“Tục tư trị giám trường biên” ghi chép:
“Ngày tân mão tháng Chạp năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (tháng 12/980 âm lịch), Giao Châu hành doanh (bản doanh chỉ huy của quân Tống) nói phá quân giặc trên vạn, chém được 2.345 đầu giặc.”
“Ngày kỷ mùi tháng ba niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 6 (tháng 3/981), Giao Châu hành doanh tâu rằng: Phá được quân giặc 15.000 người ở cửa sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp, thu được 200 chiến hạm và hàng vạn áo giáp, binh khí.”
Sau hai trận đại bại trước quân Tống, người Giao Chỉ tháo chạy về sông Ninh Giang, rồi tiếp tục đi theo sông Cà Lồ tiến về căn cứ.
Trước đó, quân do thám của nhà Tống đã theo lối sông Cà Lồ đi đến tận căn cứ “đất giặc”, phát hiện ở đây có một công trình lớn đang được khơi rộng ra, và căn cứ này được người Giao Chỉ gọi là thành Bình Lỗ.
Mặc cho quân lính mệt mỏi sau chuyến đi ngàn dặm, mặc kệ cảnh báo từ quân do thám. Thừa thắng xông lên, tướng Hầu Nhân Bảo ra lệnh truy sát lãnh đạo quân Giao Chỉ - Lê Đại Hành đến tận thành Bình Lỗ.
Tới nơi, trước mặt quân Tống là hệ thống công sự phòng thủ vững chắc. Biết mình đã sập bẫy, Nhân Bảo ra lệnh quân sĩ rút lui.
Ngay lúc đó, người Giao Chỉ phản công ác liệt, vây chặt cửa sông Cà Lồ.
Bị đưa vào thế kìm kẹp, tướng Hầu Nhân Bảo buộc quân Tống vượt chiến lũy đánh chiếm thành Bình Lỗ. Nhưng vì thành Bình Lỗ được một thiền sư thiết kế xây dựng cực kỳ kiên cố, quân Tống không thể vào được thành.
Bất lực trước điều đó, Hầu Nhân Bảo lệnh quân sĩ triệt thoái về sông Hữu Ninh. Một lần nữa, họ lọt vào bẫy mai phục của Lê Đại Hành. Sau cuộc chiến, quân Tống đại bại, tướng Hầu Nhân Bảo tử trận.
Về sau, vào năm 1300, khi Hưng Đạo Vương sắp qua đời, vua Trần Anh Tông đã đến thăm viếng và bày tỏ quan ngại với Hưng Đạo Đại Vương: nếu quân Nguyên đến xâm lược lần nữa, thì có kế sách gì đối phó hay không?
Hưng Đạo khuyên vua nên dùng thành Bình Lỗ làm kế sách đối phó:
“…Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống…” [1]
Theo lời trăng trối của Hưng Đạo Vương thì hiền tài xây thành Bình Lỗ là ai? Theo bộ sử Phật giáo “Thiền Uyển Tập Anh”, thì người có công xây thành là tăng thống Khuông Việt.

KHUÔNG VIỆT THIỀN SƯ LÀ AI?

Tăng thống Khuông Việt - Nguồn: Quangduc.com
Tăng thống Khuông Việt - Nguồn: Quangduc.com
Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 - 1011), tên thật là Ngô Xương Tỷ. Người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc - nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo phả hệ của gia tộc họ Ngô, thiền sư là anh trai của sứ quân Ngô Xương Xý, là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, là cháu đích tôn của Ngô Thuận Đế - Ngô Quyền. Khi còn sống, ông được biết đến là thiền sư thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 5, là tăng thống đầu tiên của tăng đoàn Phật giáo Việt Nam, và là người có quyền lực ngang hàng với chức vụ tể tướng. Ngoài ra, ông là nhân vật quan trọng nằm trong bộ ba Khuông Việt - Vạn Hạnh - Pháp Thuận, được biết đến là nhóm tăng quan có công giúp nhà Đinh và Tiền Lê trị quốc an dân, định danh nước Đại Cồ Việt non trẻ.

Thuở bé bất đắc dĩ nương nhờ cửa Phật.

Trước khi Ngô Quyền qua đời, ông đã giao con trai Ngô Xương Ngập cho em vợ Dương Tam Kha dạy dỗ chăm sóc. Nhưng Dương Tam Kha không những không phò trợ cháu trai mà còn cướp ngôi. 
Lo sợ bị giết hại, Ngô Xương Ngập đã trốn chạy đến làng Trà Hương, Nam Sách nương nhờ Phạm Lệnh Công. Dưới sự che chở của Lệnh Công, Xương Ngập đã thoát khỏi ba lần truy sát của Dương Tam Kha. Trong quá trình trốn chạy đó, Ngô Xương Ngập đã gửi gắm con trai cả tên là Ngô Xương Tỷ, lúc ấy chỉ mới 11 tuổi vào chùa. Sau đó, cậu được đổi tên thành Ngô Chân Lưu.
Từ khi còn bé, Ngô Chân Lưu là người có dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng và được đào tạo về Nho giáo. Lớn lên quy y Phật, cùng bạn học trụ trì đến cầu đạo thiền sư Vân Phong ở chùa Trấn Quốc, thọ giới cụ túc. Từ đó, ông đã chăm chỉ đọc rất nhiều sách Phật nhằm tìm ra yếu chỉ của Thiền. Đến năm 36 tuổi, danh tiếng của Ngô Chân Lưu đã vang xa khắp nơi.[2] 

SỰ NGHIỆP VÀ CÔNG LAO.

Đối Nội: Trở thành đệ nhất thống lĩnh Tăng đoàn - trị quốc an dân.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Bộ máy triều đình lúc này còn non trẻ, kỷ cương phép nước chưa vững, việc trừng trị người có tội rất tàn bạo và hà khắc. 
Chùa Đại Bi nằm trong quần thể di tích đền Gióng. Được cho là nơi Khuông Việt lập am. - Nguồn: Nguoihanoi.vn
Chùa Đại Bi nằm trong quần thể di tích đền Gióng. Được cho là nơi Khuông Việt lập am. - Nguồn: Nguoihanoi.vn
Với lẽ đó, vua Đinh muốn tìm ra mô hình chính trị phù hợp. Nho giáo thời điểm đó đã xuất hiện nhưng chưa được phổ cập kiến thức đầy đủ ở Đại Cồ Việt. Trong khi đó, Đạo giáo thì mang tính huyền bí không hợp việc trị dân. Vả lại, hai tôn giáo này đều bắt nguồn từ Trung Quốc, nếu vua Đinh muốn xây dựng đất nước non trẻ, không bị lệ thuộc phương Bắc sau 1000 năm Bắc thuộc. Thì ông phải chọn một tôn giáo khác mang lại khả năng rũ bỏ văn hoá của Hán tộc.
Rốt cuộc, Phật giáo lại là công cụ vận hành chính trị tốt nhất mà Đinh Bộ Lĩnh có thể lựa chọn: Đầu tiên, Phật giáo là tôn giáo có mặt lâu đời nhất ở đất Giao Chỉ. Thứ hai, tầng lớp trí thức Đại Cồ Việt đa số là tăng nhân. Thứ ba, chủ trương của tăng nhân là nhập thế gần gũi với người dân. Thứ tư, tư tưởng của Phật giáo có những điểm trái ngược với tinh thần Nho giáo: không coi vua chúa như con trời, không trung thành với tập thể một cách mù quáng, và chủ trương coi trọng tài đức của cá nhân cống hiến cho một tập thể xem trọng cá nhân.
Như cá gặp nước, Đinh Bộ Lĩnh quyết định chọn Phật giáo làm quốc giáo. Vua ban phẩm cấp cho các tăng nhân và giao cho họ điều hành Phật giáo trên khắp lãnh thổ Đại Cồ Việt.
Năm 969, khi danh tiếng của thiền sư Ngô Chân Lưu vang xa đến kinh đô Hoa Lư. Hay tin, vua Đinh liền mời thiền sư đến kinh đô đàm đạo. Sau cuộc nói chuyện, vua thấy Ngô Chân Lưu có kiến thức Thiền học uyên thâm, lời lẽ gãy gọn thuyết phục. Vua phong cho thiền sư 2 chức vụ: Tăng Thống - chức vụ lãnh đạo tăng quan trên khắp cả nước, và Thái Sư - chức vụ có quyền lực ngang hàng với chức Tể Tướng. 
Năm 971, vua Đinh phong tặng cho sư pháp hiệu Khuông Việt Đại Sư - với ý nghĩa cao quý “khuông phò chấn hưng nước Việt”.
Với chức vụ và danh hiệu này, thiền sư đã có cơ hội chấn hưng Phật pháp, xây chùa, đúc tượng trên khắp cả nước, nhằm phổ cập rộng rãi Phật giáo vào đại chúng. Cùng với đó là hỗ trợ vua xây dựng vương triều Phật giáo - lấy đức trị quốc an dân.
Năm 980, cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị gian tế của nhà Tống sát hại, với ý đồ làm triều đình rối len, gây chia rẽ nội bộ, tạo cơ hội thuận lợi cho nhà Tống xâm lược. Nhưng mọi thứ đã không đi theo dự tính của nhà Tống.
Kẻ ngoại tộc họ Đinh là Lê Hoàn đã dễ dàng thay thế vai trò cai trị của Đinh Toàn - lúc ấy chỉ mới 6 tuổi. Tất nhiên, các tăng quan trong đó có Khuông Việt không phản kháng khi Lê Hoàn lên ngôi. Nhưng tại sao điều này lại xảy ra?
Đầu tiên, các tăng quan trong đó có Khuông Việt không đi theo tư tưởng Nho giáo: coi vua như ông trời và trung thành mù quáng với một dòng tộc quân chủ. Nên ở thời Tiền Lê, mặc dù Khuông Việt không nắm giữ quyền lực tối cao như tể tướng, nhưng thiền sư cùng với các tăng quan vẫn cống hiến tài năng của mình cho vua Lê Đại Hành dưới vai trò cố vấn chính trị. 
Thứ hai, trước đó, Khuông Việt đã chấn hưng Phật giáo đúng đắn, khi đã hỗ trợ nhà Đinh xây dựng hệ thống chính trị “vua, quan, nhân dân gần gũi”, ly khai khỏi Nho giáo của Hán tộc. Thay đổi cách cai trị từ “hình phạt tàn bạo răn đe dân chúng” của Đinh Bộ Lĩnh, sang “lấy đức trị dân” của Phật giáo. 
Vì thế, khi nền Phật giáo đã vững mạnh. Dù triều đình có đôi chút rối ren sau khi cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát. Nhưng lòng đoàn kết giữa vua, quan và nhân dân vẫn được duy trì bền chặt. Đây chính là chìa khóa quan trọng để nước Đại Cồ Việt đánh bại quân Tống trong giai đoạn tiếp theo.

Đối Ngoại: Xây thành Bình Lỗ - đánh bại nhà Tống. Ngoại giao khôn khéo - vỗ về chánh sứ Lý Giác.

Tàn tích thành Bình Lỗ - nguồn: nghiencuulichsu.com
Tàn tích thành Bình Lỗ - nguồn: nghiencuulichsu.com
Năm 981, quân đội nhà Tống tiến hành xâm lược Đại Cồ Việt. Theo lệnh vua Lê Đại Hành, thiền sư lập đàn cầu đảo thần chiến tranh Tỳ Sa Môn Thiên Vương tại chùa Vệ Linh, quận Bình Lỗ nhằm trấn an tinh thần binh sĩ. Nhưng việc lập đàn cầu đảo ở Bình Lỗ không đơn giản như vậy.
Trên thực tế, thiền sư theo lệnh vua đến Bình Lỗ là để khảo sát địa thế, tìm nơi hoàn hảo để xây thành. Khi đến hạ lưu sông Cà Lồ, Khuông Việt tìm thấy một đoạn sông quanh co, tạo ra một bán đảo tự nhiên. Xung quanh khu vực này được bao phủ bởi rừng rậm, đầm lầy, kênh rạch. Bất kể ai đi qua đây chỉ có thể dùng đường thuỷ. Nhờ các yếu tố đặc biệt đó, sông Cà Lồ đã vô tình trở thành rào chắn tự nhiên bảo vệ thành Cổ Loa, Tống Bình cũng như châu thổ Bắc Bộ trước bước tiến của quân Tống. 
Đã có địa điểm tốt, Thiền sư Khuông Việt động viên quân dân xây đắp thành Bình Lỗ. Nhưng lối xây thành không kiên cố với tường cao hào sâu, mà chỉ là một hệ thống công sự vững chắc dựa theo địa thế tự nhiên. Tường thành là các ụ đất được đắp lên xen kẽ với các luỹ tre. Kiểu xây thành này giống với cách xây thành Cổ Loa trước đó và chiến tuyến sông Như Nguyệt sau này. Dưới sông, đoạn xung quanh gò đất cao, là các hàng rào bằng gỗ ken dày và chắn ngang dòng nước.  Đáy sông cà lồ được đóng cọc vót nhọn một đầu, với chiều dài mỗi cọc khoảng từ 6m đến 8m.[3]
Cách đắp thành Bình Lỗ giống với phòng tuyến Như Nguyệt. Nguồn: Google.
Cách đắp thành Bình Lỗ giống với phòng tuyến Như Nguyệt. Nguồn: Google.
Nhờ công xây thành của sư. Trong trận chiến, giặc Tống không thể vượt thành Bình Lỗ. Sau đó, họ bất lực rút về Ninh Giang, tướng Nhân Bảo bị chém chết, quân Tống  đại bại.
Sáu năm sau, tức là năm 987, nhà Tống cử phái đoàn cùng chánh sứ Lý Giác đến thăm nước ta, sắc phong cho vua Lê Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ.  Khi phái đoàn đã đến kinh đô, sư Khuông Việt đứng ra tiếp đón phái đoàn. Nhờ vậy, hội nghị ban giao giữa hai nước trở nên hữu nghị, thuận lòng.
Trước khi phái đoàn trở về nước, Khuông Việt thiền sư viết bài từ “Ngọc Lang Quy” gửi tặng Chánh sứ Lý Giác với nội dung như sau: 
祥 光 風 好 錦 帆 張    Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, 神 僊 復 帝 鄉             Thần tiên phục đế hương. 萬 重 山 水 涉 滄 浪    Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lãng, 九 天 歸 路 長        Cửu thiên quy lộ trường. 情 慘 切 對 離 觴        Tình thảm thiết, đối ly thương, 攀 戀 使星 郎    Phan luyến sứ tinh lang. 願 將 深 意 為 邊彊     Nguyện tương thâm ý vị biên cương, 分 明 揍我 皇             Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch:         
Trời lành gió thuận cánh buồm giương, Thần tiên về cố hương. Nghìn trùng non nước vượt đại dương, Trời xa bao dặm trường. Tình thảm thiết, chén đưa đường. Vin xe sứ vấn vương. Nguyện xin lưu ý chốn biên cương, Rõ tâu với thánh hoàng.
Với hai câu cuối đánh giá cao hảo ý của chánh sứ Lý Giác. Chánh sứ đã sáng tác bài thơ viết tặng vua Lê, trong đó có hai câu cuối, với hàm ý coi vua nước ta ngang hàng với hoàng đế nhà Tống.
天 外 有 天 應 遠 照, Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, 溪 潭 波 靜 見 蟾 秋. Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
Dịch: 
Ngoài trời lại có trời soi chiếu,  Sóng lặng khe đầm, rọi trăng thu.[4]
Sau khi lập vô số công trạng cho hai triều đại Đinh và Tiền Lê. Cuối đời, sư Khuông Việt lấy cớ già yếu, xin từ quan về quê dựng chùa dạy thiền phái Vô Ngôn Thông, dựa trên ba pháp môn Thiền Tông - Tịnh Độ - Mật Tông, và dựa theo ba bộ kinh Bát Nhã - Viên Giác - Pháp Hoa.
Hay tin ông dựng chùa dạy học, môn đồ theo đó tìm tới cầu đạo rất đông. 
Ngày 22 tháng 3 năm 1011, sau khi để lại bài kệ Nguyên Hỏa cho đệ tử Đa Bảo. Khuông Việt thiền sư viên tịch trong thế kiết già, thọ 78 tuổi.

DI SẢN PHẬT GIÁO.

Thiền phái Vô Ngôn Thông.

Nguồn: Pinterest.
Nguồn: Pinterest.
Vì là người truyền thừa đời thứ năm của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Nên sư coi trọng thuyết Đốn Ngộ - có thể đạt được giác ngộ trong giây lát mà không cần tu tiệm tiến qua từng giai đoạn như Tiệm Ngộ. 
Để phát khởi sự giác ngộ nơi tâm tư của học trò. Sư thường sử dụng Thoại Đầu để kích thích họ. Theo đó, Thoại Đầu là những câu dựa theo trích dẫn lời Phật, lời gợi ý của tổ sư hay là lời đối đáp của một vị thiền sư.
Tuy bị ảnh hưởng bởi Tịnh Độ nương tựa tha lực. Nhưng thiền phái của Khuông Việt thiền sư lại trọng dụng nguyên tắc Vô Đắc. Nguyên tắc này yêu cầu thiền sinh phải tự lực giác ngộ mà không cần tha lực, không dựa dẫm vào sự trao truyền từ người khác.
Về luật viện, đường lối tổ chức thiền viện là dựa trên bộ luật Bách Trượng Thanh Quy. Hiện tại, bộ luật này đã biến mất. Chỉ còn bản biên tập lại ở thời nhà Nguyên, với tên gọi mới là Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, luật gồm 8 bộ, được phổ biến ở các tu viện Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.
Phái Vô Ngôn Thông được truyền thừa qua bốn thế kỷ thì thất truyền. Sử sách ghi lại thế hệ cuối cùng của thiền phái có bốn người gồm Tiêu Diên, Giới Minh, Giới Viên, và Nhất Tông Quốc Sư.[5]

Lời khuyên về sự Giác Ngộ.

Thuỷ Chung
始終無物妙虛空, Thuỷ chung vô vật diệu hư không, 會得真如体自同。 Hội đắc chân như thể tự đồng.
Đạo học không có khởi đầu và kết thúc. Chỉ biết có Hư Không là được. Chân Như là vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được sự hợp nhất của khách thể và chủ thể[6]. Nếu hiểu thấu Chân Như như vậy, thì thấy được Chân Như và vạn vật là một.
Nguyên Hỏa
木中元有火, Mộc trung nguyên hữu hoả, 元火復還生。 Nguyên hoả phục hoàn sinh. 若謂木無火, Nhược vị mộc vô hoả, 鑽燧何由萌。 Toàn toại hà do manh? 
Người tu thiền cần phải thấy rõ uyên nguyên các pháp. Trong mỗi người đều có hạt giống Phật tánh, nếu khéo dựa theo nền tảng đó mà tu thì có thể thấy được tự ngã chân chính, có được trải nghiệm Niết Bàn.[7]

KẾT.

Khuông Việt Ngô Chân Lưu - cháu đích tôn của Ngô Quyền - thống lĩnh tăng đoàn đầu tiên của Việt Nam. Người uyên thâm Phật đạo, tinh thông chính sự. Ông đã dành hết ba mươi năm cuộc đời để xoá bỏ sự ngăn cách địa vị giữa giới lãnh đạo và người dân, tạo ra sự đoàn kết đồng lòng chống Tống. Giúp hai triều đại Đinh - Tiền Lê định danh, khẳng định chủ quyền cho nước Đại Cồ Việt. 
Khi không còn sức lực cống hiến cho quốc gia non trẻ. Sư cáo lão hồi hương, dùng trọn vẹn sức lực cuối đời để đào tạo ra vô số cao tăng phục vụ cho non sông Đại Cồ Việt. Trong số cao tăng ấy, có một đệ tử chân truyền, pháp danh Đa Bảo - người đã nhận ra tư chất thống trị giang sơn của cậu bé họ Lý - người có tuổi thơ giống với Khuông Việt thiền sư. 
Đa Bảo lúc ấy đã nói:  
"Chú này cốt tướng khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây.” 
"Hiện nay đức Thánh thượng anh minh còn đó, trong ngoài cả nước yên vui, thầy ta sao lại nói lời phải tội tru di này?" - Họ Lý kinh hãi trả lời.
“Mệnh trời đã định, người dù muốn trốn cũng chẳng được nào. Giả như lời này mà đúng, thì mong chớ bỏ nhau.”[8] 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

[1] Trần Hưng. “Bình Lỗ: Trận đánh khẳng định quyền tự chủ trước phương Bắc.” Trí Thức Việt Nam, 2022, https://trithucvn.co/van-hoa/binh-lo-tran-danh-quan-trong-khang-dinh-quyen-tu-chu-truoc-phuong-bac.html.
[2] Ngô Văn Xuân. “Khuông Việt Ngô Chân Lưu: vị Quốc sư 2 triều Đinh – Lê.” Ngô Tộc, 2016, https://ngotoc.vn/Danh-nhan-ho-Ngo/khuong-viet-ngo-chan-luu-vi-quoc-su-2-trieu-dinh-le-189.html.
[3] Lê Đắc Chỉnh. “Những bí mật về Thành Bình Lỗ.” Nghiên Cứu Lịch Sử, 2020, https://nghiencuulichsu.com/2020/12/31/nhung-bi-mat-ve-thanh-binh-lo/.
[4] Nguyễn Công Lý. “Khuông Việt thái sư với vương triều Đinh, Lê (Kỷ niệm 1000 năm ngày viên tịch của Thiền sư).” Khoa Văn học, 2011, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2113%3Akhuong-vit-thai-s-vi-vng-triu-inh-le-k-nim-1000-nm-ngay-vien-tch-ca-thin-s&catid=63%3Avn-hc-vit-nam&Itemid=106&lang=vi.
[5] Thích Nhất Hạnh. “Chương 06: Thiền Phái Vô Ngôn Thông – Làng Mai.” Làng Mai, https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-06-thien-phai-vo-ngon-thong/. Accessed 2024.
[6] Wikipedia. “Chân như – Wikipedia tiếng Việt.” https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2n_nh%C6%B0. Accessed 2024.
[7] PGS.TS . Nguyễn Công Lý. “Ý chỉ đoạn Ngữ lục & bài kệ Thị tịch của Khuông Việt thiền sư.” Giác Ngộ Online, 2011, https://giacngo.vn/y-chi-doan-ngu-luc-bai-ke-thi-tich-cua-khuong-viet-thien-su-post12907.html.
[8] Wikipedia. “Đa Bảo.” https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90a_B%E1%BA%A3o. Accessed 2024.