Khủng hoảng.
Trong tâm trí tôi 2 từ này đi liền với thì quá khứ, ít nhiều trừu tượng và gắn liền với những gì một sinh viên kinh tế vĩ mô phải học: khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng môi trường… Những cuộc khủng hoảng cá nhân/tâm lí đối với tôi là một chủ đề lạ lẫm và xa vời. Đừng hiểu lầm, tôi luôn biết chúng là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Tôi đã thấy chúng rút cạn sức trẻ và sinh lực của những người bạn ở tuổi 20, thấy chúng khiến người thân đánh mất sự nghiệp và hạnh phúc gia đình ở tuổi 40, thấy những người không tìm được sự thanh thản họ xứng đáng có ở tuổi 60 sau hàng chục năm lăn lộn với cuộc đời. Tôi thấy và chấp nhận chúng tồn tại, nhưng chưa thực sự hiểu. Cho đến khi bước sang tuổi 22 vào đầu 2021, tôi gặp cơn khủng hoảng đầu tiên của mình.
Bài viết này cho tôi một cơ hội để giải tỏa cảm xúc và nhìn lại những bài học từ khoảng thời gian vừa qua. Yếu tố nào đã dẫn đến cơn khủng hoảng này? Phần nào trong số những nguyên nhân đó xuất phát từ bản thân tôi, và phần nào từ những điều bên ngoài tôi không thể kiểm soát? Trải nghiệm này đem lại và lấy đi của tôi những gì? 
Tôi tin rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết tốt nhất bởi cách tiếp cận logic và tỉ mỉ. Đặc biệt khi liên quan đến tâm lí, bởi cảm xúc tiêu cực rất giỏi làm mờ óc phán đoán và dắt ta vào ngõ cụt. Do vậy dù bài viết này có văn phong theo kiểu quan điểm – tranh luận, nhưng mục đích chính lại là để chuyện trò - tâm sự.
Bên cạnh đó, có những bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong bài viết này. Mong muốn cũng như hy vọng lớn nhất của tôi là nó sẽ khiến bạn bớt cô đơn và rút ra được một điều gì đó có ích.

I. Dấu hiệu:

Dấu hiệu của một cơn khủng hoảng không khó để nhận biết, nhưng chúng thường bắt đầu khá nhẹ, không đủ để ta chú ý tới và tích lũy liên tục theo thời gian cho đến lúc một việc cụ thể làm ‘’giọt nước tràn ly’’.
Trạng thái tích lũy này (tôi sẽ gọi là phase 1) có thể được diễn tả tốt nhất bằng từ: Vòng lặp. Đặc điểm của vòng lặp là gì? 1. Có những sự việc nhất định sẽ luôn lặp lại và 2. Chúng đều tác động và liên quan chặt chẽ đến nhau.
Trong trường hợp của tôi là vòng lặp của cảm giác mình chưa bao giờ làm đủ.
Đầu 2020, tôi quyết định nghiêm túc hơn với việc viết lách và rap. 2 sở thích này, 1 đã bắt đầu từ lâu, và rap là hoàn toàn mới, gần như buộc tôi phải nhìn cuộc sống với con mắt tò mò hơn: mỗi hình ảnh, mỗi sự việc, mỗi cảm xúc đều là những kho ý tưởng chờ được kết nối với nhau để tạo ra điều gì đó mới. Viết lách kết nối chúng bằng logic và lập luận, rap kết nối chúng bằng giai điệu, chất thơ và vần. Và khi khả năng quan sát tăng lên, ta không chỉ dễ nhìn thấy những điều bên ngoài, mà còn thấy rõ hơn những gì đang diễn ra bên trong chính bản thân mình.
Tôi dần thấy rõ những liên kết tạo nên tôi ở hiện tại và những danh tính muốn hướng đến trong tương lai. Theo đuổi con đường học vấn, viết một cuốn sách trước năm 35, và chơi rap đến khi có thể xúc động nổi da gà vì nhạc của chính mình: đều là những việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để rèn luyện. Trong trường hợp tham lam đến mức này, có lẽ bạn sẽ đồng ý rằng việc đặt ưu tiên và thứ tự thời gian để giải quyết từng mong muốn sẽ là hợp lí hơn cả. Nhưng khi tìm được 3 mảnh danh tính thật sự, hoàn chỉnh nhất của mình, hoàn toàn không do ai áp đặt, tôi tin rằng chúng cần được đầu tư đồng đều cùng một lúc, bởi lẽ khám phá này là một may mắn đi kèm với trách nhiệm. Phải tranh thủ tận dụng khi ta còn trẻ, còn tự do, sức lực và cơ hội để làm lại nếu ngã. Chỉ tập trung vào 1 hay 2 thứ mà bỏ rơi cái còn lại là tự bỏ đói mình, giống việc vá một cái lốp xe thủng 3 chỗ bằng 2 miếng dán: hết hơi chỉ là vấn đề thời gian.
Và đó là khi vòng lặp bắt đầu. Việc đi đến kết luận trên dẫn đến những mục đích rõ ràng và quyết liệt, nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng về mặt tâm lí mà đến sau này tôi mới nhận ra. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến giữa 2020, và 6 tháng tiếp theo là chuỗi ngày vật lộn với cảm giác mình chưa bao giờ làm đủ ngày một tăng lên. 24h một ngày luôn là quá ít để học, viết lách và tập rap (chưa kể thời gian đi làm và chăm chút các mối quan hệ). Áp lực và sự bận rộn khá lớn, đúng như tôi lường trước, nhưng đó không phải vấn đề vì cũng chưa đến mức quá khả năng. Tuy nhiên niềm vui, sự háo hức lẫn tò mò của một người đang được khám phá chính mình cũng như thế giới xung quanh dưới những lăng kính mới dần biến mất. Học tập và sáng tạo dần trở thành những gạch đầu dòng PHẢI hoàn thành trong danh sách việc cần làm. Về cơ bản là mất hứng thú. Sự mệt mỏi của ngày hôm trước cũng cố cho niềm tin về việc cảm xúc này sẽ lại đến vào ngày hôm sau. Thế là vòng lặp lại bắt đầu và nặng nề thêm theo thời gian.
Ban đầu tôi nghĩ đây là một thử thách đương nhiên phải đến và sẽ đi theo thời gian. Cũng như khi leo núi, vài bước đầu tiên thật dễ dàng: ta khoan khoái ngắm trời, ngắm đất, nhìn mây. Thêm vài bước nữa, đôi chân nặng dần, ta chợt nhận ra khung cảnh chẳng đẹp đến vậy, xung quanh còn có cả thú dữ và cướp giật. Vài bước nữa đến giữa lưng chừng núi, ta nhìn đằng sau và nhận ra đường mình đi đã quá xa để quay trở lại. ‘’OK’’ ta tự hỏi ‘’Cái đ*o gì đã khiến tôi quyết định đi lên tận đây vậy???’’
Đó cũng chính là tình trạng của tôi trong phase 2 – ‘’giọt nước làm tràn ly’’.
Cuối 2020, sau gần 1 năm thai nghén và đầu tư cho một loạt bài viết về chủ đề sức khỏe tâm lí, với khoảng gần 60 trang và vài chục nghìn từ đã hoàn thành, tôi quyết định bỏ cuộc.
Trớ trêu thay, nguyên nhân cho thất bại ấy là sự tuột dốc về mặt tinh thần và động lực của tôi trong vài tháng gần đây – trong khi mục đích của loạt bài viết là tìm hiểu về những cách vượt qua các vấn đề tâm lí.
Điều này khiến tôi rơi vào khủng hoảng trong 3 tháng tiếp theo. Sự tự tin vốn đã bị thui chột rất nhiều bởi cảm giác mất động lực trước đó, giờ gần như biến mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc học dù tốn rất nhiều công sức nhưng không đem lại kết quả tốt như ý muốn, và thành phố tôi ở (bên Đức) bị lockdown từ tháng 11 bởi Corona, đồng nghĩa với vài tháng loanh quanh ở nhà và hạn chế gặp người khác. Nếu không may mắn có vài anh em thân thiết luôn bên cạnh, có lẽ đến giờ tôi vẫn chưa thể viết ra được những dòng này.
Tôi tin bước đầu tiên để giải quyết khủng hoảng là chấp nhận chúng tồn tại, rồi tìm hiểu dưới góc nhìn khách quan, không phán xét về những nguyên nhân dẫn dến vấn đề đó – điều tôi tin là mình đã làm được sau một thời gian vật lộn mò mẫm.

II. Nguyên nhân:

1. How much am I worth?
Nhìn lại, sự căng thẳng bắt nguồn từ việc tôi gắn giá trị của bản thân quá chặt vào làm nhạc, viết lách và học tập. Để một vài vấn đề xảy ra với chúng, và sự tôn trọng của tôi dành cho chính mình sụp đổ.
Trong một thời gian dài, tôi gần như đã quên mất mình là…mình. Mọi cảm xúc phải được biến thành nhạc, mọi ý tưởng và suy nghĩ phải được ghi lên giấy, mọi kiến thức mới phải được sắp xếp ngay ngắn và đóng vào ngăn não để chờ ngày sử dụng. Học tập và sáng tạo, thay vì là công cụ để tôi khám phá chính mình cũng như thế giới, đã biến tôi trở thành nô lệ: mọi thứ xảy ra trong đầu nếu không được quy thành sản phẩm hiện hữu hoặc điểm số tốt đều là sự lãng phí thời gian và do vậy cần bị loại bỏ, như cái cách người ta cắt cỏ dại ven đường vậy. Khi mục đích ban đầu dần biến chất, động lực cũng vì vậy mà thay đổi: niềm vui và sự tò mò dần trở thành nỗi ám ảnh với danh sách những việc cần làm.
Điều này khiến cho mọi trở ngại bỗng trở nên đáng sợ hơn rất nhiều. Giả sử tôi gặp một vấn đề, đó là thiếu ý tưởng và bế tắc lúc viết một bài nhạc. Không phải một nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng tôi biết chắc đây là điều phải xảy ra và xảy ra rất thường xuyên với mọi công việc liên quan đến sáng tạo. Do vậy không có lí do gì để xấu hổ, đặc biệt với một beginner. Nhưng trong trường hợp này, khi giá trị của bản thân tôi bị gắn chặt với sự thành công/kết quả trong một việc cụ thể (viết được nhạc), bế tắc cũng đồng nghĩa với việc tôi không còn giá trị. Điều này tước đi niềm vui từ quá trình sáng tạo – thứ mà tôi tìm kiếm.  
Hiển nhiên lối suy nghĩ này phi logic và khá tàn nhẫn. Và cũng không quá khó để nhận ra. Nhưng một cách vô thức, tư duy ấy đã đè nặng lên tâm lí tôi trong một thời gian rất dài dẫn đến cơn khủng hoảng được đề cập ở trên.
Vậy thứ áp lực này đến từ đâu?
Áp lực này là phản ứng (hoặc sự tuân thủ) của tôi với một thế giới tôn thờ những thành quả hiện hữu.
Nơi mọi giá trị phải đổi ra những gì nhìn được, nghe được, sử dụng được, so sánh được, đo đếm được và quan trọng nhất là có thể được tương tác bởi người khác. Bằng chứng cho điều này xuất hiện dày đặc trong cuộc sống thường nhật của chúng ta và do vậy, tôi tin không cần thiết phải đi sâu vào chứng minh trong bài viết.
Cần nhấn mạnh rằng tôi không có ý phê phán - mọi thứ đều có 2 mặt. Con người là một sinh vật xã hội, và do vậy nhu cầu tương tác/nhận phản hồi từ người khác quan trọng không kém gì nước và không khí cho sự sống. Lấy được tín chỉ trên đại học sẽ kém vui đi nhiều nếu không có bữa nhậu ăn mừng với bạn bè, động lực tập gym sẽ thấp hơn nhiều nếu không có đối tượng để khoe 6 múi (thẳng thắn mà nói từ kinh nghiệm 4 năm tập của tôi), bài viết này sẽ chỉ dừng lại ở vài trang nhật kí riêng tư nếu không được viết cho người khác đọc. Sự tương tác trong xã hội loài người khá giống một chiếc gương: nhìn vào phản hồi từ người khác, ta nhận lại hình ảnh phản chiếu về giá trị của chính mình.
Sẽ khá hợp lí nếu chỉ dùng 1 hoặc 2 cái gương, một trong phòng tắm và cái còn lại trong phòng ngủ chẳng hạn. Nhiều hơn sẽ là thừa thãi ( ít nhất là từ góc nhìn của con trai). Tuy nhiên thế giới ta đang sống lại không quá khác một nhà kính – vô số phản hồi từ người khác, từ gia đình, xã hội và bạn bè cùng trang lứa. Lặp lại đủ nhiều và đủ lâu, ta rất dễ nhầm lẫn hình ảnh phản chiếu này với giá trị thật của mình.  ‘’A lie told a thousand time becomes the truth’’ – Joseph Goebbels (trưởng ban tuyên truyền của Đức Quốc Xã). Và đó là khi vấn đề xuất hiện: ta chỉ nhìn thấy giá trị của mình khi được đặt cạnh người khác, và được công nhận bởi người khác.  Trong trường hợp của tôi, áp lực làm nhạc và viết lách để ra sản phẩm cụ thể, khoe được cũng vì vậy mà tăng lên dẫn đến khủng hoảng – vì điều này đi ngược lại hoàn toàn mục đích ban đầu, xuất phát đơn thuần từ niềm vui và sự tò mò.
2. Quá tự tin
Giai đoạn phase 1 (vòng lặp), tôi nhận thức được rằng những cảm xúc tiêu cực đang ngày càng tăng và nặng nề theo thời gian. Nhưng sự kiêu ngạo, bắt nguồn từ việc luôn tự coi mình vững vàng về tinh thần, đã ngăn tôi hòa giải với chính mình và thừa nhận vấn đề tồn tại. Giải pháp cũng vì vậy mà đến muộn hơn và tôi phải trả giá (một thời gian dài không productive, self-esteem xuống rất thấp, mất động lực và cảm hứng).
Nhiều người thuộc thế hệ Z có một điểm chung: được đầu tư vượt bậc so với các thế hệ trước về giáo dục và cơ hội tiếp cận kiến thức. Chúng ta được học, đọc nhiều hơn, cởi mở hơn, biết nhiều hơn – và do vậy thường quá tự tin trong những phán đoán nhất thời của mình.
Cuối 2020, nếu được hỏi giá trị của mình nằm ở đâu, câu trả lời của tôi ngay lập tức là: học tập và sáng tạo. Thật kì lạ khi toàn bộ 22 năm tồn tại của tôi được gói gọn trong vài việc ( mới được lập kế hoạch cụ thể đầu 2020) , mà bỏ qua hoàn toàn những trải nghiệm và kí ức của 20 năm trước đó – thứ tạo nên tôi của hiện tại. Suốt thời gian dài, sự tự tin của tôi vào câu trả lời này thật sự chắc như đinh đóng cột.
Ở lứa tuổi của tôi, định hướng sự nghiệp và khám phá bản thân hiển nhiên là ưu tiên số 1. Nhưng sao thành tựu từ những thứ đó có thể nói lên hết giá trị của một người, khi còn quá nhiều điều quan trọng không kém? Tôi là một người con, một người bạn, một người yêu như thế nào? Đã bao lần sự tự lập và quyết liệt của tôi khiến bố mẹ an lòng? Có ai sẵn sàng chia sẻ và cần đến tôi khi họ đang ở điểm thấp nhất của cuộc đời? Bao nhiêu người cười nhiều hơn khi tôi có mặt, bao nhiêu thằng bạn dám nhận mình sai trước mặt tôi vì biết tôi không phán xét? 

III.Giải quyết:

Có 2 khoảnh khắc mà tôi tự hào nhất về mình: 1 lần vào hè 2016, tôi tham gia chương trình định hướng tân học sinh ở trường cấp 3 với vai trò phụ trách cho 200 người trong gần 2 tháng. Công việc khá vất vả đi kèm trách nhiệm lớn - những gì chúng tôi thể hiện sẽ là ấn tượng đầu tiên của các em khóa dưới về trường. Khi chương trình kết thúc (rất thành công), tôi đã khóc. Buổi tối hôm đó có thể là một khởi đầu tốt đẹp khiến các em hào hứng và cởi mở hơn, dũng cảm hơn, trải nghiệm nhiều hơn trong 3 năm cấp 3. Điều này hết sức quan trọng, vì cũng một buổi tối như vậy vào năm 2014 đã khiến tôi lần đầu tiên cảm thấy rằng mình thật sự được chào đón trong một tập thể - điều tôi không nhận được trong 4 năm cấp 2 và đã thay đổi toàn bộ cách nhìn của tôi về thế giới xung quanh sau đó. Cảm giác hạnh phúc lâng lâng và tự hào lúc ấy thật khó tả.
Khoảnh khắc thứ 2 vào năm 2017, lúc tôi vừa thi xong đại học, đi làm và có tháng lương đầu tiên. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi cầm trên tay 2tr5 là mua một thứ gì đó cho bố mẹ (và đã mua sau đó). Suy nghĩ ấy hiện ra trong đầu một cách tự nhiên không gượng ép, như thể đó là điều hiển nhiên phải vậy. Đó là lúc tôi nhận ra mình là một người con như thế nào, và rất tự hào về việc đó.
Chúng ta đang sống trong một thế giới khá kì lạ, nơi con người bị buộc phải sống trong hiện tại để luôn nghĩ về tương lai. Thời gian để nhìn lại quá khứ và chiêm nghiệm thật xa xỉ, khi điện thoại vẫn luôn rung, email vẫn liên tục đầy, khi luôn có quá nhiều cuộc vui, quá nhiều mối quan hệ cần giữ và quá nhiều việc phải làm ngay lập tức. Vậy làm sao để có thể nhớ lại những gì đã tạo nên giá trị của ta ở ngày hôm nay, khi phần lớn chúng đều tồn tại trong quá khứ? (literally)
Tôi không có ý định giảng đạo hay văn vở ở đây, những điều trên đơn thuần là thứ tôi hay nhắc lại khi cảm thấy tinh thần chùng xuống ‘’Giá trị của mình – được tạo nên bởi hành động và suy nghĩ từ 22 năm trước đó, không thể bị kéo xuống chỉ bởi vài tình huống hoặc sai lầm nhỏ nhặt hiện tại’’ Và mỗi lúc tìm về những kỉ niệm cũ, tôi lại cảm nhẹ nhõm, tự hào và biết ơn hơn rất nhiều.
Khi viết ra những dòng này, tôi đang dần tìm lại được niềm vui trong học tập và sáng tạo (lí do bạn đọc được bài viết này :D). Điều thú vị là một khi không đặt áp lực vào nó nữa, việc đi vào trạng thái tập trung (flow) trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lẽ dĩ nhiên kỉ luật và sự bền bỉ là một yếu tố không thể thiếu –  sự tập trung và cảm xúc ít khi đến trước khi tôi ép mình ngồi vào bàn để bắt đầu làm việc.
Và đó là cách tôi dùng để giải quyết vấn đề của mình: phân tích nguyên nhân => biết rằng vấn đề đến từ bên ngoài, nhưng tôi mới là người cho phép nó ảnh hưởng đến mình => tự chất vấn để tìm ra giải pháp (bài viết này là một ví dụ). Đây không phải một công thức nào đấy theo kiểu self-help, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là lối tiếp cận logic, tỉ mỉ thường luôn có tác dụng, kể cả với các vấn đề tâm lí. Bởi lẽ thế giới xung quanh đã đủ hỗn loạn, không sắp xếp ngăn nắp những gì ở trong đầu thường là một sự xa xỉ với cái giá quá đắt.    
Tôi tin khủng hoảng là một mốc đánh dấu sự trưởng thành. Nếu vấn đề của bạn giống với tôi như ở trên, khủng hoảng là sự giằng co giữa khát khao về một con người mới hoàn thiện hơn và con người cũ không còn phù hợp. Còn gặp khủng hoảng có nghĩa là ta còn cố gắng. Việc này thật mệt mỏi, hẳn vậy. Nhưng nếu bóng tối không bao trùm thì sao ta biết mình cần ánh sáng, nếu không thể buồn thì sao biết mình cần phải vui, và nếu không chán ghét con người cũ thì sao ta biết mình cần phải tiến lên?
Chúc bạn thành công, hạnh phúc và luôn ngăn nắp trong tâm trí :D
02.05.2021