Space Elephant, 1948 - Salvador Dali
1.
Đó là một con voi như bao con voi khác trên Trái Đất này, với chiếc vòi dài, cặp ngà cong và đôi tai lớn như hai cánh bướm khổng lồ. Chỉ khác ở chỗ, thay vào phần chân vững chắc như cây cột là bốn cái chân dài và mảnh, cao lêu nghêu như chân hồng hạc. Trên những cái chân ấy, voi chở chính mình và cả một khối hình trụ màu xanh trong suốt trên lưng, bên trong khối trụ là một chiếc đồng hồ đang tan chảy, nhỏ thành từng giọt.
Quả là một con voi kì lạ phải không, ngoài đời làm gì có con voi nào như vậy? Voi thì phải vững chãi như thế này này, và rồi bạn có thể chỉ cho tôi xem hàng loạt bức hình chụp những con voi da xám trên đồng cỏ, trong sở thú, chúng hẳn là bớt điên rồ so với con voi tôi vừa kể. Nhưng trên đời quả thực có một sinh vật như thế đấy. Tôi đang nói về một mô hình có tên Không Gian Voi của Dali được làm bằng vàng, kim cương và ngọc bích, lưu giữ tại bảo tàng Minami, Nhật Bản. Ngoài ra, còn nhiều con voi như thế, với những cặp chân mảnh khảnh vẫn lặng lẽ sống trong các tác phẩm khác của Dali – một họa sỹ Tây Ban Nha theo trường phái Siêu thực.
2.
Vào lúc đầu ngập đầy những dấu chấm hỏi với cuộc đời, tôi chợt nghĩ đến những con voi như thế. Im lìm, thong thả và chậm rãi, chúng bước đi êm ái với những khối nặng trên lưng, xuyên qua biển, qua núi, băng qua màn đêm, qua cả những cơn mơ của con người. Dali gọi những cặp chân ấy là “những cái chân vô hình của khao khát”, còn tôi gọi những con voi ấy là phần hiện thân cho góc sâu thẳm nhất trong mỗi con người. Diễn giải của tôi có thể khác với Dali, nhưng có hề gì, có thể đó chính là lý do ông tạo ra những con voi như vậy, để cho bất cứ ai tùy ý suy ngẫm về chúng, cho chúng một ý nghĩa.
Voi của Dali gợi tôi nhớ về một truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên cách đây khá lâu, về một cô gái luôn mơ về con voi màu đỏ sẽ đưa cô đi khắp thế giới. Những người xung quanh, gồm cả cậu bạn đang hẹn hò với cô, đều không buồn để tâm đến giấc mơ ấy. Sao lại là một con voi màu đỏ, sao không phải điều gì đó thực tế và dễ hiểu hơn, như các đĩa nhạc mới, quần áo đẹp, hay là trở thành một ai đó? Họ không hiểu rằng, một con voi màu đỏ cũng có thể quan trọng như mọi giấc mơ khác. Cho đến khi, một cậu bạn cùng lớp mang đến cho cô một con voi bằng đất nung được sơn màu đỏ thắm. Từ đó cô không còn lạc lõng với những mộng tưởng của chính mình. “Khắp Trái Đất này, những con voi màu đỏ đang lặng lẽ bước đi.” Câu chuyện đã khép lại như thế.
3.
Không phải là hay và an ủi lắm sao, khi tưởng tượng rằng khắp thế giới, có những con voi với chân như hồng hạc, chở trên lưng những ước mơ, khao khát, cả niềm vui, nỗi buồn, sợ hãi, và ti tỉ nỗi niềm của mọi con người, di chuyển khắp nơi. Voi của tôi, của bạn, của người già, trẻ nhỏ, của cô bán bánh mì, của anh giám đốc, của cậu học sinh mới chuyển trường, của ngôi sao điện ảnh…Ai cũng có con voi của riêng mình, dù hoàn cảnh ra sao, địa vị thế nào. Những người xung quanh có thể không biết, nhưng những con voi thì biết về nỗi cô đơn của con người.
Mà những nỗi cô đơn thì muôn hình vạn trạng.
Như khi một cậu bé vẽ hình một con trăn đang tiêu hóa một con voi và không người lớn nào hiểu được, họ khuyên cậu thay vì vẽ trăn và voi thì nên chú tâm vào học địa lý, toán, văn và sử.
Như khi một nhân viên trẻ tuổi của một hãng phim lớn ngồi khóc ở ga subway, giữa một thành phố hoa lệ bậc nhất thế giới, trong khi những người khác nghĩ rằng cậu đang sống giấc mơ của hàng ngàn bạn trẻ và mọi ngày của cậu đều trôi qua thật tuyệt vời.
Hoặc khi một cô gái đẹp nhận ra người ta chỉ nhìn vào sắc đẹp của cô và coi cô không hơn gì một con búp bê lộng lẫy. Như thể một cô gái đẹp thì chẳng bao giờ quan tâm đến điều gì khác ngoài sắc đẹp của chính mình. Yuriko trong Xấu của Natsuo Kirino là cô gái ấy. Người vây quanh cô, tán tụng cô rất nhiều, nhưng chẳng mấy ai thực sự muốn biết suy nghĩ của cô sau khuôn mặt như thiên thần. Cô thích gì, ghét gì, là kiểu người như thế nào, tất thảy đều như bong bóng trong mắt người khác.
Tôi đọc về Yuriko trong lúc nghĩ tới hai người bạn thời đi học. Thuở đó, hồi mà tôi bắt đầu cao lên và dần chú ý tới ngoại hình, trong trường tôi có hai nữ sinh luôn nhận lấy sự xôn xao ở mỗi nơi họ tới. Họ chính là những cô gái mang vẻ đẹp kiểu “Yuriko” ngoài đời thật, với khuôn mặt là niềm ao ước của rất nhiều người. Tôi đã quan sát sự rực rỡ và thu hút của họ, trong lòng có lúc ao ước và cả ghen tị. Hẳn là cuộc sống của họ thật dễ dàng khi sở hữu ngoại hình cuốn hút đến vậy. Cho đến khi tôi nghe thấy những lời mỉa mai từ cô giáo về cách ăn mặc và tiếng cười của đám đông khi rêu rao bảng điểm của hai người đó. Biết đâu hai cô bạn xinh đẹp ấy lại chính là những người chịu nhiều áp lực nhất trong trường, khi mà mọi hành động đều trở thành chủ đề bàn tán? Biết đâu họ cũng có những nỗi buồn không để ai nhìn thấy, giữa những thiên kiến và mặc định của đám đông?
Có lẽ tôi đã lớn hơn một chút kể từ lúc bắt đầu hiểu được sự lẻ loi của một trong hai người bạn, khi đọc lá thư cô ấy viết về nỗi ấm ức khi bị phân biệt đối xử trong lớp, dù đã rất cố gắng để được nhìn nhận một cách công bằng, như một người không chỉ có sắc đẹp. Người ta có thể rất đẹp mà vẫn cô đơn.
4.
“Chẳng ai muốn một mình nhiều đến thế.” (Rừng Na Uy, Haruki Murakami)
Vậy mà, dù muốn hay không, vẫn có một lúc nào đó ngồi thừ ở một trạm dừng xe bus từ chiều đến tối, không biết đi đâu, để xe cộ, dòng người và ánh đèn chảy trôi trước mắt, với nhạc nền là bài Yellow của Coldplay văng vẳng trong đầu.
“Nhìn những vì sao
Xem chúng đang soi sáng cho em
Và cho mọi thứ em làm
Tất cả đều có màu vàng”
Những ngôi sao màu vàng. Tình yêu màu vàng. Con người màu vàng. Bài hát sao mà kì cục, nhưng lại dịu dàng như một tách trà ấm trong chiều đông. Bạn cứ tưởng là chẳng ai hiểu mình, nhưng vẫn có những vì sao sáng trên cao kia chờ đợi bạn ngắm nhìn. Bạn cứ tưởng chỉ mình bạn loay hoay với hàng tá nỗi niềm, nhưng kì thực trong số những người đang lướt qua bạn ngoài kia, ai cũng mang những con voi của riêng họ.
5.
Tôi gặp gỡ những con voi của Dali lần đầu qua một quyển sách tranh nằm khuất trong góc sách giảm giá. Không rõ nó đã nằm ở đó được bao lâu trước khi tôi đến. Ngoài 20 tuổi tôi mới biết đến Dali – một trong những nghệ sỹ siêu thực nổi tiếng nhất thế giới. Vào những năm tháng cuối đời, tên tuổi Dali phổ biến đến độ thư từ chỉ cần vẽ bộ ria huyền thoại của ông và chữ Espanã (Tây Ban Nha) là sẽ đến thẳng tay họa sỹ. Với sức sáng tạo mãnh liệt và độc đáo, Dali tạo ra những cái đồng hồ mềm nhũn tan chảy, những cái đầu đầy mây, con hươu cao cổ cháy cùng con voi chân dài mảnh khảnh.
Luôn có những người như vậy trên thế giới này, bận rộn lang thang giữa những hành lang của kí ức và tưởng tượng, trút một phần tâm hồn vào những quyển sách, bộ phim, bức tranh, bài hát. Đó là cách nghệ thuật được tạo ra, bằng việc tạc lại những giấc mơ, hạnh phúc, khổ đau và cả sự cô đơn của người nghệ sỹ. Để rồi, bền bỉ và thầm lặng, chúng hàn gắn và kết nối con người. Nghệ thuật như một cánh cửa mà bất cứ ai, vào lúc hân hoan nhất hay mỏi mệt nhất, cũng có thể mở ra, bước vào và tìm thấy một thứ gì đó, như một bông hồng, một cánh hạc, một con chim sơn ca, một cái đồng hồ cát, một rừng mưa nhiệt đới. Và hy vọng. Như lúc đọc quyển sách tranh đó, tôi đã cảm thấy mình được lắng nghe.
Kí ức về buổi chiều tối ngồi trong vô định ở trạm dừng xe bus chỉ còn nằm lại như một con đom đóm sáng xanh giữa trời đêm. Tôi vẫn có những lúc đi lạc, có lúc bị tổn thương, nhưng giờ đây đã có thể bình tĩnh chờ đợi mình hồi phục để tìm lối ra. Tôi không bỏ rơi “không gian voi” của mình mà chỉ làm quen với nó, hiểu mình và học cách hiểu người khác.
Và, thật lạ lùng, con người ta vẫn luôn chạm được đến nhau, dù là qua một bức tranh, một bản nhạc, một chương trình radio đêm khuya, một lời chia sẻ trên mạng, một cuộc điện thoại…Những kết nối trên thế giới có thể ngày càng mong manh hơn, và bản chất của con người có thể vẫn gắn liền với nỗi cô đơn, nhưng tôi tin rằng ai cũng đều được lắng nghe và thấu hiểu theo một cách nào đó, chỉ là ta chưa nhận ra. Vẫn có những người không coi con voi màu đỏ là điều ngớ ngẩn, hay bức vẽ một con voi nuốt một con trăn là thứ vô dụng, và kiên nhẫn với bạn dù bạn bị dán nhãn nhiều thế nào. Đến một lúc nào đó, người ấy sẽ xuất hiện.
6.
Sự thật là, tôi cũng có một con voi màu đỏ, bằng nhựa, là một món đồ chơi ngày bé. Vậy nên đọc xong truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên, tôi chỉ muốn chạy đến nói với nhân vật nữ, nếu như cô ấy có thật, rằng cô không phải là người duy nhất biết về sự tồn tại của con voi. Chỉ là giả định thôi, bởi đó là một truyện ngắn. Nhưng, như J.K. Rowling từng viết, chỉ vì nó tồn tại trong đầu chúng ta đâu có nghĩa là nó không có thật? Và suốt cả đêm lẫn ngày, khắp thế gian này, những con voi vẫn lặng lẽ bước đi.
Việt Anh