Có lẽ cụm từ Start-up đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ ngày nay khi làn sóng truyền thông lẫn các chính sách chính phủ đều hướng đến việc khuyến khích hoạt động sáng tạo, từ đó "khởi nghiệp" nên các công ty tiềm năng nhằm mang đến giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ tác động của việc khuyến khích này khi dễ dàng nhìn thấy một banner của chương trình Techfest hay một góc rất riêng mang tên "startup" trên báo VnExpress. Đáng chú ý, các cuộc thi khởi nghiệp với đủ loại quy mô và đa dạng cách thức tổ chức đã xuất hiện ngày một nhiều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,... khiến cho những bạn trẻ luôn rạo rực một tâm thế khởi nghiệp.
Điểm tốt ở đây là tinh thần khởi nghiệp được nâng cao chưa từng có so với thời đại trước đây, khi mà cơm áo gạo tiền vẫn còn là một gánh nặng. Ngày nay, chúng ta có thể không quá quan tâm đến việc hôm nay ăn gì, tốn bao nhiêu tiền và có thể dành hàng giờ để nhìn ngắm xung quanh, nhận ra vấn đề và tìm tòi hướng giải quyết.
Điểm chưa tốt ở đây có thể dễ dàng nhận ra với một thuật ngữ khá quen thuộc trong giới startup thế giới: Catch-22.
"How can I get any experience until I get a job that gives me experience?" – Brantley Foster
Catch-22 được hiểu nôm na là khi bạn 22 tuổi, bạn tốt nghiệp đại học và đi ứng tuyển khi chưa có kinh nghiệm nhưng hầu hết tất cả công ty đều yêu cầu ứng viên phải "có kinh nghiệm x năm". Đó là một nghịch lý mà khi nhìn dưới góc độ startup, làm thế nào để nguồn lực - ý tưởng, nơi mà founder phải giải quyết vấn đề (xin việc) với nguồn lực hạn chế (kinh nghiệm). Và đó cũng chính là vấn đề lớn nhất mà một startup luôn gặp phải và phải tìm hướng giải quyết thật sự xuất sắc. Chính vì vậy mà trong các early-startup, các nhà đầu tư luôn nhìn vào đội ngũ để đánh giá tiềm năng bởi vì ý tưởng thực sự không quan trọng, điều quan trọng là khả năng thực thi (executive).
Quay lại với thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay với độ tuổi từ 9x đến 2005, chúng ta có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nhìn ngắm thế giới với một con mắt hoàn toàn khác. Chúng ta có thể kiếm tiền rất sớm từ mạng xã hội như Facebook, Tiktok mà không cần mất quá nhiều thời gian cho việc học tại trường lớp. Và vì vậy mà việc học đại học cũng mang một mục đích rất khác so với cha ông, khi mà việc tìm kiếm công việc "ổn định" không hẳn là ưu tiên hàng đầu với tất cả mọi người. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ năng động, tư duy và kĩ năng tốt, luôn ấp ủ trong người các dự án, sản phẩm mà một khi được hiện thực hóa, nó có thể trở thành một giải pháp tốt, một startup tốt cho đất nước.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Có nên theo đuổi việc khởi nghiệp khi còn trên ghế giảng đường?