"Làm sao để thoát khỏi vũng lầy của sự an toàn?" Đây là một câu hỏi muôn thủa. Việc vượt khó hay vượt sướng đã được nhắc đến quá nhiều nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn được sinh ra trong một gia đình trung lưu? Dưới đây là những gì tôi đã trải qua, có thể ai đó trong các bạn cũng đã từng có cảm giác này nhưng ta luôn phớt lờ nó hoặc không dám nói ra.
1. Hoàn cảnh gia đình:
Phần lớn thời gian lúc nhỏ của tôi sống với bà ngoại, họ ngoại tôi có truyền thống làm giáo dục trong khi phần lớn người thuộc họ nội tôi lại là người trong ngành Y. Gia đình tôi là một gia đình trung lưu theo khuôn mẫu điển hình của những người thuộc thế hệ trước với bố là bác sĩ và mẹ là giáo viên. Tôi vẫn nhớ những ngày tôi bé, khi đó gia đình chưa có điều kiện như bây giờ nên bố mẹ phải còng lưng ra đi làm. Mẹ tôi phải dạy các lớp tại chức tới khuya trong khi mỗi cuối tuần bố tôi phải thồ hàng chục cân thiết bị trên con xe máy sang các tỉnh lân cận để khám dịch vụ.
2. Về bản thân:
Cá nhân tôi được đánh giá là một người có khả năng nhưng chưa bao giờ cố gắng hết sức mình. Đây không chỉ là đánh giá chủ quan của tôi mà còn là ý kiến chung từ những người xung quanh. Ngay từ khi còn là thằng oắt con học cấp 1, tôi luôn từ chối những cơ hội được đưa cho vì "lười" và không biết hoàn thành nó vì mục đích gì. Tôi vẫn nhớ cả 5 năm tiểu học của tôi đều bị phê trong học bạ là thiếu cố gắng. Với khả năng lúc đó, tôi hoàn toàn có thể đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Vậy cố gắng làm gì khi tôi không có nhu cầu được học sinh xuất sắc như những cô bé, cậu bé khác. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến khi tôi lớn và nó còn trở nên tồi tệ hơn. Tôi nhận ra ngoài việc mình có thể hoàn thành mọi thứ ở mức tối thiểu mà không cần cố gắng, tôi có thể từ bỏ bất cứ thứ gì, bất cứ khi nào mà tôi thấy khó vì nó không mấy ảnh hưởng đến tôi. Tôi vẫn sống mà không chết đói!
3. Cái bóng từ những người xung quanh:
Tôi luôn tự hỏi bằng cách nào bố mẹ tôi có thể gây dựng mọi thứ được như hôm nay? Động lực và mục đích cố gắng của bố mẹ tôi là gì?
Nếu đặt tôi vào hoàn cảnh như bố mẹ tôi ngày trước, 99% là tôi không thể làm được như vậy. Cái gì đã thôi thúc họ làm điều đó? Cái nghèo ư?Nếu vậy thì trong trường hợp của bác tôi lý do trên không đủ thuyết phục. Bác tôi đã xa quê hương được hơn 30 năm, bác đi khi Việt Nam còn chưa mở cửa. Khi đó đất nước mình còn khó khăn, nhưng nhà tôi lúc đó không phải thiếu ăn. Cả ông và bà đều làm y tá trong bệnh viện, bác lúc đó đã là một bác sĩ ngoại - mổ chính ở một bệnh viện ở Hà Nội. Ngoài giờ, bác còn đi khám dịch vụ và châm cứu. Nhưng bác sẵn sàng bỏ mọi thứ để sang nơi đất khách quê người. Ở đó, bằng cấp Việt Nam không được công nhận nên bác đã vừa học lại, vừa đi làm. Bác không từ bỏ đam mê trong ngành Y của mình, bác sẵn sàng bỏ chuyên khoa ngoại ở Việt Nam để sang nước bạn làm bác sĩ vật lý trị liệu. Bác đã bỏ đi cái tôi của bản thân để mở đường cho con cháu sau này. Vậy nên giờ tôi có thấy anh chị tôi theo học khắp nơi trên thế giới từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đức hay Úc. Vậy động cơ nào thúc đẩy họ?
4. Sức ỳ tâm lý và nỗi sợ trách nhiệm:
Tôi biết mình có khả năng nhưng không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nói đúng hơn là tôi không có động cơ làm việc đó.
Thi thoảng, tôi vẫn làm những điều mình thích như tìm hiểu một cái gì đó mới mẻ nhưng tất cả chỉ dành cho bản thân tôi mà thôi không có gì đột phá. Và bằng một cách nào đó những người xung quanh vẫn nhìn được tiềm năng từ tôi và kỳ vọng vào một điều to lớn hơn. Có thể họ đã đánh giá sai về tôi hoặc có lòng tin mù quáng, vô điều kiện vào tôi như bố mẹ tôi đã làm. Tôi rất sợ làm mọi người thất vọng vì lòng tin mù quáng đó. Tôi đã làm rất nhiều cách để tránh sự tin tưởng sai lầm này: từ nói thằng mọi thứ đến việc cho họ thấy hậu quả của việc tin tưởng sai người. Nhưng vẫn có những người tin tưởng vô điều kiện vào một khía cạnh khác hơn của bản thân tôi...
Vậy lỗi do tôi chưa khám phá hết bản thân mình hay do mọi người đã đặt niềm tin sai chỗ?