“Không nhất thiết phải là sách kỹ năng”
Hầu hết mọi người đều muốn tìm đến các thể loại sách viết về kỹ năng sống, cách làm giàu hoặc kinh doanh gì đó chẳng hạn… nhưng lại...
Hầu hết mọi người đều muốn tìm đến các thể loại sách viết về kỹ năng sống, cách làm giàu hoặc kinh doanh gì đó chẳng hạn… nhưng lại bỏ qua những giá trị to lớn của văn học. Các bạn sẽ nói “Tôi cần một cuốn sách có thể giúp cuộc sống của mình trở nên tốt hơn” và vớ ngay lấy một cuốn sách self-help hay kỹ năng sống gì đó. Thực tế, chúng ta không thể phủ định các giá trị mà chúng mang lại cho độc giả nhưng nếu chỉ chú tâm vào thể loại này, các bạn sẽ trở thành một người bị “đơ” về mặt cảm xúc.
Ví dụ: Mình sẽ lấy vấn đề “đặt bản thân mình vào vị trí của người khác” khi được đề cập trong hai loại sách phổ biến hiện nay.
+ Các cuốn sách về kinh doanh sẽ viết ra những phương pháp rất hay, rất thuyết phục để bạn có thể đặt mình vào vị trí của người khác (cụ thể ờ đây là khách hàng, đối tác,…) nhưng với mục đích là gì? Chính là kiếm tiền từ các đối tượng này. Từ đó, mỗi khi rơi vào tình huống phải đặt bản thân vào vị trí của ai đó thì các bạn lại nghĩ tới các LỢI ÍCH mà việc này đem lại. (dần trở thành một thói quen không mấy tốt đẹp)
Còn các cuốn kỹ năng sống thì sao? Chúng cũng hay ho mà? Đúng, thể loại này cũng khuyên các bạn nên đặt mình vào vị trí của người khác để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn,…
+ Chúng ta cũng đều biết rằng hầu hết sách văn học đều có một cốt truyện cụ thể nào đó. Vậy hãy lấy một tình huống trong một cốt truyện cụ thể:
“Nhân vật A bị giết và B là người ở gần đó nhất. C nghi ngờ B là hung thủ nên nói điều này với D. Rồi C và D đều nghi ngờ B. Sau đó, B bị bắt. Cuối cùng, B được giải oan và E mới chính là hung thủ.” (Cái này hơi giống với mấy câu trắc nghiệm của môn GDCD lớp 12)
Bởi vì bản thân là người dõi theo và chứng kiến toàn bộ câu chuyện nên bạn sẽ biết B bị oan, bạn sẽ cho rằng C và D không nên vội kết tội người khác như vậy, họ cần xem xét kỹ lưỡng hơn các vấn đề liên quan để đi đến quyết định cuối cùng, nếu không thì hậu quả có thể sẽ rất tai hại. Từ đó bạn rút ra bài học là gì? Đặt mình vào vị trí của người khác và xem xét kỹ các khả năng, vấn đề, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng,… rồi sau đó mới đưa ra phán xét, kết luận.
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng các cuốn sách kỹ năng sống, sefl-help, kinh doanh,… đều chỉ ra sẵn các phương pháp cho mình. Có vẻ nó rất có lợi nhưng không. Đó là những gì mà tác giả tự tìm tòi, suy nghĩ rồi phát hiện ra. Bạn chỉ đi theo con đường mà người khác đã vẽ sẵn, nó quá cụ thể. Dù bạn sẽ cảm nhận được rằng bản thân đã hiểu và có thể thực hiện các phương pháp đó dễ dàng nhưng những phương pháp đó chỉ tồn tại trong đầu bạn với ý nghĩ: đó là những gì mình cần để sống tốt hơn. Giống như một công cụ không hơn không kém.
Đối với văn học, tác giả sẽ không trực tiếp nói ra những gì đọng lại sau mỗi tình huống, mỗi câu chuyện mà chính các bạn sẽ là người chiêm nghiệm ra các giá trị cốt lõi ấy (ở đây là việc đặt mình vào vị trí của người khác). Và vì các bạn tự mình nhận ra những điều đó nên chúng sẽ là của các bạn, của chính các bạn. Khi đó, những giá trị ấy sẽ không còn là công cụ nữa mà sẽ trở thành một thói quen, một cách sống, một lẽ đương nhiên trong việc đối nhân xử thế.
Tuy nhiên, nếu chỉ lựa chọn sách văn học thì các bạn dễ bị xa rời thực tế, chìm đắm trong những câu chuyện do một ai đó nghĩ ra. Vậy nên, hãy cân bằng trong việc đọc sách, đọc nhiều thể loại khác nhau. Khi đó, vốn sống và hiểu biết của bạn sẽ được mở rộng hơn với đa dạng các kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau. Lắm lúc sự kết hợp giữa văn học và kỹ năng thực tế cũng đem lại không ít trải nghiệm thú vị cho độc giả của các cuốn sách.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất