"Không sợ mình vô dụng, chỉ sợ mình bất tài". Bạn có hiểu ý nghĩa của câu nói này không? Đây là một câu nói tôi đọc trong cuốn Nhạc Phi Diễn Nghĩa hồi còn học cấp 2. Lúc đó tôi cứ đau đáu mãi mà chẳng hiểu được hết ý nghĩa của câu nói này. Biết bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ đang sợ thất nghiệp ngoài kia thì rõ ràng là nỗi sợ mình "vô dụng" phải lớn hơn "bất tài" chứ? Để hiểu rõ hơn thì tôi sẽ kể cho bạn nghe bối cảnh của câu nói này và bài học rút ra cho chính chúng ta nhé.
Cho những ai chưa đọc qua bộ Nhạc Phi Diễn Nghĩa thì mình xin tóm tắt phân đoạn này như sau. Lúc đấy Nhạc Phi là một chàng trai nhà nghèo nhưng văn võ song toàn, do đã theo thầy của mình khổ luyện suốt bao năm trời và lên võ đường thi đấu (bạn có thể hiểu như thi trạng nguyên ở nước mình vậy). Tuy nhiên, đối thủ lúc đấy của Nhạc Phi là một "con ông cháu cha", và tất nhiên là võ nghệ thua xa Nhạc Phi. Trước khi đấu võ thì hai người đã viết giấy cam kết rằng nếu một người bị đánh chết thì người còn lại sẽ không bị chịu trách nhiệm. Và rất nhanh sau đó, Nhạc Phi đã giết chết cậu công tử này trên võ đường. Nhưng, do là "con ông cháu cha" nên giám khảo đã "quên đi" tờ cam kết đó và phát lệnh truy nã toàn quốc để truy tội thầy trò Nhạc Phi. Anh ta trong lúc tiền đồ tối như tiền đồ của chị Dậu đã được an ủi bằng câu nói đó: "Không sợ mình vô dụng, chỉ sợ mình bất tài".

Không sợ mình vô dụng!

Bạn cảm thấy mình thật là vô dụng khi nào? Khi không tìm được công việc và phải ăn bám cha mẹ? Khi thành tích học tập không được như ý? Hay là khi bạn cảm thấy công việc thật tẻ nhạt và không phát huy hết sở trường của bạn?
Sông có khúc, người có lúc hết bạn ạ! Một ngày nào đó ta phải thừa nhận là: tất cả mọi người trên thế giới đều có lúc trở nên "vô dụng" và cả bản thân chúng ta cũng thế. Nếu bạn thấy thành tích học tập của bạn chưa đủ tốt, hãy nhớ rằng Edison từng bị đuổi học đấy. Nếu bạn thấy công việc hiện tại không phát huy hết tài năng của bạn, hãy nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một giáo viên dạy sử, địa đấy. Nếu bạn cảm thấy tiền đồ thật bế tắc, hãy nhớ Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cũng đã từng ngồi trong nhà lao đấy (mình không có ý chê các vị lãnh tụ của Việt Nam đâu, mà để hiểu rõ hơn thì các bạn dành ít phút để đọc hết bài nhé).
Bạn thấy không, tất cả chúng ta, thậm chí là những vĩ nhân, đều có lúc vinh hoa và có lúc phải cúi mặt trước thiên hạ cả. Theo quan điểm cá nhân của mình thì không hẳn những ai được vinh hoa hơn với đời thì được gọi là người tài, nhưng người nào hiểu rõ quy luật đó hơn thì sẽ có một cuộc sống thanh thản và bình yên hơn. Ít nhất là trong tâm hồn.
Nên bạn đọc của tôi ạ, nếu bạn đang cảm thấy mình "vô dụng", đừng quá bức bách và vứt bỏ ngoài tai thứ như: con nhà người ta thế này, một tháng kiếm được trăm tỉ,... Đôi khi chúng ta phải thừa nhận một sự thật cay đắng là: đôi lúc tôi vô dụng. Nhưng đừng lấy nó để làm cái cớ cho sự lười biếng!

Chỉ sợ mình bất tài

Để hiểu rõ hơn tại sao lại sợ mình bất tài thì chúng ta cần phải có những ví dụ cụ thể để so sánh. Những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thường hay được gán một cái mác là có tài. Tuy nhiên, họ chỉ mới chứng minh được là họ giỏi về chuyên môn và cái chuyên môn đó nó cũng chưa hẳn là thực tế, vì đó chỉ là lý thuyết suông từ sách vở. Họ không hoặc chưa chứng minh được những kĩ năng mềm của họ, ví dụ như kĩ năng giao tiếp, tư duy phản biện, vâng vâng. Đúng là Edison bị đuổi học, nhưng ông ấy đã mày mò nghiên cứu và tự học rất nhiều để trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ông ấy đã thử nghiệm những phát minh mới rất nhiều lần mới cho ra đời được những phát minh quý giá cho nhân loại. Bác Võ Nguyên Giáp trong lúc làm giáo viên dạy sử, địa đã không chỉ giảng dạy về những trận đánh của quân dân ta một cách truyền cảm nhất, mà còn giúp Bác sau này khi đưa ra quyết định về mặt chiến lược và chiến thuật trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mĩ. Và Bác Hồ mặc dù bị giam cầm vẫn rất lạc quan, còn có cả tập thơ trong tù của Bác, khi còn ở Pháp, những lúc rảnh rỗi Bác thường đến thư viện để đọc về chủ nghĩa Mác- Lê nin mà sau này Bác đã đem nó về nước nhà và đưa Việt Nam thành một quốc gia độc lập, chứ không phải thuộc địa của Pháp.
Bạn thấy ra điểm tương đồng của các vĩ nhân chứ? Đó là, dù cuộc sống có đưa đẩy họ tới mức khó khăn nhất thì họ không hề than trách, thậm chí còn có phần vui vẻ với nó. Điều họ làm lúc đó là gì? TRAU DỒI BẢN THÂN.
Quay lại với câu chuyện của Nhạc Phi ở đầu bài. Sau lần đó thì Nhạc Phi phải trốn lệnh truy nã ở triều đình và không ngừng trau dồi về binh pháp lẫn võ nghệ. Sau này cuộc đời ông đã trở thành một trong những khúc ca bi tráng nhất của lịch sử Trung Quốc khi mà ông đã được triều đình trọng dụng đánh biết bao nhiêu trận thắng lớn, nhưng cuối cùng bị gian thần hãm hại và chết khi mới 38 tuổi.

Sự khác biệt giữa thư thả và buông thả rất mỏng manh

Này bạn đọc kính yêu! Có một số người cuộc sống của họ toàn màu hồng nhưng đa số chúng ta thì không như thế. Tôi nằm trong cái đa số đó. Thời cuộc có thể cho ta những nghịch cảnh mà chúng ta rất khó để chấp nhận, nhưng rồi chúng ta cũng phải chấp nhận cái sự thật đó. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào buông thả theo dòng đời và đổ lỗi mọi thứ do xã hội được cả. Những lúc "vô dụng" ấy nếu được sử dụng đúng cách thì bạn sẽ là một cái lò xo bị đè nén và chờ ngày bật vậy. Đôi khi những lúc như thế lại quý giá vô cùng. Bài viết này như một bài học và như một lời tâm sự của tôi và bạn vậy. Vì tôi cũng đã trải qua những lúc "vô dụng" và vô tình hiểu ra được ý nghĩa của nó thôi. Tôi mong bạn đọc cũng sẽ hiểu và thực hành được như tôi.
Tôi được sinh ra như thế nào là việc của trời, về với trời như thế nào là việc của tôi.
Tái bút: Nếu các bạn thấy bài viết này hay và muốn mình viết thêm về chủ đề nào đó thì hãy comment bên dưới nhé. Mình sẽ viết về chủ đề nào mình tự tin nhất. Đợt trước có đang dang dở phần 2 của nhân tướng học nhưng sẽ viết nhanh thôi ạ. Cảm ơn tất cả bạn đọc.