trường của các vận động viên, bất kể thiên khiếu của họ ra sao, chỉ có thể thủ đắc được từ nhiều năm trời miệt mài rèn giũa. Thoạt tiên, ta cần có một nỗ lực và tập trung có chủ đích, cao độ để học hết những vi tiết của kỹ thuật và vận tốc thi triển. Nhưng đến một lúc nào đó các kỹ năng cơ bản, và thể hiện thần kinh của chúng đã được gắn chặt vào hệ thống thần kinh tới nỗi thu nạp ăn vào xương tủy, chẳng còn cần viện tới nỗ lực hay quyết tâm gì cả. Một mức độ động-não nào đó có thể diễn ra tự động, còn một mức độ khác, mức độ có ý thức, đang nuông theo một cảm nhận về thời gian, một cảm nhận vừa linh động và có thể nén lại hoặc giãn ra.
Trong thập niên 1960, nhà sinh lý học thần kinh Benjamin Libet, trong lúc tìm hiểu về các quyết định chuyển động đơn giản, phát hiện ra các tín hiệu não chỉ về một hành vi ra quyết định có thể xảy ra hàng trăm mili giây trước khi ta ý thức về nó. Một quán quân điền kinh có thể đã bật lên và chạy được bốn năm mét trên đường chạy trước khi nhận ra rằng súng xuất phát đã nổ. Anh ta có thể rời khỏi khối vạch xuất phát trong 130 mili giây, trong khi nhận thức tiếng súng cần tới 400 mili giây hoặc nhiều hơn. Người chạy tin rằng mình ý thức nghe thấy tiếng súng và ngay lập tức lao ra khỏi khối xuất phát chỉ là một ảo tưởng trở thành hiện thực, theo Libet, bởi tâm trí “đi trước” âm thanh khẩu súng chừng nửa giây.
Sự tái trình tự thời gian như vừa nêu, cũng như sự nén hay giãn thời gian, gợi ra câu hỏi về cách chúng ta thường cảm nhận thời gian. William James đã suy ngẫm về cách chúng ta đánh giá thời gian, tốc độ cảm nhận của chúng ta, tùy thuộc vào số lượng “sự kiện” mà chúng ta có thể cùng cảm nhận trong một đơn vị thời gian.
Nhận thức có ý thức (hay ít nhất về nhận thức thị giác) không hề liên tục mà bao gồm nhiều khoảnh khắc rời rạc nhau, như các khung hình trong một bộ phim vốn thường hòa vào nhau để tạo ra vẻ liền lạc, có thể nói lên được nhiều điều. Ta có cảm giác như không có sự phân đoạn thời gian nào xảy ra trong chuỗi các hành động diễn ra nhanh, và tự động trả một cú banh quần vợt hay đập bóng chẳng hạn. Christof Koch, một nhà khoa học thần kinh, phân biệt giữa “hành vi” và “trải nghiệm”, giả thuyết rằng “hành vi có thể tiến hành một cách trơn tru, còn trải nghiệm lại cấu thành từ những quãng dừng riêng lẻ, như một bộ phim.” Mô hình ý thức này cho phép một cơ chế cảm nhận thời gian có thể trở nhanh hơn hoặc chậm đi theo kiểu của William James. Koch từ đó biện rằng sự chậm đi rõ rệt của thời gian trong các trường hợp khẩn cấp hay thể hiện của các vận động viên chuyên nghiệp (hoặc ít nhất các vận động viên đang “nhập tâm”) có thể đến từ năng lực siêu tập trung làm giảm đi thời lượng của từng khung nhận thức đơn lẻ.
Với William James, những sai khác đáng kể nhất so với thời gian “thông thường” được mang lại từ tác động của một số loại chất kích thích. Chính ông đã thử một số, từ khí cười tới peyote, và trong chương viết về cảm nhận thời gian ngay lập tức ông nối tiếp suy nghiệm về von Baer bằng một dẫn dụ về hashish (tinh dầu cần sa). “Trong trạng thái say sưa cho hashish gây ra,” ông viết, “có một sự gia tăng ngạc nhiên về cảm nhận thời gian. Chúng ta nói một câu, và khi nói hết câu thì khúc đầu câu nói dường như đã thuộc về một thời điểm bất tận trước đó. Chúng ta bước vào một con phố ngắn, và cảm thấy như thể chẳng bao giờ đi hết nó.”
Các quan sát của James gần như giống hệt những quan sát của Jacques-Joseph Moreau 50 năm trước. Moreau, một bác sĩ, là một trong những người đầu tiên phổ biến hashish ở Paris thập niên 1840 - kỳ thực, ông cùng với Gautier, Baudelaire, Balzac và nhiều bác học và nghệ sĩ cùng thời, chính là thành viên của Le Club des Hachichins. Moreau viết lại như sau:
Băng qua một lối đi có mái che ở Place de L’Opéra một đêm nọ, tôi ngạc nhiên trước lượng thời gian cần thiết để đến đầu bên kia. Tôi dù gì cũng đã đi vài bước, nhưng dường như đã ở lại đó suốt hai ba giờ liền… Tôi bước nhanh hơn, nhưng thời gian không trôi nhanh theo… Dường như… chuyến đi dài vô tận và lối ra tôi đang tiến đến cứ lui dần theo cùng vận tốc bước đi của tôi.
Diễn ra cùng với cảm giác một vài từ ngữ, một số bước đi, cứ như kéo dài vô độ còn có một cảm giác về thế giới bị chậm lại cực cùng, thậm chí bất động. Louis J. West, trích trong quyển sách Thuốc loạn tâm (Daniel Efron biên tập), kể lại giai thoại này như sau: “Có câu chuyện về hai gã hippie ngồi ở công viên Cổng Vàng. Cả hai đang phê cần. Một chiếc máy bay vù qua đầu và biến mất; trong lúc một gã hippie quay sang gã kia và nói rằng, ‘Trời hỡi, tao nghĩ nó chẳng bao giờ bay đi!’”
Nhưng mặc dù thế giới bên ngoài có vẻ bị chậm đi, thế giới hình ảnh và suy tư bên trong đầu lại bùng nổ nhanh chóng. Ta có thể khởi sự một hành trình bên trong tâm trí phong phú, đi đến nhiều quốc gia và nền văn hóa, hay sáng tác ra một quyển sách, một bản symphony, hay sống trọn một cuộc đời, hay một giai đoạn lịch sử, để rồi nhận thấy rằng chỉ vài phút, thậm chí vài giây, vừa mới thoảng qua. Gautier mô tả lần ông tiến vào trạng thái mê hoặc trong đó “các cảm giác cứ lần lượt theo tôi nhiều và ráo riết đến nổi không tài nào có thể thật sự trân trọng thời gian.” Dường như với chủ quan của ông công dụng của thuốc đã kéo dài “tận ba trăm năm”, nhưng khi tỉnh lại, ông nhận ra rằng nó chỉ kéo dài 15 phút.
Từ “tỉnh giấc” có thể là một biện pháp tu từ ở đây, bởi những “trip” như thế chắc chắn có thể được đem so sánh với những giấc mộng hay các trải nghiệm cận tử. Dường như tôi cũng đã từng sống qua, đôi khi, trọn cả đời mình đâu đó giữa lần báo thức thứ nhất, lúc năm giờ sáng, và lần thứ hai, chỉ cách đó năm phút.
Đôi khi, lúc đang chìm vào giấc ngủ sẽ xảy ra một cú giật mạnh ngoài ý muốn (giật giống do động kinh) trên cơ thể. Mặc dù những co giật này do những phần sơ cổ của gốc não sản sinh ra (còn gọi là phản xạ gốc não), và vì vậy không mang bất cứ ý nghĩa hay chủ định nào, chúng lại có thể được giấc mơ cảm tác tức thời cấp cho ý nghĩa và ngữ cảnh, được chuyển thành những cảnh diễn. Do đó co giật có thể gắn liền với một giấc mơ khi ta đang trượt hay vấp vào một vách núi, chồm ra phía trước để đón một quả bóng, vân vân. Những giấc mơ như thế lại cực kỳ sống động và chứa đựng nhiều “cảnh” khác nhau. Chủ quan, chúng dường như xuất hiện trước cú co giật, ấy vậy mà gần như toàn thể cơ chế giấc mơ lại được kích thích bởi cảm giác tiền ý thức dành cho cú co giật kia. Toàn thể cuộc tái cấu tinh vi của thời gian này diễn ra trong vòng chưa một giây.
Có những cơn động kinh nhất định, đôi khi được gọi là động kinh trải nghiệm, khi một hồi tưởng về quá khứ hoặc ảo giác về quá khứ cầu kỳ bất thình lình xâm lấn ý thức của người bệnh và hoàn thành một chặng mà theo chủ quan của chúng ta là rất dài và tư lự trong khi theo khách quan chỉ vỏn vẹn vài giây. Các đợt động kinh thường gắn với một rung động ở thùy thái dương và có thể với một số bệnh nhân gây ra bởi xung điện ở một số điểm kích thích nhất định trên bề mặt thùy này. Đôi khi các trải nghiệm động kinh như vậy thường ngập tràn một cảm giác về ý nghĩa siêu hình, lại trong một thời lượng chủ quan dài vô tận. Dostoyevsky viết về chúng như sau,
Có những lần, và chỉ trong có vài giây đồng hồ, ta cảm thấy sự hiện hữu một trạng thái hài hòa vĩnh cửu… Điều tồi tệ ở đây chính là sự ráo hoảnh kinh hãi xảy ra cùng với nó cũng như niềm phấn khích ập ngập lấy ta… Trong chỉ năm giây ấy tôi sống cả một tồn tại hoàn toàn khác, và để có được nó tôi sẽ trao đi hết cả đời mình và vẫn không nghĩ rằng cái giá phải trả là quá lớn.
Có lẽ chẳng tồn tại một cảm giác về tốc độ nội tại vào những lần vừa nêu, nhưng vào những lần khác - nhất là với mescaline hay LSD - ta có thể cảm giác như bị quăng khắp các vũ trụ ý nghĩ ở các vận tốc không thể kiểm soát, vượt ngưỡng. Trong Những kỳ tích chính của Tâm tưởng, thi sĩ và họa sĩ người Pháp Henri Michaux viết, “Những người trở lại sau khi trải nghiệm tốc độ của mescaline kể về một sự gia tăng 100-200 lần, thậm chí 500 lần tốc độ thông thường.” Ông bình luận, có lẽ đó là một ảo giác nhưng kể cả khi gia tăng ấy khiêm tốn hơn rất nhiều - “thậm chí chỉ sáu lần” thông thường - nó cũng mang lại cảm giác choáng ngợp. Những gì ta trải qua, theo cảm nhận của Michaux, không phải là sự tích lũy khuếch đại của những chi tiết chính xác theo nghĩa đen mà là một loạt những ấn tượng khái quát, những nổi bật đặc tả, như trong một giấc mơ.
Dù thế, nếu tốc độ của ý nghĩ có thể được gia tăng đáng kể, gia tăng ấy sẽ lộ hiện (giả sử như chúng ta có công cụ thực nghiệm để khảo sát chúng) trong các ghi chép sinh lý của bộ não và có thể còn minh họa đâu là những hạn chế của thần kinh. Tuy nhiên, chúng ta lại cần có một mức độ hoạt động thần kinh đúng để ghi chép, và đây không phải là mức độ từng tế bào thần kinh riêng lẻ, mà ở mức cao hơn, mức độ tương tác giữa các nhóm neuron trong vỏ não, khi đạt đến con số chục hay trăm ngàn sẽ hình thành ra các tương tác thần kinh của ý thức.
Tốc độ của các tương tác thần kinh này thông thường được điều tiết bởi một sự cân bằng tinh tế giữa các chất kích thích và kìm hãm, nhưng trong những điều kiện nhất định chất kìm hãm sẽ yếu đi. Các giấc mơ có thể cất cánh, di chuyển tự do và mau mắn, bởi vì hoạt động của vỏ não không còn bị ràng buộc bởi cảm nhận bên ngoài hay bởi thực tại. Có lẽ, các nhận định tương tự cũng áp dụng với các trạng thái hứng thần do mescaline hay hashish gây ra.
Các chất khác (gây trầm cảm chẳng hạn như thuốc giảm đau hay thuốc ngủ gốc barbiturate) có thể có tác dụng ngược lại, tạo nên một trạng thái mơ hồ, một sự kìm hãm ý nghĩ và chuyển động, để người dùng có thể đi vào một trạng thái dường như không xảy ra bất cứ điều gì và sau đó nhận ra rằng, dẫu chừng như chỉ vài phút trôi qua, một ngày đã qua đi. Các tác dụng như thế giống với tác động của Thuốc giảm tốc, thứ thuốc mà Wells hình dung là đối nghịch thuốc Tăng tốc:
Thuốc Giảm tốc… làm cho bệnh nhân kéo dài vài giây thành nhiều giờ đồng hồ thời gian thường, và do đó duy trì một tình trạng bất động vô cảm, một khuyết vắng sự nhanh nhẩu hết sức điềm nhiên như tảng băng, ngay giữa những môi trường sống động và bát nháo nhất.
Tôi chỉ ngộ ra sự tồn tại những rối loạn dữ dội và dai dẳng trong tốc độ thần kinh kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, khi vào năm 1966, tôi làm việc tại Beth Abraham ở Bronx, bệnh viện dành cho người mắc bệnh mãn tính, và diện kiến những bệnh nhân mà về sau tôi đã kể về trong quyển Awakenings. Có hàng chục người như họ trong sảnh và hành lang, tất cả đều di chuyển ở tốc độ khác nhau - một số nhanh dữ dội, số khác thật chậm rãi, một số gần như bất động. Khi quan sát cảnh tượng thời gian bị nhiễu loạn kia, ký ức về hai thứ thuốc Tăng tốc và Giảm tốc của Wells bất chợt ùa về. Tất cả họ, theo tôi tìm hiểu, đều sống sót qua đại dịch viêm não rối loạn hôn mê càn quét thế giới từ năm 1917 tới 1928. Trong số hàng triệu người mắc “bệnh buồn ngủ” kia, chừng một phần ba chết trong các giai đoạn cấp tính, những giai đoạn ngủ sâu tới nỗi không thể đánh thức, hay những giai đoạn mất ngủ dữ dội tới nỗi không thể hôn mê. Một số họ, dù thường phấn khởi và hào hứng trong những ngày đầu, về sau đã hình thành trong người một dạng cực đoan của Parkinson khiến họ chậm đi, thậm chí khiến họ bất động, có khi đến hàng thập kỷ. Một vài bệnh nhân tiếp tục tăng tốc, và một bệnh nhân, Ed. M., còn tăng tốc nửa bên cơ thể và giảm tốc ở nửa còn lại.
Với bệnh Parkinson thông thường, ngoài tình trạng run bật hoặc cứng cơ, bệnh nhân cảm thấy sự chậm đi hoặc tăng nhanh tương đối, nhưng trong Parkinson do rối loạn viêm não gây ra, khi đó chấn thương não thường nặng nề hơn, sự chậm hoặc nhanh này xảy ra đối với các giới hạn sinh lý lẫn cơ học thiết yếu nhất của cả cơ thể lẫn bộ não. Dopamine, dẫn xuất thần kinh duy trì chuyển động và ý nghĩ thông thường, bị giảm đáng kể trong trường hợp Parkinson, giảm đi chừng 15% so với mức bình thường. Trong Parkinson do rối loạn viêm não, mức dopamine có khi gần như không thể phát hiện được.
Năm 1969, tôi bắt đầu cho hầu hết các bệnh nhân bất động dùng thuốc L-dopa, khi ấy mới được chứng minh có tác dụng trong việc tăng cường dopamine trong não. Đầu tiên, L-dopa phục hồi tốc độ và chuyển động tự do ở nhiều bệnh nhân. Nhưng rồi, nhất là ở các bệnh nhân bị bệnh nặng, thuốc lại đẩy họ theo chiều hướng ngược lại. Một bệnh nhân, Hester Y., thể hiện sự gia tăng chuyển động lẫn trong cách diễn đạt sau năm ngày dùng thuốc, tôi ghi trong nhật ký,
nếu trước đó bệnh nhân từng có biểu hiện giống với một bộ phim chiếu chậm, hay một khung hình cố chấp nguyên vị trong máy chiếu, thì giờ chị ta lại cho một ấn tượng về một bộ phim tua nhanh, nhanh đến nỗi các đồng nghiệp của tôi, khi nhìn vào phim về Y mà tôi đã chụp, cứ khăng khăng cho rằng máy chiếu đang chạy quá nhanh.
Tôi cho rằng ban đầu Hester cùng các bệnh nhân khác nhận ra vận tốc di chuyển và giao tiếp hay suy nghĩ khác thường của mình nhưng đơn giản là không thể kiểm soát chúng. Tôi nhanh chóng nhận ra giả định này hoàn toàn sai. Hay giả định trong trường hợp bệnh nhân mắc Parkinson thông thường, mà nhà thần kinh học người Anh William Gooddy đã nhận xét ở đầu quyển Thời gian và Hệ thần kinh của ông. Một người quan sát, ông viết, có thể ghi lại các chuyển động một người mắc parkinson chậm đến đâu, nhưng “bệnh nhân sẽ nói rằng, 'Các chuyển động của tôi có vẻ vẫn bình thường trừ phi tôi quan sát thời gian chuyển động bằng cách nhìn vào đồng hồ. Đồng hồ trên tường phòng bệnh dường như đi nhanh lạ thường.'”
Gooddy đề cập ở đây khái niệm thời gian “cá nhân”, đối lập với thời gian “đồng hồ”, và khác biệt giữa thời gian cá nhân với thời gian đồng hồ có thể không thể thu hẹp được trong tình trạng giảm hoặc chậm cử động cực đoan thường xảy ra với bệnh Parkinson do rối loạn viêm não gây ra. Tôi thường chứng kiến bệnh nhân Miron V. ngồi trong sảnh ngoài văn phòng mình. Ông ấy có vẻ như bất động, tay phải thường nâng lên cao, đôi khi chừng vài cm trên gối, có khi gần khuôn mặt. Khi hỏi ông về những tư thế bất động kia, ông hỏi lại tôi đầy phẫn nộ, “Bác sĩ nói tới những tư thế bất động nào chứ? Tôi chỉ vừa lau mũi thôi mà.”
Tôi không biết có phải ông ta đang trêu mình không. Một sáng nọ, sau khoảng nhiều giờ, tôi chụp một loạt đâu chừng 20 bức ảnh rồi gộp chúng lại để làm thành một tập sách lật, như ngày trước từng làm với các chồi dương xỉ đang mở néo. Lần này, tôi có thể thấy Miron quả thật đang lau mũi - nhưng làm chậm hơn bình thường đến cả ngàn lần.
Cả Hester cũng dường như không biết về mức độ chênh lệch giữa thời gian cá nhân của mình với thời gian trên đồng hồ. Có lần tôi đề nghị các sinh viên chơi bóng với bà, và các bạn không sao có thể chụp được những cú ném nhanh như chớp của bà. Hester trả bóng nhanh đến nỗi tay của họ, vẫn còn đau sau lần ném trước đó, có thể bị dập mạnh bởi cú trả bóng của bà. “Các anh chị thấy chị ta nhanh thế nào chưa,” tôi nói. “Đừng có đánh giá thấp - hãy lo mà sẵn sàng đi.” Nhưng các sinh viên không thể nào sẵn sàng, bởi thời gian phản xạ của họ vào khoảng 1/7 giây, còn của Hester gần như chỉ có 1/10 giây mà thôi.
Lúc Miron và Hester trong trạng thái thường, không quá nhanh hay quá chậm, họ mới có thể đánh giá sự chậm hay sự nhanh của mình kỳ lạ đến đâu, và đôi khi cần cho họ xem một đoạn ghi hình hay một cuộn băng mới thuyết phục được họ.
Với các rối loạn về thời gian, dường như chẳng tồn tại một giới hạn cho sự chậm đi, trong khi sự tăng tốc chuyển động dường như chỉ bị vướng lại bởi giới hạn cơ học của khả năng diễn đạt bằng lời nói. Nếu Hester tìm cách nói hoặc đếm lớn tiếng trong các trạng thái tăng tốc, các từ ngữ hay con số cứ va quệt lấy nhau. Các giới hạn này ít rõ rệt hơn trong trường hợp suy nghĩ và cảm nhận. Nếu chị được cho xem ảnh khối Necker (một bức vẽ mơ hồ thường hay làm thay đổi góc nhìn sau mỗi vài giây), lúc chậm, chị sẽ nhìn thấy các thay đổi này mỗi một hay hai phút (hoặc không hề nhìn thấy, nếu bị “đông”), nhưng khi bị tăng tốc, chị có thể nhìn thấy khối lập phương “chớp qua”, đổi góc nhiều lần chỉ trong vòng một giây. 
Những tăng tốc đáng kể còn có thể xảy ra ở bệnh Tourette, đặc trưng bởi sự cưỡng bách, chớp mắt và những chuyển động và âm thanh phát ra ngoài ý muốn. Một số bệnh nhân có thể tóm được ruồi đang bay. Khi hỏi một bệnh nhân làm sao anh có thể làm được như vậy, anh không hề cảm thấy mình di chuyển nhanh khác thường mà với anh ta, chính con ruồi mới là thứ chuyển động chậm chạp.
Khi ta giương tay để chạm hay bấu vào một đồ vật, vận tốc thông thường là 1 mét/giây. Các đối tượng nghiên cứu thông thường, khi được yêu cầu ra tay nhanh hết cỡ, có thể đạt tới vận tốc 4,5 mét/giây. Nhưng khi tôi yêu cầu Shane F., một nghệ sĩ mắc chứng Tourette, thực hiện động tác, anh có thể đạt tới vận tốc 7 mét/giây dễ dàng, mà chẳng hề mất đi chút chính xác hay trơn tru nào cả. Khi yêu cầu anh duy trì tốc độ bình thường, thì chuyển động của anh lại bị bó buộc, khác thường, thiếu chính xác, và co giật liên tục. 
Một bệnh nhân khác mắc hội chứng Tourette nặng và nói rất nhanh bảo tôi rằng ngoài những co giật và nói nhanh mà tôi có thể nhìn và nghe thấy còn có những biểu hiện khác ở người khác mà tôi có thể không hay biết vì cặp mắt và đôi tai “chậm chạp” của mình. Chỉ khi ghi hình và phân tích từng khung một các cơn “co giật vi mô” kia mới được nhìn thấy. Kỳ thực, có khi có nhiều dòng co giật vi mô khác nhau diễn ra đồng thời trong vỏn vẹn một giây. Mức độ phức tạp của toàn bộ quá trình này đáng kinh ngạc như chính tốc độ của nó, và tôi cho rằng ai đó có thể viết cả một quyển sách, một atlas ghi lại những co giật, dựa vào duy nhất năm giây ghi hình. Một bản atlas như vậy, theo tôi, sẽ cung cấp một quan sát hiển vi vào quan hệ não bộ-thân thể, bởi tất cả chúng đều có các yếu tố quyết định, dù ở bên trong hay bên ngoài, và danh mục co giật của mỗi bệnh nhân đều không giống nhau.
Những cơn co giật bất chợt có thể xảy ra với bệnh nhân Tourette gần giống với diễn đạt “cảm xúc” hay “bị văng ra” theo cách gọi của nhà thần kinh học người Anh John Hughlings (đối lại với diễn đạt “mệnh đề” phức tạp, cầu kỳ về cú pháp). Diễn đạt văng bật ra về cơ bản có tính chất phản xạ, tiền ý thức, và tự sinh ra; loại diễn đạt này né tránh kiểm soát của thùy trán, của ý thức, và của cái tôi; và nó thoát ra khỏi miệng chúng ta trước khi bị kìm hãm.
Không chỉ tốc độ mà phẩm chất của chuyển động và ý nghĩ trong bệnh Tourette và Parkinson cũng bị thay đổi. Trạng thái tăng tốc thường rất dữ dội trong khoản phát minh và tưởng tượng, lao rất nhanh từ các liên tưởng này sang liên tưởng khác, cùng với mức độ dữ dội của chính nó. Trái lại, tình trạng chậm đi thường đi theo sự quan tâm và cẩn trọng, một trạng thái tỉnh táo và soi xét, với những công dụng chẳng kém gì sự “đẩy đi” khi tuôn trào. Thực tế này được Ivan Vaughan, một nhà tâm lý học mắc bệnh Parkinson, đưa ra; anh cũng là tác giả hồi ức tên gọi Ivan: Sống với bệnh Parkinson. Anh kể với tôi anh ra sức viết toàn bộ quyển sách khi chịu ảnh hưởng của L-dopa, bởi những lúc ấy trí tưởng tượng và các tiến trình liên tưởng của anh dường như dịch chuyển tự do và mau chóng hơn, và anh có những kiểu liên tưởng phong phú, khó ngờ thuộc đủ kiểu loại (mặc dù nếu quá nhanh, nó cũng khiến anh bị mất tập trung và tỏa đi khắp mọi hướng). Còn khi tác động của L-dopa mất đi, anh chuyển sang biên tập và chìm vào một trạng thái hoàn hảo để cắt tỉa những áng văn lắm khi quá đỗi cầu kỳ mà anh đã viết trong lúc đang “nhập tâm”.
Bệnh nhân Ray bị Tourette của tôi, thường hay bị căn bệnh cản trở và hành hạ, cũng tìm ra nhiều cách khác nhau để tận dụng nó. Sự nhanh (đôi khi quái lạ) của các liên tưởng khiến anh rất hoạt não; anh kể về những sắc sảo ngôn ngữ khi co giật của mình và tự gọi mình là Witty Ticcy Ray. Sự nhanh nhẹn và sắc sảo của anh, khi kết hợp với tài nghệ âm nhạc, biến anh trở thành một nghệ sĩ ứng tấu đáng gờm trên bộ trống. Anh gần như bất khả chiến bại trong môn bóng bàn, một phần bởi vận tốc phản xạ đơn thuần và phần nữa bởi những cú tấn công, mặc dù trái luật, là hết sức khó lường (với chính anh) đến nỗi đối phương hốt hoảng không sao đáp trả được.
Người mắc Tourette nghiêm trọng hẳn là phiên bản giáp cận nhất với những sinh vật cực nhanh mà Baer và James từng tưởng tượng ra, và những bệnh nhân Tourette đôi khi mô tả chính họ bị “siêu kích”. “Như thể có một động cơ 500 mã lực ngay bên dưới,” một bệnh nhân của tôi còn cho biết thêm. Quả vậy, có rất nhiều vận động viên đẳng cấp thế giới bị Tourette - trong đó có Jim Eisenreich và Mike Johnston trong bóng chày, Mahmoud Abdul-Rauf trong bóng rổ, và Tim Howard trong bóng đá.
Nhưng nếu vận tốc của người mắc Tourette thích nghi chừng ấy, một món trời phú về thần kinh, thì tại sao chọn lọc tự nhiên lại không tham gia vào việc gia tăng số “người nhanh nhẹn” trong số chúng ta? Thế nào là cảm giác tương đối lề mề, chậm rãi, là “bình thường” đây? Những bất lợi của chậm thái quá là rất hiển nhiên, nhưng cũng nhất thiết trỏ ra rằng nhanh thái quá cũng có những vướng mắc chẳng kém. Tốc độ gây ra do Tourette hay sốt viêm não đi kèm với sự giải ức chế, sự khó cưỡng và bột phát cho phép những chuyển động “thiếu phù hợp” xuất hiện một cách đứt đoạn. Trong những hoàn cảnh này, những thôi thúc nguy hiểm như chìa tay vào lửa hay lao qua dòng xe cộ, thường bị ngăn cản trong phần lớn chúng ta, có thể được giải thoát và tiến hành trước khi ý thức kịp can thiệp. 
Và trong những trường hợp cực đoan, giả sử như dòng ý thức quá nhanh, nó có thể lạc mất, vỡ ra thành một dòng triều đầy những xao nhãng, sai chệch, rồi tan thành một trạng sự vô nghĩa hoa mỹ, một trạng thái hôn mê ma mị, gần giống một cơn mộng. Những người bị Tourette nặng, như Shane, có thể cảm thấy chuyển động, ý nghĩ và hành động của người xung quanh chậm chạp quá thể, và “những kẻ thần kinh bình thường” chúng ta có thể thấy những người như Shane nhanh quá mức kiểm soát. “Với ta họ giống như khỉ,” James viết trong một ngữ cảnh khác, “còn chúng ta với họ giống như lũ bò sát.”
Trong chương Ý chí nổi tiếng thuộc quyển Cơ sở tâm lý học, James bàn về thứ ý chí “ngoan cố” và bệnh lý và hai hình thái đối nghịch của nó: “bùng nổ” và “cản trở”. Ông dùng hai khái niệm này để nói về các bản tính và tính khí tâm lý, nhưng dường như chúng cũng đối nghịch y hệt khi dùng để bàn về những rối loạn sinh lý như Parkinson, Tourette, và căng trương lực. (Có vẻ lạ là James chẳng bao giờ nói về hai trạng thái đối nghịch này, các ý chí “bùng nổ” và “ngoan cố” vào một số thời điểm có một quan hệ với nhau, bởi chắc chắn ông đã chứng kiến những người mà ngày nay chúng gọi là hưng-trầm-cảm hay rối loạn lưỡng cực bị quăng quật, trong nhiều tuần hay nhiều tháng, từ cực này sang cực kia.)
Một người bạn mắc Parkinson kể với tôi rằng ở trong trạng thái chậm cảm giác giống như mắc kẹt giữa một hũ bơ đậu phộng, còn trạng thái tăng tốc lại giống như đang đứng trên băng, trơn tuột, trượt sâu xuống một ngọn đồi càng lúc càng dốc hơn, hay một tiểu tinh cầu, không trọng lực, không có lực nào để thắng hay neo anh ta lại.
Mặc dù những trạng thái bế tắc, dữ dội vừa nêu có vẻ nằm ở cực đối của các trạng thái tăng tốc, bùng nổ, thế nhưng bệnh nhân có thể chuyển gần như tức thời từ một trạng thái sang một trạng thái khác. Thuật ngữ kinesia paradoxa được các nhà thần kinh Pháp đưa vào sử dụng vào thập niên 1920 để miêu tả những chuyển dịch đáng kể dẫu ít khi xảy ra ở các bệnh nhân bị rối loạn viêm não hầu như suốt nhiều năm không hề đi đứng nhưng thình lình được “phóng thích” và có thể đi lại hết sức sung sức và dữ dội, rồi chỉ vài phút sau đã quay lại trạng thái bất động trước đó. Khi Hester Y. được tiêm L-dopa, các chuyển biến vừa nêu đạt tới mức độ khác thường, và chị có thể trở ngược lại tình trạng trước đó hàng chục lần chỉ trong một ngày.
Tình trạng đáo lại này có thể quan sát thấy ở nhiều bệnh nhân khác mắc Tourette trầm trọng, những bệnh nhân có thể bị chặn đứng gần như lập tức bởi liều vi lượng của bất cứ loại thuốc nào. Kể cả khi không dùng thuốc, các trạng thái bất động và tập trung gần giống với thôi miên dường như thường hay xảy ra ở các bệnh nhân Tourette, và họ đại diện cho nửa còn lại của trạng thái tăng động, rối loạn.
Ở hội chứng căng trương lực, có khi còn có những chuyển biến nhanh chóng, tức thời từ các trạng thái bất động, ù lì sang trạng thái siêu hoạt, cuồng hoạt. Căng trương lực hiếm thấy, nhất là trong thời đại hiện đại, tĩnh hóa của chúng ta, nhưng một số hoang mang và sợ hãi nhận thấy từ người bị loạn chắc hẳn đến từ các chuyển biến thình lình, khó lường này.
Hội chứng căng trương lực, Parkinson, Tourette, chẳng kém gì rối loạn lưỡng cực, có thể đều được cho là rối loạn “lưỡng-cực”. Tất cả đều là, theo thuật từ của người Pháp thế kỷ 19, những rối loạn à double forme - đa diện có thể chuyển liên tiếp từ một tình trạng này sang một tình trạng khác, một diện mạo khác. Khả năng xảy ra của trạng thái quân bình, bất phân cực, bất kỳ “sự bình thường” nào trong các rối loạn này đều bị thu giảm đến mức chúng ta buộc phải hình dung hình ảnh một “bề mặt” có hình dạng tạ tay hay đồng hồ cát, chỉ có một chiếc cổ mỏng hay một eo trung tính nằm ngay giữa hai cực to lớn.
Trong thần kinh học người ta thường nói về những “thiếu hụt” - sự hất văng đi một chức năng sinh lý (và có lẽ cả tâm lý) của một tổn thương, một vùng tổn thương, trong não. Các thương tổn trong vỏ não thường tạo ra các “thiếu hụt” đơn giản, như mất đi khả năng nhận dạng màu sắc hay khả năng nhận ra chữ số hay chữ viết. Trái lại, các thiếu hụt trong hệ thống điều tiết của vùng dưới vỏ não điều khiển chuyển động, nhịp độ, cảm xúc, khẩu vị, mức nhận thức, vân vân làm giảm đi kiểm soát và sự bình ổn, khiến bệnh nhân mất dần đi khả năng chịu đựng thông thường, vùng trung gian, và có lẽ bị quăng quật trong bất lực từ cực này sang cực khác.
Doris Lessing từng viết về tình trạng các bệnh nhân rối loạn viêm não của tôi như sau, “Chứng bệnh khiến chúng ta nhận ra mình đang đi trên lưỡi dao.” Vậy mà, trong sức khỏe, chúng ta không chỉ sống trên một lưỡi dao mà trong một trạng thái bình ổn hình dáng như yên ngựa. Về sinh lý, sự bình thường của thần kinh phản ảnh một trạng thái cân bằng giữa các hệ thống kích và kiềm trong não, trạng thái cân bằng khi không có sự hiện diện của thuốc hay chấn thương luôn sở hữu một quy mô và khả năng chống chịu rất đáng nể.
Dù con người chúng ta sở hữu những mức chuyển động cố định và đặc trưng của giống loài, một số người sẽ nhanh hơn và số khác sẽ chậm hơn, và còn có thể có các biến thiên về mức năng lượng và khả năng tập trung trong một ngày của chúng ta. Chúng ta hoạt náo hơn, di chuyển nhanh nhẹn hơn, sống nhanh hơn khi còn trẻ; chúng ta chậm dần, ít nhất trong chuyển động và thời gian phản xạ, khi về già. Nhưng phạm vi của tốc độ chuyển động, ít nhất ở người bình thường, trong tình huống bình thường, lại khá hạn chế. Chẳng có quá nhiều khác biệt về thời gian phản xạ giữa người trẻ và người già, hay giữa các vận động viên hàng đầu với những kẻ kém cỏi thể chất nhất. Dường như điều này cũng đúng với những hoạt động thần kinh cơ bản - tốc độ tối đa một người có thể thực hiện tính nhẩm, nhận ra, liên tưởng hình ảnh, vân vân, là như nhau. Những màn thể hiện phi thường của các bậc cao cờ, tính toán siêu tốc, ứng tấu bậc thầy, và những bậc thầy khác thực ra chẳng mấy liên quan với tốc độ xử lý thần kinh của họ mà đến từ khối lượng kiến thức đồ sộ, những thủ thuật và mô thức được ghi nhớ, và những kỹ năng vô cùng tinh vi mà họ có thể vận dụng.
Ấy thế mà thi thoảng sẽ xuất hiện những cá nhân dường như đạt tới tốc độ tư duy gần như siêu việt. Robert Oppenheimer, ai cũng biết, khi tới lượt các nhà vật lý trẻ tuổi đến giải thích các ý tưởng của mình với ông, thường nắm bắt được ngay cốt lõi và hàm ý của họ, và ngắt ngang, để khai triển tiếp tư duy từ họ ngay khi họ chỉ kịp hé miệng. Gần như bất cứ người nào từng nghe Isaiah Berlin ngẫu hứng trong diễn văn trào tuôn như thác lũ của mình, chồng xếp hình ảnh lên hình ảnh, ý tưởng lên ý tưởng, xây dựng nên những cấu trúc tư duy khổng lồ xuất hiện và biến mất ngay trước mắt, đều cảm thấy họ được diễm phúc chứng kiến một hiện tượng tư duy siêu đẳng. Và thực tế ấy cũng hệt như với thiên tài hài kịch Robin Williams, tác giả của những luồng liên tưởng và trí tuệ bùng phát, sáng choang dường như cất cánh và phóng lao đi ở tốc độ tên lửa. Nhưng ở tại đây, chúng ta không đối diện với tốc độ vận chuyển của tế bào thần kinh đơn lẻ trong các mạch liên kết mà với những mạng thần kinh có trật tự cao cấp hơn nhiều, vượt khỏi mức độ phức tạp tinh kỳ của một siêu máy tính.
Dẫu vậy, con người, cả những cá nhân nhanh nhẹn nhất, vẫn bị giới hạn về tốc độ bởi các quyết tố thần kinh cơ bản, bởi các tế bào có vận tốc nổ truyền dẫn giới hạn và bởi các tốc độ truyền tín hiệu giữa các tế bào và nhóm tế bào. Và nếu theo cách nào đó chúng ta có thể tăng tốc lên chừng mươi hay 50 lần, chúng ta sẽ cảm thấy mình hoàn toàn lệch ra khỏi thế giới xung quanh và lâm vào một tình huống dị kỳ chẳng khác gì nhân vật trong truyện ngắn của Wells.
Nhưng chúng ta có thể bù lại những hạn chế của cơ thể, giác quan, bằng đủ mọi loại công cụ. Chúng ta đã giải phóng thời gian, như chúng ta đã giải phóng không gian vào thế kỷ 17, và giờ đây chúng ta đã có sẵn trong tay những chiếc kính hiển vi và viễn vọng thời gian có công năng tuyệt luân. Với chúng, ta có thể đạt được sự tăng tốc hoặc giảm tốc tới triệu tỷ lần, bằng máy laser hoạt nghiệm, sự hình thành và phân rã đến femto-giây các liên kết nguyên tử; hay quan sát, rút lại chỉ còn vài phút trên giả lập máy tính, mười ba tỷ năm lịch sử vũ trụ từ vụ nổ Big Bang đến nay, hay (thậm chí ở độ nén cao hơn) tương lai phóng chiếu cho tới tận cùng thời gian. Qua các công cụ vừa nêu, chúng ta có thể gia tăng nhận thức, cho chúng nhanh hơn hay chậm đi, đến một mức độ vượt quá bất cứ tiến trình tồn tại nào hiện có. Theo cách này, dẫu mắc kẹt giữa không gian và thời gian của chính mình, bằng trí tưởng tượng, chúng ta có thể tiến vào mọi tốc độ, mọi thời gian.
k.