Aristotle có nói rằng, để đào tạo những con người ưu tú thì phải đào tạo họ có khuynh hướng triết gia, vậy khuynh hướng triết gia là gì mà lại quan trọng như vậy trong các thành bang Hy Lạp cổ đại.
        Khuynh hướng triết gia mà Aristotle đã nói bao gồm: yêu chuộng sự học hỏi; yêu chuộng sự hiểu biết và có khuynh hướng triết lý. Tại sao ông lại đòi hỏi những công dân có những điều này, bởi vì đó là con đường dẫn dắt các công dân đi đến sự hoàn hảo của bản thân và xây dựng một xã hội hoàn hảo.
        Yêu chuộng sự học hỏi và sự hiểu biết là để các công dân không bị rơi vào trạng thái ngu dốt, luôn giữ cho mình sự tò mò với thế giới, để học hỏi từ lịch sử, từ người khác và khám phá những tri thức mới phục vụ cho xã hội.
         Phải có khuynh hướng triết lý là vì chúng ta luôn sống trong một xã hội, trong mối quan hệ với những người khác, do đó mỗi cá nhân phải có triết lý sống riêng.  Cũng trong tác phẩm Chính trị luận, Aristotle đã khẳng định “ Con người từ bản chất là một sinh vật chính trị”, khẳng định này có nghĩa là mỗi bản thân chúng ta luôn luôn là một phần của xã hội, là một phần cấu tạo lên đời sống của đất nước, do đó mà chúng ta phải có khuynh hướng triết lý. Có khuynh hướng triết lý là để chúng ta không sống lạc lối, không vi phạm đạo đức, là để chúng ta tranh luận với những người khác, để kiến tạo lên một triết lý rộng rãi cho cả cộng đồng, cả đất nước.
         “Khuynh hướng triết gia” rất quan trọng trong các thành bang Hy Lap cổ đại, và nó cũng rất quan trọng cho xã hội hiện tại, một xã hội càng phức tạp điều này càng cần thiết. Và có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, người Việt Nam chúng ta đang không có khuynh hướng này trong mỗi công dân. Đó có thể là hậu quả từ nhiều lý do, do văn hóa, do toàn cầu hóa, do văn hóa tiêu dùng, văn hóa giải trí, nhưng cốt yếu nhất vẫn là từ giáo dục. Một hệ thống giáo dục không dựa trên tinh thần mưu cầu tri thức, quý trọng trí thức và không hướng đến việc tranh luận về các quan điểm sống – các triết lý sống.
         Vậy hệ quả thực tế của việc không có “khuynh hướng triết gia” trong các công dân là gì ? Đó là việc công dân không quan tâm đến chính trị (các vấn đề thuộc về cộng đồng, quốc gia) và thỏa mãn các nhu cầu mang tính bản năng (cảm thấy hài lòng và phấn đấu trong một khuôn khổ được hoạch định) – có thể nói đó là tình trạng nô lệ hiện đại. Đây có thể là một hệ quả có chủ đích hoặc không, nhưng rõ ràng đó là một thực trạng cần phải thay đổi nếu muốn quốc gia đi trên con đường tiến bộ.
         Để có thể giải quyết vấn đề một cách tận gốc rễ chỉ có thể đưa “khuynh hướng triết gia” vào trong hệ thống giáo dục, chúng ta cần mọi công dân luôn hướng đến tri thức và một xã hội đạo đức. Đó chắc chắn không phải vấn đề trong một sớm một chiều, nhưng là vấn đề mang tính tư tưởng cốt lõi, cần được thể chế để áp dụng ngay. Chúng ta không thể trông mong gì ở những công dân: không đọc sách, không hiểu về lịch sử, không hiểu biết thế giới, không biết gì về triết học; chỉ quan tâm đến game, nói những câu chuyện vô bổ, chỉ quan tâm đến tiền và giải trí.
       Sở dĩ tôi nói những người không có “khuynh hướng triết gia” là những kẻ nô lệ hiện đại bởi vì họ chấp nhận sống trong cái lồng được giới hạn, ở đây là cái lồng thỏa mãn những nhu cầu bản năng, chừng nào họ còn được thỏa mãn thì họ sẽ không có lý do để vươn lên một vị trí cao hơn trong xã hội, đồng thời họ cũng giữ chân luôn cả cộng đồng và quốc gia – nếu họ chiếm đa số, và thực tế là họ chiếm đa số. Đa số không nhận ra được họ đang sống trong một xã hội bị giới hạn và hoạch định, bởi vì họ không tiếp cận với thế giới, với tri thức và không bao giờ nghĩ về việc tìm kiếm một triết lý sống. Khi ta tìm kiếm một triết lý sống, ta sẽ gặp trong đó những ý niệm về đạo đức, về ý thức công dân, về công bằng, về lẽ phải, nhưng vì họ không đi, nên họ sẽ không bao giờ thấy. Họ không hiểu được cảm giác hài lòng của họ chưa phải là trạng thái toàn hảo nhất của con người, đó chỉ là một cảm giác hài lòng hạn hẹp.
      Nhưng làm thế nào để có “khuynh hướng triết gia” trong một xã hội thiếu vắng điều đó – nếu ta đã trưởng thành. Đó chỉ có thể là đọc sách thật nhiều, đọc về lịch sử, về địa lý, về tôn giáo và tranh luận về đạo đức với những người khác (Đặt ra những câu hỏi cho người khác). Nếu ta chịu thực hành những điều trên, từng bước một ta có thể cảm thấy mình khát khao sự hiểu biết và mong muốn được trao đổi nó với người khác – từng bước trở thành một công dân ưu tú.