"Mọi người có những con đường khác nhau để tìm kiếm sự viên mãn và hạnh phúc. Họ không đi cùng con đường với bạn không có nghĩa là họ đã đi sai đường.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma
Đã bao giờ bạn từng cảm thấy thôi thúc phải sửa chữa một ai đó? Sửa chữa ở đây ý tôi là quan sát hoàn cảnh của họ và nói với họ những gì họ đang làm theo bạn là sai lầm và chỉ họ chính xác cách mà theo bạn họ nên làm để sửa chữa?
Tất cả chúng ta đều đã từng như vậy. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi.
Đặc biệt là với người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết.
“Nếu anh ấy chịu nghe lời tôi và làm theo những gì tôi bảo thì mọi thứ đã êm xuôi rồi!”
Bạn nghe câu này có quen không?
Tuần trước, tôi có ngồi uống trà với một người bạn thân (tên cô ấy là Sally), và cô ấy đã bực bội kể cho tôi câu chuyện về cách mà em gái cô ấy đã lãng phí cuộc đời như thế nào với công việc văn phòng của mình trong khi cô ấy là một người đầy tính sáng tạo và cô ấy nên làm một công việc liên quan đến sáng tạo. Và cô ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc (theo Sally nghĩ thì là như vậy). Mà rõ ràng là cô ấy lại không làm như thế (cũng lại theo ý của Sally).
 Sally tiếp tục kể (với bao nhiêu là bực bội) rằng cô ấy đã gọi cho em gái mình và truyền đạt ý tưởng này với cô em. Bởi vì Sally thấy mình đúng và rằng em gái cô ấy cần được cứu vớt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khi ý tưởng của cô ấy không được đón nhận. Thực tế, em gái của Sally thấy hơi phật ý, và không làm theo lời khuyên, hoặc chống chế qua loa.
Tôi cá rằng em gái của Sally thậm chí còn không thèm để ý tới lời khuyên. Một phút cũng không. Và không phải do cô ấy phản đối mà phần lớn là do cô ấy cảm thấy khó chịu khi bị yêu cầu phải làm điều gì đó. Rốt cuộc, cô ấy đã không hỏi ý kiến của Sally.
Và đây chính là vấn đề đầu tiên.
Nếu một ai đó không hỏi ý kiến của bạn, thì họ cũng không sẵn sàng lắng nghe ý kiến đó.
Điều này nghe có vẻ thực sự rất đơn giản.
Khi bạn đưa ra một câu hỏi lý do là bởi bạn mong muốn lắng nghe các câu trả lời.
Điều đó có nghĩa là bạn thấy thích thú với chủ đề được đưa ra thảo luận.
Xa hơn, điều này có nghĩa là bạn đang xem xét câu trả lời với sự quan tâm và (một cách đầy hi vọng) sẽ đưa ra quyết định với một lập trường không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cho dù bạn có đồng ý với ý kiến đó hay không.
Điều trái ngược xảy ra khi một ý kiến – dù với ý định tốt – được đưa ra mà không có sự đồng ý từ bạn.
Nếu em gái của Sally gọi điện và xin lời khuyên của cô ấy thì kết quả đã hoàn toàn khác.
Những năm tuổi hai mươi, tôi nhớ trong một lần ngồi uống trà với mẹ mình và hào hứng nói về một ý tưởng kinh doanh mới mà tôi vừa có. Lúc đó, mẹ tôi là người thuộc thế hệ cũ, với suy nghĩ sự ổn định trong công việc là ưu tiên hàng đầu, và đối với bà an toàn nhất là có một công viện ‘ổn’ tại một công ty ‘ổn’ và cứ làm ở đó mãi cho đến tận lúc về hưu hoặc qua đời (tùy cái nào đến trước).
Không có gì là bất ngờ, phản ứng của bà trước ý tưởng của tôi hoàn toàn là sự hoài nghi. Ngay lập tức bà thể hiện điều đó qua lời nói. Nói rất to tiếng. Và đầy chỉ trích.
Thời gian đó, tôi chưa có được nhận thức như bây giờ. Tôi đã không nhận ra rằng việc đó đơn giản chỉ là những nỗi sợ hãi của bản thân bà được phản chiếu lên tôi và chẳng có vấn đề gì nơi tôi cả. Lúc đó tôi đã phản ứng lại. Cực kỳ gay gắt. Và tôi đã coi đó là vấn đề của mình.
Rốt cuộc tôi có hỏi ý kiến của mẹ đâu. Tôi chỉ đơn giản là chia sẻ một ý tưởng thôi mà.
Tôi đã kỳ vọng rằng mẹ sẽ thấy hứng thú với lòng nhiệt huyết của mình. Và ủng hộ, tin tưởng khả năng phán đoán của tôi.
Thay vào đó, tôi lại nhận về sự phản đối gay gắt. Và tôi bắt đầu thấy nghi ngờ bản thân.
Và tôi rất tức giận với mẹ mình.
Nhưng điều quan trọng nhất là tôi không còn chia sẻ những ước mơ của mình với mẹ. Và dần dần theo thời gian, tôi càng ngày càng ít nói chuyện với bà. Bởi vì tôi biết rằng bà sẽ đưa ra những ý kiến (kinh khủng). Biết thế nên tôi chẳng bao giờ hỏi han gì hết.
Vấn đề thứ hai là, bạn đang cho rằng có một người cần phải ‘sửa chữa’, rằng những gì họ đang làm là ‘sai’.
Hành trình của chúng ta trong kiếp sống này là của riêng mỗi người. Chúng ta là người duy nhất biết được điều gì là tốt nhất cho chính mình. Và chỉ chúng ta mới có cái nhìn đầy đủ về mọi yếu tố trong cuộc sống và cách chúng phục vụ cho chúng ta.
Ngay cả khi chúng ta đang phải đối mặt với những thử thách, chúng cũng là những thử thách chúng ta phải đương đầu theo cách của riêng mỗi người. Và cho đến khi chúng ta tìm ra cách phù hợp.
Đúng vậy đó, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm trước mọi thất bại, nhưng đó chẳng phải là nơi giúp chúng ta trưởng thành hơn sao? Đưa ra các lựa chọn và sau đó là đương đầu với những kết quả dù tốt hay xấu?
Có lẽ em gái của Sally cảm thấy thoải mái với công việc văn phòng hiện tại của mình. Có lẽ cô ấy cảm thấy an toàn với nguồn thu nhập ổn định. Và có lẽ cô ấy phát huy tính sáng tạo của bản thân theo một cách khác trong qua công việc hiện tại.
Có thể từ quan điểm của cô ấy, cô ấy không có vấn đề gì.
Quan hệ giữa bố mẹ tôi rất kinh khủng. Tối thiểu đó là những gì mà tôi tự nói với bản thân mình.
Họ cãi nhau như cơm bữa.
Hình như họ chưa từng bày tỏ chút xíu tình cảm nào.
Tôi luôn tự hỏi rằng tại sao họ vẫn ở với nhau. Chắc chắn cả hai sẽ hạnh phúc hơn khi chia tay? Mối quan hệ này chỉ đơn giản là một sai lầm.
Theo quan điểm của tôi, nó phản ánh bản chất của mọi điều bạn không nên làm hoặc không nên tiếp tục một mối quan hệ bất kỳ. Và tôi đã nói điều này với mẹ mình. Cho dù bà không hề hỏi tôi.
Một thời gian ngắn sau đó cả hai đều nghỉ hưu, ông bà chuyển đến miền biển để ở gần các cháu hơn. Bố tôi đã từng là một con nghiện công việc và trong suốt quãng đời đi làm, ông đã đi công tác rất nhiều. Chẳng có gì ngạc nhiên là điều này thực sự phù hợp với mẹ tôi. Bà thích ở một mình. Bây giờ khi về hưu bố tôi ở nhà. Toàn thời gian. Và theo sau bà khắp nơi như một chú cún.
Bà không thích điều đó. Cực kỳ không thích. Và sẽ trút điều này lên tôi bất kỳ lúc nào có cơ hội.
Theo quan điểm của tôi, câu trả lời đã rõ ràng. Đã đến lúc kết thúc sự gắn kết giả dối. Và tôi nói với bà điều đó. Với lý lẽ hùng hồn và sự công tâm lành mạnh.
Rất đơn giản. Bà chỉ làm Đúng Như Những Gì Tôi Bảo.
Nhưng bà lại không làm như thế. Tôi thậm chí còn cho rằng bà không thực sự lắng nghe những gì tôi nói. Bà làm những gì mà tất cả chúng ta đều làm khi chúng ta nhận được những lời khuyên không mời mà tới đối với các vấn đề của mình: Bà có thái độ phòng thủ. Cực kỳ bảo vệ cuộc hôn nhân và bố tôi.
Và hai mẹ con tôi tranh cãi cực kỳ gay gắt và to tiếng. Và sau đó chúng tôi đã không nói chuyện với nhau trong nhiều tuần liền vì cả hai đều giữ im lặng đầy phẫn nộ. Tôi đã hoàn toàn cho rằng mình đúng.
Tuy nhiên, giờ đây tôi đã trưởng thành hơn và hiểu biết hơn, tôi có thể nhìn nhận lại và thấy được rằng trong thế giới của bố mẹ tôi điều đó hoàn toàn bình thường.
Với họ.
Việc đó là bình thường.
Với cả mẹ tôi lẫn bố tôi.
Chúng ta có thể không bao giờ hiểu được hoàn cảnh của một người (cho dù nhìn vào thấy chúng có vẻ rất tồi tệ), vì những điều đó sẽ giúp ích cho họ nếu nhìn nhận trong bức tranh tổng thể về hành trình cuộc đời của mỗi người.
Chúng ta có thể không bao giờ hiểu được thế giới quan của một người về một sự kiện mà chúng ta đánh giá là tồi tệ hay sai lầm.
Có thể trong thế giới của họ, điều đó là đúng đắn hoặc phù hợp.
Thật đau khổ (cực kỳ đau khổ thì đúng hơn) khi phải chứng kiến những người mà chúng ta yêu thương đang phải trải qua giai đoạn khó khăn. Bản năng của chúng ta là muốn giúp đỡ hay sửa chữa.
Nhưng hãy nhớ rằng:
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, nghĩa vụ duy nhất của chúng ta là hiện diện và chứng kiến một cách vô điều kiện. Tất cả chỉ có vậy thôi. Chúng ta chỉ mong muốn sửa chữa một ai đó bởi vì kết quả cuối cùng là nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn.
Tại sao chúng ta lại cảm thấy không thoải mái khi ai đó thân quen đang phải đối diện với thách thức? Có lẽ đó chính là câu hỏi mà chúng ta cần phải hỏi chính mình.
Đôi khi cảm giác không thoải mái là động lực cần thiết để người đó thực hiện một số thay đổi. Khi họ đã sẵn sàng. Chứ không phải là chúng ta sẵn sàng.
Hãy tin tưởng rằng sự phán đoán mà họ đưa ra là phù hợp với họ cho dù chúng ta đồng ý hay không đồng ý.
Hãy tôn trọng hành trình của họ.
Hãy nghĩ về những điều này khi lần tới bạn cảm thấy cần phải sửa chữa một ai đó.
Đó chính là thời khắc bạn phát triển.  

Tác giả: Jacky Exton
Người dịch: Mộc Yên
(Nguồn ảnh: unsplash.com)