“Khuyến học” là tác phẩm được Fukuzawa Yukichi viết từ năm 1872 đến năm 1876, đây tuy không phải là phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Trong lần in đầu, sách đã có số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật thời đó chỉ có khoảng 35 triệu người. “Khuyến học” đã thực sự trở thành cuốn sách gối đầu giường của người dân Nhật.

Cuộc cải cách duy tân Minh Trị với việc xóa bỏ chế độ phong kiến, lập ra chính phủ, cùng hàng loạt các cải cách trong mọi lĩnh vực đã mang đến cơ hội đổi đời cho nhân dân Nhật, và "Khuyến học" của Fukuzawa Yukichi cũng đã góp gần vào thành công ấy.


Cuốn sách chưa đầy 300 trang, được chia thành 17 phần, mỗi phần có 4 đến 5 bài viết ngắn. Với văn phong giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, cuốn sách đã nêu ra được tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đề cao chí khí độc lập, trách nhiệm của quốc nhân với đất nước. 


"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm." (Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)


Ra đời cách đây đã 140 năm nhưng rất nhiều tư tưởng trong "Khuyến học" vẫn còn nguyên giá trị. Đọc sách, ta tưởng như đang đọc về chính thời đại mình đang sống. "Khuyến học" giúp ta trả lời những câu hỏi đeo đuổi ta biết bao lâu: "Học để làm gì?", "Học như thế nào?", và "Học cho ai?"


"Khuyến học" đề cao vai trò của tự giáo dục, rằng thực học là sự nghiệp cả đời, rằng kiến thức không phải chỉ để làm giàu cho bản thân, và rằng mỗi người dân ngoài chăm lo cho cá nhân, gia đình thì còn có bổn phận với đất nước. Đây thực sự là 1 cuốn sách mà tất cả mọi người đều nên đọc. Vì ít nhất sau khi đọc cuốn sách này, các bạn có thể nhìn nhận lại và thay đổi thái độ của bản thân với việc học hành, bởi sự học là chọn đời!

Từ Cùng đọc sách - Reading Together