Bức ảnh chụp bởi phóng viên AP Evan Vucci
Bức ảnh chụp bởi phóng viên AP Evan Vucci
"Fight! Fight! Fight!"
Donald Trump hô lên, xua đi bầu không khí sợ hãi đang bao trùm đám đông xung quanh. Trước đấy chỉ vài giây, một loạt đạn bắn ra từ một nóc nhà gần đấy nhắm vào Trump, nhưng ông ấy đã thoát chết một cách thần kì.

Thoát chết trong gang tấc

Chiều chủ nhật 13/7 vừa qua, Donald Trump tổ chức một buổi vận động tranh cử tại Butler, bang Pensylvania. Một tay súng, bằng cách nào đó, đã leo lên một nóc nhà gần đó và nổ súng nhắm vào Trump. May mắn là Trump chỉ bị đạn sượt qua tai, tuy nhiên một người tham dự đã chết và 2 người khác bị thương. Tay súng đã bị hạ ngay lập tức sau đó bởi đặc vụ.
Vụ việc trở thành tâm điểm lớn nhất thế giới trong những ngày vừa qua. Dù rằng vụ việc vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ và cần điều tra, khó có thể phủ nhận được rằng Trump được lợi rất lớn: không chỉ là thoát chết trong gang tấc, mà còn là những hình ảnh như bức ảnh trên. Và bức ảnh này sẽ trở thành sự lựa chọn của lịch sử khi nói về vụ ám sát hụt Trump vào ngày 13/7.

Phản ứng của các bên

Hiển nhiên là phe cánh hữu, gồm đa số là thành viên Đảng Cộng hòa, càng ủng hộ Trump hơn. Một số người ví von là Trump đã được Chúa cứu sống. Nhiều người kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra ngay lập tức vụ việc này. Hệ quả là Giám đốc Sở Đặc vụ Mĩ đã phải trả lời chất vấn trước Quốc hội và bị áp lực phải từ chức sau đó ít lâu. Vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, và nhiều người vẫn tiếp tục kêu gọi Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa (cơ quan quản lý Sở Đặc vụ) phải chịu trách nhiệm.
Ngay tuần sau đó, Trump đã tham gia hội nghị của Đảng Cộng hòa và nhận được sự ủng hộ để ứng cử Tổng thống. JD Vance được Trump chọn làm Phó Tổng thống. JD Vance, người từng là Never Trumper, nay đã trở thành cánh tay phải của Trump. Điều này thể hiện khả năng lãnh đạo mà chiêu mộ người tài của Trump. Với cánh hữu, JD Vance có xu hướng chính trị thậm chí còn cứng rắn và bảo thủ hơn Trump, vậy nên điều này cũng làm giảm rủi ro ám sát trong tương lai – bởi nếu Tổng thống đột ngột qua đời khi còn nhiệm kì thì Phó Tổng thống sẽ kế nhiệm.
Ở phía bên kia, phe cánh tả có nhiều phản ứng khác nhau. Đa số lãnh đạo của Đảng Dân chủ - trong đó có chính quyền của Biden – đều bày tỏ sự cảm thông với Trump. Khó có thể phản ứng trái chiều với một hình ảnh mạnh mẽ như vậy của Trump. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau thì trên mạng xã hội (đặc biệt là Threads) tràn ngập tin giả về Trump: nào là vụ ám sát hụt được dàn dựng bởi Trump, nào là Trump không trúng đạn mà chỉ là một mảnh kính vỡ, nào là Trump đi chơi golf mà không hỏi thăm gia đình nạn nhân. Có đến 1 trong 3 thành viên của Đảng Dân chủ tin vào thuyết âm mưu rằng vụ ám sát hụt là được dàn dựng.
Đứng trước hình ảnh Trump mạnh mẽ, các lãnh đạo của Đảng Dân chủ nhận ra rằng Biden gần như chẳng còn cơ hội để thắng nếu đối đầu với Trump – đặc biệt là sau màn tranh luận tệ hại trước đó. Áp lực đè lên Biden, những tin tức xung quanh lãnh đạo Đảng Dân chủ khuyến nghị Biden dừng tái tranh cử được “rò rỉ” có chủ ý trên truyền thông chính thống. Bất ngờ, Nhà trắng thông báo Tổng thống Biden bị nhiễm covid vào ngày 17/7 và biến mất khỏi công chúng từ đó – cho đến khi đột ngột đưa ra tuyên bố ngừng tranh cử trên tài khoản X cá nhân của Biden vào ngày 21/7. Việc chỉ đăng thông báo trên X mà không có bất cứ buổi họp báo hay ghi hình nào tại thời điểm đó càng dấy lên nhiều nghi vấn – khi mà nhiều người cánh hữu hiểu rằng bản thân Biden không thể nào tự mình đăng bài như thế được (thường là có handler đăng hộ). Có người cho rằng lãnh đạo Đảng Dân chủ đã đánh úp nhân lúc Biden đang bị bệnh, ép buộc ông phải kí tên vào thông báo ngừng tái tranh cử.
Dù có vì lý do gì thì sự đã rồi, và Kamala Harris trở thành sự lựa chọn “hiển nhiên” – bởi bà là Phó Tổng thống hiện thời. Bà được chỉ định là ứng cử viên của Đảng Dân chủ vào ngày 22/7, chỉ một ngày sau khi Biden tuyên bố ngừng tái tranh cử. Tuy vậy, việc Harris được chỉ định bởi giới lãnh đạo Đảng Dân chủ vấp phải nhiều phản đối từ nội bộ phe cánh tả. Đáng chú ý nhất, tổ chức Black Lives Matter chỉ trích việc Harris được chỉ định mà không thông qua bầu cử nội bộ dành cho các cử tri Đảng Dân chủ. Thật là một sự trớ trêu chua xót khi mà Đảng Dân chủ đã không hề “dân chủ” như những gì họ hứa hẹn với chính cử tri của mình.

Cuộc chiến vẫn không cân sức?

Ngay lúc tôi đang viết những dòng cuối này, Facebook chợt gửi thông báo cho tôi rằng bức ảnh chụp Trump tôi đăng trên Facebook là “ảnh đã bị chỉnh sửa” và bị gắn “fact-check” – trong khi bức ảnh đó chính là bức ảnh tôi dùng ở phần đầu bài viết này. Lý do của họ là vì bức ảnh của tôi trông “gần giống” với một số bức ảnh bị chỉnh sửa, với phần chỉnh sửa là khuôn mặt của các đặc vụ đang tươi cười. Họ nói thêm rằng những “bức ảnh bị chỉnh sửa” đó đang tràn lan trên mạng xã hội và vì cần phải fact-check. Điều này thật kì quái, bởi với người theo dõi tin tức chính trị Mĩ trên mạng xã hội là chủ yếu như tôi, tôi chưa hề thấy bất kì “bức ảnh bị chỉnh sửa” nào cả. Tạo ảnh giả, tạo lan truyền giả rồi gắn fact-check giả là quá đơn giản.
Thông báo về fact-check bị gắn vào ảnh tôi đăng trên Facebook
Thông báo về fact-check bị gắn vào ảnh tôi đăng trên Facebook
Cùng lúc đó, trên X rộ lên cáo buộc Google đang can thiệp vào kết quả tìm kiếm để ẩn đi gợi ý cho cụm từ “assassination attempt trump”. Nếu bạn gõ vào ô tìm kiếm từng từ, bạn sẽ không thể thấy được “trump” nằm trong số những gợi ý đó.
Không có gì khó để nhận ra rằng đây chính là âm mưu can thiệp bầu cử của Big Tech, y hệt những gì đã xảy ra vào năm 2020 với bản tin về laptop của Hunter Biden (con trai của Joe Biden). Nếu các bạn chưa biết thì vào kì bầu cử năm 2020, New York Post có một bài báo về việc laptop của Hunter Biden chứa những hình ảnh và thông tin nhạy cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của Joe Biden khi đang tranh cử. 51 “cựu sĩ quan tình báo” đã viết một bức thư mở và nhấn mạnh rằng những thông tin và hình ảnh trên chiếc laptop đó “có dấu vết của tình báo Nga làm tin giả”. Sau đó, bài báo của New York Post đã bị chặn trên tất cả các nền tảng mạng xã hội phổ biến, tài khoản chính thức của New York Post bị khóa, New York Post bị đe dọa phải xóa bài báo đó đi thì mới được khôi phục tài khoản. Những gì sau đó được lột trần trong Twitter Files đã cho thấy rằng chính phủ Mĩ dùng sức ép từ các cơ quan tình báo để kiểm duyệt bài báo đó. Vậy điều này có đang xảy ra lại một lần nữa đối với sự kiện Trump bị ám sát hụt không?
Tôi hi vọng các bạn đã có câu trả lời.
P/S: Meta thông báo rằng việc gắn nhãn kia chỉ là "sơ sót" và việc này đã được khắc phục (nhưng ảnh trên Facebook của tôi vẫn còn). Hẳn là cái gì cũng có thể đổ cho "thằng đánh máy" được.