Để tôi diễn đạt lại câu nói đó dưới một hình thái khác, để bạn rõ hơn ý tôi muốn nói: Thứ mà người ta gọi là "tích cực độc hại", thật ra là một cái tên người ta nghĩ ra để gán cho một loạt các hành vi tiêu cực khác nhau.
https://www.everydayhealth.com/anxiety/anxiety-and-depression.aspx
https://www.everydayhealth.com/anxiety/anxiety-and-depression.aspx
Tôi vô tình được một người bạn chia sẻ cho xem 1 đoạn ghi hình của Tấn Trung -- Council of Sheep nói về thứ gọi là "tích cực độc hại." Có quá nhiều điều tôi không đồng ý trong đoạn ghi hình đó, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ gói gọn các luận điểm của tôi xung quanh khái niệm "tích cực độc hại" và bỏ qua các luận điểm của Trung về hạnh phúc (mà theo tôi, cũng vô cùng sơ sài và thiếu sót).
Qua vài phút lục lọi trên công cụ tìm kiếm mạng Google, tôi tìm thấy những đặc điểm chung của các trang mạng nói về tích cực độc hại như sau:
- Không thể chia sẻ cảm xúc thực của bản thân;
- Cảm thấy xấu hổ khi phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực;
- Làm ngơ những vấn đề tiêu cực của bản thân;
- Làm ngơ và bỏ qua những vấn đề tiêu cực của người khác...
Như bạn đọc có thể thấy, không có một hành vi nào trên đây có thể được xem là "tích cực" cả. Tất cả các hành vi trên đều là những hành vi tiêu cực, cảm xúc tiêu cực, được gây ra bởi một xã hội hậu hiện đại bỏ rơi con người khiến họ phải tự truy cầu hạnh phúc cá nhân, thỏa mãn cá nhân mà thiếu đi sự hỗ trợ của cộng đồng, gia đình, người thân. Kết quả là, những con người cô đơn kia phải đi tìm kiếm sự cân bằng cảm xúc bằng cách đọc những cuốn sách self-help rẻ tiền, những trang khoa học đại chúng chứa đầy phân bò thời đại mới, những "chuyên gia tâm lý" nửa mùa -- những người không ngừng tuyên truyền những phương pháp chối bỏ bản thân, chối bỏ cảm xúc hòng lập tức xoa dịu nỗi đau tồn tại mà không cần phải giải quyết căn nguyên gốc rễ của vấn đề. Dễ hiểu thôi: Phương pháp chối bỏ bản thân này không yêu cầu người "tư vấn" phải hiểu rõ vấn đề, phải liên kết ở mức độ cá nhân với người đang đau khổ, phải lắng nghe, phải vắt óc suy nghĩ giải pháp thực thụ cho người đang gặp phải vấn đề. Nó có thể được áp dụng cho mọi tình huống, xoa dịu tạm thời được nỗi đau, và vô cùng phù hợp để in ấn và phát hành en masse. Nói cách khác: Cái bạn gọi là "tích cực độc hại", thực ra chỉ là một phương pháp mì ăn liền "lỗi" để ứng phó với nỗi đau hiện sinh, vốn được sinh ra để làm giàu trên đau khổ của con người hiện đại.
Thế nhưng, bằng cách gom tất cả những hành vi tiêu cực ở trên lại dưới một cái nhãn "tích cực độc hại", chúng ta lại sa vào một cái bẫy ngôn từ khác: Nhìn vào sự tích cực nào cũng thấy "độc hại" cả. Và đây là cái bẫy vô cùng nguy hiểm, khiến cho chúng ta không thể vui vẻ đón nhận được sự tích cực một cách đơn thuần và vô tư. Nó khiến cho bạn nghe lời an ủi "Rồi chuyện này cũng sẽ qua đi mà" và cảm thấy bị xúc phạm. Nó khiến cho bạn nghe Đen rap "Bớt than bớt thở, mình khổ một thì họ khổ mười" và thốt lên "Ôi độc hại quá đi!" Phải nói, "tích cực độc hại" là một vấn đề thuần của "thế giới thứ nhất", khi mà vây quanh họ là quá nhiều sự lươn lẹo núp bóng sự tích cực, nhan nhản đập vào tai mắt họ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Còn nếu bạn ở tâm dịch Việt Nam vào thời điểm đỉnh dịch, khi mà tràn ngập bầu không khí là sự bi quan chán nản, là sự tiêu cực, sự không chắc chắn về ngày mai -- thì khi đó, sự tích cực của Đen chính là một liều thuốc bổ, một ngụm nước mát giữa trưa hè bỏng rát cháy khô cổ họng. Khi đó, chẳng có cái gọi là tích cực độc hại đâu -- mà chỉ có tình người, sự quan tâm chân thành lẫn nhau, sự động viên nhau cùng nhau vượt qua thời điểm tối tăm nhất, khó khăn nhất mà thôi.
Vì thế, xin bạn đọc từ nay về sau đừng dùng cụm từ "tích cực độc hại" mỗi khi ai đó an ủi hay động viên bạn nữa (nếu người đó không muốn bán cho bạn cái gì). Thay vào đó, hãy biết ơn họ đã có lòng quan tâm đến mình và nhìn ra được thiện ý của họ muốn giúp mình trở nên tốt hơn. Còn vấn đề tâm lý của bạn, nỗi khổ đau của bạn, tôi xin mạn phép đưa ra 3 bước đơn giản sau để bạn cố làm theo và giải quyết nó. (Nếu vẫn không giải quyết được, hãy tìm đến sự hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất từ người thân, gia đình và xã hội.)
1. Nhận rõ và thừa nhận các cảm xúc tiêu cực của bạn là gì: Buồn bã, thất vọng, giận dữ, ghen tỵ, chán nản...?
2. Nhận rõ và thừa nhận nguồn cơn, căn nguyên của những cảm xúc tiêu cực đó. Do áp lực của người thân, xã hội, do hành động của người khác, do bản thân chưa cố gắng đủ nhiều...?
3. Cố tự đặt bản thân ra khỏi hoàn cảnh hiện tại của mình, làm một người khách quan thứ 3. Nếu bạn nhìn thấy một người khác rơi vào hoàn cảnh đó, theo bạn họ phải làm gì để cải thiện tình huống của họ? Từ đó tìm một lối ra cho bản thân.
Xin cảm ơn bạn đọc đã kiên trì với tôi cho đến đây. Chúc bạn một năm mới như ý, và mong rằng mọi vấn đề của bạn, bạn đều sẽ vượt qua suôn sẻ.

-