Khúc thụy du – Lối hẹp dẫn vào tình yêu và nỗi đau
Người viết lời tựa cho cuốn sách này đã rất tinh tế khi ví con đường vào thơ Du Tử Lê là một ‘”lối hẹp”. Bởi đọc thơ ông cũng giống...
Người viết lời tựa cho cuốn sách này đã rất tinh tế khi ví con đường vào thơ Du Tử Lê là một ‘”lối hẹp”. Bởi đọc thơ ông cũng giống như một mình đi trên lối hẹp, nơi loài cây dại có những lá nhỏ xanh tươi mọc lên dày đặc. Đẹp đấy, thơ mộng đấy cho đến khi ta phát hiện ra đám cây dại đã ăn sâu, đâm nát cả mảng tường… Du Tử Lê là thế, ông phơi trần mình quằn quại, mê điên, bức bối, mà cũng yếu đuối, dằn vặt và khao khát đến không ngờ.
Thơ Du Tử Lê kể về tình yêu bằng những điều đối lập. Hình ảnh có cả cũ – rất cũ và cả mới – rất mới. Hành văn có cả ai cũng hiểu và chỉ mình ông hiểu. Lời văn vừa cố ý muốn nói, lại vừa cố ý giấu đi cốt truyện. Nhưng thứ duy nhất mà ông không thể giấu đi, đó chính là nỗi khát khao và nỗi buồn trong tim. Tình yêu, ly biệt, em, và quê hương. Ở đâu cũng có em – trong tuổi thơ, bên người mẹ; lúc quê nhà, khi viễn xứ; nơi câu kinh, trong Chúa, Phật; em – ảo ảnh hay cơn mơ trong giấc ngủ chập chờn, em – ở đâu và vì sao không thể còn gặp lại; em – là quê hương và quê hương cũng là em. Vì em và quê hương mà Du Tử Lê phải đi, phải hỏi, phải tìm, phải chất vấn. Ông và đời chất vấn lẫn nhau. Ở mỗi nơi, mỗi lúc, ông đều để lại một dấu răng, dù là để gặm nhấm nỗi buồn hay cắn vào một bờ vai quá vãng.
Bởi nội dung kỳ lạ không thể được chuyển tải chính xác bằng những thủ pháp thông thường, Du Tử Lê dường như xáo trộn mọi trật tự khuôn từ, ngắt vần, dấu câu, chuyển đổi những cảm giác lạ lùng và gợi hình trong từng câu chữ. Cát phải lở như nhát dao – thật đau và thật ngọt, và mây mù phải mưng ra từ chiếc hồn hiu quạnh – thật từ từ, sinh sôi và rạn vỡ, tươm ra tràn trề. Giọng thơ lúc dồn dập, thao thiết, lúc trầm buồn, thả trôi đi giữa dòng đời.
Không thể đọc Khúc thụy du một lần từ đầu chí cuối nếu thật sự chú tâm đến ngần ấy thứ, bởi cuốn sách này quá nặng, nặng lòng, nặng tình, nặng những nghĩ suy. Nhưng nếu chúng ta cố đọc, đọc nhiều lần, và cố vượt qua những hàng rào văn chương ấy, thì chắc chắn bất cứ ai có lòng với nhà thơ đều sẽ được đáp đền bởi những phút giây bộc bạch quá chân thành:
“Chưa cần tới chia ly
Tôi nghe mình đã khóc”
Người đàn ông thịnh nộ, gắt gay và người đàn ông gối đầu trên những giọt nước mắt. Người đàn ông sống chết yêu đương, và người đàn ông chấp nhận đời sống là quên lãng. Người đàn ông giận hờn, người đàn ông trách cứ, người đàn ông tiếc nuối, người đàn ông mang ơn… tất cả quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì một lý do, một lời tự thú sau cùng: “khát khao tôi, tựa lá của trăm rừng”, nỗi khát khao được tìm thấy, được bươi tìm, dẫu có đau đớn, vô vọng mà vẫn yêu.
Đọc thơ ông như đi dạo một mình trên lối hẹp, ướm thử lên mình một dòng thơ, thấy được nắng rơi, mưa rào, sợi tóc, tàn tro… và nếu như nó có vừa vặn với bản thân mình, thì ta biết nó cũng đã từng vừa vặn cho một tiền nhân.
- Thảo.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất