Khủng hoảng vì xung quanh toàn người giỏi
Xã hội này không bao giờ cân bằng cả, tin tôi đi, trên đời này chỉ có thuyết tương đối của Albert Einstein là đúng thôi, còn lại chẳng...
Xã hội này không bao giờ cân bằng cả, tin tôi đi, trên đời này chỉ có thuyết tương đối của Albert Einstein là đúng thôi, còn lại chẳng có thứ gì đúng nữa cả. Nếu ai đó thắng bạn trong một cuộc đấu khẩu, lý do không phải vì anh ta đúng mà lý lẽ của anh ta hơn bạn thôi, hoặc bạn là kẻ quá yếu đuối nên để đối phương dành mất chiến lợi phẩm của mình. Vậy nên, nếu có chút thời gian, hãy đọc blog này hết, trong tâm trí của tôi lúc này là những ý tưởng hỗn loạn muốn được khai sáng, thế nên tôi rất sợ mình sẽ không thể trình bày blog này một cách logic.
Khủng hoảng -nguồn ảnh: jjek18
1: Làm ơn hãy ít so sánh giùm đi...
Lấy con A để so sánh với con B trong một lĩnh vực nào đó thực sự khiến người ta bực bội và không thể chịu đựng được. Tôi sinh ra sớm nên rất tiếc không được hưởng nền giáo dục tiên tiến ở Việt Nam, mà nước mình thì làm gì tồn tại mỹ từ ấy. Hồi cấp 2 đến cấp 3, tôi chứng kiến nhiều giáo viên chuyên đi so sánh bạn A và bạn B như trò tiêu khiển của mình. "Em nhìn lại cách học của mình đi, đã lười rồi còn hay nói chuyện. Sao không noi gương bạn Tr***", hay là "Trời ơi, con bé ấy à, nó đã dốt rồi còn bảo thủ, đâu như con chị vừa đẹp người vừa đẹp nết, vừa học giỏi vừa khôn khéo đâu." Eo ơi, tôi-nhún-vai-và-bó-tay trước những kiểu so sánh này.
Làm ơn so sánh ít giùm đi! Có biết bao tâm hồn non nớt đang bị khủng hoảng và đầu độc tinh thần vì bị so sánh kiểu như vậy. So sánh xong thì tình hình cải thiện hơn không? Có thấy B tiến bộ lên chút nào không hay vẫn cứ phải túm váy A? Con người ta sống với nhau chớ nên hành hạ nhau như vậy, người yếu hèn khi bị so sánh sẽ chịu tổn thương sâu sắc lắm. Ai đó nếu chưa có trải nghiệm gì nhiều hãy đặt bản thân vào kẻ bị so sánh và cảm nhận đi, để thấy trái tim tan nát và vỡ vụn như thế nào. Một thời gian sau, tôi thấy những đứa bạn bị so sánh cũng không khấm khá lên bao nhiêu trừ những đứa thực sự có ý thức, chúng vực mình và cho thiên hạ thấy mình không kém cỏi thì có những đứa mang tâm lý phó mặc: "Dù sao thì bản thân cũng không giỏi được bằng người ta, cố cũng không được." Khi bị so sánh, tự dưng họ cảm thấy mình hèn yếu, xung quanh cuộc sống ấy bị bủa vây bởi những con người giỏi giang, họ thu mình, họ chùn bước, họ thấy như đang đứng ở cuối con đường rồi.
Cuộc sống này chỉ có nhẹ nhàng mới lâu dài với nhau được thôi. Thay vì đi so sánh, hãy nói rằng: "Em có thể mà, đúng không?" Hãy truyền cảm hứng cho nhau thay vì hành hạ nhau bằng những lời thương đau như thế. Có biết bao nhiêu lần, cha mẹ so sánh con cái mình trước mặt bạn bè, nó xấu hổ lắm chứ, nó cũng có lòng tự trọng chứ. Lên Đại học, người ta không có kiểu so sánh thẳng thừng như vậy nữa nhưng nhiều khi vẫn xuất hiện. Chỉ cần đặt hai thứ, 3 thứ cạnh nhau là người ta so sánh ngay à. Cứ chú ý mà xem, vì tâm lý hay đi so sánh của con người mà tôi đã được sáng mắt ra khi đọc cuốn sách "Phi lý trí", hãy tìm nó ở Tiki và mua lấy một cuốn nhé.
2: Cái gì cũng cần thời gian và nỗ lực... nên cứ từ từ
Đó là câu mà tôi luôn tự nói với chính bản thân mình để tạo động lực cho bản thân. Dạo gần đây, khi tiếp xúc với nhiều người mới, tôi bắt đầu nhận ra: "Ôi mẹ ơi thì ra mình chẳng là cái quái gì cả." Đi ra mới biết bước một bước thì có một người giỏi hơn mình, mình bứớc 100 bước thì tương đương với chừng ấy số người mình cần học hỏi. Thế giới này không nhỏ bé như miệng giếng đâu, nên nếu muốn giỏi thì phải đi đây đi đó cho biết, biết rồi thì phải biến cái biết ấy thành của mình.
Bạn đầu tư vào lĩnh vực nào thì nhất định tìm đến những con người giỏi giang ở lĩnh vực ấy để học tập. Bạn giỏi marketing, bạn biết ông nào ở ngành này hot, bạn follow và đọc từng post ông đăng lên facebook, click từng blog ổng viết khi rỗi rảnh, dù ổng viết chơi thôi nhưng bạn nhất định nghĩ rằng cái đầu óc khi viết chơi của ổng cũng sẽ khơi sáng cho bạn. Tôi cũng thế chứ. Trong nghiệp viết có biết bao nhiêu ánh hào quang tỏa sáng, từ các bậc tiền bối thời năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến các cây bút mới nổi bấy giờ như Nguyễn Ngọc Thạch, Minh Nhật, Phuong Mai Nguyen và còn các ông nhà báo khác nữa. Khi đọc bài của họ, khi nhìn thấy độ ảnh hưởng của họ, tôi bắt đầu tự hỏi: "Khi nào thì mình có thể trở thành một người như thế?" Nhưng bản thân biết rằng thành công không thể xảy đến trong một nốt nhạc. Người ta phải nỗ lực lắm mới ra được một cuốn sách, phải đi đó đây, phải va chạm nhiều thì mới viết nên cuốn sách để đời chứ không phải văn cháo loãng, ăn rồi trôi đi chứ chẳng đọng lại tý gì cả.
Những kẻ nổi lên như Tùng Sơn thì không thể gọi là thành công được, vì thành công nó phải mang đến một giá trị nhất định, nó phải qua quá trình cố gắng mài dũa kĩ năng. Nếu bạn cho cái thứ rẻ rúng mà kẻ không rõ giới tính đấy mang lại là giá trị thì tôi thật sự mất niềm tin không đáng mất ở cuộc sống này. Cứ cho là Tùng Sơn mang lại giây phút sảng khoái cho bạn đi, nhưng cái sảng khoái đấy bỗng nhiên đẩy người trẻ vào thú vui bèo bọt không ngừng, có những cách giải trí giá trị khác sao không xem, cứ phải share hàng loạt clip ngớ nghênh làm chật newsfeed của tui làm gì. Cái "thành công" mà Tùng Sơn có không thể đánh giá hắn ta ngu được, vì người ngu không biết cách tự làm mình nổi tiếng, Tùng Sơn có não đấy chứ, nhưng não hắn dùng chỉ để cho ra những thứ vớ vẩn, tôi khinh.
Tự nhận mình là người cầu toàn, nhưng đôi khi cũng hơi nóng vội, nhưng giờ thì chắc đỡ hơn nhiều rồi. Để chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần nỗ lực ít nhất 10.000 giờ. Nếu chưa được thì tiếp tục, chưa được hãy tiếp tục, tiếp tục...
Ai rồi cũng phải trải qua cảm giác lần đầu tiên, và thái độ trong lần đầu tiên ấy quyết định bạn sẽ là người như thế nào trong tương lai. Tôi từng chứng kiến những người bạn, người em của mình khi tham gia một tổ chức mà khi xung quanh họ là những người giỏi, một số có cảm giác muốn bỏ cuộc. Tự trong thâm tâm, họ thấy mình vô dụng, bản thân không thể góp ý được điều gì. Họ thấy ý tưởng của bạn kế bên quá hay, họ gật đầu tỏ vẻ đồng tình nhưng trong trong lòng thì muốn rời khỏi chỗ ấy từ lâu. Nhưng thử hỏi, nếu bạn chỉ làm việc với những người trung bình, thiếu chuyên nghiệp hoặc thấp kém hẳn bạn, thì bạn làm sao tiến bộ? Cái tư duy "bá chủ thiên hạ" trẻ trâu chỉ dành cho những lũ ếch ngồi đáy giếng thôi và tất nhiên... lũ về, chúng sẽ bị sốc khi đối diện với sự thật là cuộc đời mênh mông, bao la ra sao. Ông bà mình có câu "Ở nhà nhất mẹ nhì con - Ra đường lắm kẻ giòn hơn ta" quả nhiên đúng. Hãy nhìn cái giỏi giang của người ta để học hỏi chứ đừng lấy làm hổ thẹn nhé.
3: Cứ khủng hoảng còn hơn không
Trong suốt thế kỉ XX, ta chứng kiến khủng hoảng dầu mỏ năm 1923, đưa nền kinh tế toàn cầu bấn loạn và rơi ra khỏi vị trí ổn định ban đầu của nó, nhưng sau đó một thời gian ngắn người ta thấy sự thay da đổi thịt của nền kinh tế thế giới, mọi thứ lại trở về quỹ đạo của nó. Tương tự như thế, con người có lẽ cũng phải nếm mùi khủng hoảng, phải trải qua những nỗi buồn thì mới biết khả năng vươn lên của mình mạnh mẽ ra sao.
Học ở FTU, khi tôi biết đứa bạn ngồi trên mình, dưới mình, bên phải bên trái mình đều bước ra từ một cuộc thi lớn nào đó cấp thành phố, cấp quốc gia, mình bỗng nhận thấy cuộc cạnh tranh ở đây không hề đơn giản chút nào. Đúng thế, có cạnh tranh con người mới "tiến hóa" được. Hoạt động ở trường rất mạnh, một đứa nhìn mặt ngốc nghếch thế thôi nhưng đừng bao giờ xem thường khả năng của nó. Hồi đi xem cuộc thi khởi nghiệp cùng Kawaii, mình thực sự ngưỡng mộ những người đứng trên sân khấu, họ đã think out of the box rồi nay còn act out of the box (huhu). Bây giờ thực sự nhiều người giỏi, tự dưng nhìn họ cũng tạo động lực để mình cố gắng. Nhiều khi ngồi suy nghĩ "Mình nên bắt đầu từ đâu, học hỏi như thế nào?", giữa cánh rừng kiến thức bạt ngàn, ta khó tìm cho mình một nơi phù hợp để dừng chân và học hỏi. Ít dễ chọn hơn là nhiều.
Người ta nói nhiều về cái chán của tuổi 20. Người ta nói nhiều về bệnh trầm cảm của tuổi trẻ, về những đêm dài thức trắng chạy deadline, về những đêm chỉ muốn ôm chăn bật quạt đi ngủ cho quên hết sự đời, nhiều lúc nắng mưa thất thường lắm chứ, có ai được lạc quan muôn kiếp, trọn đời đâu. Nhưng có qua khủng hoảng, ta mới trân trọng những thời khắc hừng hực khí thế làm cái nọ cái kia, theo đuổi ước mơ, theo đuổi đam mê, sở thích của mình. Khủng hoảng cũng hay vì lúc đó ta trân trọng những lúc chan chứa niềm vui. Tuổi trẻ phải đong đầy những cung bậc cảm xúc thì mới trưởng thành lên được, và tôi cho đó là một trải nghiệm cực kì thú vị.
Ngày hôm qua, con bạn thân kể chuyện crush một anh chàng đẹp trai, học giỏi, nhưng nó lại không được cho nổi bật lắm, cách duy nhất để tiến gần hơn anh ta là hãy cố gắng làm nổi bật chính mình. Vì nếu người đó không trở thành mảnh ghép của bạn thì nếu bạn thành công nhất định sẽ có một mảnh ghép xứng đáng dành cho mình.Thế nên, khủng hoảng có gì đáng sợ đâu!
/tam-ly-hoc
- Hot nhất
- Mới nhất