Khủng hoảng giá Đường và sự sụp đổ của Pepsi vào đầu thế kỷ XX
Mấy ngày qua, người ta bàn tán sôi nổi về việc giá dầu thô WTI giảm một cách kinh hoàng. Hệ quả của nó tạm thời chúng ta chưa thể thấy...
Mấy ngày qua, người ta bàn tán sôi nổi về việc giá dầu thô WTI giảm một cách kinh hoàng. Hệ quả của nó tạm thời chúng ta chưa thể thấy rõ. Tuy nhiên cách đây đúng 100 năm, đã từng có một cuộc khủng hoảng giá tương tự diễn ra khiến không ít công ty lao đao và thậm chí là phá sản.
Sự việc diễn ra vào tháng 5 năm 1920, khi đó giá đường đột ngột tăng từ 7 xu/pound lên 20 xu/pound (1 pound = 0.45 kg) kéo theo sự lo lắng của các công ty thực phẩm - những cỗ máy tiêu thụ đường vô cùng lớn trên thị trường, đặc biệt là các công ty nước giải khát.
Một trong những nguyên nhân khiến giá đường đi lên đến từ hai tháng trước đó. Vào tháng 3/1920, Ủy ban Bình ổn giá Đường mãn nhiệm kéo theo hàng loạt biện pháp kiểm soát giá của chính phủ cũng "về hưu" theo. Sự bất ổn bắt đầu diễn ra. Trước đó, khi Ủy ban này còn hoạt động, giá đường luôn được đóng băng ở mức 9 xu/pound.
Sự sợ hãi kích thích con người hành động. Trước sự bất ổn của thị trường giá đường, các công ty thi nhau đầu cơ. Coca-cola và Pepsi điên cuồng kí các hợp đồng tương lai lớn với các nhà cung ứng nước ngoài ở mức giá khoảng hơn 20 xu/pound, lo sợ rằng trong tương lai giá đường có thể tăng cao hơn nữa, mặt khác để đảm bảo nguồn cung trong thời gian dài cho chính mình.
Giá đường tăng cao đem theo lợi nhuận cực lớn đối với ngành trồng mía đường. Dĩ nhiên cơ hội ngon ăn trước mắt như thế khó có thể khiến người ta làm ngơ. Thế là nhà nhà người người đổ xô đi trồng mía.
Rất nhanh chóng, nguồn cung dư thừa. Giá đường rớt xuống 9 xu/pound vào tháng 12. Và rớt thảm hại chỉ còn 3.5 xu/pound vài tháng sau đó.
Những hợp đồng tương lai đi kèm nhiều kỳ vọng trước kia lại chính là thứ giết chết Pepsi ngay lúc này.
Ở thời điểm đó, quy mô của Pepsi còn hạn chế. Kênh phân phối của họ khá giới hạn, chỉ có mặt ở khoảng 25 tiểu bang, thế nên dễ gặp rắc rối khi có khủng hoảng. Doanh thu mang về không thể giúp công ty gắng gượng khi phải mua đường ở mức giá quá cao trong một thời gian dài, ở một thị trường đường đang sụt giá.
Năm 1922, Pepsi tuyên bố phá sản.
Cũng trong cuộc chiến giá đường này, Coke nhờ quy mô của mình vẫn bám trụ lại được. Và hơn thế, vào tháng 3/1921 họ đã sửa đổi thành công các hợp đồng của công ty để đưa vào bảng giá có tính đến những lúc tăng giá đường, qua đó có thể đẩy một phần chi phí nguyên liệu đầu vào cho nhà phân phối (Các nhà phân phối phải trả thêm 6 xu/gallon xi-rô mỗi khi đường tăng 1 xu so với thị trường). Mặc dù vậy, theo báo cáo họ cũng phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 2 triệu đô la vào thời gian đó.
----------------------------------------------------------------------------
Thông tin và nội dung bài viết được lấy từ cuốn sách Công dân Coke ( bản tiếng Anh: Citizen Coke) và đã được người viết thêm thắt một số câu chữ và từ ngữ nhằm mục đích múa phụ họa cho nội dung.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất