Giới thiệu tác giả

St John Chrysostom (thánh Gioan Kim Khẩu) (349 - 407) là Tổng giám mục thành Constantinopolis. Ông nổi tiếng bởi tài hùng biện trong thuyết giáo và diễn thuyết, bởi tính cương trực khi quở trách những hành vi lạm quyền trong giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo và bởi quan điểm của ông về nếp sống khổ hạnh. Ông được hầu hết các giáo hội Kitô giáo tôn nhận là một vị thánh, và được Chính Thống giáo Đông phương xưng tụng là một trong ba giáo phụ vĩ đại (cùng với Basiliô Cả và Grêgôriô Nazianzênô). Ông cũng được Giáo hội Công giáo Rôma phong là một trong bốn đại Tiến sĩ Hội Thánh.
St John Chrysostom
St John Chrysostom

No One Can Harm the Man Who Does Not Harm Himself (lược dịch từ New Advent)

Chúng ta có nhận định chung về loài người, một nhận định đã bén rễ sâu vào tư tưởng dân chúng, như sau: "Mọi thứ", tư tưởng đó nói, đã bị đảo lộn, loài người đầy tràn những hoang mang và ngày ngày biết bao kẻ bị đối xử bất công, bị nhục mạ... nhiều không kể xiết những nạn nhân của mưu đồ và khổ đau. Kỷ cương phép tắc hay nỗi sợ pháp trường, hay điều gì cũng không thể ngăn chặn dịch bệnh này, mà tội ác cứ gia tăng; còn những thẩm phán được giao trọng trách cải tổ, chính họ lại đổ thêm dầu vào ngọn lửa hỗn độn. Những điều này xảy ra khắp nơi, thành thị, nông thôn, sa mạc, biển và đất liền.
Do đó vì sự cần thiết mà hùng biện của chúng tôi trực tiếp phản bác luận điệu trên để đưa ra một lập luận mới, và như tôi đã nói, sẽ trái với ý kiến số đông, tuy nhiên lại đúng đắn. Điều tôi sẽ chứng minh là không ai bị thương lại đang bị tổn hại bởi người khác, mà đang chịu đau khổ do chính tay họ gây nên.
Để luận điểm của tôi rõ ràng hơn, đầu tiên ta hãy tìm hiểu về bất công nhân đức. Giả sử mỗi sự vật [có một đức tính và] phải chịu một cái họa làm hư hại đến sự vật ấy: sắt bị gỉ, vải bị côn trùng gặm, cừu bị chó sói ăn thịt. Đức tính của rượu bị tổn hại khi nó lên men và chuyển vị chua, tương tự khi mật ông mất vị ngọt, biến thành thứ nước đắng. Bông lúa gặp nấm mốc và khô hạn, các loài cây bị sâu ăn, các loài vật chịu nhiều bệnh, và nhất là thân xác con người khi ốm đau, liệt giường và đủ thứ bệnh tật khác.
Giờ ta hãy xem cái gì làm tổn thương loài người, cái gì làm hại đến nhân đức. Người ta sai lầm khi cho rằng đó là nghèo đói, bệnh thân xác, mất của cải, thiên tai, chết chóc, rồi than thở về những điều ấy. Rồi người ta xót tù nhân trong hầm ngục, cho kẻ đi đày biệt xứ, kẻ bị tước mất tự do, bị chết đuối, chết thiêu, chôn vùi trong căn nhà sập. Nhưng không ai than khóc cho những người sống trong đồi bại: trái lại, khủng khiếp hơn hết, những kẻ này lại được tung hô, một hành động gây nên mọi kiểu gian ác.
Vì thế, hãy cho phép tôi chứng minh rằng không sự việc nào nhắc tới ở trên lại làm tổn hại đến người sống tỉnh táo, cũng không thể phá hủy nhân đức của anh ta.
Nhân đức của con ngựa là gì? Có phải yên cương gắn vàng, vải phủ lụa là, tấm che đầu đính ngọc? Hay là tứ chi nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bước đi cân đối, bộ móng hợp với giống ngựa, sự can đảm, bình tĩnh trên chiến trường và có thể cứu người cưỡi nó khỏi đám đông? Vậy cũng như ngựa, lừa, cây nho, cây ô-liu, ta không thể nói rằng những món trang trí đóng góp chút gì cho đức tính của riêng những loài đó. Ta hãy đối xử tương tự với con người. Nhân đức là gì? Không phải giàu sang để sợ nghèo khó, không phải sức khỏe để sợ ốm đau, không phải dư luận để cảnh giác tiếng xấu, không phải sự sống vì chính nó, bởi cái chết sẽ thành khủng khiếp với anh, không phải tự do để tránh nô lệ, mà giữ lấy điều răn đúng và sống ngay thẳng, điều này cả ma quỷ cũng không thể cướp lấy khỏi con người.
Cũng bởi lý do này ma quỷ đã tước đoạt phương tiện sống của ông Job, không phải để biến ông thành nghèo khổ, mà để thúc đẩy ông nói ra những lời phạm thượng. Ma quỷ hành hạ thân xác ông Job không phải để khiến ông ốm yếu, mà để tấn công vào nhân đức của linh hồn ông. Nhưng sau tất cả những điều ấy, ma quỷ không những chẳng gây được tổn thất gì mà lại khiến ông Job được vinh dự qua chính những mưu đồ chống lại ông. Ma quỷ chẳng những thất bại khi cướp của cải của ông mà lại giúp ông tăng thêm gia tài nhân đức. Bởi sau tai họa này chính ông Job có được lòng tin tưởng mạnh mẽ hơn, vì đã chiến đấu trong thử thách nghiêm ngặt. Một người trải qua đau khổ như vậy, không bởi bàn tay con người, mà bàn tay của ma quỷ đồi bại hơn hết thảy, lại không chịu tổn thất, thì ai còn có thể than vãn người này người nọ đã làm tổn thương tôi?
Rồi thì sao? Chẳng phải ma quỷ đã làm hại Adam, khiến Adam bị đuổi khỏi thiên đường sao? Không. Nguyên nhân là sự nhu nhược, thiếu tiết độ và cảnh giác từ chính kẻ bị hại. Ma quỷ không thể điều khiển Adam nếu Adam không phản bội chính mình.
Thế còn kẻ bị nhục mạ, bị tịch thu của cải, tước quyền thừa kế và lao nhọc trong nghèo khổ thì sao? Không! Nếu tỉnh táo thì anh ta đã được lợi từ việc ấy. Các bạn nói tôi xem, những việc trên có ảnh hưởng gì tới các tông đồ hay không? Mà đây chính là lý do tại sao các ngài lại lừng lẫy, vĩ đại và được Thiên Chúa giúp sức nhiều đến vậy. Vậy không ai bị ai làm hại cả, hơn nữa người biết cẩn trọng sẽ đạt được nhiều lợi ích từ những cuộc tấn công này.
Thế mục đích của hình phạt là gì? Mục đích của hỏa ngục là gì nếu không ai bị tổn hại? Điều tôi muốn nói là kể cả không có ai bị hại, thì vẫn có những kẻ gây điều ác. Những người anh của Giu-se lập mưu hại em mình, nhưng bản thân Giu-se không hề hấn.
Thiên Chúa không hủy bỏ hình phạt xét trên nhân đức của người bị hại; Ngài ra lệnh phạt theo ác ý của kẻ làm việc tội lỗi.
Người làm điều ác là người bị tổn thương nhiều nhất và chịu đựng cái ác tàn bạo nhất. Khi chẳng hạn một người bị đánh đập tàn nhẫn, mà thốt lên câu nói phạm thượng, thì anh ta đã chịu một tổn thương lớn trong tâm hồn, nhưng lại không bởi tay thủ phạm mà bởi tâm hồn ti tiện của chính anh ta. Cũng không một ai, dù tồi tệ đến mấy, có thể tấn công cách hiểm ác cho bằng ma quỷ, vậy mà nó cũng không có quyền năng làm lung lay người sống ngay thẳng trước luật pháp, cho dù có bị giáng đòn gay gắt từ mọi phía. Đó chính là sức mạnh của một linh hồn cao cả.
Vì thế không có bất kỳ ai chạm được đến một người quyết tâm không tự làm hại chính mình: nhưng nếu chính anh ta không sẵn lòng tiết độ và không tự trợ giúp bằng nguồn lực của bản thân, thì không ai có thể giúp anh ta cả. Như Thánh Kinh đã thuật lại cuộc đời con người thuở xa xưa, từ Adam tới Đấng Ki-tô: Thánh Kinh cho ta thấy những ai bị đánh ngã và những ai đã chiến thắng trong thử thách, nhằm làm gương cho chúng ta. Bởi không phải do áp lực hay hoàn cảnh, hay thời cuộc hay đổi, hay một rừng tai ương cũng không làm lay động một người dũng cảm, tiết độ và thận trọng; ngược lại ai biếng nhác uể oải là kẻ phản bội chính mình và không thể khá hơn được cả khi có vô số sự giúp đỡ. Chúng ta hiểu điều này ít ra qua dụ ngôn người xây nhà trên đá và người xây nhà trên cát. Chúng ta hãy rút ra ý nghĩa của đá và cát là nhân đức và các thói hư tật xấu. Nếu căn nhà xây trên cát dễ dàng bị cuốn đi, thì không phải do mưa gió mà do chính sự ngu ngốc của anh ta; căn nhà không sập vì gió thổi, mà vì được đặt trên cát, tức là trên lười biếng và tội lỗi. Trước khi gió thổi tới, nền móng đã lún xuống, và sẵn sàng sụp đổ. Kẻ phản bội chính mình, thì dù chưa có ai quấy nhiễu cũng tự sa ngã và tiêu tan. Judas bỏ mạng, không những chưa trải qua thử thách nào, mà còn sau khi đã được hưởng rất nhiều trợ giúp.
[...]
Vì thế khi biết những điều này và nhiều ví dụ tương tự từ Thánh Kinh, chúng ta cho rằng không khó khăn nào do mùa màng, hay các biến cố, hay bị cưỡng ép, hay thẩm quyền độc đoán có thể làm cớ để ta vấp phạm. Tôi sẽ lặp lại điều đã nói ban đầu, rằng bất cứ ai bị tổn thương chắc chắn đang chịu đựng điều ấy do chính tay mình, bởi nếu không, toàn bộ tạo vật sống trên toàn cõi đất này hợp lại cũng chẳng làm hại được đến người điều độ và canh thức trong Thiên Chúa.