Lựa chọn ngành hay chuyên ngành vẫn luôn là bước ngoặt lớn đối với mỗi học sinh, sinh viên dù ở bất cứ thời điểm nào.
Bước vào môi trường đại học, không phải ai cũng sẽ có tự tin lựa chọn đúng đam mê của mình, và đặc biệt, điều mà bản thân lựa chọn tại thời điểm đó cũng có thể chỉ là quyết định nông nổi, sự bồng bột chạy theo xu hướng hay bạn bè. Vì vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi đi được một nửa chặng đường đại học của mình rồi, bạn mơ hồ và nghi ngờ về quyết định mình chọn con đường phản ánh mình là ai trong tương lai. 
Lựa chọn chuyên ngành-đúng hay sai?
Adino từng nói: “Bạn sẽ biết bạn chọn đứng công việc khi thức dậy mỗi sáng, vui mừng khi đi làm” là một câu châm ngôn đáng để chúng ta suy nghĩ. Áp dụng câu nói đó vào hoàn cảnh của chúng ta chính là bạn sẽ biết bạn chọn đúng chuyên ngành của mình nếu bạn vui vẻ và hứng thú với chính những môn học mà mình đã chọn. 
Nhưng suy cho cùng, chuyên ngành mình chọn cũng chỉ là một lối đi, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn rằng việc quyết định mình chọn là đúng hay sai mà chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp mà thôi, bởi mỗi một lựa chọn thì đều mở ra một con đường, và quan trọng là bạn có lựa chọn con đường đó hay không, có dám tiếp tục để tìm ra điều thực sự phù hợp với bản thân hay không.
Tiếp tục hay dừng lại sẽ tốt?
Nếu bạn đã chắc chắn có mục đích, chọn cho mình một lối đi riêng mà bản thân mình đã có định hướng, thì lựa chọn lại một chuyên ngành khác chắc chắn sẽ là một quyết định đúng đắn đối với bạn. Bởi không ít bạn trẻ vào đại học rồi mới biết bản thân mình không phù hợp với chuyên ngành đã chọn, thậm chí tốt nghiệp đi làm rồi mới biết bản thân không phù hợp với công việc đó, nên việc bạn đưa ra lựa chọn lại lần nữa ở những năm tháng đại học chẳng hề sai trái. Mary Pickford cũng từng nói: “Nếu bạn phạm sai lầm, thậm chí ngay cả sai lầm nghiêm trọng, bạn có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào bạn chọn, bởi cái mà ta gọi là "thất bại" không phải là ngã xuống, mà là ngã xuống rồi nằm bệt.”
Nhưng trên thực tế, có mấy người sẽ có được định hướng cho mình lối đi riêng, biết mình thực sự muốn gì và chọn lại nên chọn chuyên ngành nào. Vậy nên tiếp tục, đôi khi cũng là thử thách và cơ hội cho chúng ta. Bởi: thứ nhất, chuyên ngành đại học không quyết định tương lai bạn trở thành người như thế nào, xác định bạn là ai bởi chỉ có bạn mới có thể xác định bạn là ai và trở thành người như thế nào. Thứ hai, thứ bạn học được không chỉ có các môn chuyên ngành trong thời gian học đại học, bạn có có thể trau dồi nhiều kĩ năng giá trị, những bài học kinh nghiệm sẽ giúp bạn trong bất kỳ con đường sự nghiệp nào trong tương lai bạn chọn. Thứ ba, ban có thể học hỏi từ chính những bạn học xung quanh và giảng viên của mình. Dù bạn sau này bạn có hướng đi nào, thì những mối quan hệ và liên hệ về sau này cũng đều giúp ích cho bạn.
Nhìn nhận bản thân-quyết định là ở bạn!
Huấn luyện viên nghề Phyllis Mufson của Catalyst for Growth từng chia sẻ rằng lời khuyên từ bên ngoài có thể rất hữu ích nhưng chỉ khi bạn nắm quyền kiểm soát và hỏi những câu hỏi cụ thể sẽ hỗ trợ nghiên cứu tự khám phá và nghiên cứu nghề nghiệp của bạn. Chính vì vậy, chỉ khi bạn hiểu rõ bản thân bạn muốn gì bạn mới có thể đưa ra cho mình một quyết định rõ ràng.
Dưới đây là một vài câu hỏi có lẽ sẽ giúp bạn có thể đánh giá và nhìn nhận bản thân
“Bạn thích làm gì? Bạn sử dụng những kỹ năng gì khi thực hiện những điều bạn thích? Bạn giỏi những lĩnh vực nào? Những người khác ngưỡng mộ gì về bạn và tại sao? Bạn làm những gì giỏi hơn người khác?”
“Bắt đầu từ nơi bạn đứng. Sử dụng những gì bạn có. Làm những gì bạn có thể” – Arthur Ashe. Mong rằng bạn sẽ có quyết định chính xác nhất cho con đường mình đã chọn.