Photo by Google.
Làng Vũ Đại ngày ấy - tượng đài của điện ảnh Việt Nam để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ khán giả, làm nên tên tuổi của các diễn viên tham gia. Ấn tượng về bộ phim này trong Chí Phèo- Bùi Cường hẳn mạnh mẽ và dai dẳng đến mức ông thấy cần phải viết một cái gì đó để tri ân Nam Cao, Phạm Văn Khoa. Và Cậu Vàng ra đời…
Kịch bản ấp ủ cả chục năm của Bùi Cường cuối cùng thành phim đầu tay của đạo diễn Trần Vũ Thủy- chính là con rể và học trò của ông. Kịch bản này là kết quả của một trí tưởng tượng khá bay bổng, một sự pha trộn đầy ngẫu hứng từ truyện ngắn kinh điển Lão Hạc, mượn thêm vài nhân vật từ Chí Phèo. Đây là một việc làm cực kỳ phiêu lưu vì hệ thống biểu tượng và không gian nghệ thuật mà Nam Cao tạo nên gắn chặt với thời kỳ ông sống. Nay giống như Bùi Cường đem tháo dỡ các chi tiết và lắp nó vào một kiến trúc mới, theo một cách khá phóng túng.
Trong Lão Hạc có một nhân vật thoáng qua là Binh Tư- tên ăn trộm cung cấp bả chó cho Lão Hạc. Trong Cậu Vàng, Binh Tư có nhân thân giống Chí Phèo tức là cũng ở tù về, bổ sung thêm vợ con. Nhưng vợ con của Binh Tư cũng chỉ xuất hiện như lý do để Binh Tư ăn vạ các cụ trong một cảnh duy nhất, tức không có cũng chẳng sao.
Thân phận vợ ba Bá Kiến là gạch nối giữa dân đen và giai cấp thống trị. Chẳng hiểu thế nào mà Bá Kiến lại cất công mua cô này từ tận trong Nam ra để làm lẽ với điều kiện rất căng: không đẻ được con trai sẽ bị đuổi đi. Cho dù Bá Kiến đã có con trai là Lý Cường.
Câu chuyện được đẩy xa tới độ không còn tôn ti trật tự gì nữa. Lý Cường rắp tâm muốn chiếm đoạt mẹ kế nhưng phải đợi đến lúc cô này có thai cơ. Mà khó khăn lắm mới có thai, tức là Cường có rất nhiều cơ hội trước đó nhưng lại chẳng màng. Dường như kịch bản mang tinh thần sục sôi đấu tố giai cấp bóc lột khi mặc sức khoác cho bọn chúng đủ thứ xấu xa, độc ác và tất nhiên là cực kỳ ngu ngốc. Mà thực ra toàn bộ các nhân vật trong phim đều không được thông minh lắm…
Kể tiếp, người yêu cũ của bà ba đánh đường từ tận trong Nam ra chỉ để nhìn mặt bà ba, nói vài câu vu vơ rồi cũng chẳng có một kế hoạch hành động gì. Anh người yêu cũ này lại còn tài năng đến độ vừa chơi nhị xẩm vừa múa rối nước. Cái giá phải trả cho sự manh động này tưởng lớn hóa ra không vì quyền phép của Bá Kiến, Lý Cường xem ra bị giới hạn trong phạm vi làng. Đến bến đò thôi là không làm ăn gì được nữa.
Tất cả những sự thêm nếm yêu đương bồ bịch loạn luân… tưởng rằng sẽ tạo nên những cảnh huống ly kỳ câu khách, nhưng không biết khán giả có đủ dễ tính để tiêu hóa tất cả những nội dung tưởng tượng thoát ly hiện thực đến mức ngô nghê kiểu đó. Khi tầm sáng tạo của biên kịch không ngang phân với tác giả văn bản gốc nhưng lại không tôn trọng gốc sẽ dẫn tới việc “giải thiêng” hình tượng nhân vật, làm cho nhân vật không còn tính cách, thậm chí trở nên ngớ ngẩn.
Lão Hạc là một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cách làm dễ dãi của phim. Lão thực sự tin rằng viết thư cho con trai bỏ vào ống tre thả trôi sông không ghi địa chỉ là có thể đến tay người nhận. Cảnh lão Hạc ngồi trong mẹt viết lên mo cau để học chữ thực sự mang tính chất trình diễn, không giống cảnh phim. Sự xuất hiện của nhân vật thầy bói cũng vậy, y chang như các tiểu phẩm hài mà diễn viên Chiến Thắng tham gia. Đầy phóng đại và ước lệ.
Mối quan hệ giữa các nhân vật tất nhiên cũng sơ sài theo. Những nhân vật được cho là yêu nhau cư xử hết sức lớt phớt với nhau. Bà giáo điềm nhiên mang sách- thứ cực kỳ quý giá với ông giáo- đi bán để giúp hàng xóm là lão Hạc mà không hề hỏi chồng một câu. Hành xử của ông giáo thì giống một cậu học trò hơn khi tự đưa mình vào tròng của bọn cường hào một cách rất trớt quớt.
Trong khi con người bị đơn giản hóa đi thì con chó được “huyền thoại hóa” hơi quá. Cậu Vàng về sau là thủ lĩnh của đàn chó hoang. Không hiểu cái thời đến người (như lão Hạc) còn chả có cơm mà ăn thì bọn chó kiếm ăn kiểu gì. Có mà thành thức ăn của dân làng từ lâu rồi. Người Việt Nam mà lại nể sợ chó đến thế sao?!
Từ các nguyên liệu còn thô sơ và thập cẩm như thế để dựng nên một bộ phim theo phong cách hiện thực, lịch sử để người ta có thể tin được là thách thức lớn đối với bất cứ đạo diễn nào. Nếu không nói đây là việc bất khả. Mà xem ra đạo diễn cũng không quan tâm lắm đến độ thật của phim khi cứ nhất quyết phải để một chú chó Nhật lông hung, chân ngắn xa lạ với làng quê Việt vào vai chính.
Theo như bối cảnh trong phim thì nghìn năm kiến trúc của người Việt giống như thất bại khi không dựng được một nơi ở cho ra hồn. Nội ngoại thất từ nhà nghèo đến giàu hay chợ búa đình chùa nói chung đều có vẻ nhuôm nhoam, được chăng hay chớ. Trang phục cũng không khá hơn. Giữa đám đông nâu ưồng nơi chợ tạm lại rực lên mấy cô áo hồng điều chắc có ý để làm điểm nhấn cho hình đẹp mà thôi. Cảnh bà ba xuất hiện với lá cọ khô che mặt ra vẻ đài các thật là… mẫu mực cho cách làm phim tự nhiên chủ nghĩa.
Với tất cả khả năng sáng tạo, kết hợp không giới hạn kiểu đó, nếu đạo diễn chọn một phong cách điện ảnh khác, kỳ ảo, siêu thực… gì đó biết đâu phim lại thành một cú thành công đột phá?! Cậu Vàng với các nhân vật và ý tưởng kịch bản bắt nguồn từ tác phẩm của Nam Cao chắc chắn tạo sức hút lớn cũng như sự kỳ vọng từ phía công chúng. Kỳ vọng nhiều thất vọng lắm âu cũng là sự thường. Với cách làm này, dụng ý tri ân ban đầu của kịch bản chưa biết chừng lại thành phản tác dụng.
Phim đẩy cậu Vàng lên thành biểu tượng quy chiếu cho xã hội loài người. Trong khi các nhân vật phản diện sống bản năng không bằng chó, tính toán cũng kém chó thì Binh Tư vụt trở thành anh hùng nhờ trông gương chó mà sống (!) 
--------------
Nhẽ ra phim này theo tôi phải đạt giải Ốt Ca, Cành cọ vàng các kiểu mới hợp lý. Quá tốn giấy mực rồi nên đăng phát nữa để mọi người khỏi lăn tăn.
Theo Tiền Phong.