Câu hỏi thuộc về không riêng phim tài liệu, mà cả ngành phim. Nó cũng là câu hỏi của bất cứ ai sẽ hoặc đang đặt dấu chân đầu vào việc tìm hiểu một lãnh vực mới mình chưa từng thử qua. Liệu chăng, phim tài liệu bản chất có đáng sợ đến như thế? 
Stealth Isolation: 5 Black documentaries to expand your knowledge ...
Những tựa phim tài liệu về người da màu.
Tôi nghĩ một thứ rất tuyệt của điện ảnh, ấy là nó bao hàm hết tất cả 6 loại hình nghệ thuật cơ bản. Với tính chất của nghe, nhìn, cảm, điện ảnh cho người ta học về nhiều thứ, hơn chỉ là xem một vài bức hình động. Chính như thế, dường như nó là một mảnh đất quá rộng lớn và đầy rủi ro cho những ai muốn thử đặt chân tới. Người ta trước khi bắt đầu, luôn dự cảm về kết quả, rồi chùn bước.
Điện ảnh ngoài nhánh phim thương mại, phim nghệ thuật, có một nhánh dễ thở hơn và có lẽ là thể loại gần gũi nhất với đời sống: phim tài liệu. Tuy nhiên, không tránh khỏi vẫn còn những câu hỏi về khả năng làm phim tài liệu của những người đơn thuần muốn nhưng chưa bao giờ làm. Không có tài liệu có thể làm phim tài liệu?
Về bộ phim
Họa sĩ Bùi Xuân Phái trong một trích đoạn phim "Hà Nội trong mắt ai". Bộ phim đặc trưng với cách làm phim dùng lời dẫn. 
Vậy nhưng thực sự có tài hay chưa lại chưa từng được thử, làm sao biết? Do lối suy nghĩ bi kịch hóa mọi thứ, cùng với một tính cách thiếu tự tin, con người dễ đưa ra những quyết định khi chưa có một trải nghiệm nào. Đôi khi quyết định dựa trên điều hướng từ quan điểm, trải nghiệm của người khác. Một bộ phim tệ hại khi nhiều người phán xét rằng nó tệ hại, và buồn cười là, kể cả khi người thứ n chưa từng xem về nó, hoặc đã xem nhưng không cảm thấy nó tệ hại đến thế thật, cũng vẫn lựa chọn đồng tình với số đông. Cũng thế, người chưa xác định được mình có “tài năng” hay không cũng vì thế mà tự chấp nhận về năng lực giới hạn của bản thân mình.
Cá nhân tôi từng, và thi thoảng cũng vẫn chưa thoát được ra lối suy nghĩ ảnh hưởng bởi số đông. Nhưng nên biết rằng sự việc nào cũng có nhiều hơn một khuôn mặt, mỗi người cũng có đủ loại quan điểm. Quan trọng vẫn là có quan điểm, chưa nói đến việc đúng sai. Có quan điểm đủ mạnh, thì sẽ luôn vững vàng với quyết định của mình.
Tôi có cơ hội học một khóa học chất lượng về Film Study. Sự hiểu về điện ảnh nói chung và phim tài liệu nói riêng được trình bày rất rõ. Qua đây đã gỡ bỏ cho tôi nhiều giới hạn mà tôi tự đặt ra, trước nay nghĩ rằng mình không thể vượt qua để đưa ra một lựa chọn xa hơn cho cuộc đời mình: phải làm một bộ phim trước khi bước qua tuổi 30.
Quay lại với phim tài liệu, tôi thấy rằng nó không hề khó khăn như bạn nghĩ. Trở thành người làm phim chuyên nghiệp thì khó, cần nhiều hơn chỉ là đam mê, nhưng nếu chỉ là hình thức bộ phim cơ bản, thì ai cũng có khả năng. Với phim điện ảnh, diễn xuất của diễn viên, ánh sáng, bối cảnh, góc máy,…là những điều cần chú ý đến. Vậy để làm phim tài liệu, có những yếu tố nào cần lưu tâm?
Cũng giống như phim điện ảnh, phim tài liệu cũng có nhân vật, sự bố trí góc máy, bối cảnh, và một đề tài xuyên suốt. Cái khác biệt lớn nhất ở đây là mọi thứ nguyên mẫu, lấy ngay trong đời sống, chứ không cần những buổi casting kỹ lưỡng. Thay vì chú trọng vào diễn xuất, ánh sáng, bố cục hình ảnh như phim điện ảnh, ở phim tài liệu thứ được để ý nhất là câu chuyện được kể.
Into the Abyss - NYT Watching
Đề tài có ở bát cứ đâu, có thể là cuộc phỏng vấn một tử tù. Như cách Werner Herzog đã làm.
Câu chuyện được làm nên từ sự thật, qua những khắc họa từ góc nhìn của người làm phim. Người làm phim hay không phải trung thành tuyệt đối với sự thật, mà là biết cách dùng chất liệu này để kể câu chuyện mình muốn. Bạn sẽ thắc mắc: Chẳng phải phim tài liệu là kể lại câu chuyện có thật hay sao, vậy thì cần gì phải mất công suy nghĩ, cứ quay là xong thôi.
Thực ra không dễ dàng như vậy. Có từng bước mà cơ bản phải tuân theo khi làm phim tài liệu: chọn đề tài, tìm kiếm nhân vật và bối cảnh phù hợp, cuối cùng là quay phim. Đề tài này có thể là bất cứ chuyện gì, từ mạng xã hội đến việc đồng áng. Sau khi đã chốt đề tài, thì tiến hành tìm nhân vật và bối cảnh. Phần này cũng không quá khó, và đôi khi nó đi song song với việc tìm đề tài, vì bạn có thể nảy ra việc muốn làm phim về một hoàn cảnh nào đó khi ngang qua đường và thấy họ, hoặc tự nhiên nghĩ đến. Không nhất định phải rạch ròi, nhưng cuối cùng phải biết được mình sẽ quay ai, quay cái gì, và quay về câu chuyện gì. Cùng là về một người xích lô, nhưng có người kể chuyện về cuộc đời ông vất vả ra sao, có người lại muốn chú trọng nói về mối quan hệ của ông với những người xung quanh chẳng hạn.
How to watch WCPO's documentary
Không nhất định phải rạch ròi, nhưng cuối cùng phải biết được mình sẽ quay ai, quay cái gì, và quay về câu chuyện gì. 
Bước cuối cùng đồng thời cũng là công đoạn tiêu tốn nhiều tâm sức nhất: tiến hành quay phim. Khi đã xác định được bối cảnh, bạn phải có một kịch bản sơ lược về việc sẽ quay gì, thời điểm nào. Không giống như kịch bản điện ảnh cần lời thoại, dàn trang, kịch bản phim tài liệu là những phần nội dung được sắp xếp theo timeline ( bao gồm vị trí máy quay, cỡ hình, lời dẫn,…) cho từng cảnh quay.
Vấn đề lời dẫn trong phim tài liệu cũng gây nên nhiều tranh cãi. Đó có thể là một cách hay để đưa ra quan điểm của người làm phim, đi cùng với một chất giọng truyền cảm, có thể tạo nên chất riêng cho bộ phim của anh. Nhưng nó cũng sẽ là quá chủ quan, và áp đặt, khiến người xem không được tự do cảm nhận theo cách của mình. Từ đó, dẫn đến những lối làm phim tài liệu sáng tạo khác.
Bản chất của phim tài liệu là trình hiện một vấn đề với sự tham gia ít nhất của người làm phim, nhưng phải có tác động để hình thành bộ phim. Cơ bản là dựa trên 2 khái niệm chính: sự thật và hiện thực. Sự thật là những thứ được đưa lên màn ảnh, nó không sai, nhưng không phải toàn bộ bức tranh, nó chỉ là những gì đạo diễn muốn người xem nhìn thấy. Ngoài cách dẫn truyện như đã nói, họ còn có thể đặt câu hỏi trực tiếp, và không tránh né việc cuộc trò chuyện với người quay phim được thu lại. Ở cách làm này, người quay phim dường như trở thành một diễn viên, qua góc nhìn và các mẩu đối thoại mà giúp người xem đọc được câu chuyện đang diễn ra quanh họ.
Người ta nhận ra một điều, là tính tự nhiên rất quan trọng đối với phim tài liệu. Điều này khó có được hoàn toàn trong một bộ phim mà người ta trao đổi bằng các câu hỏi dành cho nhân vật, vì ít nhiều cũng có một khoảng cách nhất định. Việc cởi mở để chia sẻ về bản thân trước một ống kính máy quay đang hướng về mình, là không hề dễ dàng, kể cả họ đã biết ý định của người làm phim và tin tưởng tuyệt đối. Vì nhân vật không phải diễn viên chuyên nghiệp, sẽ khó tránh trường hợp họ liên tục nhìn vào máy quay, có thể tâm lý còn đi kèm một chút lo âu.
Để xử lý khó khăn này, nhà làm phim có những cách quay đặc thù nhằm hạn chế tối đa việc người được quay hướng mắt về ống kính. Có thể là qua những chiếc máy quay cỡ siêu nhỏ, hoặc một người quay phim đứng tách biệt, hoặc một chiếc máy quay ẩn đâu đó trong nhà,… Bên cạnh đó, có nhiều đạo diễn lớn đã cố gắng làm chính hiện diện của người quay phim trở nên trong suốt. Đơn cử như Federick Wiseman. Ông không kể câu chuyện theo ý mình, không dẫn chuyện, cũng không đặt câu hỏi cho nhân vật. Ông chỉ đơn giản là bước vào bối cảnh, đứng đó với máy quay siêu nhỏ gắn đâu đó trên cơ thể, và những gì diễn ra sẽ được ghi lại chân thực gần như tuyệt đối. Sự hiện diện của người quay phim trong phim của ông là không cần thiết. Với những đạo diễn như vậy, họ đã tiệm cận được “hiện thực”- ao ước của người làm phim tài liệu.
Một đoạn trích trong bộ phim High School của Federick Wiseman:
Đó là vài liệt kê cho những cách làm phim tài liệu phổ biến, chỉ để nói rằng: sự hoàn hảo tuyệt đối không nên là tiêu chí khi làm phim. Cũng có nghĩa, không có làm phim đúng hay sai, chỉ có cách làm phim “phù hợp”. Bạn sẽ tự tìm ra lối làm phim phù hợp nhất với mình, vì mỗi người có một định hướng khác nhau. Người khác làm tốt ở phong cách dẫn truyện phim không có nghĩa bạn cũng thế, và ngược lại. Như bất cứ một sự sáng tạo nào, phim tài liệu cần thử, và sai. Vì dựa trên hiện thực, nên nó giống như một món ăn đường phố đơn sơ, nhưng lại chứa đựng cả một dòng chảy văn hóa, môt lát cắt đời sống. Nó không phải dạng nghệ thuật tô vẽ cho đẹp, vẻ đẹp của nó đến từ chính nó, từ chính những cái thiếu chỉn chu. Nếu là một người xem, đừng khó khăn quá khi bắt gặp một bộ phim tài liệu màu sắc nhợt nhạt, hình ảnh từ máy hand-held hơi rung giật, hay những bản audio lẫn lộn với tạp âm. Chẳng phải, cuộc sống thực luôn chứa đựng những điều đó hay sao?
Cinema is not the reflection of  reality, but the reality of reflection- J.L. Gordard"
Thế nên là một người đang và sẽ tiếp tục làm phim, tôi nghĩ rằng chúng ta, bao gồm cả tôi và những người có cùng chí hướng như vậy, đầu tiên là phải vứt bỏ câu hỏi kia đi. Rất hiếm những tài năng thiên phú, mà dù có chăng nữa, họ cũng cần nhiều thật nhiều nỗ lực mới đạt tới thành công. Đừng than thở hay lo lắng khi chưa thực sự trải qua, vì có thể bạn có khả năng, tại sao lại hạn chế nó? Đời người là 70-80 năm, còn thời lượng một bộ phim tài liệu chỉ vỏn vẹn khoảng 30'-1 tiếng. 
Với ý kiến của tôi, mỗi câu chuyện phim có số phận riêng, cuộc sống riêng. Nên làm phim cũng như bạn đã nhân bội lên những trải nghiệm trong đời mình. Mấy chục năm của một nhà làm phim, có thể hơn trăm năm với những người khác. Hay có lẽ, đã phấn đấu trong ngành nghệ thuật nào, thì ai cũng buộc phải già sớm và thấu hiểu hơn một chút...
8 June* film & talk: Krzysztof Kieślowski – Amator/Camera Buff ...
Dù sao, phải cân bằng cuộc sống và việc làm phim. Đừng nên như anh chàng này. ( Camera Buff- dir. Krzysztof Kieślowski )