Khu rừng của một mùa thu đã tàn
Nào có ai ngờ đằng sau những kẽ hở nhỏ li ti tạo ra bởi tán lá xanh mơn mởn đan vào nhau trong buổi sáng đầu xuân yên lành ấy, là một...
Nào có ai ngờ đằng sau những kẽ hở nhỏ li ti tạo ra bởi tán lá xanh mơn mởn đan vào nhau trong buổi sáng đầu xuân yên lành ấy, là một chiều hoàng hôn ngày thu nhuộm nền trời màu lá phong cuối mùa. Có những xác cây đã khô quắt, nằm trải sâu vô tận hun hút vào bên trong. Nhưng hẳn nhiên, chưa thể coi nơi đây hoàn toàn là một khung cảnh chết chóc, nhờ một vài chiếc lá vẫn còn sót lại đung đưa trên cành. Hiển nhiên có sự tồn tại của gió, nhưng tuyệt nhiên không thể cảm nhận được sự mát lạnh mà nó đem lại. Không có bất cứ thứ cảm giác gì có thể cảm nhận được tại khu rừng này. Nếu như có, đó chắc hẳn là thứ nỗi buồn độc nhất da diết không nguôi, mà sự trống trải cùng cái hiu quạnh của khu rằng sẵn sàng ban cho mọi kẻ dám đặt chân tới nơi này.
Trong một buổi sáng tràn đầy nắng và không khí mát mẻ của một ngày mới, cô gái bé nhỏ tung tăng chạy vòng quanh khu vườn trước nhà với quả bóng đồ chơi trên tay. Cô hất bóng lên thật cao, rồi chạy đuổi theo hướng quả bóng rơi xuống. Một trò chơi của con nít. Nhưng, nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thứ mà không một người lớn nào có đủ sức để nhớ lại, hút hết mọi sự chú ý của cô bé ra khỏi cảnh vật xung quanh. Bỗng có một lúc, quả bóng vụt lên thật cao, bay vượt qua cả bụi cây xanh đã được ai đó dựng lên như một rào chắn bao quanh căn nhà. Cô bé chạy đuổi theo quả bóng. Chiếc váy đỏ chấm bi và mái tóc màu lông chú gà non biến mất vào bên trong cái nền xanh còn cao hơn cả dáng hình tí hon ấy. Cô bé lạc vào khu rừng mùa thu trong buổi hoàng hôn nhuộm nền trời màu lá phong cuối mùa.
Khu rừng trống trải, rộng thênh thang. Mái tóc vàng hất bay phấp phới trong không trung khiến cô bé nhận ra khu rừng này có gió, nhưng tuyệt nhiên, cô không cảm nhận được trên da thứ cảm giác co buốt như những ngày tuyết rơi khi cô được bố mẹ ủ trong chiếc mền ấm áp. Và mặc dù nơi đây chỉ tồn tại sự trống trải, cái hiu quạnh, và một không gian sẵn sàng ban cho mọi kẻ dám đặt chân đến đây thứ nỗi buồn da diết không nguôi, có bé lại chẳng thậm chí đoái hoài, chỉ bận tâm muốn đi tìm quả bóng đồ chơi của mình. Trong cái không gian tĩnh lặng đến mức rợn người mà không một người lớn nào không thể ngừng thấy bất an, trong cái không gian rộng lớn chỉ tồn tại những xác cây khô héo như đã trừng mắt dõi theo nhau cả trăm năm, cô gái lon ton tiến lên phía trước bằng đôi bàn chân bé nhỏ, loạt xoạt trên nền đất phủ đầy những chiếc lá của một mùa thu đã héo rụng, trong sân chơi mới mà cô cho rằng đã trở nên rộng lớn hơn rất nhiều so với căn vườn trước cửa nhà.
Quả bóng đồ chơi nằm trên một vệt đất được gió dọn dẹp khỏi sự bao phủ bởi những chiếc lá vàng đã rụng. Cô bé chạy đến phía quả bóng. Gió cũng chạy theo cùng cô bé khiến trái bóng lăn sâu hơn nữa vào phía trong khu rừng. Những bước chân tí hon suýt chút nữa đã bỏ cuộc nếu như không phải quả bóng va vào một thứ gì đó, rồi nhẹ nhàng bật ngược lại. Không để lỡ thêm cơ hội, cô bé dốc hết sức, chạy thật nhanh chộp lấy quả bóng.
Đáng lẽ, cô bé đâu có biết và cũng đâu cần biết thứ gì đã giúp cô chặn trái bóng đang mải chơi cùng với gió kia. Nhưng một thứ gì đó khác xa với với sự khô khan và vô hồn của khu rừng đã thu hút sự chú ý và khiến cô bé phải ngước mắt lên nhìn. Một thứ gì đó thật quen thuộc, thật ấm áp. Một giọng nói.
“Tại sao lại có 1 bé gái đi lạc vào nơi này vậy nhỉ ?”
Cô bé nghe được hơi thở nặng nhọc và tiếng khàn phát ra từ cổ họng của 1 bà lão đã có tuổi. Trong ánh sáng màu cam tỏa ra từ bầu trời mà từ trước tới giờ vẫn chưa đổ tối, cô bé thấy một khuôn mặt hằn đậm những nếp nhăn. Cô còn quá nhỏ để có thể biết thế nào là một khuôn mặt hiền dịu, thế nào là một khuôn mặt phúc hậu, nhưng chính một cảm giác thân quen đến kì lạ mà cô bé cảm nhận được tỏa ra từ bà lão khiến cô tin rằng bà là một người tốt.
“Cháu đang chơi cùng với trái bóng này thì nó rơi vào đây ạ. Cháu cũng không biết đây là đâu, nhưng nó khác với nơi cháu ở quá.”
Cô bé thấy một nụ cười dễ chịu nở trên khuôn mặt bà lão.
“À, thì ra là vậy. Thế cháu có muốn trở về nhà ngay bây giờ không ?”
“Dạ có ạ, nhưng mà…”- Cô bé liếc mắt nhìn xung quanh khu rừng, rồi tiếp tục trả lời: “Ở đây có vẻ rộng hơn chiếc vườn trước sân nhà cháu nhiều nhiều lắm. Cháu muốn ở lại đây chơi một lúc nữa ạ.”
“Nhưng khu rừng này sắp trở tối rồi, và nếu không biết đường có thể cháu sẽ bị lạc đó. Hay để bà dẫn cháu đi dạo quanh đây nhé.”
Cô bé chưa đủ lớn để có thể nhớ được quãng đường ngoằn ngoèo mà trái bóng cùng với gió đã dẫn cô tới đây, nhưng cô bé đủ lớn để biết rằng trong khu rừng này, chỉ có bà lão là sự sống duy nhất cô bé có thể tin tưởng, trò chuyện, dựa dẫm, chứ không phải những gốc cây khô khốc cô độc trăm năm kia. Cô bé không biết mình sẽ đi đâu, hay thậm chí còn không quan tâm sẽ đi theo hướng nào, chỉ giơ bàn tay bé nhỏ lên cao, tin tưởng để bà lão dắt tay, dẫn thân hình bé nhỏ bước đi tiếp trong khu rừng mùa thu trong buổi hoàng hôn nhuộm màu lá phong cuối mùa.
——————————————————
“Cháu bé, hiện tại cháu mấy tuổi thế ?”
“Cháu 4 tuổi rồi ạ.”
“Chà, vậy là lúc này cháu vẫn chưa đi học nhỉ.”
“Đi học là gì vậy ạ ?”
“Là một ngày nào đó, cháu sẽ được bố mẹ dẫn đến một ngôi nhà thật to. Trong ngôi nhà thật to ấy, cháu sẽ được nghe kể rất nhiều những câu chuyện mới mẻ mà cháu chưa bao giờ được biết. Cháu sẽ được làm quen với những cô bé, cậu bé, và cùng họ chơi rất nhiều trò chơi trong thời gian không cần phải nghe kể chuyện”
“Nghe vui quá, vậy cháu cũng muốn được thử đi học.”
“Rồi cháu sẽ sớm được thôi.” Bà lão cười vui vẻ. Nhưng rồi bà hạ giọng “Nhưng khi ấy, sẽ có không ít lúc cháu cảm thấy rằng, việc được mãi mãi chơi trò chơi bắt bóngnhư bây giờ mới là điều thú vị hơn.”
“Vậy thì cháu không muốn đi học nữa đâu, cháu chỉ thấy trò bắt bóng luôn là vui nhất thôi à.”
Tiếng trò chuyện của cô bé cùng bà lão hòa vào tiếng xào xạc của những bước chân va vào lớp lá khô được trải ngập con đường mòn bởi gió. Nhưng lần này, cô bé bắt đầu cảm nhận được một chút se lạnh. Chỉ là một chút se se, chỉ là một chút thoáng qua mà thôi.
“Hà hà, nhưng cháu không muốn gặp gỡ và chơi bóng cùng với những người bạn mới sao ?”
“Các bạn xung quanh nhà cháu chỉ thích chơi búp bê hay trò đuổi bắt thôi.”
“Nhưng sau này, những người bạn cháu gặp khi đi học, không chỉ là những bạn bè quanh gần nhà cháu, mà họ đến từ khắp mọi nơi, họ biết những trò chơi mới và sẵn sàng chia sẻ cho cháu. Và trong số những người bạn ấy, sẽ có những người sẵn sàng cùng cháu chơi bắt bóng, hoặc có người sẽ khiến cháu tạm dừng chơi bắt bóng để cùng họ chơi những trò chơi khác, hoặc có thể là cả 2.”
“Có thật là họ có thể vừa cùng cháu chơi bắt bóng, vừa có thể khiến cháu dừng chơi bắt bóng để chơi những trò chơi khác với họ ạ ? Cháu không tin đâu.”
“Đúng vậy. Bà muốn gọi đó là tình yêu”
“Tình yêu ? Là gì vậy ạ ? Có phải là lời mà ba mẹ cháu vẫn thường nói với cháu sau mỗi nụ hôn lên trán vào buổi sáng không ạ ?”
“Đó cũng là 1 dạng của tình yêu đó, cháu ạ. Dù rất muốn, nhưng bà không thể giải thích cho cháu chính xác thế nào là tình yêu. Vì nó có vô cùng nhiều thứ hình dạng. Nó có thể đội lốt dưới một bức thư với nét chữ nguệch ngoạc được kẹp trộm trong trang sách, hay những cuộc điện thoại hiếm hoi từ một vùng biển xa, hoặc là bó hồng trắng trong tiếng ngân của chuông nhà thờ, và cũng có thể là tiếng khóc của một cậu bé xé tan khoảng im lặng trong một buổi trời rạng sáng.”
Mặc dù cô bé cảm thấy những điều bà lão nói dần trở nên khó hiểu, cô vẫn để những âm thanh vang lên từ trong cổ họng khàn khàn, và hơi thở gấp của bà lão trôi vào trong tai. Cô bé nghĩ có lẽ bà lão đã mệt, nhưng không hiểu sao bà vẫn cố gắng giải thích những điều mà cô bé chẳng thể nào lí giải nổi bằng một nụ cười đầm ấm và một khuôn mặt mãn nguyện. Và cái chút se se lạnh vơn vởn trên da cô bé, từ bao giờ đã biến thành một sự man mát dễ chịu như đang cố xoa dịu những giọt mồ hôi còn sót lại sau cuộc rượt đuổi với trái bóng hồng.
———————————————————————
Cả 2 dừng chân lại trước một thân cây già đồ sộ. Cô bé chẳng hề biết thứ đó là loại cây gì. Không phải vì cô vẫn còn nhỏ, mà bởi vì không một ai trên đời này có thể biết được câu trả lời để chỉ cho cô. Thân cây này khác xa với mọi xác cây khô mà cô bé đã thấy từ khi lạc chân vào khu rừng. Ở tầm cao nhất mà cô bé có thể nhìn khi đã cố ngước hết lên trên, có những tán lá màu đen tỏa rộng, ngợp hẳn một khoảng nền trời dường như đang cố nuốt chửng bầu trời đỏ rực vào trong đêm tối. Chiếc cây đồ sộ, to khổng lồ. Dù lấy thứ to lớn nhất nằm trong trí nhớ của một cô bé 4 tuổi là căn nhà cô ở cùng với ba mẹ để so sánh, cũng không thể nào khiến cô bé mường tượng ra nổi chiếc cây ấy đồ sộ đến nhường nào. Thân cây tuy đã khô, nhưng không hề có chỗ mục nát. Bà lão dắt cô gái nhỏ bé tiến về phía một góc nằm ngay sát trên phần gốc cây, nơi có chú gấu bông lông xám nho nhỏ, bị những dây leo chằng chịt cắm thẳng lên từ trong rễ đất trói chặt. Chú gấu bông ướt nhẹp.
Ở phía trên cao, những tán lá cây đen kịt bắt đầu lay động một cách hung bạo, chao đảo như đang vật lộn với một cơn cuồng phong, dẫu rằng cô bé không cảm nhận được bất cứ làn gió nào thổi bay tóc mình, Cô bé bắt đầu cảm thấy một nỗi bất an sâu sắc đến mức cô chỉ muốn bật ngay lên òa khóc khi từ những chiếc lá đen phát ra một thứ âm thanh âm u, sầu thảm, ghê rợn và bắt đầu nhả ra những giọt nước như hạt mưa rơi. Hàng trăm, hàng nghìn giọt nước được nhả ra từ tán lá đen gần như phủ kín cả bầu trời đồng loạt ào ào rơi xuống mặt đất, nơi cô bé và bà lão vẫn đang đứng. Nhưng kì lạ thay, cả hai chẳng hề ướt. Trong khi ngước lên cao, dõi ngược theo dòng chảy của những “giọt mưa” đang ào ào đổ xuống, cô bé bỗng bắt gặp đôi mắt và hàm răng nghiến chặt, lộ rõ vẻ đau đớn hằn trên khuôn mặt bà lão.
Ngày hôm ấy, cơn mưa cũng chứng kiến khuôn mặt của bà lão như vậy. Cơn mưa nhìn qua cửa sổ, thấy trong căn phòng chiếc giường phủ bởi tấm chăn mỏng màu trắng chỉ để lộ ra ở phía dưới một mái tóc nâu ngắn xõa xời, và đôi bàn tay vẫn giữ một chú gấu bông lông xám nằm ngay chính giữa cái nền trắng ấy.
Sau một hồi, những chiếc lá đen thôi phát ra thứ âm thanh u ám, ngừng nhả ra những giọt nước nặng trĩu và dần dịu êm trở lại. Cô bé nhìn bà lão, thấy những nét đau đớn hằn trên mặt bà cũng đã nguôi đi. Nhưng kì lạ thay, chú gấu bông lông xám trước kia ướt nhẹp bỗng trở nên khô ráo, và trông nó có vẻ bé đi giữa thân cây vốn đã to khổng lồ, nay đã trở nên to lớn hơn.
Bà lão tiến đến, quỳ gối xuống nơi chú gấu bông đang bị trói chặt. Bà ngắm nhìn chú gấu bông thêm một hồi lâu, rồi quay lại về phía cô gái:
“Cháu có thích chú gấu bông này không ?”
“Cháu thấy nó rất xinh ạ.”
“Vậy nếu chú gấu bông này là của cháu, cháu có muốn chơi với nó không ?”
“Cháu thích chơi bắt bóng với quả bóng này hơn ạ. Nhưng nếu chú gấu bông này là của cháu, có lẽ cháu sẽ giữ nó đến khi gia đình cháu đón thêm 1 em bé mới, rồi nhường nó cho em bé ấy ạ.”
Bà lão nhìn vào mắt cô bé với sự xúc động mà không một lời lẽ nào có thể diễn tả nổi. Bà mở to miệng, khó khăn gom từng hơi thở nhỏ lại thành một hơi thở thật sâu, rồi lấy tay dựt thật mạnh những dây leo cuốn quanh chú gấu bống bằng tất cả sức lực có thể. Trước khi những chiếc dây leo có thể lập tực mọc trở lại, bà lão rút chú gấu bông ra khỏi thân cây rồi đem nó đặt vào tay của cô bé.
“Vậy bà nhờ cháu giữ dùm chú gấu này cho đến ngày đó nhé.”
Trong tầng sâu thẳm nhất của tâm hồn, bà lão cảm nhận được một sự nhẹ nhõm đến thảnh thơi, nhưng đôi mắt bà không thể tránh khỏi việc hướng một ánh nhìn ngập tràn những nỗi lo sợ về phía cô bé.
Còn về phía cô bé, cô vui vẻ đón nhận món đồ chơi vừa được bà lão tặng với sự hớn hở, hồn nhiên của một đứa trẻ. Ngập tràn trong đầu của cô bé lúc này là suy nghĩ về những trò chơi mới có thể bày ra khi đặt chân trở về nhà.
——————————————————-
Bà lão lại dắt tay cô bé tiến sâu hơn vào trong khu rừng. Không có nhiều thay đổi trong cảnh vật, vẫn ở đó là bầu trời của một chiều hoàng hôn ngày thu nhuộm màu lá phong cuối mùa. Nhưng bây giờ, mỗi khi mái tóc vàng bị thổi bay lên, cô bé có thể cảm nhận rõ được cái mát, lạnh mà gió đem lại, và mỗi khi nhìn những thân cây cô đơn trăm năm vẫn đang chăm chằm nhìn nhau, cô bé bắt đầu cảm thấy lo sợ, nếu không phải nhờ có bà lão dắt tay mình đi qua khu rừng.
Từ tầm mắt thấp xíu của cô bé, một khối hình vuông màu nâu mờ mờ xuất hiện. Và với mỗi bước chân tiến đến gần hơn, khối màu nâu ấy dần hiện rõ thành hình dáng là một căn nhà gỗ một tầng nho nhỏ. Ấy là một tiệm hoa. Đáng lẽ, sự xuất hiện của tiệm hoa này cũng kì lạ không kém thân cây đồ sổ với tán lá đen khổng lồ mà cô bé và bà lão đã bắt gặp, nhưng những bông hoa đầy thứ sắc màu sặc sỡ, vẫn còn đọng lại trên lá giọt sương sớm của buổi ban mai, đến mức người ta có thể mường tượng ra được những tia nắng của một ngày mới bỗng từ đâu đó chen lên trong bầu trời hoàng hôn rực đỏ, đang được trưng bày trước tiệm đã hút chọn mọi sự chú ý của cô bé. Nhưng sức hút của những bông hoa không đủ để kéo ánh mắt của bà lão ra khỏi những màng nhện được giăng trên góc cửa sổ, hay những cánh hoa màu cam đã tróc màu trên tấm biển bị năm tháng đẩy nghiêng lệch sang một bên. Tuy vậy, có một điều mà cả cô bé lẫn bà lão đều dễ dàng nhận ra: “Tiệm hoa, ít nhất tại thời điểm này, không có chủ.”
Thấy sự phản chiếu long lanh bởi một sự đam mê đến kỳ lạ giữa đôi mắt cô bé và những giọt sương đọng trên cánh hoa, bà lão hỏi:
“Cháu thích hoa ư ?”
“Vâng, cháu thích lắm. Cháu luôn muốn sau này lớn lên được bao quanh bởi muôn vàn những bông hoa đẹp như thế này lắm bà ạ.”
“Vậy cháu có muốn mang theo những bông hoa này đi theo không ?”
“Cháu muốn ạ. Nhưng không có ai trông coi cửa tiệm. Mẹ cháu dặn nếu tự tiện lấy đồ của người khác mà không xin phép là ăn trộm, là xấu lắm ạ.”
Bà lão nhìn cô bé ngây thơ bằng một nụ cười hiền hậu.
“Không sao đâu.”
Bà xoa đầu cô bé, rồi tiến từng bước chậm rãi và ngày càng trở nên mệt nhọc về phía bên trong tiệm hoa đã bị bỏ lại bởi thời gian.
Bà đi một vòng quanh tiệm, rút lấy những bông hoa mà mỗi khi chững lại ngắm nhìn khiến nhịp thở ra của bà sâu hơn và chậm đều dần. Ở phía bên ngoài nhìn vào, cô bé có thể thấy những cánh hoa vàng, tím, đỏ… cứ được nâng lên, rồi đặt xuống trong không trung qua ô cửa sổ. Với những cành hồng, bà lão dùng con dao nhỏ được đặt sẵn ở một góc nào đó, tỉa sạch những chiếc gai nhọn đâm ra dọc khắp thân cây, rồi nhẹ nhàng đặt chúng vào giữa lòng bàn tay. Từ những bông hồng, nhiều loại hoa với nhiều cảm sắc hơn, xen kẽ bởi những cọng lá xanh đã được ngón tay nhăn nheo bứt hết phần cuống thừa, lần lượt, liên tiếp được đặt vào trong lòng bàn tay ấy.
Trái ngược hẳn với những bước chân nặng nhọc và hơi thở gấp gáp, đôi tay của bà vẫn nhanh nhẹn và thao vát với những bông hoa hệt như cái hồi trước đây, khi cửa tiệm mà bà cùng với chồng tự tay dựng, mới được khai trương.
Cửa tiệm nườm nượp đón những lớp khách hàng từ sáng sớm tinh mơ cho đến trời tối muộn. Họ thường là những người bạn thân hoặc sau này trở thành bạn thân của cặp vợ chồng cô gái chủ tiệm, nhưng thi thoảng cũng có những kẻ như một gã ăn mặc luộm thuộm, rách rưới, sau này vẫn thường hay lui tới và cố gắng mua cho được một bó hoa cứ mỗi khi hắn gom đủ tiền, kể từ vào một buổi sáng sớm hắn được cô chủ tiệm tặng cho một chùm hoa lê nhỏ sau những ngày lang thang quanh quẩn khắp thị trấn. Cửa tiệm chỉ là căn nhà gỗ một tầng nho nhỏ, nhưng như vậy đã đủ để khiến nó trở thành tiệm hoa duy nhất trong thị trấn, vì mọi người đều yêu quý những bông hoa luôn tươi rói suốt quanh năm và cặp vợ chồng cô gái chủ tiệm tốt bụng, thông qua thứ ngôn ngữ được tạo ra bởi những đóa hoa, đã luôn đem lại cho họ cảm giác được thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc đến độ hạnh phúc.
Cuối cùng, từ trong một ngăn kéo nằm giữa vô vàn những góc tủ bàn, bà lão rút ra một sợi dây, dùng nó cuốn quanh bó hoa đã được hình thành trong lòng bàn tay ấm áp và thắt một nút thật khéo léo. Thật ra, bà lão đá có thể hoàn thành bó hoa nhanh hơn, nếu như không phải vì mất đi sự giúp đỡ của người chồng từng luôn ở bên cạnh bà khi tiệm hoa vẫn còn khách. Cũng từ ngày đó, khắp thị trấn mở thêm những tiệm hoa mới, vì không còn một ai thấy tiệm hoa của cặp vợ chồng bà lão chủ tiệm được mở thêm một lần nào nữa.
Bà lão bước ra cửa tiệm với bó hoa trên tay. Cô gái nhỏ bé có thể thấy những màu sắc sặc sỡ bay lên rồi hạ xuống trong không trung mà cô thấy qua khung cửa sổ đang được nằm gọn trên những cánh hoa trong tay bà lão.
“Cháu có thích bó hoa này không ?” – Bà lão hỏi.
“Cháu thích lắm, cháu không biết những bông hoa khi được buộc lại cùng với nhau lại đẹp thế này đâu ạ.”
“Người ta yêu quý hoa không chỉ bởi vì bằng một cách nào đó, nó hấp dẫn ánh nhìn của ta, mà còn bởi vì hoa có thể thay ta gửi gắm những điều muốn nói đến người khác nữa. Bó hoa này là những lời bà muốn truyền tải tới một người rất quan trọng với bà. Nhưng cháu có vẻ yêu thích những bông hoa này nhỉ ? Ừ, vậy bà sẽ tặng cháu một bông. Cháu thích bông nào nhất ?”
Cô bé không giấu được sự phấn khích khi bà lão đưa tay hướng bó hoa xuống phía trước tầm mắt của mình. Và ngay sau cái vẻ mặt đầy đắn đo và có vẻ như bị giày vò bởi sự yêu mến dành cho tất cả đóa hoa trước mắt, cô bé rút ra một bông hoa màu vàng. Thấy vậy, bà lão như lặng người, thở ra một hơi thật dài, hướng mắt về phía dưới như đang cố kiếm tìm một sự cảm thông vô hình.
“Hoa này được gọi là hoa thủy tiên. Cháu thích bông hoa này hả ? Nếu vậy, bà sẽ tặng cho cháu thêm 1 bông nữa.”
Bà lão rút thêm một bông thủy tiên vàng ra từ trong bó hoa, rồi nhè nhẹ đặt lên đôi bàn tay bé nhỏ của cô bé. Niềm vui hân hoan khi được nắm trong tay mình thêm một bông hoa khiến cô bé đâu cần phải bận tâm suy nghĩ lí do bà lão làm vậy. Cô bé kẹp 2 cành hoa vàng vào nách của chú gấu bông lông xám, nhe ra hàm răng sún tươi cười với bà lão. Bà lão đáp lại nụ cười ấy của cô bé bằng một khuôn mặt cố gượng ép thả lỏng. Bà quay ngược lại, hướng những bước chân tiến về phía trước, rồi chậm rãi đặt bó hoa lên trước thềm cửa của ngôi nhà gỗ một tầng nho nhỏ. Bà đứng thẳng người, cúi nhẹ đầu và nhắm nghiền 2 mắt lại. 1 thoáng sau, bà quay trở về phía cô bé, cầm đỡ trái bóng đồ chơi, và lại tiếp tục dắt hình dáng bé nhỏ đang nắm chặt chú gấu bông kẹp nách những cánh hoa vàng, đi tiếp sâu vào bên trong.
Kể cả khi bóng dáng con người đã rời khỏi và mất hút vào trong cái nền trời đỏ rực của một chiều hoàng hôn, những đóa hoa vẫn rực tươi tràn đầy sức sống, những giọt sương đọng trên cánh hoa vẫn ghi nhớ trong ký ức vết bớt nhỏ nằm ở dưới mắt phản chiếu từ khuôn mặt cô gái bé nhỏ, và căn nhà vẫn còn giữ nguyên cái nét cũ kỹ bị bào mòn bởi sự lãng quên trong dòng chảy của thời gian. Chỉ có một khác biệt duy nhất, là trước thềm cửa của căn nhà nay xuất hiện thêm 1 bó hoa mà có lẽ do người dừng chân ban nãy để lại. Gió thổi. Và trong khi những cánh hoa bập bùng rung rinh trong dòng chảy của gió, nếu như có ai đó có mặt trong khu rừng lúc này, chắc hắn sẽ bị thu hút bởi 1 cánh hồng đỏ, 1 bông cúc vàng và 1 đóa thu mẫu đơn tím nổi bật lên trong nền của những đóa hoa sặc sỡ sắc màu.
—————————————————————-
Cô bé và bà lão tiếp tục đi sâu thêm vào bên trong cánh rừng cô độc. Nhưng lúc này, đôi chân tí hon dường như chưa bao giờ biết đến mệt mỏi vì ham chơi cũng đã bắt đầu dần mất sức. Cô bé vung vẩy cánh tay đang nắm chặt bà lão như đòi hỏi một sự chú ý:
“Bà ơi, khu rừng này còn dài đến bao giờ thế ạ ?”
“Cháu đừng lo, chúng ta sắp đi hết nơi này rồi.”
Quả đúng như vậy, chỉ vài phút sau, cả 2 đã đặt chân đến nơi mà ngay cả một cô bé 4 tuổi cũng có thể dễ dàng nhận ra là điểm tận cùng của một con đường: Không còn bất cứ lối nào để tiến thêm nữa.
Dẫu chính sự tồn tại của nơi này, là điểm kết thúc của một khu rừng cô đơn rộng dường như vô tận, khiến nó có một ý nghĩa đặc biệt, nhưng quang cảnh nơi đây không khác gì nhiều cảnh tượng mà cô bé đã chứng kiến từ khi mới bước chân vào khu rừng: Vẫn là bầu trời hoàng hôn nhuộm màu lá thu, vẫn là những xác cây khô chăm chăm dõi theo từng bước đi của người sống…. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất, nhưng cũng chính sự khác biệt duy nhất ấy là thứ đã khiến cô bé lần đầu trong đời biết phải giật mình hốt hoảng: Trước mắt cô bé chính là căn nhà nơi mà cô đang ở. Phát hiện ấy khiến cô bé phải liếc đôi mắt lướt qua khoảng không gian bao quanh căn nhà và chợt nhận ra nơi mà bàn chân nho nhỏ của cô đang đặt lên, chính là khu vườn mà khi bầu trời vẫn còn ngập tràn nắng và không khí mát mẻ của một ngày mới, cô bé đang chơi đùa với trái bóng đồ chơi của mình. Và “bức tường” màu xanh rào quanh căn nhà chặn kín mọi hướng đi, phải chăng chính là bụi cây đã dẫn cô bé đến với khu rừng ? Cánh cửa được mở sẵn từ trước cứ như thể nó biết chắc chắn vị khách nó muốn mời tới sẽ đến thăm. Nhờ vài tia sáng cuối cùng lọt qua cánh cửa của buổi hoàng hôn mãi chưa chịu tàn nhưng ngay chính lúc này đây đang dần bị bóng tối chiếm chỗ, cô bé nhòm vào bên trong, cảm nhận mơ hồ được sự trống trải và cô đơn đang cuốn chặt ngôi nhà.
Cô bé cảm thấy sợ hãi, và ngay trước lúc cô bé chuẩn bị biến nỗi sợ hãi ấy trở thành những biểu hiện hữu hình, bà lão đã kịp đặt bàn tay ấm áp lên đôi vai nhỏ nhắn để trấn an cô bé:
“Cháu đừng sợ, từ bây giờ, bà có thể dẫn cháu trở về bất cứ khi nào cháu muốn. Nhưng cháu có muốn đi đến điểm cuối cùng của khu rừng này không ?”
Cô bé im bặt, không nói, hay đúng hơn, không thể nói ra bất cứ điều gì. Cô bé muốn trở về nhà ngay lập tức, nhưng không phải ngôi nhà trống vắng, ám ảnh đầy sự cô đơn dưới một bầu trời ảm đạm, bất an này, mà là ngôi nhà tràn đầy ánh nắng tinh mơ và đầy ắp sự bảo về, chan chứa thứ cảm xúc mà sau cuộc trò chuyện với bà lão, cô bé biết nó được gọi là tình yêu, của bố mẹ. Nhưng, cô bé sợ rằng bà lão sẽ không dẫn mình trở về nếu như lỡ từ chối. Bà lão nhận ra rằng cô bé đồng ý với lời đề nghị của mình nhờ đôi bàn tay đã giơ sẵn lên cao như mỗi lần cả 2 dừng chân tại đâu đó, rồi lại tiếp tục bước đi tiếp.
Đây chắc chắn là ngôi nhà của cô bé, nhưng cô không thể nào tìm thấy bức tranh bông hoa hướng dương vẽ nguệch ngoạc bằng màu nước được đặt trên tủ sách, cũng không thể nào kiếm được chiếc đồng hồ quả lắc được treo trên tường, nơi mà vào những buổi trưa cô vẫn luôn kiên nhẫn, hào hứng ngồi chờ đợi chú chim gỗ nhảy ra từ phía bên trong và tạo ra những thứ âm thanh thú vị. Không có bất cứ thứ gì hết. Căn nhà trống trơn.
Dẫu vậy, không giống với căn nhà gỗ 1 tầng nho nhỏ, nơi những ô cửa sổ đã bị giăng kín mạng nhện nhưng những đóa hoa được đặt tại nơi ấy vẫn luôn tươi rói và tràn đầy sức sống, ngôi nhà nơi cô bé cùng bà lão đang đứng bên trong lại sạch sẽ và ngăn nắp đến kì lạ, đến ngỡ như có bàn tay nào đó vẫn thường xuyên lau chùi và chăm sóc cho nó cẩn thận. Nhưng dẫu như vậy, không có nổi một kẻ có thể chịu đựng nổi sự trống vắng và cô đơn mãnh liệt đang nuốt chửng lấy ngôi nhà. Ấy thế mà dường như có một người nào đó đã quen với cô độc, hay chính vì không thể sống thiếu sự cô độc, chọn sống ở đây. Nhận ra được điều đó là nhờ một chiếc giường trải ga màu trắng nằm ngay sát bên ô cửa sổ trong căn phòng mà cô bé nhận ra chính là căn phòng của mình.
Ngay bây giờ đây, đứng tại căn phòng ấy, nhìn vọng ra bên ngoài thông qua ô cửa sổ, thấy con đường mòn nằm đối diện mà cả 2 cùng nhau bước đi đâm thẳng vô tận về phía chân trời, cô bé mới nhận ra mình đã đi hết một quãng đường dài như thế nào; thấy bầu trời hoàng hôn mùa thu nhuộm màu lá phong cuối mùa đang dần tàn, cô bé mới nhận ra một nỗi buồn man mác vô hình đang thì thầm bên tai; thấy những xác cây khô khốc nằm rải rác toàn bộ khủng cảnh, cô bé mới nhận ra sự cô đơn và bất an đến khủng khiếp mà chúng đem lại. Khác với sự vô tâm chỉ biết nghĩ tới vui chơi như lúc bắt đầu bước chân vào khu rừng, cô bé biết cảm nhận được mọi thứ cảm xúc mà bức ảnh được đóng khung bởi ô cửa sổ đem lại. Nhưng cũng chính bởi đã biết cảm nhận rõ nhiều thứ cảm xúc ấy, cô bé để nỗi sợ hãi và sự lo âu thay mình cất thành tiếng nói với bà lão:
“Bà ơi, cháu không muốn ở đây nữa, bà đưa cháu trở về ngôi nhà trước kia của cháu đi.”
Cô bé nhìn thấy nụ cười chan chứa sự thấu cảm in trên khuôn mặt của bà lão. Và chỉ sau vài giây khi vừa dứt lời, mọi thứ cảm xúc cô bé vừa mới biết đến trong một chốc lát kia bỗng vụt biến mất. Cô bé cảm thấy cơ thể mình nhẹ tênh, cứ như thể đang từ từ được nhấc bổng vào không gian. Nụ cười của bà lão cũng trở nên mờ nhạt dần, và hình ảnh cuối cùng được phản chiếu trong đôi đồng nhãn màu hạt dẻ, là đôi bàn tay tí hon đang nắm trái bóng đồ chơi, chú gấu bông cùng 2 đóa hoa thủy tiên vàng dần dần hòa lẫn với thứ màu trong suốt của không gian. Cô bé biến mất.
—————————————————————————-
Một lần nữa, căn nhà đơn độc chỉ còn lại một mình bà lão.
Trước khi bầu trời hoàng hôn kịp để bóng tối hoàn toàn soán hết chỗ, bà lão lấy toàn bộ sức lực còn sót lại, nhích từng bước chân nặng nề tiến về phía trước. Bà đặt lưng lên chiếc giường trải ga màu trắng, tựa người vào gối, hướng mắt về phía bức tranh nhìn ra cảnh vật bên ngoài được đóng khung bởi ô cửa sổ, một lần cuối cùng.
“Bà ơi, cháu không muốn ở đây nữa, bà đưa cháu trở về ngôi nhà trước kia của cháu đi.”
Lúc ấy, bà lão không hề bất ngờ mà trái lại, bà biết rằng, tại một thời điểm nào đó, chắc chắn cô bé sẽ đề nghị vậy, vì những cảm xúc mà cô bé cảm nhận được khi nhìn khu rừng ấy thông qua ô cửa sổ, hoặc thậm chí cả cái sự vô tâm và ham chơi của cô bé khi mới bước chân vào khu rừng, tất cả, đều là những cảm xúc mà bà lão đã trải qua. Khi cô bé nói ra lời đề nghị ấy, ban đầu là do không còn lí do gì để bà níu giữ cô bé ở lại, và tiếp theo là bởi vì, bà lão không còn đủ sức lực để làm việc ấy nữa.
“Quãng đường chúng ta vừa đi đâu phải là quá dài đâu, cô bé nhỉ ?”
Đôi mắt bà lão trở nên nặng trĩu, kéo hàng mi khép lại nhè nhẹ. Trong cái tích tắc mà ý thức vẫn còn tồn tại, hình ảnh một bé gái mặc váy chơi đùa với trái bóng trong khu vườn trước cửa nhà bỗng vụt qua khiến dòng lệ lăn trào, chảy qua vết bớt nằm trên làn da đầy nếp nhăn dưới đôi mắt, và khô đọng lại trên mái tóc vàng đã bị xóa hết màu bởi thời gian.
Bầu trời hoàng hôn giờ đã chuyển sang một buổi đêm, khiến bóng tối hoàn toàn nuốt chửng lấy toàn bộ mọi tồn tại trong khu rừng. Ngay đến cả tán lá cây màu đen khổng lồ kỳ lạ giờ cũng chỉ là 1 góc nho nhỏ trong bóng tối bất tận. Trong bóng tối ấy, điều gì sẽ xảy ra với khu rừng ? Hay liệu rằng, có khi nào ánh sáng sẽ tìm đường quay trở lại ? Không có một ai biết, nhưng cũng chẳng có một ai không muốn đi tìm câu trả lời….
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất